LÀM SAO ĐỂ SỐNG VUI?
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Các nhà nghiên cứu cho thấy, ở một số quốc gia phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc số người bị trầm cảm và số người tự tử lại tăng cao hơn so với một số quốc gia khác. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này, là vì nhiều người cảm thấy áp lực của học tập, công việc, của gia đình và cuộc sống quá lớn; có những người đã đánh mất niềm vui, hy vọng và mục đích sống. Họ cho rằng cuộc sống này quá nhàm chán, quá vô nghĩa, con người trở thành những cỗ máy hoạt động liên tục theo chu kỳ đơn điệu: sáng đi làm, tối về ngủ và sáng mai lại đi làm. Họ buộc phải cuốn mình theo vòng quay của xã hội như thế vì cơm áo gạo tiền, đó là những khoản chi phí, những hoá đơn cho cuộc sống hằng ngày, hàng tháng của mình và gia đình. Điều này đã tạo nên áp lực lớn cho nhiều người, khiến họ đánh mất niềm vui trong cuộc sống, mất hết hy vọng vào tương lai.
Người Kitô hữu cũng có chung một hoàn cảnh, một áp lực và một vòng xoay của xã hội như mọi người, nhưng Lời Chúa hôm nay vẫn mời gọi chúng ta: Hãy vui lên. Lời Chúa hôm nay cũng chỉ cho thấy đâu là niềm vui đích thực, có thể lan toả và ảnh hưởng trên cuộc đời mỗi người.
Bài đọc một, tiên tri Sophonia chỉ cho ta một lý do hết sức quan trọng để có thể sống vui đó là: Chúng ta có Chúa, chúng ta tin Chúa và tin Chúa là Đấng cứu độ, giải thoát ta. Niềm vui có Chúa là niềm vui vô cùng lớn lao mà những người dân ngoại sẽ không bao giờ có được. Niềm vui của người Kitô hữu là niềm vui của những người xác tín rằng: Chúa luôn bên cạnh mình, luôn bảo vệ mình, Ngài là Đấng giàu lòng thương xót và luôn thứ tha, chỉ có điều là ta có nhận ra sự hướng dẫn của Ngài hay không mà thôi.
Ngày xưa khi dân Israel bị lưu đày tại Babylon, họ rơi vào tình trạng thất vọng, chán nản, vì nghĩ rằng thiên Chúa đã bỏ rơi họ rồi, họ mặc cảm vì nghĩ rằng do tội lỗi của mình mà Thiên Chúa đã trừng phạt, đã đày ải Israel. Nhưng vị tiên tri cho thấy, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, Ngài hằng hiện diện, yêu thương và tha thứ. Vì thế, vị tiên tri khơi lại niềm vui và hy vọng khi nói với Israel rằng: Hãy phấn khởi lên hỡi Giêrusalem vì Chúa đã rút lại án phạt và đẩy lui quân thù. Ngài là Đức Vua đang ở giữa các ngươi, Ngài là Đức Chúa, là Vị Cứu Tinh là Đấng Anh Hùng. Hãy vui mừng lên vì Chúa đã lấy tình thương mà đổi mới các ngươi, Chính Chúa sẽ vui mừng vì ngươi.
Bài đọc hai, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết phải vui niềm vui nào: Chúng ta sẽ không vui chơi theo kiểu của người đời, cũng không vui chơi theo kiểu ăn uống say sưa theo trào lưu của xã hội, nhưng thánh nhân mời gọi: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Niềm vui của Chúa là niềm vui gì? Thánh Phaolô đã nói thêm: Vui lên anh em, sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, vì Chúa đã đến gần. Như thế, người tín hữu được mời gọi sống vui trong niềm vui của Chúa, có Chúa, tức là niềm vui thánh thiện vì biết rằng Chúa đến không phải để trừng phạt hay huỷ diệt, nhưng là để yêu thương và thứ tha. Đồng thời, để cho niềm vui thánh thiện này được lan toả, thánh Phaolô còn mời gọi: Anh em sống sao cho mọi người thấy anh em hiền hoà và rộng rãi. Một khi có được niềm vui đích thực trong tâm hồn, chúng ta sẽ dễ dàng yêu thương, đón nhận nhau hơn, dễ cảm thông và cư xử với nhau cách hiền hoà hơn. Cũng từ trong tâm hồn vui tươi, hiền hoà với mọi người, sẽ dẫn đến việc chia sẻ với nhau cách rộng rãi, không so đo, không tính toán thiệt hơn.
Để giữ mãi được niềm vui trong tâm hồn, thánh Phaolô còn chỉ dạy ta: Anh em đừng lo lắng, trong mọi hoàn cảnh, cứ cầu khẩn, van xin, tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa…. Bình an của Thiên Chúa sẽ ở trong lòng anh em. Như vậy, để có được niềm vui thực sự trong tâm hồn, thì tâm hồn cần có sự bình an của Chúa. Sự bình an này sẽ ở trong tâm hồn những người không bận vướng bởi tội; nơi những người sống trong tin tưởng phó thác cho Chúa, dù khi thuận lợi hay khi khó khăn, khi giàu có hay khi nghèo khó, luôn tin tưởng đến với Chúa bằng cầu nguyện, trò chuyện, giãi bày với Chúa. Sống như thế thì chính Thiên Chúa sẽ gìn giữ và ban cho lòng trí tâm hồn chúng ta được bình an và niềm vui. Bình an và niềm vui này vượt trên tất cả điều mà thế gian cho là vui và cho là bình an của nó.
Tin Mừng hôm nay kể lại, khi ông Gioan Tiền Hô mời gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn để chào đón niềm vui trọng đại là Đấng Cứu Thế sắp đến, thì những người Do Thái cũng đã đặt câu hỏi với ông: Chúng tôi phải làm gì? Ông Gioan đã trả lời cho họ: Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn cũng làm như vậy. Như thế có nghĩa là chỉ khi chúng ta biết mở lòng ra với anh chị em, chỉ khi chúng ta dám bỏ bớt những thứ của cải vật chất đang chiếm chỗ trong tâm hồn, thì tâm hồn chúng ta mới có chỗ để đón Chúa được. Nếu chúng ta đóng cửa lòng với anh chị em, nếu chúng ta không chừa chỗ cho Chúa trong tâm hồn, thì Chúa không thể bước vào lòng chúng ta được. Hơn nữa, một khi ta dám chia sẻ, dám mở lòng với anh chị em, ta sẽ nhận lại được niềm vui, đó là niềm vui trao tặng và đón nhận. Vì thế, Gioan Tiền Hô mời gọi mọi người cần thực hiện như một điều kiện đầu tiên để có được niềm vui đón Chúa, đó là Chia sẻ.
Cũng vậy, khi những người thu thuế hỏi Gioan, ông đã chỉ cho họ: Đừng đòi hỏi quá mức ấn định, tức là đừng lạm thu để kiếm tư lợi. Còn đối với những binh lính, Gioan nói với họ: Đừng hà hiếp người khác, đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình. Với câu trả lời cho những người thu thuế và binh lính, Gioan cho thấy, để có thể chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Cứu Thế, để có được niềm vui trong ngày Người đến, thì mỗi người cần chu toàn bổn phận theo hoàn cảnh xã hội của mình, dù là công chức chính quyền hay là quân đội, mỗi người đều phải sống và hành động với một lương tâm ngay thẳng, chu toàn nhiệm vụ của mình, không lợi dụng chức vụ để gian dối, nhận hối lộ hoặc tư lợi.
Cũng theo Gioan Tiền Hô, Đấng Cứu Thế là Đấng cao cả quyền năng, Người sẽ dùng quyền năng của Thánh Thần để thanh tẩy cả vũ trụ này, những gì là tội lỗi, dơ bẩn, gian ác sẽ bị tẩy trừ, những gì xấu xa thầm kín sẽ bị phơi bày. Đấng Cứu Thế là vị Chúa của công bình và yêu thương nhưng cũng là vị thẩm phán công minh, chính trực. Người như người thợ cầm nia trong tay mà sảy sân lúa, chỉ những hạt lúa chắc, lúa tốt, mới được cất giữ vào kho lẫm Nước Trời, còn thóc lép thóc xấu thì sẽ bị tiêu huỷ.
Thưa quý OBACE, Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng hôm nay gợi lên cho chúng ta niềm vui từ các bài đọc Lời Chúa cho đến màu sắc trong phụng vụ. Sau hai tuần lễ sống tâm tình mùa vọng với lời mời gọi chúng ta tỉnh thức sẵn sàng, chuẩn bị tâm hồn đón Chúa, thì hôm nay chúng ta được mời gọi hân hoan vui mừng vì Chúa đã tới gần. Chúng ta chỉ có thể thực sự vui khi tâm hồn chúng ta thanh thản nhẹ nhàng, không bị áp lực và những trói buộc của tội lỗi, các tật xấu và những mối bất hoà bất đồng với anh chị em.
Để giải toả được những áp lực này, chúng ta cần đến với Chúa, đến với anh em trong sự khiêm nhường sám hối và trong sự thiện chí để làm hoà. Làm hoà với Chúa qua bí tích Giải tội, giữ mối liên hệ với Chúa qua việc cầu nguyện, đọc kinh tham dự thánh lễ và rước lễ, chắc chắn chúng ta sẽ có một tâm hồn nhẹ nhàng bình an. Cũng vậy, nếu còn những gì lấn cấn trong tương quan với anh chị em, hãy khiêm tốn bước đến với nhau, đừng quy kết tội hoặc đổ lỗi cho nhau nữa, nhưng cả đôi bên cùng thiện chí bỏ qua bất hoà, bất đồng, nối lại tình anh em trong gia đình và xóm giềng, chúng ta sẽ tìm lại được bình an và niềm vui.
Nhiều bạn trẻ trong những ngày này đã lên kế hoạch cho những cuộc vui, những cuộc hẹn hò, ăn uống, quán xá đêm Noel. Nếu các bạn để mình bị cuốn vào những cuộc vui bên ngoài hoặc những tụ điểm của xã hội, mà bỏ qua việc tìm kiếm niềm vui và bình an trong tâm hồn, thì các bạn sẽ bị bế tắc trong đó và nó càng làm cho tâm hồn các bạn ra nặng nề. Thế gian chỉ có thể đem đến cuộc vui theo kiểu thế gian, còn Thiên Chúa thì đem đến niềm vui, giải toả những bế tắc trong tâm hồn, đến với Chúa, các bạn mới có được niềm vui đích thật.
Lễ Giáng Sinh là mùa lễ của gia đình, của tình thân, mỗi gia đình và từng thành viên hãy cố gắng tạo cho gia đình mình có một Mùa Giáng Sinh thật ấm áp và thân tình, qua lời cầu nguyện, qua những món quà, những cử chỉ, những lời chúc thân thương dành cho các thành viên trong gia đình mình. Chúng ta gửi thiệp, gửi quà và những lời chúc mừng Giáng sinh rất ngọt ngào đến những người khác được, thì tại sao ta lại không thể làm những điều đó cho cha mẹ, anh chị em và những người thân yêu trong gia đình của mình? Amen.
Nhận xét góp ý