Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Một 2025
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 12    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

MẶC LẤY CON NGƯỜI MỚI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG C:
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, nhiều người đã biết đến chuyện Tấm Cám. Tương tự, văn học dân gian nước ngoài có câu chuyện Cô Bé Lọ Lem. Cả hai câu chuyện này đều nhắm đến nhân vật chính là cô Tấm và Lọ Lem. Mặc dù họ là con trong gia đình, nhưng lại không được đón nhận và thương yêu như những người con khác, trái lại bị coi như kẻ ăn người ở trong nhà. Nhưng nhờ sự trợ giúp của ông tiên, sau một lần gặp gỡ hoàng tử, cô bé lọ lem năm xưa đã hoàn toàn được thay đổi. Từ một cô bé lọ lem bị khinh thường nay trở nên như một công chúa; từ một thiếu nữ rách rưới, nghèo nàn, cô được hoàng tử trang điểm cho bộ áo váy lộng lẫy và coi như vị hôn thê của mình.
Thưa quý OBACE, bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta cởi bỏ con người cũ, thân phận cũ, chiếc áo cũ, như cô bé Lọ Lem, để mang lấy một thân phận mới, mặc một tấm áo mới, trở nên những hoàng tử, công chúa của Thiên Chúa. Từ thân phận của kẻ tội lỗi trở thành những kẻ được cứu chuộc, từ thân phận nô lệ, đầy tớ, trở nên những con người tự do và được nhận làm con Thiên Chúa.
Bài đọc một hôm nay là lời kêu gọi đầy hy vọng của tiên tri Baruc: Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang chế và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu. Hãy khoác vào mình áo choàng của Thiên Chúa và đội lên đầu triều thiên vinh quang. Khi công bố những lời tiên báo này, lúc đó dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon. Đền thờ Giêrusalem bị quân ngoại bang phá huỷ, giày xéo, làm cho ra ô uế. Giêrusalem trước đây không chỉ là thủ đô, nhưng còn là trái tim, là niềm tự hào của cả dân tộc, là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Vậy mà, quân thù đã phá đổ hoang tàn, biến nơi đây trở thành nỗi đau xót, nhục nhã cho dân Do Thái. Lời của tiên tri Baruc như tiếp thêm sức mạnh để nuôi dưỡng niềm hy vọng dân Israel. Vị tiên tri loan báo sẽ đến ngày Thiên Chúa cho họ trở về, để xây dựng lại Giêrusalem và quốc gia, đồng thời sẽ biến Giêrusalem thành nơi quy tụ của muôn dân.
Để có thể trở về khôi phục lại Giêrusalem, thì điều quan trọng là phải mở được một con đường thật rộng, thật bằng phẳng băng qua sa mạc. Con đường mà vị tiên tri mô tả, chỉ là hình ảnh để nói đến một con đường khác, băng qua sa mạc của tâm hồn. Vì lúc này, nhiều người Israel đã để cho tâm hồn mình biến thành hoang mạc, đầy sỏi đá và cỏ dại, khiến Thiên Chúa không thể bước vào tâm hồn họ được. Nhiều người vì xa quê hương, vì mải mê kiếm sống nơi đất Babylon, dần dần họ bị ảnh hưởng theo lối sống của dân ngoại, lương tâm trở nên chai lì, đời sống đạo trở nên khô cằn, tương quan với anh em trở nên vô cảm. Giờ đây, lời tiên tri đòi họ phải thay đổi, phải mở một con đường trong tâm hồn, gỡ đi những rào cản, loại bỏ những bụi gai um tùm, để Chúa có thể bước vào và để họ cũng có thể dễ dàng đến với Chúa và anh chị em. Chính Thiên Chúa sẽ giải thoát họ khỏi thân phận nô lệ, để đem lại tự do; Chúa sẽ mặc lên cho họ chiếc áo vinh quang thay cho sự buồn tủi, nhục nhã, niềm vui hân hoan thay cho đau khổ tang chế.
Lời mời gọi mở con đường bằng phẳng, thông thoáng trong tâm hồn đã được Gioan Tiền Hô lặp lại cho con người thời đại của ông và cho chúng ta hôm nay: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Gioan Tiền Hô là con người bước ra từ hoang địa. Mặc dù với dáng vẻ bên ngoài thật đơn giản, cuộc sống thanh đạm: ăn châu chấu, uống mật ong, mặc áo bằng da lạc đà. Đây không phải là vẻ ngoài của một con người sang trọng, nhưng chính nếp sống của Gioan trở thành như một con đường trong sa mạc mà tiên tri Baruc nói tới và trở thành mẫu gương cho chúng ta. Đất nước Do Thái lúc bấy giờ tuy vẫn dưới quyền cai trị của người Rôma, mà hoàng đế là Tibêria, và trực tiếp cai trị tại Gidêa lúc đó là quan tổng trấn Philatô, cuộc sống tại nơi đó khá phát triển, là một vùng đất giàu có. Từ cuộc sống giàu có, và cùng với sự áp đặt văn hoá của người Rôma, nhiều người Do Thái đã xa rời giới răn lề luật của Thiên Chúa, sống theo kiểu dân ngoại, buông thả, hưởng thụ. Gioan đã dám sống ngược lại với lối sống của nhiều người lúc đó và kêu gọi mọi người cũng dám lội ngược dòng, qua việc: Mọi thung lũng trong tâm hồn phải lấp cho đầy, mọi lối sống quanh co gian dối phải được uốn lại cho ngay, những tội lỗi, thói xấu gây gập ghềnh lồi lõm trong tương quan với Chúa và với anh em, cần phải được san cho bằng. Khi đó, Thiên Chúa sẽ bước đến, Ngài sẽ thay đổi thân phận của mỗi người, từ kẻ nô lệ trở thành tự do, từ kẻ tội lỗi trở nên công chính, từ kẻ bị rơi vào án chết, sẽ được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Bài đọc hai, thư của thánh Phaolô cho chúng ta thấy, chỉ cần mỗi người dám bắt đầu, dám khởi sự mở đường, Chúa sẽ giúp chúng ta hoàn tất. Nếu như việc mở đường giao thông trong xã hội gặp nhiều khó khăn vì phải giải toả đền bù, thì việc mở đường trong tâm hồn cũng sẽ gặp khó khăn như vậy. Tuy nhiên, khi chúng ta quyết tâm mở cho thông thoáng, rộng rãi con đường trong tâm hồn mình, Chúa sẽ giúp chúng ta thực hiện: Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành.
Thánh Phaolô còn mời gọi và cầu xin cho chúng ta, được gia tăng lòng mến đối với Thiên Chúa và với anh em, làm cho lòng mến được dồi dào phong phú. Lòng mến đối với Thiên Chúa và với anh em, không phải là một vật cố định, nhưng nó như một ngọn đèn, cần phải châm dầu thường xuyên, cần phải che chắn khỏi bão gió. Điều này có nghĩa là: để gia tăng lòng mến với Chúa và anh em, cần phải có những việc làm cụ thể chứ không chỉ bằng lời. Lòng mến được thể hiện qua việc siêng năng đến với Chúa, gặp gỡ, cầu nguyện, dâng lễ, rước Chúa, sống tâm tình biết ơn và tạ ơn mỗi ngày; lòng mến đối với anh em được thể hiện qua những việc làm, lời nói yêu thương, sự chia sẻ và cảm thông cách cụ thể. Như thế mới là lòng mến dồi dào phong phú. Cùng với việc chăm sóc cho chiếc đèn lòng mến, thánh Phaolô còn mời gọi chúng ta phải bảo vệ chiếc đèn này trước gió bão của cuộc sống xã hội, bằng cách phân định điều tốt và điều xấu, điều tốt thì cố gắng thực hiện, còn điều xấu thì tránh cho xa.
Thưa quý OBACE, ai cũng muốn làm cho mình trở nên duyên dáng đẹp đẽ. Khi ra khỏi nhà, họ trang điểm và mặc trên mình những bộ quần áo đẹp nhất. Nhiều người, nhiều bạn trẻ, lo trang điểm bằng son phấn, quần áo và có nhiều người còn đi viện thẩm mỹ để loại bỏ khiếm khuyết, làm cho mình trẻ, đẹp, duyên dáng và lịch thiệp hơn, nhưng trong tâm hồn vẫn còn đầy những lem luốc, quanh co và những góc khuất. Chúng ta chỉ có thể trở nên thực sự duyên dáng, trẻ đẹp và lịch thiệp bên ngoài, khi mình có một tâm hồn tươi trẻ, trong sáng, nhẹ nhàng, thanh thoát. Tâm hồn chỉ có thể trong sáng khi được tẩy sạch khỏi tội nhờ bí tích Hoà Giải; loại bỏ những gian dối quanh co bằng nếp sống ngay thẳng thật thà, chân thành và chân thật; lấp đầy những hố sâu lười biếng bằng những việc đạo đức thường ngày như đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ, những giờ kinh tối gia đình. Khi chúng ta cố gắng, quyết tâm để bắt đầu, Thiên Chúa sẽ ra tay trợ giúp chúng ta, Ngài sẽ làm cho những cố gắng và thiện chí của chúng ta đến chỗ thành toàn.
Mùa Vọng này, Chúa mời gọi chúng ta bỏ lại con người cũ như cô Tấm, hoặc như cô bé Lọ lem, bỏ lại quá khứ bần hàn, hôi hám của một đứa con ghẻ, để trở thành nghĩa tử, thành những hoàng tử và công chúa của Thiên Chúa. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần phải có một quyết tâm cụ thể và bắt đầu thực hiện: Chúng ta quyết tâm mở thông con đường của tâm hồn bằng việc đến với Chúa, lãnh nhận các bí tích, tham dự thánh lễ; chúng ta sẽ gặp Chúa thường xuyên hơn qua những phút cầu nguyện, đọc kinh hoặc nhớ đến Chúa mọi lúc trong ngày. Quyết tâm để loại bỏ khỏi ta sự lười biếng bê trễ, kìm chế và kiểm soát những phản ứng nóng giận chửi bới để sống ôn hoà hơn với những người chung quanh. Mỗi ngày làm một vài việc tốt nho nhỏ, đem lại cho nhau những niềm vui và những nụ cười.
Chúng ta cũng quyết tâm mở thông con đường đến với anh chị em chung quanh, nhất là đến vợ, chồng, cha mẹ, con cái. Con đường này đã bị cản trở bởi công việc, bởi sự thiếu lắng nghe, thiếu cảm thông và hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta quyết tâm để dỡ bỏ những tảng đá tự ái, kiêu hãnh, những tảng đá là thói gia trưởng, gia mẫu, đang làm cho các gia đình trở nên nặng nề, khiến các thành viên trong gia đình không thể gần nhau được, không thể lắng nghe và trò chuyện được.
Khi chúng ta bắt đầu bằng những quyết tâm cụ thể như thế, Chúa sẽ trợ giúp ta và sẽ biến chúng ta trở thành những con người mới. Xin Chúa chúc lành cho cố gắng của chúng ta. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*