THIÊN CHÚA ĐẾN Ở VỚI CON NGƯỜI
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Từ khi mối quan hệ ngoại giao giữa Toà thánh Vatican với chính phủ Việt Nam được cải thiện từ cấp Đại diện không thường trú đến Đại diện thường trú, đã mở ra cho người tín hữu Công Giáo Việt Nam một hy vọng, đó là Đức Thánh Cha sẽ sớm đến thăm Việt Nam. Có những người lạc quan cho rằng, chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ vào tháng 9 năm 2024. Tuy nhiên, chuyến thăm chưa thể thực hiện ngay được, vì để có một chuyến thăm của ĐTC đến một quốc gia, thì chính phủ và Hội Đồng Giám Mục hai bên phải mất nhiều thời gian, có khi là nhiều năm để chuẩn bị. Dầu vậy, thì người tín hữu Việt Nam vẫn cứ khát khao mong đợi một ngày gần nhất sẽ được đón tiếp Đức Giáo Hoàng. Còn Đức Thánh Cha Phanxicô khi được hỏi về khả năng ngài sẽ thăm Việt Nam, ngài cho biết ngài rất muốn đến với Việt Nam và nếu ngài không thực hiện được vì lý do sức khoẻ, tuổi cao, thì vị kế nhiệm của ngài chắc chắn sẽ đến.
Các chuyến tông du của các Đức Giáo Hoàng khi đến thăm một quốc gia hay địa phương nào đó, sẽ khơi lại sức sống đức tin cho nơi ấy, còn các tín hữu thì nhìn thấy nơi ĐTC là người đại diện của Chúa Giêsu và là người được chính Chúa Giêsu trao cho quyền: Chăn dắt cả chiên con và chiên mẹ của Thầy. Nếu như cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng có thể đem lại sức sống mới trong đức tin người tín hữu, thì hôm nay chúng ta cùng với cả nhân loại đón tiếp không phải là vị đại diện Chúa Giêsu nữa, mà được đón tiếp chính Đức Giêsu đến viếng thăm nhân loại, thăm từng người, từng gia đình, Người sẽ đem lại cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa và địa vị là con Thiên Chúa.
Thiên Chúa đến với nhân loại chúng ta không phải là cuộc viếng thăm, du lịch ngắn ngày, nhưng Người đến là để định cư, ở lại với nhân loại, để làm bạn, để chia sẻ cuộc sống và để nâng chúng ta trỗi dậy khỏi tình trạng của tội lỗi, giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc của ma quỷ, đem lại cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa.
Tiên tri Isaia mô tả cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến với nhân loại ngập tràn bầu khí hân hoan, như người cha đi xa trở về trong niềm vui phấn khởi đón mừng của con cái: Này Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị, hãy cất tiếng reo hò vang dậy, các ngươi sẽ thấy Thiên Chúa đang trở về Sion. Thiên Chúa sẽ phục hồi lại Giêrusalem sau thời gian hoang tàn vì thời cuộc. Việc phục hồi này không phải là xây dựng lại thành Giêrusalem, mà là khôi phục lại trung tâm đời sống đức tin của dân Chúa mà Giêrusalem là hình ảnh linh thiêng, là nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Người.
Theo tác giả thư Do Thái, Thiên Chúa đến với con người là để có cơ hội trò truyện trực tiếp với con người. Nếu như trước đây Thiên Chúa phải dùng các ngôn sứ làm trung gian để thông truyền ý muốn của Thiên Chúa, thì ngày nay với việc xuất hiện của Ngôi Lời – Con Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ nói chuyện với nhân loại qua Người Con của Ngài là Đức Giêsu. Con Thiên Chúa đến thế gian mang thân phận con người, Người trở nên như tất cả mỗi chúng ta chỉ trừ tội lỗi. Tác giả thư Do Thái quả quyết Người chính là Đấng tạo dựng nên vũ trụ, dùng Lời quyền năng mà duy trì và điều khiển vạn vật. Người chính là Con Thiên Chúa, là Đấng đã có từ muôn thuở muôn đời, nay được Thiên Chúa ban tặng cho thế gian.
Đoạn mở đầu của Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay đã trình bày về việc Ngôi Lời – Con Thiên Chúa làm người như lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Tác giả còn muốn diễn tả việc Con Thiên Chúa bước vào trần gian như là khởi đầu một công trình tạo dựng mới, là công cuộc canh tân toàn thể vũ trụ: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nơi Người là sự sống, là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối. Nghe đoạn văn này, chúng ta có cảm tưởng như Tin Mừng Gioan đang phác hoạ lại khung cảnh tạo dựng được ghi lại trong sách Sáng thế với một cách diễn đạt khác. Với cách diễn tả này, Tin Mừng muốn nhấn mạnh cho ta thấy việc Ngôi Lời – Con Thiên Chúa làm người mà chúng ta đang mừng kính hôm nay, chính là khởi đầu cho một thời đại, một kỷ nguyên mới mà Đức Giêsu là cột mốc, là trung tâm và là đích đến của công trình ấy.
Ngày xưa có những người coi Gioan Tiền Hô như một vị Ngôn sứ vĩ đại và thậm chí coi ông như là đấng cứu thế thì Tin Mừng Gioan cho thấy Đấng Cứu Thế đích thật không phải là Gioan Tẩy Giả mà là chính Đức Giêsu. Ngài là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Tuy nhiên, Thiên Chúa xuống thế làm người không phải như một siêu nhân, nhưng Người đã thực sự mang lấy xác phàm con người và làm người ở giữa chúng ta. Đấng Cứu Thế đã không cứu chuộc nhân loại bằng những phép lạ ngoạn mục, nhưng lại chọn con đường làm người và trở nên giống như mọi người, cùng chia sẻ với nỗi khổ đau của con người: nghèo đói, bị loại trừ, bị khinh miệt coi thường và chấp nhận cả cái chết đau khổ để cứu chuộc nhân loại.
Để đón nhận Con Thiên Chúa làm người không phải là điều dễ dàng chấp nhận. Vì con người vẫn muốn Thiên Chúa ở xa mình và ở cao hơn mình, họ không muốn một Thiên Chúa ở giữa, ở gần và ở cùng con người. Vì thế Tin mừng Gioan nói rằng: (Đấng Cứu Thế) đã đến nhà của Ngài, nhưng người nhà đã không đón nhận Ngài. Những ai tin và đón nhận Người thì được ở trong ánh sáng và còn được trở nên con Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, mừng lễ Chúa Giáng Sinh hôm nay, nhiều khi chúng ta để cho niềm vui bên ngoài và những trang trí đẹp mắt khiến ta quên rằng, chúng ta đang mừng mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Vì quên đi mục đích chính này, nên nhiều người trong chúng ta vẫn giữ thái độ dửng dưng, làm ngơ trước việc Con Thiên Chúa làm người để cứu độ ta. Không chỉ làm ngơ, nhiều người còn giữ thái độ từ chối không tin, không đón nhận Người. Cụ thể là đã bao mùa Giáng Sinh đi qua, nhưng Chúa Giêsu vẫn chưa thể đến và ở lại trong gia đình chúng ta. Ngôi nhà, gia đình của ta có quá nhiều thứ, quá nhiều lo toan, quá nhiều vấn đề, khiến cho các bậc làm cha mẹ không còn quan tâm dành chỗ cho Chúa trong gia đình. Nhiều gia đình lấy lý do bận công việc, du lịch, giải trí để bỏ qua việc đón Chúa vào gia đình, qua việc đọc kinh cầu nguyện sớm tối trong gia đình. Nhiều người đã không muốn để Chúa cùng hiện diện và chia sẻ công việc và nhịp sống của gia đình, bởi vì trong các công việc có quá nhiều những gian dối quanh co và bóng tối, khiến chúng ta sợ Chúa nhìn thấy, sợ Chúa chiếu ánh sáng vào những góc khuất ấy.
Cũng vậy, nhiều người, nhiều bạn trẻ mừng lễ Chúa Giáng Sinh chỉ bằng những cuộc vui, những bữa ăn, hẹn hò nhau đi xem hang đá, xem đèn, du lịch, mà vẫn không dám đến gần Chúa để Chúa đến gần mình, để Chúa sinh ra trong tâm hồn mình. Bởi thế, tâm hồn vẫn nặng trĩu và không tìm được niềm vui và bình an của Chúa Giáng Sinh mang đến. Để có được bình an, sự nhẹ nhàng thanh thoát và niềm vui Chúa Giáng Sinh trong tâm hồn, mỗi người cần dọn dẹp khỏi mình những ngổn ngang, tình trạng tội lỗi, những mưu mô gian dối, sự lười biếng, khiến người ta tìm cách tránh né, không muốn gặp Chúa. Thường xuyên đến với Chúa qua Bí tích Giải tội, siêng năng tham dự thánh lễ và rước Chúa, để giờ để tâm nghe đọc Kinh Thánh, tâm hồn chúng ta sẽ được thanh lọc, Chúa sẽ đem đến bình an và niềm vui cho tâm hồn.
Khi tâm hồn sạch tội, thanh thoát trước mặt Chúa, chúng ta sẽ có sự bình an và niềm vui; khi đón rước Chúa vào tâm hồn, Chúa sẽ làm cho tâm hồn ta nên một hang đá đơn sơ, thánh thiện, nhẹ nhàng, khi đó niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh sẽ lan toả và kéo dài mãi, không chỉ trong những ngày này mà là trong suốt cuộc đời ta.
Xin Chúa cho chúng ta luôn nhận ra sự hiện diện, đồng hành của Chúa và luôn tin rằng Chúa đến là để cứu chuộc, để yêu thương, đồng hành và để đem lại cho ta bình an và hạnh phúc. Xin Chúa biến tâm hôn ta nên hang đá Bêlem làm nơi Chúa sinh ra và làm cho gia đình chúng ta nên như gia đình của Chúa có Thánh Giuse, Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu hiện diện. Amen.
Nhận xét góp ý