MONG ĐỢI CHÚA TRỞ LẠI
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Thưa quý OBACE, bước vào tháng cuối cùng trong năm, khắp phố xá và nơi nhiều gia đình đã bắt đầu âm vang những bản nhạc Giáng sinh như báo hiệu mùa hồng phúc đang đến. Đối với người Công Giáo, Mẹ Giáo Hội mời gọi con cái mình không chỉ chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Chúa Giáng Sinh, mà còn không ngừng nhắc cho chúng ta: phải chuẩn bị tâm hồn và cuộc đời để đón chờ Chúa trở lại lần thứ hai như Ngài đã hứa, đó là vào ngày cuối cùng của vũ trụ. Nhưng quan trọng hơn nữa, là chúng ta được mời gọi hãy tỉnh thức, sẵn sàng để đón Chúa đến với mỗi người trong ngày cuối cùng của cuộc đời mình.
Thánh Kinh hoặc trong dân gian, khi nói đến ngày tận thế, ngày Chúa trở lại, thường dùng những hình ảnh ghê sợ như: thiên tai, động đất, sấm chớp cùng những tai họa ập xuống trên hành tinh này. Nhưng thật ra, ngày tận thế chỉ là ngày kinh hoàng, sợ hãi cho những ai đã không tỉnh thức và sẵn sàng, còn những người đã chuẩn bị, đã tỉnh thức sẵn sàng, thì ngày đó là ngày ngập tràn hy vọng và hân hoan vui mừng.
Cách diễn tả ngày Chúa trở lại hôm nay của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Luca cũng được diễn tả theo cách diễn tả của con người lúc bấy giờ. Mục đích của cách nói này không phải để hù doạ, gây sợ hãi, nhưng nhằm củng cố đức tin của người tín hữu khi đối diện với những thảm hoạ thiên tai trên trời dưới đất như thế. Ngày ấy: sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng, các vì sao. Dưới đất, muôn dân lo lắng, hoang mang vì biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc… Những sự kiện gây rúng động vũ trụ như thế, không phải là thời kỳ huỷ diệt, nhưng trái lại, là thời Thiên Chúa tái tạo vũ trụ qua việc Đấng là Con Người xuất hiện trong quyền năng và vinh quang trên mây trời. Nếu như lần thứ nhất, Thiên Chúa xuống thế làm người, Người đã mang thân phận một con người, một hài nhi bé nhỏ yếu ớt, thì lần tái xuất hiện này, Người sẽ đến trong vinh quang của một vị Vua, vị Chúa Tể vũ trụ với quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Chúa Giêsu còn căn dặn các môn đệ của Người: Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. Như thế, việc Chúa Giêsu tái xuất hiện trong vinh quang chỉ là đáng sợ và là ngày kinh hoàng cho những ai từ chối trở nên môn đệ của Chúa, còn những kẻ tin cậy và trung thành với Chúa Giêsu thì sẽ đứng dậy trong hiên ngang, trong hi vọng: Đứng thẳng và ngẩng cao đầu.
Để có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong ngày Chúa trở lại, Chúa Giêsu đã căn dặn chúng ta: Anh em chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, đến độ bỏ quên bổn phận và trách nhiệm của mình với Chúa và với nhau. Đồng thời, phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể thoát khỏi các điều sắp đến và đứng vững trước mặt Con Người. Như thế, tỉnh thức và cầu nguyện là những phương thế tăng cường sức mạnh giúp chúng ta có thể đứng vững trước những thử thách khó khăn xảy ra và có thể đứng thẳng đón Chúa trở lại đem ơn cứu độ, niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại.
Tiên tri Giêrêmia đã tiên báo về ngày Đấng Cứu Thế đến, như vị Thái Tử nhà Đavít. Người như một mầm non hy vọng đâm chồi từ gốc tổ của nhà Đavít, Người là Đấng Công Chính và sẽ cai trị muôn dân theo lẽ công minh, chính trực. Đấng Cứu Thế sẽ là Đấng giải thoát dân Giuđa và nhân loại khỏi ách đô hộ của tội lỗi, của sự chết, của tuyệt vọng. Người sẽ khôi phục lại Giêrusalem thành nơi an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, vì những lời này được loan báo trong hoàn cảnh dân Do Thái đang phải sống trong cảnh nô lệ, Giêrusalem bị quân ngoại bang phá huỷ, hy vọng hồi hương ngày càng xa vời, vì thế người Do Thái lại hiểu những lời tiên báo này theo nghĩa chính trị. Họ hình dung Đấng Cứu Thế như một vị vua, một chiến binh đánh đuổi ngoại bang, khôi phục lại đất nước.
Chúa đến là để đem tình yêu thương cho nhân loại. Vì thế, thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta sống tâm tình Mùa Vọng bằng việc lan toả tình yêu thương của Chúa cho anh chị em: Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người càng thêm thắm thiết. Khi kiên trì sống với nhau trong bầu khí yêu thương thánh thiện đó, thì cho dù Chúa đến bất cứ ngày nào, giờ nào, chúng ta cũng không phải sợ hãi, vì những ai sống yêu thương sẽ được gặp Chúa là tình yêu thương. Đối với những người đã có được nếp sống đạo đức tốt lành, thánh Phaolô khuyên nhủ rằng: Anh em hãy cố gắng và tấn tới nhiều hơn nữa, sống đẹp lòng Chúa hơn nữa, và kiên trì sống như thế trong khi chờ đợi Chúa đến.
Thưa quý OBACE, đã rất nhiều Mùa Vọng đi qua trong cuộc đời, nhưng nhiều khi chúng ta vẫn sống dửng dưng trước lời mời gọi của Chúa. Chúng ta sẽ không dừng lại ở việc đón Chúa vào các hang đá, Chúa cũng không muốn chúng ta chỉ mừng lễ bên ngoài rầm rộ, nhưng Chúa muốn mỗi người mời Chúa, đón Chúa vào trong gia đình và tâm hồn của mình. Chúa muốn mỗi người biến gia đình và tâm hồn trở thành một hang đá nhỏ, ấm cúng, ngập tràn bình an, thánh thiện. Và để có được một gia đình, một tâm hồn bình an, điều quan trọng trước hết là ta phải gỡ bỏ khỏi mình tình trạng tội lỗi và những thói xấu lâu ngày. Chỉ khi tâm hồn sạch tội, ta mới có được sự bình an.
Kế đến, mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình cần điều chỉnh lại các mối tương quan của mình: tương quan giữa cha mẹ và con cái, con cái với cha mẹ. Để có thể xây dựng được mối tương quan này, cha mẹ, con cái cần trò chuyện với nhau nhiều hơn, trò chuyện khác với la mắng, cằn nhằn. Trò chuyện để hiểu nhau, cha mẹ hiểu được những suy nghĩ, mong muốn của con cái và con cái hiểu được những áp lực và lo lắng của cha mẹ. Có như thế mới có thể tìm lại được niềm vui, sự bình an trong tâm hồn và trong gia đình. Gia đình thiếu trò chuyện và đối thoại cách cởi mở, chân thành, sẽ gây nên bầu khí căng thẳng, các thành viên sẽ trở nên xa cách nhau và trở nên xa lạ ngay trong chính gia đình của mình.
Chúng ta cần bắt đầu bằng việc các thành viên trong gia đình, cha mẹ và con cái tập kiên nhẫn hơn một chút, cố gắng hơn một chút để lắng nghe và cảm thông với nhau. Điều quan trọng hơn hết, mỗi người hãy mời Chúa vào trong tâm hồn và gia đình bằng việc xưng tội, tham dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên; đón Chúa vào gia đình bằng các giờ kinh chung mỗi tối. Chỉ khi có Chúa trong tâm hồn và trong gia đình, tâm hồn ta mới thực sự bình an và gia đình mới thực sự ấm cúng.
Bên cạnh việc đón Chúa vào tâm hồn và gia đình, cha mẹ và các thành viên còn phải cố gắng vun đắp và bảo vệ bầu khí của gia đình qua những bữa cơm chung với nhau. Đừng mạnh ai nấy ăn, cũng đừng ăn cơm với cái tivi hay với điện thoại, nhưng ăn cơm với nhau, trò chuyện với nhau và biến bữa cơm gia đình, dù thanh đạm nhưng vẫn ngập tràn niềm vui và tiếng cười, đầy tràn lòng biết ơn và tình yêu thương. Các gia đình cũng có thể tổ chức các cuộc đi chơi chung với nhau, không cần phải là những chuyến đi xa, nhưng điều quan trọng là gia đình có những phút riêng tư, ra khỏi những lo toan hằng ngày để dành trọn thời giờ bên nhau. Làm được như thế, sẽ cải thiện được bầu khí gia đình, gia đình sẽ nhiều niềm vui hơn, nhiều tiếng cười hơn. Một việc làm nữa mà thánh Phaolô chỉ dạy chúng ta hôm nay để có thể chuẩn bị tâm hồn đón Chúa, đó là chia sẻ tình yêu thương và làm cho tình yêu thương ngày càng đậm đà thắm thiết. Điều này gợi ý cho mỗi người, mỗi gia đình còn phải biết sống quan tâm đến các anh chị em chung quanh, làm lan toả tình yêu thương của Chúa đến với láng giềng, đồng nghiệp và những người khó khăn. Khi chúng ta biết nghĩ đến người khác, dám chia sẻ, dám cho đi, chúng ta sẽ đón nhận lại được niềm vui và bình an.
Nhờ Lời Chúa chỉ bảo hôm nay, xin cho mỗi người biết dùng thời gian Mùa Vọng này để chuẩn bị tâm hồn mình thật tốt hầu đón Chúa vào trong tâm hồn mình và gia đình; cùng xin cho mỗi người cũng biết dùng thời gian này để lan toả tình yêu thương của Chúa, niềm vui và hy vọng đến với những người chung quanh. Amen.
Nhận xét góp ý