Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười Hai 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 11    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

YÊU CHÚA HẾT LÒNG – YÊU ANH EM NHƯ CHÍNH MÌNH

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXXI TN B:

Thưa quý OBACE, người ta cứ tưởng rằng: Sự phát triển của khoa học, công nghệ kỹ thuật và truyền thông sẽ giúp đưa con người đến gần Chúa hơn và gần nhau hơn. Mặc dù chúng ta có thể vẫn thấy những hình ảnh, hành động đẹp, thể hiện sự tương thân tương ái khi có chiến tranh hay thiên tai xảy ra. Nhưng nhìn chung trong thực tế, dường như những lúc bình thường, không phải lúc nào con người cũng quan tâm đến nhau, lúc bình an thuận lợi, có vẻ người ta khó để yêu thương nhau hơn. Cũng chính vì vậy, người ta gọi con người trong thế giới ngày nay là những người dửng dưng vô cảm. Dĩ nhiên, khẳng định này không nhắm đến tất cả mọi người, nhưng có thể nói, lối sống này đang trở thành một xu hướng có ảnh hưởng trên suy nghĩ và đời sống của nhiều người, kể cả những người Công Giáo. Con người ngày càng tỏ ra dửng dưng với đời sống tôn giáo và vô cảm với đồng loại của mình. Trong khi đó, Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta dành cho Chúa một tình yêu trọn vẹn và dành cho anh em một tình thương đầy tràn: Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chúng ta đã thực hiện hai điều răn này như thế nào và ở mức độ nào?
Bài đọc một sách Xuất Hành, ông Môsê nói cho người Do Thái biết lý do tại sao họ phải dành cho Thiên Chúa một tình yêu tuyệt đối và trọn vẹn, qua việc tôn thờ, yêu mến và đặt trọn cuộc đời trong vòng tay của Thiên Chúa. Việc dân Do Thái trung thành yêu mến Thiên Chúa, chắc chắn Thiên Chúa không được thêm điều gì, nhưng là cơ hội Chúa ban cho họ được sống trường thọ, an cư, lạc nghiệp. Nhất là khi thực hành giới răn lề luật của Thiên Chúa, Chúa sẽ cho họ được sống hạnh phúc, an bình trong miền đất mà Chúa đã ban. Hơn nữa, Thiên Chúa sẽ trở thành người Cha yêu thương, chăm sóc và bảo vệ cho Israel. Đó chính là lý do mà ông Môsê long trọng khẳng định và tuyên bố với dân Israel: Nghe đây hỡi Israel! Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất… Hãy yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết dạ, hết sức anh em.
Trải qua thời gian, lòng dạ những người Do Thái đã thay đổi, đức tin vào Thiên Chúa đã bị phôi phai, nhạt nhoà. Người Do Thái không còn nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Đấng bảo vệ nữa, nhưng họ nhìn Thiên Chúa như người quản lý hoặc như người bán hàng. Lòng yêu mến và việc chu toàn giới răn lề luật của Thiên Chúa đã bị biến thành cách để họ trao đổi, mua bán với Thiên Chúa. Có nghĩa là khi họ làm những việc quy định hoặc giữ các đòi hỏi chi tiết của luật, thì Thiên Chúa sẽ phải trao đổi ban ơn cho họ. Vì vậy, càng ngày những chi tiết tuỳ phụ được các nhà lãnh đạo thêm vào luật, còn điều chính yếu là lòng yêu mến Chúa trở nên lu mờ.
Cũng vì đã thêm quá nhiều những điều luật cấm đoán, những đòi buộc vào luật Chúa, khiến cho người Do Thái và ngay cả những vị thông luật cũng không còn phân biệt đâu là điều chính yếu. Vì vậy, hôm nay một vị thông luật đã đến hỏi Chúa Giêsu: Thưa Thầy, trong các điều răn, điều răn nào đứng đầu? Chúa Giêsu đã trích lại lời ông Môsê tuyên bố trong sách Xuất Hành để trả lời cho thầy thông luật: Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình ngươi. Và điều răn thứ hai được trích trong sách Đệ Nhị Luật: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chúa Giêsu khẳng định: Không có điều răn nào quan trọng hơn các điều răn đó.
Đưa ra hai điều răn này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống tốt hai mối tương quan: Với Thiên Chúa và với anh em. Trong tương quan với Thiên Chúa, Chúa Giêsu diễn tả bằng cách nói: Yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình. Điều này có nghĩa là: Chúng ta phải dành cho Thiên Chúa một tình yêu tuyệt đối, trọn vẹn, vượt trên tất cả mọi tương quan và mọi quan tâm khác. Con người chúng ta có linh hồn và thể xác, có trái tim biết yêu thương, có trí khôn biết suy nghĩ và có ý chí để quyết định chọn lựa. Do đó, đòi hỏi của điều răn thứ nhất này có nghĩa là chúng ta phải yêu Chúa bằng tất cả linh hồn và thể xác, yêu bằng cả trái tim và sự hiểu biết, cũng như yêu với tất cả sự khao khát mong muốn yêu và được yêu của mình. Đòi hỏi tình yêu trọn vẹn như thế, sẽ loại trừ khỏi con người sự dửng dưng, trễ nải, hình thức, để thúc đẩy và dẫn chúng ta đến những việc làm cụ thể, biểu hiện lòng yêu mến cách tự do đối với Thiên Chúa.
Cũng vậy, điều răn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra, đó là: Ngươi hãy yêu mến anh chị em như chính mình. Điều này có nghĩa là: Việc yêu mến anh chị em, những người bên cạnh, không phải là những lời sáo rỗng, cũng không phải là nói cho qua lần, nhưng Chúa đòi chúng ta một tiêu chuẩn là: Yêu như yêu chính bản thân mình. Đòi hỏi này là tiêu chuẩn mà mỗi người đều có kinh nghiệm, vì không ai ghét bản thân mình bao giờ, nhưng luôn yêu mến, chăm sóc và muốn mọi sự tốt đẹp cho bản thân, thế nên chúng ta cũng được mời gọi phải muốn và làm điều tốt đẹp cho anh chị em như vậy. Do đó, yêu anh chị em như yêu chính mình, có nghĩa là nghĩ điều tốt, muốn điều tốt và làm điều tốt cho anh chị em của mình. Yêu anh chị em như chính mình còn có nghĩa là đặt mình vào hoàn cảnh của họ để dễ dàng cảm thông và quan tâm. Hơn thế nữa, còn dám chấp nhận thiệt thòi, lui lại, để cho anh chị em vượt lên phía trước và vượt cả bản thân chúng ta.
Thưa quý OBACE, khi hỏi người Công Giáo, lề luật căn bản của đạo là gì? Ai cũng có thể trả lời là: Mến Chúa – Yêu người. Câu trả lời đó không sai, nhưng có lẽ chưa đủ. Vì Chúa không yêu cầu chúng ta mến Chúa yêu người cách chung chung, nhưng Chúa đòi chúng ta yêu theo mức độ Chúa muốn. Câu trả lời chính xác phải là: Chúa muốn chúng ta Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức mình. Vì trong thực tế, người Công Giáo nào cũng có thể nói là mình giữ giới răn mến Chúa, nhưng thái độ và mức độ của việc tuân giữ giới răn này hoàn toàn khác nhau. Có rất nhiều người có đạo nhưng chỉ đến với Chúa vì nghĩ rằng luật Chúa bắt buộc chứ không đến vì yêu mến và không chút cảm nhận gì. Họ đến với Chúa không vì lòng biết ơn, không vì muốn gặp gỡ Chúa là Cha của mình, không muốn xum họp, đón nhận sức sống của Chúa, nhưng đến chỉ vì muốn trấn an lương tâm. Vì vậy, họ đến với Chúa trong thái độ vật vờ như khách qua đường, hoặc như đi tham quan, dạo mát, như đi công viên.
Cũng vậy, Chúa không bảo chúng ta yêu người cách chung chung, nhưng phải yêu theo tiêu chuẩn và mức độ Chúa muốn. Đó là Yêu như yêu chính bản thân mình. Trong đợt cứu trợ bão lụt vừa qua, có những người đã âm thầm giúp đỡ đồng bào mình, nhưng cũng có nhiều người khác mượn cơ hội này chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi, trong đó có những người nổi tiếng. Họ chuyển tiền giúp được năm, ba triệu, nhưng khoe trên mạng là mình đã gửi hàng trăm triệu. Khi UBMT công khai danh sách người ủng hộ, lúc bấy giờ bộ mặt thật mới lộ ra. Những thái độ và việc làm như thế, không thể coi là những việc làm nhân ái, yêu thương được.
Cũng có những người vận động để đi làm bác ái chỗ này chỗ khác, nhưng khi đến tay người bị nạn, chẳng còn được bao nhiêu vì bị trừ chi phí vận chuyển, đi lại của cả đoàn. Đằng sau những chuyến bác ái “tượng trưng” đó, còn có các mục đích khác. Cũng có những người rất tích cực làm việc bác ái nơi xa, nhưng lại bỏ quên việc bác ái yêu thương đối với những người ở gần và có khi ở ngay trong gia đình của mình. Chia sẻ như thế không nhằm chê trách hoặc phản đối các chuyến đi bác ái, nhưng vấn đề là, chúng ta đang đến với anh chị em mình, đang làm những cử chỉ yêu thương đó vì mục đích gì? Vì lý do gì?
Việc bác ái Kitô giáo là cách chúng ta thể hiện cụ thể giới răn yêu thương: Yêu anh chị em như chính mình. Vì thế, việc bác ái Kitô giáo khác với bác ái xã hội, cùng một việc làm nhưng ý nghĩa khác nhau. Chúng ta đến với anh chị em bằng tình yêu thương của Thiên Chúa, có nghĩa là khi anh chị em đón nhận sự chia sẻ của chúng ta, họ nhận ra chúng ta là sứ giả, là hiện thân của chính Thiên Chúa. Còn chúng ta, nếu là người trao tặng, chúng ta sẽ không bố thí, nhưng là chia sẻ và nhận ra Chúa đang hiện diện trong những anh chị em đau khổ mà chúng ta gặp gỡ.
Qua việc lắng nghe Lời Chúa hôm nay, xin cho chúng ta biết đón nhận giới răn của Thiên Chúa với một thái độ mới, một tinh thần mới. Xin Chúa giúp cho mỗi người biết nhận ra rằng: Việc ta yêu mến Chúa sẽ đem lại sức sống và hạnh phúc cho chính chúng ta; và việc chúng ta yêu mến anh chị em, giúp bản thân nên giống Chúa và gần Chúa hơn. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*