Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

SỨC MẠNH SÁNG TẠO VÀ CHỮA LÀNH

Lm. Phaolô. Đoàn Thanh Phong

Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, người ta kể lại rằng: một hôm, trên đường ngang qua một khu rừng, Ngài rơi vào tay một tên cướp khét tiếng. Sau khi lục soát mà chẳng tìm được gì đáng giá, tên cướp rút gươm định giết Ngài. Nhưng vì cành lá rậm rạp, hắn không thể nào hạ sát được. Đức Thích Ca bảo tên cướp: “Muốn kết thúc mạng sống của Ta, ngươi phải chặt đứt các cành cây trước đã!”. Chỉ trong chớp mắt, cành cây bị lưỡi gươm chém đứt. Đức Thích Ca liền nói: “Nào, bây giờ ngươi hãy tháp cành cây vào chỗ cũ của nó!”. Tên cướp trợn mắt hét lên: “Ngươi quả là một tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó”. Đức Thích Ca mỉm cười và khẽ khàng nói: “Chính ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh của con người là gây thương tích và phá hủy. Người có sức mạnh thật sự là người chỉ biết sáng tạo và chữa lành mà thôi.”
Những lời của Đức Thích Ca trong câu chuyện trên là một diễn tả thật rõ nét về dung mạo của Chúa Giêsu- Đấng được sai đến “Không phải để xét xử, nhưng để phục hồi những gì đã hư mất. Đấng được sai đến không phải để đoán phạt, nhưng để cho con người được sống và sống thật dồi dào”. Thật vậy, trong trang Tin mừng vừa nghe, thánh Marcô đã thuật lại việc Chúa Giêsu thực hiện một cử chỉ nhẹ nhàng nhưng đã đem lại một sức mạnh lớn lao, một cử chỉ đơn giản nhưng lại có sức sáng tạo và chữa lành thật đáng khâm phục với một người cùi. Bởi, ở Palestina thời Chúa Giêsu, phong cùi được coi là căn bệnh ghê tởm và khủng khiếp hơn tất cả những thứ bệnh. Ghê tởm và khủng khiếp vì đây là căn bệnh nan y, với những cơn đau kéo dài, thân thể bị biến dạng, bị hủy hoại dần dần từ ngày này sang ngày khác. Hơn nữa, theo luật lệ, ai tiếp xúc với người cùi điều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người cùi thì bị coi như phạm tội. Vì thế, điều khủng khiếp nhất đối với người cùi không phải là những cơn đau thể xác mà chính là sự khốn khổ nhức nhối trong tâm hồn vì bị khinh bỉ và bị ruồng bỏ. Chưa có bệnh tật nào lại phân rẽ một người với anh em, với đồng bào mình như bệnh phong hủi, chưa có người bệnh nào bị xua đuổi, ruồng rẫy, bỏ rơi như người bị cùi. Nhưng đó lại là căn bệnh được Chúa Giêsu quan tâm chữa lành. Trong bài Tin Mừng (Mc 1,40-45), thánh Marcô đã cho thấy: Khi người bị bệnh phong cùi đến xin Chúa chữa lành bệnh: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương, Chúa Giêsu đã nói: “Ta muốn anh hãy khỏi bệnh”. Khi nói lời ấy, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ thật sáng tạo: bất ngờ và táo bạo. Bất ngờ vì Chúa Giêsu đã làm điều mà không ai dám làm; táo bạo vì Chúa Giêsu không sợ lây bệnh, không sợ ô uế, không sợ phạm tội. Đó là Ngài giơ tay chạm đến người bị bệnh phong cùi để chữa lành cho anh ta. Cái chạm tay của Chúa Giêsu vào người phong cùi có sức mạnh chuyển thông tình yêu cao cả của Thiên Chúa cho một con người khốn cùng. Cái chạm tay của Chúa Giêsu vào người phong cùi có sức mạnh phá vỡ mọi cấm kỵ, mọi rào cản ngăn cách giữa con người với nhau. Cái chạm tay của Chúa Giêsu vào người phong cùi đã biểu lộ tình yêu cao vời của Thiên Chúa có sức mạnh nâng dậy một con người đang gục ngã. Cái chạm tay của Chúa Giêsu đã mở ra con đường sống cho kẻ đã và đang bị án tử. Cái chạm tay của Chúa Giêsu đã đem lại cho luật lệ “cứng nhắc” một ý nghĩa mới. Thật thế, khi Chúa Giêsu chạm tay đến thân xác lở loét của người cùi, Chúa muốn xoa dịu vết thương đau xót của người ấy và trả lại phẩm giá cho một con người đã bị đẩy xuống đáy xã hội. Nếu như trước đây, người phong cùi bị xua đuổi ra khỏi cuộc sống, thì hôm nay, bàn tay nhân lành của Chúa đã mở ra cho anh cánh cửa để anh trở lại tái hội nhập vào đời sống xã hội. Từ đó, anh tìm lại được phẩm giá và danh dự của mình. Anh được trở lại với cộng đoàn, nơi anh đã từng chung sống. Anh đã thật sự lấy lại được niềm tin đã đánh mất và niềm vui trong lòng anh quá lớn khiến anh đi loan báo khắp nơi.
Ngày nay, y học hiện đại bằng những phương thế hiệu quả đã có thể chặn đứng, loại trừ bệnh phong và khôi phục lại các chức năng thể chất cho người bệnh. Nhưng có điều chắc chắn rằng dù y học có hiện đại đến đâu, có sáng tạo đến mấy cũng không thể chữa được căn bệnh cùi đã bị biến chứng, đã bị lây lan khắp nơi. Đó là bệnh cùi tâm hồn.
Thật vậy, bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta cũng đang bước vào một thời đại mới, với nhiều thiết bị kết nối siêu hạng như mạng không dây, điện thoại di dộng, cùng nhiều tiện nghi hiện đại. Với những phương tiện như thế, cuộc sống lẽ ra phải tốt đẹp hơn với bao nhiêu hứa hẹn. Nhưng, thực tế lại khác hẳn: nhiều người đang dần dần trở nên xa cách với mọi người, trở thành xa lạ giữa những người thân quen, xa lạ với cả chính bản thân mình. Họ không còn thời gian dành cho chính mình. Và dù tay chân vẫn lành lặn, nhưng cuộc sống của họ đã bị biến tướng. Họ đang biến mình thành một người khác – một người cùi mà không biết mình bị cùi, một người cùi cô độc trong tòa pháo đài của vị kỷ: sống chung mà như tách lìa, sống giữa mà như ở bên ngòai. Vì họ cứ mải mê với vẻ hào nhoáng của vật chất, danh vọng để rồi không còn thời giờ để sống với gia đình, bạn bè, làng xóm.
Nếu như y học hiện đại bó tay không thể chữa lành bệnh cùi tâm hồn cho nhiều người thì bằng tình yêu thương, bằng “Bàn tay quyền năng” đầy lòng thương xót của mình, Chúa Giêsu hôm nay vẫn không ngừng sáng tạo, tìm kiếm và chữa lành, không ngừng tìm cách để chạm đến những người đã bị cùi tâm hồn, để giải thoát họ khỏi bệnh và đưa họ trở lại cuộc sống làm người, về lại với gia đình, làng xóm, với ước mơ, khát vọng và những dự phóng tương lai. Cho nên, điều Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta là có cần thiết không – “Bàn Tay quyền năng” chỉ biết sáng tạo và chữa lành của Chúa trong cuộc sống của mỗi chúng ta?

Lm. Phaolô Đoàn Thanh Phong

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*