CUỘC HÀNH HƯƠNG CỦA CÁC ĐẠO SĨ
Lm. Giusr Đỗ Đức Trí
Thưa quý ÔBACE, trong năm nay, các công ty du lịch đang mở các tour du lịch để “ăn theo” Năm Thánh của Giáo Hội gọi là tour hành hương. Nhưng nhiều người không biết mục đích của các cuộc hành hương là gì? Vậy, Giáo Hội muốn ta làm gì khi bước vào cuộc hành hương?
Thông thường, các cuộc gọi là hành hương của chúng ta thực chất là những cuộc du lịch, tham quan chỗ này chỗ khác, kể cả những tour du lịch Đất Thánh hay Rôma, chủ đích cũng chỉ là tham quan các di tích, các nhà thờ, các công trình cổ và chụp hình lưu niệm… Sau những cuộc tham quan ấy chỉ còn lại vài tấm hình gọi là hành hương.
Thực ra, việc hành hương là một truyền thống lâu đời, qua các cuộc hành hương, mỗi người thể hiện lòng sám hối, hy sinh và rèn luyện ý chí, con người của mình. Hành hương ngày nay qua các công ty du lịch được tổ chức hết sức chu đáo, tiện nghi. Nhưng ngày xưa, hành hương có nghĩa là từ bỏ để bước vào hành trình thiêng liêng, từ bỏ thói quen, cuộc sống êm ấm hằng ngày để bước vào một hành trình đến gần Thiên Chúa. Nhìn theo khái niệm này thì hành trình của các Đạo sĩ phương Đông mà hôm nay chúng ta được nghe Tin Mừng thuật lại, quả thật là một cuộc hành hương đúng nghĩa.
Các đạo sĩ thực ra là những nhà chiêm tinh, họ tìm kiếm, suy gẫm các biến cố xảy ra trong trời đất và rút ra những tâm tình đạo đức tôn giáo để chiêm nghiệm và để thực hành. Các vị đạo sĩ này có lẽ là những bậc thầy tại vùng Babylon, là những người có những triết lý sống và có ảnh hưởng trên những người khác. Các vị chắc chắn đã nghe nói về một vị Quân Vương Cứu Thế của người Do Thái mà các ngôn sứ Israel vẫn không ngừng loan báo khi người Do Thái bị lưu đầy tại Babylon. Vì vậy, khi nhìn thấy một vì sao lạ xuất hiện, chiếu sáng cả một vùng trời, các đạo sĩ tin rằng Đấng Cứu Thế, Vua người Do Thái đã xuất hiện. Từ phương Đông họ nhìn thấy ngôi sao trên bầu trời, ánh sao như mời gọi, thôi thúc, và các đạo sĩ đã quyết định lên đường bắt đầu một cuộc hành hương đầy khó khăn, để tìm gặp Vua người Do Thái mới sinh.
Để bước vào một cuộc hành hương, các đạo sĩ đã chấp nhận từ bỏ, ra khỏi sự êm ấm, yên ổn của cuộc sống hằng ngày để lên đường bước theo một hành trình mới. Hành trình của các vị không hề dễ dàng, vì đây là một hành trình dài, đối diện với cái nóng, cái khát của sa mạc và còn đối diện với cướp bóc và bao nguy hiểm rình chờ, chỉ với một mục đích duy nhất là tìm và gặp được Đấng Cứu Thế. Hành trình của các đạo sĩ không phải lúc nào cũng dễ dàng, phấn khởi, vì có những lúc ngôi sao đã biến mất, các ông phải dò dẫm đi trong đêm tối, không biết phương hướng. Tuy nhiên, các ông đã không chán nản và vẫn tin tưởng, hy vọng sẽ được gặp Đấng mà mình tìm kiếm. Các đạo sĩ đã phải dùng hết khả năng của mình, kể cả giải pháp tìm vào cung điện của vua Hêrôđê để hỏi thông tin về vị Vua Do Thái mới sinh. Giải pháp này quả thật sẽ nguy hiểm cho chính các ông và cho Hài Nhi sau này vì Hêrôđê vốn là một con người đa nghi và tàn bạo.
Dầu dấn thân vào một nơi nguy hiểm như cung điện của Hêrôđê, nhưng từ nơi đây, các đạo sĩ đã đón nhận được ánh sáng dẫn đường không phải từ nơi ngôi sao lạ, mà từ chính nơi lời của Chúa qua các ngôn sứ mà các thượng tế đã nhắc đến: Tại Belem, đất Giuđa. Đối với các thượng tế và cả vua Hêrôđê cùng quần thần, thì lời ngôn sứ này không để lại ấn tượng gì nơi họ. Vì vậy, mặc dù nghe, thuộc lòng và có thể lặp lại, nhưng họ không tìm kiếm và cũng không quan tâm, ngược lại vua Hêrôđê lại cảm thấy lo sợ, bất an. Nhưng đối với các đạo sĩ thì lời ngôn sứ này là kim chỉ nam dẫn đường, để họ tiếp tục lên đường đến với Hài Nhi mới sinh. Lúc này, ngôi sao xuất hiện trở lại, là niềm vui, là sự khích lệ để dẫn các tiếp tục ông đến Belem, nơi Chúa được sinh ra.
Cao điểm trong cuộc hành hương của các đạo sĩ là cuộc gặp gỡ với Hài Nhi. Cuộc gặp gỡ này quả thật là một cuộc gặp gỡ trong đức tin. Vì, mặc dù Hài Nhi mà các ông được gặp cũng như biết bao hài nhi khác và không như các ông hình dung trước đó. Hài Nhi này là Vua dân Do Thái, nhưng không được sinh ra trong cung điện hoặc chốn cao sang của các hoàng tử, nhưng lại sinh ra bởi người phụ nữ bình dị là Maria, trong khung cảnh hết sức nghèo hèn: Họ vào nhà liền thấy bà Maria là thân mẫu và Hài Nhi mới sinh. Mặc dù trong sự đơn sơ nghèo hèn như thế, các đạo sĩ vẫn tin Hài Nhi đó là Vua người Do Thái, là Đấng Cứu Thế, là Đấng đã dùng ngôi sao lạ để dẫn các ông đến với Người. Vì tin, nên các đạo sĩ đã sấp mình thờ lạy Người. Hành động sấp mình thờ lạy là hành vi thể hiện lòng tin Hài Nhi chính là Thiên Chúa.
Kết quả cuộc hành hương của các đạo sĩ đó là sự từ bỏ hoàn toàn và ơn biến đổi sâu xa. Các đạo sĩ đã không giữ lại vàng bạc và những gì cần thiết cho hành trình trở về của mình. Các ông đã dâng tặng cho Hài Nhi tất cả: Mở bảo tráp, các ông dâng cho Ngài vàng, nhũ hương và mộc dược, là tài sản là những vật quý giá dành cho bậc quân vương, để thể hiện lòng thành, niềm tin yêu và tôn thờ của mình. Kết quả thứ hai của cuộc hành hương nơi các đạo sĩ, đó là sự biến đổi: Sứ thần đã hiện ra báo mộng cho các ông không trở lại với Hêrôđê nữa, nhưng đi theo lối khác để trở về xứ sở mình. Điều này có nghĩa là sau khi được gặp gỡ Chúa là đỉnh cao của cuộc hành hương, các ông đã không quay trở lại với nếp sống cũ và con người cũ, thâm độc, gian ác mà đại diện là vua Hêrôđê. Các ông đã được hướng dẫn để đi theo một lối khác cũng là một lối sống mới, lối sống của những người được gặp Chúa, tin vào Thiên Chúa. Cuộc hành hương của các đạo sĩ kết thúc bằng một cuộc biến đổi và thực hành một nếp sống mới.
Câu chuyện về cuộc hành hương của các đạo sĩ còn mở ra cho chúng ta một cái nhìn và một trách nhiệm to lớn hơn, đó là bổn phận làm cho Tin Mừng được toả sáng để đưa các anh em khác đến với Chúa. Vì nhiều khi chúng ta đã làm cho Tin Mừng bị che khuất hay lu mờ bởi lối sống ngược với Tin Mừng của người tín hữu, khiến cho người dân ngoại không thấy Chúa, không thấy ánh sáng Tin Mừng nơi chúng ta. Thánh Phaolô trong thư Êphêsô đã quả quyết: Trong Đức Giêsu và nhờ Tin Mừng, cả dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái.
Thưa quý OBACE, cùng với Giáo Hội sống Năm Thánh, nói đến Năm Thánh thì không thể không nói đến việc hành hương. Vì vậy, ĐTC đã lấy chủ đề của Năm Thánh là Hành Hương trong Hy Vọng để mời gọi chúng ta bước vào một hành trình mới. Có thể chúng ta không cần phải mua những tour du lịch hành hương và cũng có thể không cần phải đi đến nơi này nơi khác, chúng ta vẫn có thể thực hiện được những cuộc hành hương đúng nghĩa, đó là một hành trình tìm kiếm hoặc tái khám khá sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời và trong vũ trụ; chúng ta cũng có thể thực hiện các cuộc hành hương tại chỗ, bằng quyết tâm từ bỏ nếp sống cũ, thói quen cũ, sự an toàn của vật chất để bước vào hành trình theo Chúa trên con đường của Tin Mừng. Đặc biệt, chúng ta có thể thực hiện cuộc hành hương của mình bằng việc cầu nguyện, sám hối, thay đổi nếp sống cũ để tập và thực hành nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng, với đòi hỏi là người môn đệ của Chúa.
Cụ thể hơn nữa, chúng ta có thể thực hiện các cuộc hành hương hàng ngày bằng việc đến với nhà thờ giáo xứ của mình qua việc tham dự thánh lễ, đọc kinh tối gia đình; thực hiện việc sám hối, quyết tâm cách cụ thể qua việc lãnh nhận bí tích Giải tội và Thánh Thể; làm những việc bác ái cụ thể: quan tâm đến gia đình, vợ, chồng, con cái; làm những việc hy sinh nho nhỏ trong bổn phận nơi gia đình, nơi công ty, nơi buôn bán; bớt những sự cằn nhằn, nóng nảy, chửi bới hoặc bạo lực, nhưng sống vui vẻ, chan hoà, dễ thương dễ mến, dễ trò chuyện, gần gũi hơn.
Khi mỗi người, mỗi ngày, ý thức và cố gắng thực hiện cuộc hành hương tại chỗ như vừa gợi ý, chúng ta mới thực sự sống Năm Thánh như Giáo Hội mong muốn. Vì mỗi khi khai mở Năm Thánh, Giáo Hội không nhắm đến các ngày lễ cho bằng mở ra cơ hội và lời mời gọi con cái mình canh tân sám hối, thay đổi lại đời sống cho phù hợp với Tin Mừng. Năm Thánh giúp mỗi tín hữu tích cực đón nhận ơn Chúa, ơn nâng đỡ để làm mới, canh tân đời sống của mình nên tốt hơn. Đồng thời, cũng nhắc cho mỗi người tín hữu có bổn phận trở thành những ánh sao sáng dẫn đường đưa các anh chị em khác đến với Chúa. Amen.
Nhận xét góp ý