Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2025
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
282930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THIÊN CHÚA GIẢI CỨU NHÂN LOẠI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2025:

Thời gian gần đây, nhiều trường hợp bị bắt cóc và bán sang Campuchia đã được ghi nhận. Các nạn nhân bị ép buộc làm việc trong các sòng bạc, các tổ chức lừa đảo trực tuyến hoặc thậm chí là các ổ mại dâm trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, không khác gì nô lệ thời hiện đại. Nhiều người đã tử vong hoặc mất tích, trong khi gia đình họ phải cố gắng vay mượn, thậm chí trả những khoản tiền chuộc lớn để đưa người thân trở về. Trước tình hình này, chính quyền hai nước đã phối hợp thực hiện các biện pháp mạnh để giải cứu những nạn nhân bị lừa đảo, bắt cóc đang chịu giam cầm tại các khu vực tự trị này.
Thưa quý OBACE, hình ảnh chuộc hoặc giải cứu những người bị giam giữ, làm nô lệ bên Cam và đưa họ trở về, phần nào giúp chúng ta dễ hình dung như thế nào là giải thoát, là cứu chuộc.
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Tuần Thánh – tuần lễ tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Khởi đầu với việc Người long trọng tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng reo hò của dân chúng: Hoan hô Con Vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân Danh Chúa mà đến. Tuy nhiên, điều khiến cho nhiều người khó hiểu và khó chấp nhận, đó là tại sao Đức Giêsu – Con Thiên Chúa lại phải chết? Tại sao Thiên Chúa không chọn cách nào khác để cứu chuộc nhân loại, mà lại phải trải qua đau khổ và cuộc hành hình thập giá như vậy?
Bài đọc một cho thấy, việc Thiên Chúa giải cứu Israel khỏi cảnh nô lệ Ai Cập là hình ảnh giúp cho Israel chờ đợi một cuộc giải thoát quan trọng hơn, vĩ đại hơn. Đó là cuộc giải thoát nhân loại khỏi ma quỷ và sự chết. Chính ma quỷ, cùng với tội lỗi, sự gian ác đã đem đến sự chết và là những thế lực gây ra đau khổ và trói buộc con người. Do đó, Thiên Chúa đã có kế hoạch giải cứu toàn thể nhân loại khỏi cảnh nô lệ, sự chết, đem lại sự sống cho con người.
Mặc dù người Do Thái vẫn tin, vẫn chờ đợi việc Thiên Chúa ban Đấng Cứu Chuộc cho nhân loại như lời Ngài đã hứa, nhưng họ lại nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ giải thoát họ giống như Chúa đã giải cứu Dân Người khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì thế, họ chờ đợi Đức Giêsu cũng sẽ như ông Môsê ngày xưa, đứng lên lãnh đạo một cuộc nổi dậy đánh đuổi người Rôma, khôi phục lại vương quốc Israel. Mang suy nghĩ và mong đợi như thế, khi thấy Đức Giêsu được các môn đệ rước vào thành Giêrusalem, họ nghĩ rằng thời cơ đã điểm, họ đã tụ tập reo hò: Hoan hô Con Vua Đavít! Thế nhưng, Đức Giêsu đã phá vỡ những kì vọng ấy, Người không thực hiện cuộc giải cứu mang tính chính trị quân sự, Người không cưỡi ngựa chiến, mà khiêm nhường ngồi trên lưng một con lừa con, hiền hoà nhẫn nại. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách một vị Hoàng Tử Hoà Bình để đem lại cho nhân loại sự sống và bình an. Khi không đáp ứng với sự mong đợi của người Do Thái, thì liền sau đó, họ đã trở mặt và đem đến cái chết cho Người.
Đức Giêsu không vì sự đón nhận, hay từ chối của người Do Thái mà thay đổi chương trình của Thiên Chúa Cha đã muốn. Bài Thương Khó cho thấy cách rõ ràng việc Đức Giêsu đã kiên trì thực hiện đến cùng chương trình cứu độ, là chấp nhận đau khổ nhục nhã và cái chết thập giá với lòng thảo hiếu, yêu mến và vâng phục Thiên Chúa Cha.
Đức Giêsu cùng với các môn đệ dự bữa Tiệc Vượt Qua theo truyền thống Do Thái để tưởng nhớ việc Thiên Chúa giải thoát Israel khỏi đất Ai Cập. Thế nhưng trong bữa tiệc, Chúa Giêsu đã biến mình trở nên như Con Chiên bị sát tế, trở thành Của Lễ đền tội cho nhân loại, lấy thịt máu Mình làm lương thực nuôi dưỡng con người. Trong khi đó, tại đền thờ, các thượng tế lấy máu chiên rảy trên dân làm nghi thức xá tội, lấy thịt chiên làm tiệc, thì trong căn phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầm lấy chén rượu, tạ ơn Thiên Chúa và tuyên bố: Anh em hãy cầm láy chén này mà chia nhau, đây là chén Máu Thầy, đổ ra để cho mọi người được tha tội. Rồi Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Chúa Giêsu đã thực hiện một việc hết sức đặc biệt là trao ban Mình và Máu làm của ăn, của uống cho các môn đệ và nhân loại. Chính nhờ của ăn của uống này, nhân loại sẽ đón nhận được sức sống từ nơi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng lương thực là Máu Thịt của Người.
Mặc dù các môn đệ theo Chúa nhiều năm, nhưng các ông cũng không thể hiểu được những việc Chúa vừa làm trước mặt các ông. Vì vậy, các ông đã bàn đến việc khác, đó là xem ai lớn hơn, ai nhỏ hơn, ai quyền cao hơn, ai chức trọng hơn. Chúa Giêsu trở nên như lạc lõng, như bị bỏ rơi bởi các môn đệ của mình vì các ông chỉ quan tâm đến những điều các ông muốn, mà không quan tâm đến việc Thầy của các ông đang thực hiện. Chúa Giêsu đã bước vào cuộc thương khó với sự lẻ loi đơn độc, trong khi các môn đệ, kẻ thì ngủ mê mệt, kẻ thì bỏ trốn, kẻ thì phản bội.
Tại dinh thượng tế Anna, Đức Giêsu bị những tên đầy tớ của thượng tế nhạo báng, đánh đập, nhục mạ. Cũng tại nơi đây họ rắp tâm loại trừ Đức Giêsu chỉ vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Khi nghe như thế, thầy thượng tế tuyên bố: Nó phải chết! Và, từ đó tất cả những diễn biến tiếp theo, các thượng tế và luật sĩ tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để hợp thức hoá và dẫn đến cuộc hành hình Đức Giêsu.
Sáng sớm hôm sau trước mặt hội đồng tối cao, họ chất vấn Đức Giêsu về sứ mạng của Người: Ông có phải là Đấng Mêsia không? Đức Giêsu đã nói đến uy quyền của Người khi trở về trong vinh quang Thiên Chúa: Từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng. Câu nói đó khiến người Do Thái càng quyết tâm hơn để loại trừ Đức Giêsu.
Các thượng tế đã không muốn trực tiếp ra tay với Chúa Giêsu, họ đã muốn mượn tay người Rôma để giết Người. Vì thế, họ đẽ đem Đức Giêsu đến dinh Philatô. Tại đây, các thượng tế và luật sĩ đã vu khống Đức Giêsu như là kẻ hoạt động chính trị, kẻ chống phá chính quyền Rôma, kẻ xúi dân làm loạn, ngăn cản việc nộp thuế và xưng mình là Đấng Mêsia – là Vua. Mặc dù Philatô thấy những cáo buộc của người Do Thái là vô lý, vô căn cứ mà chỉ phát xuất từ sự ghen tị, nhưng để xoa dịu sự điền cuồng gào thét của người Do Thái lúc đó, Philatô cũng ra lệnh cho đánh đòn Đức Giêsu và tìm cách tha Người. Nhưng những người Do Thái do sự xúi giục kích động của các thượng tế và luật sĩ, họ đã gào thét lên đòi Philatô: Giết đi, giết đi, đóng đinh nó vào thập giá. Cuối cùng, Philatô đã chiều lòng dân mà ra một bản án hoàn toàn vô lý, bất công là tử hình Đức Giêsu.
Khi đã đạt được mục đích là loại trừ Chúa Giêsu, các thượng tế, luật sĩ và cả đám đông đã mặc sức đối xử với Người như một tội phạm phản loạn; họ hành hạ, đánh đập, chửi bới và nhục mạ Chúa Giêsu suốt hành trình thập giá; họ đối xử với Người như hành hạ một tên nô lệ. Cuối cùng họ đã thoả mãn với cái ác của mình khi treo Người trên thập giá, còn những luật sĩ và thượng tế tiếp tục nhạo báng, thách thức Người cho đến khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng.
Chúa Giêsu đón nhận cái chết trong nỗi thống khổ cùng cực cả về thể xác lẫn tâm hồn, nhưng không phải là cái chết trong oán hận mà là cái chết trong bình an, với trọn vẹn niềm tin và sự phó thác vào Thiên Chúa Cha. Tất cả đám đông và các lãnh đạo Do Thái cùng chứng kiến, nhưng không ai nhận ra sự đặc biệt nơi cái chết này. Chỉ có một viên sĩ quan – người đã chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc thì cất lời tuyên tín: Người này đích thực là Người công chính.
Thưa quý OBACE, con người luôn muốn tạo ra một Thiên Chúa theo suy nghĩ của mình, muốn một Thiên Chúa chiều theo ý riêng của mình, như người Do Thái đã muốn một Đấng Mêsia theo ý của họ. Một khi không thoả mãn theo ý riêng, người ta sẵn sàng tìm mọi cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới, ra khỏi cuộc đời mình.
Bước vào Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi dành thêm thời giờ để suy nghĩ, nghiền ngẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và tự hỏi : Vì sao mà một Vị Thiên Chúa lại chấp nhận cái chết như thế? Người chết vì ai? Người chấp nhận đau đớn khổ nhục và cái chết tất tưởi như thế để làm gì? Khi chúng ta kiên nhẫn tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi căn cốt này, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho nhân loại; và sự khủng khiếp của tội lỗi – thứ độc dược đã bóp nghẹt sự sống thần linh nơi con người đến nỗi đòi hỏi chính Con Thiên Chúa phải đổ máu mình ra để cứu chuộc.
Xin Chúa Thánh Thần thổi bùng ngọn lửa yêu mến trong tâm hồn chúng ta, để mỗi khoảnh khắc của Tuần Thánh này trở thành hành trình thiêng liêng đưa ta vào sâu hơn trong mầu nhiệm tình yêu cứu độ. Xin Chúa dạy mỗi người biết thinh lặng lắng nghe tiếng Chúa qua những trang Kinh Thánh, qua từng chặng đường thương khó, qua tiếng thì thầm trong cõi lòng. Và xin Chúa giúp chúng ta can đảm đối diện với những yếu đuối, tội lỗi của mình, để ân sủng từ Thánh Giá Chúa biến đổi toàn bộ con người, hầu xứng đáng với giá máu Chúa đã đổ ra vì yêu thương nhân loại. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*