Vai trò của Thánh Nhạc theo ‘De Musica Sacra Et Sacra Liturgia’ (Kì III)
Plato, một triết gia Hy Lạp thế kỉ IV trước Công Nguyên nói: “Một thiếu nhi được giáo dục trong âm nhạc sẽ nhận ra cách chính xác những gì là bất toàn và thiếu sót trong các công trình của thiên nhiên và nghệ thuật. Em sẽ nhìn những gì không lương thiện với lòng khinh bỉ và gớm ghét. Âm nhạc giúp em mở rộng tâm hồn đón nhận những vẻ đẹp của cuộc đời, và lấy nó làm nuôi dưỡng tâm hồn mình” (Trích trong tập sách: “Nền Cộng Hòa”, số 401e). Đúng như Platô nhận định: âm nhạc rèn luyện cảm xúc và chạm đến tận tình cảm, lý trí và ý chí con người. Nhưng nó cũng có thể tạo nên hậu quả ngược lại, làm cùn mọn thị hiếu khi người ta được đẩy tới tình trạng ngây ngất quá sớm mà không cần cố gắng, không tài năng hay luyện tập. Âm nhạc được xử dụng như một thứ kích thích đẩy người ta đến những cảm nghiệm ngày càng mãnh liệt hơn nhưng đồng thời cũng hời hợt hơn. Âm nhạc ví như con dao hai lưỡi sắc bén. Giống như sứ điệp trong câu chuyện “Người thổi sáo” của Hamelin mà người viết đã trình bày ở kì 1: Cùng một nhạc cụ vừa cứu thành phố khỏi dịch hạch, vừa đưa trẻ em tới cái chết, khiến cho tương lai thành phố bị đe dọa.
Đối với rất nhiều người hôm nay, âm nhạc đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Hàng trăm ngàn website lớn nhỏ về âm nhạc trên Internet là bằng chứng hùng hồn cho sự cần thiết của âm nhạc. Âm nhạc và ngành công nghiệp thâu thanh là một dịch vụ béo bở hàng năm mang về hàng tỉ mỹ kim cho các ông chủ của các hãng thu âm, băng dĩa…
Âm nhạc chỉ đóng góp sự hữu ích của mình khi biến cuộc đời mỗi Kitô hữu thành một Phụng vụ liên tục. Như lời Huấn Thị “De Musica Sacra et Sacra Liturgia” đã dạy: Các nhạc sĩ Công Giáo (giám mục, linh mục, giáo dân) và các Ca đoàn phải ý thức trách nhiệm của mình, vì khi họ hát là họ ca ngợi Chúa và trở thành người chăn dắt các linh hồn. Bởi lời ca, nốt nhạc của họ lôi kéo các tín hữu tới Chúa, tập họp Dân Chúa, hiệp nhất Dân Chúa.
Huấn thị “De Musica Sacra et Sacra Liturgia” số 93 phân chia thứ tự ưu tiên của những người giữ các phần việc trong Thánh nhạc: trước tiên là linh mục (hay chủ tế), sau là các giáo sĩ hát trong ca đoàn hoặc trường thánh nhạc (schola cantorum), rồi đến giáo dân. Nếu là ca viên, giáo dân phải thuộc ca đoàn hoặc thuộc trường thánh nhạc. “Nếu không thể lập được ca đoàn hoặc trường thánh nhạc gồm toàn nam giới, có thể cho phép ca đoàn giáo dân gồm vừa nam vừa nữ hoặc chỉ toàn nữ giới mà thôi. Nhưng chỗ của ca đoàn này phải ở ngoài gian cung thánh ” (Huấn thị số100). (Theo truyền thống xưa, chỉ những người nam mới được hát trong ca đoàn. Có riêng một ca đoàn gồm toàn những nam nhân bị hoạn hát giọng nam cao (?) phục vụ việc hát Thánh Ca. Truyền thống này ngày nay đã bị phá bỏ).
“De Musica Sacra et Sacra Liturgia” cũng gợi ý việc hát đối đáp giữa các thừa tác viên và giáo dân tham dự Phụng vụ “như là hình thức tham dự hoàn hảo nhất vào Phụng vụ”. Huấn thị cũng khuyến khích phải có sách hát chung cho giáo dân gồm những bài ca giản dị. Huấn thị cũng mời gọi cộng đoàn ca hát hãy hát bản văn chính xác của Phụng vụ chứ không chỉ bằng lòng với một vài ca khúc mới trong khi cử hành phụng vụ, cho dù lời và nhạc của các ca khúc này có diễm lệ và thu hút đến đâu chăng nữa. Điều này cho đến nay vẫn còn thích hợp, bởi ngày nay khá nhiều ca khúc Thánh ca trong Phụng vụ mà ta vẫn nghe đâu đó có những ca từ mùi mẫn, trần tục, lả lướt. Tuy mới nghe có vẻ khơi gợi những tình cảm gần gũi, nhưng thực sự lại mang tính trần tục, không đúng với tinh thần Thánh ca trong Phụng vụ Kitô giáo.
Có thể nói Thánh Ca là một khoa sư phạm ưu việt để chuyển tải các chân lý đức tin. Nếu thời Trung cổ, nghệ thuật tạo hình là bản Kinh Thánh cho người mù, thì ngày nay Tin Mừng phải được diễn tả bằng ngôn ngữ thính thị. Huấn Thị “De Musica Sacra et Sacra Liturgia” cho đến nay vẫn được coi là chiếc la bàn chỉ phương hướng cho nền Thánh nhạc Phụng vụ Công giáo tiến bước. Vai trò của Thánh nhạc đã được Giáo huấn Giáo Hội làm nổi bật từ xa xưa. Ước mong những vị hữu trách và những người ca hát thấy được vai trò của Thánh nhạc-Thánh ca và chỗ đứng ưu ái mà Giáo Hội đã dành cho họ, để ngày càng góp phần mình làm thăng tiến kho tàng Thánh Nhạc của Giáo Hội – một kho tàng mang tính thánh thiêng và siêu việt.
Lêvi
Nhận xét góp ý