YÊU MẾN VÀ HƯỚNG LÒNG VỀ QUÊ TRỜI
Lm. Giusr Đỗ Đức Trí
Thưa quý OBACE, ngày tết ngày lễ, ai cũng mong được trở về quê và tìm mọi cách để được sum họp bên gia đình. Khi làm ăn xa quê, hoặc những người đi làm nước ngoài, tuy thể xác đang gắn bó với công việc, với cuộc sống hiện tại, nhưng lòng luôn nhớ về quê nhà. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê đã thấm sâu vào xương máu của người Việt, quê hương luôn là kỷ niệm, là điều gợi nhớ về một thời ấu thơ vui buồn. Nhưng quan trọng hơn vì quê hương là nơi có ngôi nhà, thửa vườn, là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có cha mẹ, người thân và bạn hữu luôn đợi chờ, mong ngóng và cũng là nơi có mồ mả ông bà tổ tiên cội nguồn.
Bên cạnh quê hương trần thế là một nơi chốn trên trái đất này, thì chúng ta còn có một quê hương vĩnh hằng, cội nguồn đích thật đó là Quê Trời hay còn gọi là Thiên Đàng. Đây chính là nơi mà chúng ta từ đó ra đi vào đời và cũng là nơi tất cả mỗi người sẽ trở về. Quê Trời là nơi Thiên Chúa là Cha luôn chờ đón mỗi chúng ta và là nơi chúng ta cũng được gặp lại ông bà cha mẹ và người thân của mình, cùng xum họp trong Nhà của Thiên Chúa.
Hôm nay mừng lễ Chúa Giêsu Về Trời, Giáo Hội muốn nhắc mỗi người nhớ rằng: quê hương đích thực của chúng ta chính là Quê Trời. Chúa Giêsu về Trời hôm nay là Đấng đi trước mở đường để chúng ta đi theo Người. Với con người tự nhiên mang thân phận cát bụi, chúng ta bị lạc lối, không thể về Trời, nhưng chính Đức Giêsu – Con Thiên Chúa đã hạ mình mang lấy thân phận con người cát bụi như chúng ta, Người đã dùng quyền năng Thiên Chúa, qua cuộc tử nạn và phục sinh để cứu chuộc nhân loại. Không chỉ thế, Người còn nâng chúng ta lên làm nghĩa tử, gọi ta là anh em của Người, và sẽ đưa chúng ta cùng vào Quê Trời vinh phúc.
Bài đọc một sách Công Vụ thuật lại sự kiện Chúa về Trời với nhiều hình ảnh và ý nghĩa. Trước hết, tác giả đã tóm kết lại sứ mạng của Chúa Giêsu từ khi Người xuất hiện đến khi tuyển chọn các tông đồ để cùng Người đi rao giảng, sau đó Người chịu tử nạn và phục sinh. Tuy nhiên, các tông đồ đã không dễ dàng đón nhận mầu nhiệm Chúa phục sinh, và vì thế Chúa Giêsu đã phải dùng nhiều cách thế để giúp các ông tin. Trước khi chia tay với các tông đồ, Chúa Giêsu còn hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần để củng cố đức tin và trợ giúp các tông đồ trong sứ mạng mà Người trao cho các ông, đó là sứ mạng: Rao giảng Tin Mừng Phục Sinh và làm chứng cho Người từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất.
Sách Công Vụ kể lại: “Khi nói xong, Người được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây bao phủ Người khiến các ông không còn thấy Người nữa.” Điều này muốn cho thấy: Chúa Giêsu được cất lên cao nhằm diễn tả việc Đức Giêsu sau khi đã vâng phục thánh ý và thực hiện tốt đẹp chương trình cứu chuộc thế gian, nay Người trở về với Chúa Cha trong vinh quang của một Vị Thiên Chúa. Khi mang thân phận con người để bước vào trần gian, Chúa Giêsu đã chịu sự giới hạn của thân xác, nay Người trở về Trời với địa vị của một Thiên Chúa quyền năng, Đấng tạo dựng và quan phòng, đồng thời là Đấng cứu chuộc con người. Chúa Giêsu về Trời không phải Người vĩnh viễn rời bỏ thế gian, nhưng chỉ là Người đã thay đổi cách thức hiện diện. Từ nay, Chúa không hiện diện với các tông đồ bằng xương bằng thịt, nhưng Người hiện diện bằng quyền năng và Thánh Thần mà mắt thường của con người bị “mây che phủ” nên không thể nhìn thấy Người.
Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Êphêsô đã giải thích việc Chúa Giêsu được đưa về Trời với một giáo lý quan trọng: Chúa Giêsu sau khi đã hoàn thành chương trình cứu độ, thì Thiên Chúa Cha đã đưa Người về Trời và đặt Người bên hữu Ngài trên Trời. Đó chính là cách Thiên Chúa Cha tôn vinh Đức Giêsu Kitô và trao cho Người mọi quyền lực thần thiêng trên mọi tước vị có được; Thiên Chúa Cha còn đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu của Hội Thánh là thân thể của Người. Như vậy có nghĩa là, một khi Chúa Giêsu là đầu đi trước đến đâu, thì Hội Thánh là thân thể của Người cũng sẽ được đi theo đến đó. Chúa Giêsu được đưa về Trời, được trao quyền năng và vinh quang, thì Hội Thánh cũng được chia sẻ Nước Trời và vinh quang cùng với Chúa Giêsu như vậy.
Đang lúc các tông đồ còn đưa mắt nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? … Đức Giêsu cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” Điều này nhắc cho các tông đồ và mỗi chúng ta, trong khi hướng lòng về Trời thì đừng bỏ quên bổn phận tại trần thế mà Chúa đã trao: Đó là sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa và là chứng nhân cho Người đến tận cùng trái đất. Vì thế các ông được mời gọi phải quay về với cuộc sống hiện tại và nhiệt tâm thực thi sứ mạng Chúa đã tin tưởng trao phó. Các ông sẽ thực hiện sứ mạng này với niềm tin rằng: Có Chúa cùng hoạt động với các ông và với niềm hy vọng cách chắc chắn: Người sẽ trở lại trong vinh quang y như các ông đã thấy Người lên trời.
Thánh Luca trong đoạn Tin Mừng hôm nay tóm tắt khung cảnh Chúa Giêsu lên trời trong niềm tin tưởng và hy vọng của các tông đồ. Mặc dù giờ chia tay với các môn đệ đã đến, nhưng lại không phải là cuộc chia tay trong buồn bã, mà là cuộc chia tay trong sự tin tưởng trao gửi sứ mạng. Chúa Giêsu luôn nhắc cho các môn đệ phải thường xuyên đọc lại những gì Kinh Thánh đã chép về Người. Vì qua Kinh Thánh, các môn đệ sẽ khám phá và nhận biết về Chúa Giêsu và sứ mạng của Người cách chính xác hơn và được củng cố đức tin cách mạnh mẽ nhất. Chỉ khi các môn đệ xác tín vào Chúa Giêsu, các ông mới có thể nhân danh Chúa Giêsu để rao giảng và kêu gọi mọi người sám hối hầu được ơn tha tội. Các môn đệ sẽ trở thành những người cầm buộc và tháo cởi, tha thứ và chữa lành, không phải bởi sức mạnh cá nhân, nhưng là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần mà các ông đã lãnh nhận. Thánh Luca cũng cho thấy, lúc Chúa Giêsu được cất lên cao cũng là lúc các môn đệ đã tin Thầy của họ – Đức Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa: Người chúc lành cho các ông, còn các môn đệ thì bái lạy Người. Các môn đệ trở về Giêrusalem trong niềm vui tươi, phấn khởi và bình an. Các ông không còn chút sợ hãi hoặc lo lắng nào ngoài việc: … hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, trong ngắm thứ hai Mùa Mừng, chúng ta đọc: “Thứ hai, Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.” Xin như thế, nhưng nhiều người đã không còn yêu mến, không còn quan tâm đến Quê Trời và cuộc trở về của mình, họ đã dồn tất cả năng lực, thời gian và cuộc sống cho trần gian này. Nhiều người vẫn không muốn trở về, vẫn muốn níu kéo để ở lại trần gian, cho dẫu biết rằng trần gian là bể khổ. Thậm chí nhiều người Kitô hữu tin Chúa, nhưng lại sống cuộc sống như thể không có Chúa, làm nhiều việc gian dối như thể Chúa không nhìn thấy họ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người nhận ra sự hiện diện cụ thể và sống động của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình. Chúa vẫn đang đồng hành, ở kề bên và trợ giúp mỗi người trong từng hoàn cảnh, chỉ có điều là mắt chúng ta bị “mây che phủ” nên không nhận ra Người. Chúa vẫn hiện diện với chúng ta qua Kinh Thánh mà chúng ta nghe và suy gẫm mỗi ngày khi tham dự thánh lễ hoặc trong giờ kinh gia đình, để soi sáng, hướng dẫn, nâng đỡ và an ủi. Nhất là Chúa vẫn hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng, gia tăng sức mạnh, giúp mỗi người vượt qua khó khăn của cuộc đời.
Chúa cũng đã tin tưởng trao phó cho mỗi người sứ mạng làm chứng cho Chúa và loan báo Tin Mừng của Người cho đến tận cùng trái đất. Chúng ta không thể ngồi yên hay chờ đợi, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà ta đã lãnh nhận, mỗi người phải bắt đầu với vai trò, nhiệm vụ làm chứng nhân cho Chúa từ trong gia đình, đến nơi làm việc; các bậc cha mẹ sẽ phải là những người giúp cho con cái nhận biết Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Để có thể nhận biết cách chính xác về Chúa Giêsu, mỗi người, mỗi gia đình cần phải chuyên chăm hơn trong việc đọc, lắng nghe, và suy gẫm Kinh Thánh.
Thực tế, nhiều Kitô hữu nói về Chúa Giêsu một cách méo mó, nói về Kinh Thánh cách lệch lạc, xuyên tạc, chắp vá, bởi vì chúng ta ít đọc, ít nghe và suy gẫm Kinh Thánh. Nhất là chúng ta chưa dám để cho Lời của Chúa cắt tỉa, uốn nắn cuộc sống của mình. Chúng ta thích dùng Lời Chúa để soi mói, dạy khôn, chỉ trích người khác mà lại không dám để Lời Chúa chất vấn cắt tỉa chính mình.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban thêm sức mạnh, ơn can đảm, lửa yêu mến cho chúng ta và biến mỗi người chúng ta trở thành những chứng nhân trung tín, nhiệt thành và đáng tin của Chúa Giêsu Kitô cho mọi người chung quanh. Amen.
Nhận xét góp ý