Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Sáu 2025
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 5    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CHÚA THÁNH THẦN LÀ SỨC SỐNG CỦA GIÁO HỘI

Lm Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT VI PS:

Thưa quý OBACE, quan sát thiên nhiên sau những ngày nắng hạn, chúng ta thấy cây cối, vạn vật dường như khô cằn, tàn lụi, héo úa dưới cái nóng thiêu đốt của mặt trời. Cây cối chung quanh đây, mặc dù được chăm tưới hàng ngày nhưng dường như cũng không thể xanh tốt trong tiết trời oi bức. Thế nhưng, chỉ cần một cơn mưa đầu mùa thì ngay lập tức những mầm cây, ngọn cỏ, những lá non xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống, nhú ra chỉ sau một đêm như được hồi sinh sau giấc ngủ dài. Khi mùa mưa đến, vạn vật bỗng trở nên rạng rỡ, đâm chồi nảy lộc và trổ sinh hoa trái.
Chúng ta có thể dùng hình ảnh cơn mưa đầu mùa để nói về Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội. Mặc dù Chúa Thánh Thần luôn hoạt động với Chúa Giêsu trong công trình cứu chuộc và có nhiều lần Tin Mừng nói về sự hiện diện và hoạt động của Ngài, nhưng hôm nay, Chúa Giêsu nói một cách rõ ràng về Chúa Thánh Thần như Đấng Bảo Trợ sẽ được trao ban cho các tông đồ và Giáo Hội. Chúa Thánh Thần như một “Cơn mưa hồng ân” – Ngài sẽ hoạt động, hướng dẫn và trở thành sức sống cho Giáo Hội, làm cho Giáo Hội trổ sinh hoa trái.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến việc thiết lập tương quan của chúng ta với Thiên Chúa: Những người yêu mến Chúa Giêsu, gắn bó với Người bằng việc tuân giữa lời Người truyền dạy, thì sẽ sống tình huynh đệ, bằng hữu với Người. Những ai yêu mến Chúa Giêsu còn được đưa vào trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa Cha. Nếu như Chúa Giêsu đã sống trong sự yêu mến và vâng phục Chúa Cha, thì những ai yêu mến và vâng phục Chúa Giêsu cũng sẽ vâng phục và yêu mến Thiên Chúa Cha và được Chúa Cha yêu mến như Ngài yêu mến Chúa Giêsu – Con của Ngài: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy… Cha và Thầy sẽ đến ở trong người ấy.”
Chúa Giêsu cũng biết rất rõ con người chúng ta yếu đuối, nếu không có sự trợ giúp thì không thể yêu mến, vâng phục và tuân giữ lời của Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, để Thánh Thần như người bạn đồng hành trợ giúp, như người Thầy hướng dẫn và là “Quân sư” để khơi gợi, giúp chúng ta nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói.” Một khi đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, trở nên những học trò dễ dạy bảo của Chúa Thánh Thần, Thánh Thần sẽ là sức mạnh giúp ta sống và hoạt động trong bình an cho dù có gặp nghịch cảnh hay khó khăn thử thách: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy không theo kiểu thế gian.” Bình an của Chúa Giêsu ban tặng cho các môn đệ chính là sự bình an trong Chúa Thánh Thần, bình an trong tâm hồn, để các tông đồ và cả Giáo Hội ra đi loan báo về Chúa Giêsu phục sinh cho thế giới.
Chính nhờ món quà và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã toả đi muôn nơi để loan báo Tin mừng Phục sinh cho thế giới. Các tông đồ đã gặp muôn vàn khó khăn thử thách từ dân ngoại, từ sự cản trở bách hại của những người đồng hương Do Thái, nhưng các tông đồ vẫn ra đi trong niềm hân hoan và sự bình an ngập tràn trong tâm hồn. Câu chuyện trong sách Công Vụ hôm nay là một sự kiện hết sức quan trọng. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp các tông đồ đưa ra những quyết định sáng suốt và là bước ngoặt quan trọng mở ra một hướng đi mới cho Giáo Hội.
Lúc đó, có nhiều người gốc dân ngoại tại các vùng miền chung quanh đã tin vào Chúa Giêsu và đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi nơi Giáo hội sơ khai, đó là những người Do Thái tuy đã tin theo Tin Mừng của Chúa Giêsu, nhưng vẫn muốn duy trì và tuân giữ một số tập tục của Do Thái Giáo như việc cắt bì, kiêng một số đồ ăn theo luật Môsê. Cuộc tranh luận đã đến hồi gay gắt. Tông đồ Phaolô và Barnaba hết sức phản đối và kêu gọi mọi người chỉ cần tin vào Đức Giêsu và tuân giữ luật của Tin Mừng thì sẽ được cứu độ, không cần phải giữ luật Môsê và không cần phải chịu phép cắt bì nữa. Vấn đề không thể giải quyết, vì thế ông Phaolô và Barnaba đã lên Giêrusalem gặp các tông đồ để xin ý kiến các ngài về vấn đề này.
Chính Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đã hoạt động trên các tông đồ trong cuộc họp quan trọng này. Sự kiện này vẫn được coi là Công Đồng đầu tiên do Phêrô và các tông đồ nhóm họp. Sau khi họp bàn để giải quyết vấn đề, Phêrô trong tư cách là thủ lãnh Giáo Hội đã cử ông Phaolô và Barnaba quay trở lại Antiôkia để thông báo quyết định chung của các tông đồ. Trong thông báo này, Phêrô cho biết có những người đã cố tình gây hoang mang, xáo trộn trong các cộng đoàn, họ không phải là những người được các tông đồ sai đến. Đồng thời, Phêrô đã giới thiệu hai ông Phaolô và Barnaba là những người chính thức được các tông đồ cử đến với cộng đoàn để giảng dạy, hướng dẫn cộng đoàn. Đồng hành với các tông đồ còn có thêm hai ông Giuđa và ông Xila, để long trọng tuyên bố quyết định chung của các tông đồ: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào, trừ việc kiêng ăn đồ cúng và những con vật chết mà không cắt tiết, tránh gian dâm…”
Lời tuyên bố này cho thấy, các tông đồ không quyết định với tính cách cá nhân, nhưng đưa ra quyết định cùng với Thánh Thần. Điều này càng cho thấy sự xác tín cách chắc chắn của các tông đồ vào sự hiện diện và hoạt động cách cụ thể của Chúa Thánh Thần, trong vai trò là Đấng Bảo Trợ của Giáo Hội. Đối với các tông đồ và Giáo Hội sơ khai, các ngài có thể nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần cách sinh động và cụ thể như có thể chạm vào được Chúa Thánh Thần. Quyết định của Chúa Thánh Thần và các tông đồ được tuyên bố hôm nay đã gỡ bỏ tất cả những rào cản của Do Thái Giáo, để từ đây Giáo Hội giương buồm ra khơi đến với các dân tộc trên toàn thế giới trong tư cách là Giáo Hội của Chúa Kitô.
Thưa quý OBACE, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đã được ban xuống cho Giáo Hội và cho từng người tín hữu. Kể từ ngày đầu đến nay, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động hết sức mạnh mẽ và cụ thể để hướng dẫn Giáo Hội vượt qua chặng đường hơn hai ngàn năm qua và còn dẫn dắt Giáo Hội cho đến ngày tận thế. Nhìn lại lịch sử Giáo Hội từ ngày đầu đến nay, nhiều lúc con thuyền Giáo Hội cũng bị sóng gió của thế gian dập vùi, bị bão tố của các thế lực ma quỷ tấn công, nhưng Chúa Thánh Thần chính là Hoa Tiêu tài tình giúp cho con thuyền ấy vượt qua sóng gió, thử thách. Không chỉ những khó khăn đến từ bên ngoài, mà Giáo Hội còn chịu sự thử thách từ chính bên trong Giáo Hội. Những trào lưu thế tục dần xâm nhập vào tâm thức con cái Giáo Hội, những chia rẽ nội bộ, cùng những gương xấu đã xảy ra trong Giáo Hội. Tất cả những sự việc đó đều là những sóng gió thử thách mà Giáo Hội vẫn đang phải trải qua. Nhưng chúng ta thấy, Chúa Thánh Thần là Thầy dạy vẫn từng bước hướng dẫn để Giáo Hội có những quyết định sáng suốt và những chọn lựa khôn ngoan vừa giúp Giáo Hội vượt qua khó khăn, vừa bảo vệ con cái của mình.
Chúa Thánh Thần cũng đang hoạt động hết sức mạnh mẽ nơi tâm hồn mỗi tín hữu, chính Thánh Thần đã ghi dấu ấn đức tin trên tâm hồn họ. Vì thế, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện, đồng hành như người Thầy, người Bạn để soi sáng, chỉ bảo, hướng dẫn chúng ta biết sống sao cho đúng với Tin Mừng của Chúa Giêsu. Nếu như Chúa Thánh Thần là sức sống của Giáo Hội, thì Ngài cũng là nguồn sinh lực thiêng liêng của mỗi tín hữu. Chúa Thánh Thần giúp cho đời sống người tín hữu được tăng trưởng và trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành, đạo đức, nhất là Chúa Thánh Thần làm cho lương tâm mỗi người nên nhạy bén để phân biệt điều tốt và xấu, điều nên làm và điều không nên làm.
Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ cho Giáo Hội và cho mỗi tín hữu trên hành trình loan báo Tin Mừng và hoạt động tông đồ. Khi mỗi tín hữu nhiệt tâm sống và loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho anh chị em và nhiệt thành tham gia vào các công tác tông đồ của Giáo Hội, chúng ta sẽ nhận thấy rõ sự hiện diện và hoạt động đắc lực, cụ thể và hiệu quả của Chúa Thánh Thần nơi mỗi công việc và nơi cuộc sống của mình. Nhưng để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động nơi các tâm hồn, đòi mỗi người phải biết khiêm nhường, mở lòng ra để đón nhận sự hướng dẫn của Ngài và can đảm thực hành theo sự soi sáng của Ngài.
Xin Chúa giúp chúng ta biết mau mắn mở lòng để đón nhận Chúa Thánh Thần và để cho Thánh Thần uốn nắn mỗi người trở nên những học trò ngoan ngoãn, dễ bảo của Ngài. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*