Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Ba 2025
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 2    
 12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

ĐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI CỦA CHÚA

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT V TN C:

Có dịp trò chuyện, chia sẻ với các phụ huynh về vấn đề giáo dục con cái, một trong những khó khăn của cha mẹ là tìm cách để nói chuyện, tâm sự với những đứa của mình ở tuổi 13-14. Một vài bà mẹ chia sẻ rằng: chỉ mới cách đây chừng một hai năm, cháu nó rất ngoan, hoạt bát, vui vẻ cười đùa, gọi dạ, bảo vâng, thế mà bây giờ nó chỉ thích ở trong phòng, gọi nó không thèm thưa, bảo nó không thèm gật, nó không hề có một phản ứng gì khi bố mẹ nói, nó làm thinh như không nghe thấy gì, việc nó nó làm, không quan tâm đến ai nữa. Có những phụ huynh cảm thấy bị stress khi con cái có phản ứng như vậy và có cảm giác cha mẹ và con cái như hai thế giới xa lạ, nó chỉ trò chuyện điện thoại với bạn, còn với cha mẹ thì rất ít khi nói chuyện cùng nhau. Chúng ta không lý giải sự việc theo khía cạnh tâm lý của trẻ ở độ tuổi này, nhưng chúng ta nhìn sự việc dưới tâm trạng của cha mẹ. Cha mẹ nào khi có con cũng dồn hết tất cả tâm tư, công sức vất vả để nuôi dạy con ăn học, khôn lớn, khoẻ mạnh. Thế nên, cha mẹ chỉ mong con cái luôn thuộc về mình, luôn gắn bó với mình, ngoan ngoãn, dễ bảo, dễ dạy, có thể trò chuyện, vui cười một cách gần gũi, thân tình.
Thưa quý OBACE, Thiên Chúa cũng mang tâm trạng của những người cha người mẹ đối với chúng ta như vậy. Ngài tạo dựng nên chúng ta và còn hết mực yêu thương, chăm sóc, bảo vệ. Nhiều lần Thiên Chúa lên tiếng gọi mời mà con người đã không đáp lời, Ngài cậy nhờ chúng ta chia sẻ công việc với Ngài nhưng chúng ta vẫn làm ngơ. Có lẽ, Thiên Chúa cũng khổ tâm như các cha mẹ đang phải khổ tâm về những đứa con ngang bướng của mình.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nhắc cho mỗi người, cần chú ý lắng nghe để nhận ra lời mời gọi của Chúa và sẵn sàng đáp lại, đồng thời cũng giới thiệu một số mẫu gương cho thấy có những con người rất quảng đại, ngoan ngoãn, sẵn sàng đáp lại khi Thiên Chúa cất tiếng gọi mời.
Bài đọc một kể về thị kiến của tiên tri Isaia, ông được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trên trời, nơi đó các thiên thần thờ lạy, cả triều thần thiên quốc tung hô, ca ngợi. Chứng kiến vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa, Isaia bị choáng ngợp, cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé, bất xứng và cảm thấy sợ hãi: Tôi chết mất vì tôi ô uế. Mặc dù vậy, Thiên Chúa không trách cứ hoặc khinh chê sự thấp hèn, ô uế, tội lỗi, mà còn cho ông được nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa là Đức Chúa các đạo binh. Một khi Thiên Chúa đã muốn, đã gọi, thì Ngài cũng có cách của Ngài. Thiên Chúa đã sai thiên thần đến, dùng than hồng gắp từ bàn thờ đặt vào lưỡi ông, để thanh tẩy môi miệng ông và tha thứ tội lỗi. Lúc đó Isaia nghe được tiếng Chúa nói với cả triều thần: Ta sẽ sai ai đây? Lúc đó Isaia đã mạnh dạn đáp lại một cách sẵn sàng: Dạ, con đây, xin cứ sai con đi. Và, Thiên Chúa đã sai ông đi làm ngôn sứ nói lời của Thiên Chúa cho Israel.
Khi Chúa gọi người nào là muốn cậy nhờ họ giúp cho Ngài một việc, hay nói cách khác, là trao cho kẻ ấy một sứ mạng, để từ đó người ấy nói và làm tất cả mọi việc trong tư cách là sứ giả của Thiên Chúa. Trong lịch sử, Thiên Chúa đã chọn gọi nhiều người và trao cho họ những nhiệm vụ khác nhau. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa gọi Simon – Phêrô một cách hết sức đặc biệt. Sự việc xảy ra trên bờ hồ Galilê, đó là nơi làm ăn sinh sống thường ngày của Simon và các bạn. Nhân cơ hội có nhiều người chen lấn trên bờ, Chúa Giêsu đã bước xuống một chiếc thuyền, mà thuyền đó lại là thuyền của ông Simon. Người xin ông chèo thuyền ra khỏi bờ một chút, từ trên thuyền Người giảng dạy cho đám đông. Chi tiết này cho thấy, chắc chắn Chúa Giêsu đã không tình cờ mà bước xuống thuyền của Simon, vì Chúa đã nhìn thấy ông và nhìn thấy cả lòng nhiệt thành, tính bộc trực của ông. Với việc Chúa bước xuống thuyền, cũng là lúc Chúa bước vào cuộc đời của Simon mà ông không một chút phản kháng. Ông đã cộng tác với Chúa cách ngoan ngoãn. Chúa Giêsu không gây sức ép với Simon, nhưng Người đã hạ mình để xin ông đẩy thuyền ra khỏi bờ.
Giảng cho dân chúng xong, Chúa lại bảo Simon: Chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Lúc này ông Simon dường như muốn dựa vào kinh nghiệm và khả năng của mình để giải thích với Chúa, nhưng vẫn sẵn sàng vâng theo: Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới. Mẻ lưới của sự vâng lời đã đem lại kết quả vượt trội, bất ngờ so với những mẻ lưới trước đó chỉ với kinh nghiệm cá nhân: Các ông đã thả lưới và đã bắt được rất nhiều cá đến nỗi gần rách lưới. Các ông đã phải nhờ đến các bạn đồng nghiệp giúp chở cá vào bờ, cá đầy ắp hai chiếc thuyền nặng đến gần chìm. Phép lạ xảy ra ngay trước mắt Simon, ông đã nhận ra vị Thầy đang ở trên thuyền của ông, xin ông đẩy thuyền ra xa bờ, còn bảo ông thả lưới và cho ông một mẻ cá bất ngờ, là một vị Thầy quyền năng, là chính Thiên Chúa. Đức tin của ông vào Thầy Giêsu đã nảy mầm, Simon không còn nhìn Thầy Giêsu là một ngôn sứ bình thường, mà ông đã tin và tuyên xưng Người là Chúa: Ông sấp mình dưới chân Đức Giêsu và thưa: Lạy Chúa xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi.
Sự kiện diễn ra gây kinh ngạc, sợ hãi cho Simon và các bạn chài là Anrê, Gioan và Giacôbê. Đến lúc này, Đức Giêsu đã muốn nói rõ ý định của Người, Chúa nói với Simon: đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Simon đã không đáp lại Chúa bằng lời, nhưng bằng cả niềm tin, cả cuộc đời qua một hành động dứt khoát: Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người. Đối diện với Thiên Chúa, con người luôn cảm thấy bất xứng và sợ hãi, nhưng Thiên Chúa luôn tỏ ra Ngài là Đấng bao dung, nhân hậu và luôn trấn an con người: Đừng sợ. Đón nhận một sứ mạng, con người luôn cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực, bất tài. Simon biết mình chỉ là một anh thuyền chài ít học, làm sao có thể trở thành kẻ chinh phục người ta, nhưng Thiên Chúa cho thấy, Ngài luôn là Đấng ở kề bên để trợ giúp, chỉ cần con người quảng đại thưa vâng, thì Thiên Chúa sẽ có cách của Ngài.
Thưa quý OBACE, Thiên Chúa đã gọi Isaia trong Cựu ước, ông đã quảng đại đáp lời để trở thành một vị đại ngôn sứ của Chúa, truyền đạt ý Chúa và thực thi quyền năng của Thiên Chúa; Thiên Chúa đã nhờ đến con thuyền của Simon và ngỏ lời với ông, ông đã sẵn sàng theo Chúa để trở thành Phêrô, trở thành đá tảng, làm nền móng và là thủ lãnh của Giáo Hội; Thiên Chúa cũng kêu gọi Phaolô, một con người ngông cuồng, kiêu hãnh trở thành một tông đồ khiêm tốn, nhiệt thành để rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
Thiên Chúa cũng đang mời gọi mỗi người trở nên những môn đệ của Chúa, nên thánh như Cha trên Trời là Đấng Thánh. Thiên Chúa mời quý ông bà trở thành những người cha, người mẹ trong gia đình để mỗi thành viên làm tốt vai trò của mình và cùng làm cho gia đình mình nên gia đình thánh. Qua Bí tích Rửa tội, Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta cùng tham dự vào sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa cho thế giới. Ngài mời gọi chúng ta thi hành sứ vụ Tư tế, Ngôn sứ, Vương đế trong đời sống thường ngày. Mỗi người cần phải quảng đại đáp lại và thực thi sứ mạng ấy cách liên tục qua việc chuyên chăm thờ phượng Thiên Chúa, trung thành tuân giữ giới răn lề luật của Thiên Chúa; chúng ta sẽ trở thành người nói với Chúa, nói về Chúa, giới thiệu Chúa Giêsu cho anh chị em qua cử chỉ, lời nói, đời sống gương sáng của mình; chúng ta hãy cố gắng làm chủ bản thân, sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, cụ thể là sống theo Tám mối Phúc. Đó là cách ta thể hiện sự quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Đặc biệt Thiên Chúa mời gọi các bạn trẻ dám có một quyết định táo bạo hơn, quyết liệt hơn, đó là đáp lại tiếng Chúa, trở thành các linh mục, tu sĩ, dành trọn cuộc đời phục vụ Chúa và tha nhân. Thế giới, Giáo Hội ngày nay đang cần những con người trẻ, nhiệt huyết với Tin Mừng và với các linh hồn. Các bạn đang được Chúa mời gọi để trở thành những Isaia, Phêrô, hay Phaolô cho xã hội hôm nay.
Xin Chúa giúp mỗi người luôn biết dành cho mình những phút tĩnh lặng trước mặt Chúa trong cầu nguyện, để có thể nghe được tiếng Chúa gọi và sẵn sàng đáp lời. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*