Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Ba 2025
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 2    
 12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

LÀM MỚI LẠI ĐỜI SỐNG ĐẠO

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C:
MÙA CHAY –
Làm mới, làm đẹp là một trong những nhu cầu quan trọng của mỗi người. Người trẻ thường quan tâm đến việc làm mới bản thân qua các mốt thời trang, làm đầu, làm tóc, quần áo, giày dép; người lớn tuổi thì thể hiện sự trẻ trung dẻo dai của mình. Trong sinh hoạt thường ngày, nhiều người thường làm mới lại nhà cửa, phương tiện xe cộ, phong cách cá nhân để tạo ấn tượng với người khác. Tuy nhiên, nếu chỉ chú tâm làm mới, làm đẹp bên ngoài thì chưa đủ, điều cần thiết và quan trọng hơn cả là phải làm mới lại tâm hồn của mình, từ suy nghĩ đến nếp sống, cách ăn nói, cư xử, giao tiếp. Hôm nay, cùng với Giáo Hội bước vào tuần thứ I Mùa chay, chúng ta được mời gọi làm mới lại đời sống đức tin của mình, cắt bỏ những gì là tuỳ phụ để đi đến một xác tín cách chắc chắn vào Thiên Chúa và sẵn sàng thuận theo nếp sống mới, nếp sống của Tin Mừng mà Thiên Chúa muốn.
Bài đọc một kể lại việc ông Môsê chỉ cho dân Do Thái làm mới lại đời sống đức tin của họ bằng cách nhìn lại truyền thống đạo đức của tổ tiên và cố gắng duy trì, phát huy truyền thống đạo đức đó. Ông Môsê đã dạy cho dân Do Thái mỗi khi đến với Thiên Chúa, thì phải đến bằng một tấm lòng biết ơn chân thành và sự xác tín. Vì việc được nhận biết Thiên Chúa, được thờ phượng Thiên Chúa là một hồng ân Chúa ban. Trong khi các dân tộc và nhiều người chung quanh không biết phải tin ai thờ ai, thì dân Israel đã được Thiên Chúa tỏ mình ra cho họ và còn nhận Israel làm dân riêng, biến họ nên dân thánh, chuyên lo thờ phượng, tế tự Thiên Chúa. Vì thế, khi đến dâng của lễ cho Thiên Chúa, mỗi người cần phải có lòng biết ơn và sự khiêm nhường: “Anh em hãy đặt của lễ trước bàn thờ Thiên Chúa và thưa với Thiên Chúa rằng: Tổ tiên chúng tôi là người Aram phiêu bạt, đã được Thiên Chúa làm cho trở thành một dân tộc lớn mạnh, đã giải thoát chúng tôi khỏi người Ai Cập, đã đưa chúng tôi vào đất hứa. Giờ đây con xin dâng cho Chúa của lễ đầu mùa từ đất đai mà Chúa đã ban cho chúng con.” Lời cầu nguyện này nhắc lại cả một chặng đường lịch sử Thiên Chúa đã yêu thương dẫn dắt, che chở cha ông và cũng nhắc lại truyền thống đạo đức của tổ tiên mà mỗi người được thừa hưởng. Vì thế, mỗi khi đến trước tôn nhan Chúa, là mỗi lần dân Israel tái khẳng định lại lòng biết ơn và trung thành tôn thờ Thiên Chúa của mình.
Bước qua thời Tân Ước là thời đại của chúng ta hôm nay, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta làm mới lại niềm xác tín của mình vào Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cứu độ. Vì rất có thể nhiều người có đạo, vẫn đến nhà thờ mỗi ngày, nhưng lại không biết mình đang thờ ai, đang đến với ai. Có nhiều người, vì theo đạo truyền thống nên chỉ biết rằng mình theo đạo Chúa, thờ Chúa, nhưng lại không biết Chúa của mình là ai, Ngài đòi mình phải làm gì? Do đó, thánh Phaolô phải nhấn mạnh cho chúng ta rằng: Đấng chúng ta tôn thờ và tuyên xưng đó là Đức Giêsu Kitô. Niềm xác tín này không thể là những lời nói sáo rỗng ngoài môi miệng, nhưng phải thể hiện cách cụ thể bằng những việc làm, bằng cả nếp sống thường ngày. Chúng ta không thể tin Chúa, thờ Chúa mà lại không biết gì về Thiên Chúa của mình. Cũng vậy, chúng ta không thể nói mình thuộc về Chúa Kitô mà lại không tuân giữ giới răn và thi hành điều Người truyền dạy. Do đó, thánh Phaolô nhắc cho chúng ta phải để cho: “Lời Chúa ở gần bạn, trên môi miệng và trong lòng bạn. Lời đó là lời được rao giảng để khơi dậy đức tin.” Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Có tin thật trong lòng mới được nên công chính, có tuyên xưng ngoàì miệng mới được ơn cứu độ. Bất cứ ai kêu cầu danh thánh Chúa với niềm xác tín thì sẽ được cứu thoát.”
Tin Mừng hôm nay cho thấy chính Chúa Giêsu cũng phải chiến đấu với xác thịt, thế gian và ma quỷ để bắt mình sống theo thánh ý Thiên Chúa. Nhu cầu ăn uống hằng ngày là một nhu cầu tự nhiên của thân xác. Nhưng xác thịt con người không chỉ dừng lại ở những nhu cầu căn bản, mà nó luôn đòi sự thoả mãn nhiều hơn, đáp ứng chiều chuộng nó nhiều hơn. Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa để gặp gỡ và sống thân tình với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Tuy nhiên, ma quỷ đã lợi dụng lúc thân xác Chúa đói sau những ngày chay tịnh, nó cám dỗ Người dùng quyền năng của Thiên Chúa để thoả mãn cho nhu cầu thể xác, nó nói với Chúa Giêsu: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, thì hãy ra lệnh cho những hòn đá này thành bánh đi!” Một câu cám dỗ tưởng chừng như vô hại, hợp lý, nhưng sâu xa trong cám dỗ này, ma quỷ nó muốn Chúa Giêsu thay vì dùng quyền năng của Thiên Chúa để phục vụ cho chương trình của Thiên Chúa Cha, thì cũng tranh thủ đáp ứng cho nhu cầu cá nhân, thể xác, thoả mãn cho mình. Đức Giêsu đã phản ứng lại cách quyết liệt khi trả lời: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” Câu này Chúa muốn nói: Cơm bánh là nhu cầu, là điều cần, nhưng cơm bánh không phải là mục đích tối hậu của cuộc đời. Vì thế, không thể lấy cơm bánh, nhu cầu thể xác để biện minh cho đời sống và hành động của mình, cũng như không thể thay thế Thiên Chúa được.
Cám dỗ thứ hai là cám dỗ tìm kiếm địa vị, quyền lực và sẵn sàng làm nô lệ cho ma quỷ, đặt mình dưới sự điều khiển của ma quỷ: “Ma quỷ đưa Chúa lên nơi cao và trong giây lát chỉ cho xem thấy toàn dân thiên hạ và nói: Tôi sẽ cho Ông toàn quyền cai trị cùng với bổng lộc. Nếu Ông bái lậy tôi thì tất cả sẽ thuộc về Ông.” Cám dỗ này hết sức nguy hiểm mà nhiều người đã bước vào và sẵn sàng bắt tay thoả hiệp với ma quỷ chỉ vì sự hấp dẫn của quyền lực, bổng lộc thế gian. Nhiều người chỉ vì địa vị mà từ chối Thiên Chúa, nhiều người khác lấy lý do bận công việc làm ăn, kinh doanh để bỏ qua việc thờ phượng Thiên Chúa. Một khi đã để mình bị cuốn hút vào địa vị và bổng lộc mà ma quỷ bày ra, thì chắc chắn sẽ đi đến việc loại trừ Thiên Chúa và giới răn của Ngài để thờ lạy, cúng bái cho ma quỷ. Chúa Giêsu đã rất tỉnh táo với cám dỗ này, Người đến thế gian không phải để tìm kiếm địa vị hay của cải vật chất, nhưng là để làm theo ý Chúa Cha. Vì thế, Chúa Giêsu đã dứt khoát trả lời bằng niềm xác tín: “Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa của ngươi và chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi.” Việc thờ phượng Thiên Chúa phải là ưu tiên tuyệt đối chứ không thể là 50-50 hoặc là việc tuỳ phụ.
Cám dỗ thứ ba là cám dỗ tìm kiếm lời khen ngợi, sự nổi tiếng của thế gian và quay lại thách thức Thiên Chúa: “Ma quỷ đưa Chúa Giêsu lên nóc đền thờ và thách thức Chúa Giêsu: Nếu Ông là con Thiên Chúa thì nhảy xuống đi. Mọi người sẽ khâm phục và sẽ có các thiên thần gìn giữ để Ông không đạp chân vào đá cơ mà!” Cám dỗ này xảy ra ngay nơi Giêrusalem là thánh đô, là nhà của Thiên Chúa. Điều này cho thấy rằng, ma quỷ nó không buông tha ai và cũng không kiêng nể nhà của Thiên Chúa. Ngay khi đang làm việc đạo đức thờ phượng Chúa, ngay khi đang làm việc trong nhà của Chúa, thì nó cũng ngấm ngầm cám dỗ chúng ta tìm kiếm danh vọng, thách thức Thiên Chúa, đòi hỏi và đặt điều kiện với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã giáng trả lại ma quỷ bằng việc xác định: “Ngươi chớ thách thức Thiên Chúa của ngươi.”
Trải qua các cuộc tấn công cám dỗ của ma quỷ, Chúa Giêsu đã không dùng sự khôn ngoan khéo léo hay tài năng riêng để chống trả ma quỷ, nhưng Người đã luôn dựa vào sức mạnh là Lời của Thiên Chúa được ban trong Kinh Thánh. Điều này càng khẳng định thêm lời dạy của thánh Phaolô chúng ta đã nhắc đến: “Lời Chúa ở gần bạn, trên môi miệng và trong lòng bạn. Lời đó là Lời được rao giảng để khơi dậy đức tin.”
Ngày nay, cám dỗ của xác thịt, thế gian và ma quỷ vẫn liên tục đeo bám mỗi người dưới nhiều hình thức. Nó cám dỗ người ta muốn trở thành người nổi tiếng, được nhiều người biết đến, nhiều fan hâm mộ, nhiều view, nhiều like; nó cám dỗ người ta tìm mọi cách để thoả mãn cho sự hưởng thụ của xác thịt, tìm kiếm địa vị, danh vọng, quyền lực, bổng lộc của trần gian. Cho dù là linh mục, là tu sĩ hoặc là tín hữu, cho dù là người kinh doanh hoặc hoạt động bác ái xã hội… đều bị cám dỗ này chi phối.
Để có thể làm mới lại đời sống, vượt qua những cám dỗ này, cần theo gương Chúa Giêsu, đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chuyên tâm đọc, suy gẫm Lời Chúa, để Lời Chúa trên môi miệng, trong tâm trí và hướng dẫn đời sống bản thân, lấy Lời Chúa làm vũ khí, lấy tâm tình thảo hiếu, yêu mến, vâng phục Thiên Chúa làm sức mạnh để chống trả lại cám dỗ. Bên cạnh đó, phải liên tục bảo vệ bản thân bằng việc khiêm nhường cùng với ơn Chúa, cởi bỏ nếp sống cũ, con người cũ, làm mới lại đời sống đức tin mỗi ngày, qua việc chuyên cần tìm hiểu học hỏi về Chúa, qua cầu nguyện, qua việc lãnh nhận các Bí tích. Chúa sẽ trở thành khiên che thuẫn đỡ và là thành trì vững chắc bảo vệ ta trước sự tấn công quỷ quyệt, mưu mô của ma quỷ. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*