CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC MẸ BẢY SỰ
▶ Tình Lặng – https://youtu.be/sUsCZCRfQ0U
Từ thời Trung Cổ, người ta đặc biệt nhấn mạnh đến việc đưa Đức Mẹ vào sứ mệnh chịu đau khổ cứu chuộc qua việc lần chuỗi Đức Mẹ Sầu Bi.
Dấu vết của lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi đã có trong suốt thiên niên kỷ đầu tiên của Giáo Hội, nhưng mãi đến khi bảy người đàn ông đến Monte Scenario gần Florence, Ý quốc, thì lòng sùng kính Đức Mẹ sâu sắc mới xuất hiện. Những người này chuyên cần cầu nguyện, sám hối, và có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1239, khi họ chiêm niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô và sự đau khổ của Đức Mẹ thì Đức Mẹ đã hiện ra với họ. Đức Mẹ bày tỏ mong muốn họ thành lập một dòng tu tập trung vào nỗi đau của Mẹ. Vâng lời kêu gọi của Mẹ, họ đã thành lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, còn được gọi tắt là Dòng Tôi Tớ.
Trọng tâm trong việc thờ phượng của họ là “Servite Rosary” (Chuỗi của Dòng Tôi Tớ), nay gọi là Chuỗi Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ, bao gồm việc suy niệm về những nỗi đau buồn của Đức Mẹ. Lòng sùng kính này nhanh chóng lan rộng khắp nước Ý và xa hơn nữa.
Chuỗi kinh này đã có thêm động lực mới từ những thị kiến của Thánh Bridget Thụy Điển (1303-1373). Khi mới 10 tuổi, Thánh Bridget đã có thị kiến mặc khải 5.480 lằn roi Chúa Giêsu phải chịu trong Cuộc Khổ Nạn. Thị kiến này đã củng cố lòng sùng kính sâu sắc của bà đối với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô.
Thánh Bridget thường xuyên thấy Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thiên thần, thường tập trung vào trái tim đau khổ của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Trong một lần thị kiến, Đức Mẹ đã yêu cầu Thánh Bridget: “Mẹ nhìn quanh mọi người trên thế giới để xem có ai đó có thể thương Mẹ và lưu tâm đến nỗi buồn của Mẹ hay không, nhưng Mẹ thấy rất ít người nghĩ đến nỗi buồn và đau khổ của Mẹ. Này ái nữ của Mẹ, mặc dù Mẹ bị nhiều người lãng quên và bỏ rơi, nhưng con không được quên Mẹ! Hãy nhìn vào những cuộc đấu tranh của Mẹ và bắt chước hết sức con có thể! Hãy suy ngẫm về nỗi buồn và nước mắt của Mẹ, và hãy tiếc rằng những người bạn của Chúa quá ít. Hãy kiên trì! Nhìn kìa, Con Mẹ đang đến.” [1]
Ngày 2-3-1982, Đức Mẹ Maria hiện ra với Marie Claire Mukangango ở Kibeho, Rwanda, và nói: “Người ta phải suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và về những nỗi đau buồn sâu xa của Mẹ Ngài. Người ta phải đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày, và Kinh Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ, để có được ơn ăn năn.” [2]
Marie Claire đã nghe lời kêu gọi thúc đẩy lòng sùng kính Trái Tim Đau Buồn Đức Mẹ nhưng đã qua đời 12 hai năm sau đó (năm 1994) trong bối cảnh hỗn loạn dân sự. Immaculée Ilibagiza, nổi tiếng là người “còn lại để kể” về thông điệp của Đức Mẹ, đã tiếp nối di sản của Marie Claire. Bà đã đi khắp thế giới, truyền bá thông điệp của Đức Mẹ Kibeho với niềm đam mê và nhiệt huyết như Marie Claire.
Chúng ta đã chứng kiến sự hồi sinh của Chuỗi Kinh của Dòng Tôi Tớ với sự hiện ra của Đức Mẹ ở Kibeho. Bây giờ chúng ta phải đáp lại lời kêu gọi này để cầu nguyện bằng Chuỗi Kinh Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ. Và Đức Mẹ hứa ban ba hoa trái khi chúng ta lần chuỗi Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ:
1. Suy niệm về bảy sự thương khó của Đức Mẹ đem lại sự an ủi cho Đức Mẹ.
2. Suy niệm về bảy sự thương khó của Đức Mẹ sẽ tiết lộ những hành vi gây ra nỗi đau cho Đức Mẹ và những bước chúng ta phải thực hiện để sửa đổi.
3. Suy niệm về bảy sự thương khó của Đức Mẹ cho chúng ta một trái tim cầu nguyện cho những linh hồn không ăn năn.
Mỗi hoa trái này được gắn liền trực tiếp với thế giới.
1. Tội lỗi của con người làm cho Trái Tim Đức Mẹ tan vỡ.
2. Sự phát triển về nhân đức của chúng ta dẫn đến sự thánh thiện của tâm hồn chúng ta, điều này tác động đến người lân cận và thế giới của chúng ta.
3. Những lời cầu xin của chúng ta dẫn đến việc Thiên Chúa thương xót thế giới.
Chữ khủng hoảng có nghĩa là “bước ngoặt.” Câu hỏi đặt ra trước mỗi chúng ta là: chúng ta có cho phép những cuộc khủng hoảng hiện tại trở thành trục mà chúng ta tìm cách gặp gỡ Chúa Kitô và ăn năn tội mình? Hay là chúng ta cho phép nỗi sợ hãi dẫn đến thái độ thất bại, khi chúng ta nói những điều đại loại như thế này:
– Tôi cảm thấy không đủ khả năng.
– Tôi cố gắng để làm gì?
– Tôi có thể sẽ thất bại, vậy thì bắt đầu để làm gì?
Văn hóa thế tục coi trọng quyền lợi cá nhân và chủ nghĩa tương đối về đạo đức ở mức cao nhất, gần như thể chúng là những cách theo đuổi thiêng liêng. Các hệ tư tưởng này nhấn mạnh rằng sự lựa chọn của chúng ta phải được tôn trọng, bất kể chúng có tai hại hay liều lĩnh như thế nào. Sự ảnh hưởng như vậy đã dẫn đến thái độ thất bại tập thể. Người ta có thể nghĩ rằng “nỗ lực cá nhân của tôi để mở rộng Vương Quốc của Thiên Chúa và sự chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ là không đáng kể, vì vậy tôi nên để lại cho Hội Kinh Mân Côi, các giáo sĩ tận tụy và các giám mục.” Tuy nhiên, lời hứa của Đức Mẹ – vang vọng trong Kinh Thánh – truyền tải một sứ điệp khác: “Hãy suy niệm về những nỗi buồn của Mẹ, và Mẹ sẽ đưa các con đến gần Con của Mẹ. Khi Mẹ làm như vậy, các con sẽ được biến đổi cũng như các linh hồn không ăn năn mà các con cầu nguyện cho!”
Chúng ta càng thực hành cầu nguyện trong tâm trí, tích cực tham gia Thánh Lễ, đọc Kinh Mân Côi và Chuỗi Bảy Sự Thương Khó, và dâng sự đau khổ của mình để cứu rỗi các linh hồn, chúng ta càng tạo ra sự thay đổi. Mặc dù Thiên Chúa không phụ thuộc vào lời cầu nguyện của chúng ta để hành động, nhưng Ngài sử dụng lời cầu nguyện của chúng ta để hành động, cho phép chúng ta vinh dự được tham gia vào lòng thương xót và tình yêu của Ngài.
JOSEPH HOLLCRAFT và RUTH BERGHORST
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
[1] Mặc Khải của Thánh Bridget Thụy Điển: Cuốn 1-5, ed. Darrell Wright (self-pub., CreateSpace Independent Publishing, 2016), cuốn 2, chương 24.
[2] Immaculée Ilibaziga, Đức Mẹ Kibeho: Đức Mẹ nói với Thế Giới từ Trái Tim Phi Châu (Carlsbad, CA: Hay House, 2010), 185. Ngày 29-6-2001, ĐGM Augustin Misago, GP Gikongoro, đã có phán quyết cuối cùng, và đã được Tòa Thánh chấp thuận, rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại Kibeho với Alphonsine Mumureke (17 tuổi), Nathalie Mukamazimpaka (20 tuổi), và Marie Clare Mukangango (21 tuổi).
Nhận xét góp ý