THÁNH DANH MẸ MARIA
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)
Hiện nay, Nghi lễ La Mã của Giáo hội Công giáo tôn vinh Thánh Danh Đức Mẹ với lễ nhớ (không bắt buộc) ngày 12 tháng 9. Lễ này gắn liền chặt chẽ với ngày sinh của Đức Trinh Nữ Maria được cử hành vào ngày 8 tháng 9.
Theo Bách Khoa Toàn Thư Công Giáo, lễ này “được thành lập năm 1513 tại Cuenca, Tây Ban Nha, và được ấn định ngày 15 tháng 9, sau tám ngày mừng Sinh Nhật Đức Maria. Sau khi ĐGH Piô V cải cách Sách Kinh Nhật Tụng, theo Sắc Lệnh của ĐGH Sixtô V (ngày 16-1-1587), lễ này được chuyển sang ngày 17 tháng 9.
Việc cử hành lễ này vào 8 ngày sau khi Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tương ứng với lễ Thánh Danh Chúa Giêsu, được cử hành 8 ngày sau khi Chúa Giêsu sinh ra.
Lễ Thánh Danh Chúa Giêsu có liên quan nghi lễ cắt bì của người Do Thái, được cử hành 8 ngày sau khi một bé trai chào đời và được ghi chép trong Kinh Thánh. Vào cuối ngày thứ tám, khi bé trai được cắt bì, được gọi là Giêsu, tên mà thiên thần đã đặt trước khi bé được thụ thai trong lòng mẹ. (Lc 2:21)
Các bé gái không có cùng nghi lễ đặt tên theo truyền thống Do Thái, mặc dù các bé gái được đặt tên trong vài tuần đầu sau khi sinh. Thế kỷ 17, lễ này được mở rộng ra toàn thể Giáo hội và được ấn định một ngày khác.
Sau cuộc bao vây Vienna và chiến thắng vẻ vang của Sobieski trước người Thổ Nhĩ Kỳ (12-9-1683), lễ này được ĐGH Innocent XI mở rộng ra toàn thể Giáo hội và được ấn định vào Chúa Nhật sau lễ Sinh Nhật Đức Maria.
Năm 1908, một sắc lệnh mới nêu rõ: “Bất cứ khi nào lễ này không thể được cử hành vào đúng ngày Chúa Nhật do có một lễ nào đó có cấp bậc cao hơn thì phải cử hành vào ngày 12 tháng 9, ngày kỷ niệm chiến thắng Sobieski trong Sổ Bộ Tử Đạo La Mã.”
Vào thời điểm đó, người ta tin rằng Đức Mẹ đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng quân sự và giáo hoàng đã kết nối điều đó với lễ Thánh Danh Đức Mẹ. Tuy nhiên, việc cử hành lễ Thánh Danh Đức Mẹ trong khoảng thời gian này là điều phù hợp.
PHILIP KOSLOSKI
Nhận xét góp ý