BÁNH TỪ TRỜI ĐEM ĐẾN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Người ta cứ tưởng rằng: xã hội, khoa học, công nghệ phát triển, thì con người sẽ giảm bớt mê tín, thế nhưng dường như không phải như thế. Gần đầy, xã hội đang xuất hiện rất nhiều những hình thức tôn giáo, niềm tin mang tính mê tín. Các vị thuyết pháp chủ yếu nhắm vào việc khủng bố, thao túng tâm lý. Các sự kiện đã xảy ra trong năm qua như: việc trưng bày cái gọi là tóc Phật, việc hù doạ về vong hồn, việc giải thích quả báo nghiệp chướng và kể cả việc đổ xô đến một gốc cây được cho là có hình giống mặt Chúa. Tất cả những việc đó cho thấy, dường như nhiều người đang thiếu vắng những giá trị tôn giáo, tâm linh, vì thế, họ dễ dàng chạy theo những thứ giật gân như vậy.
Phải chăng xã hội đang tràn ngập sự gian tham, dối trá, con người mất lòng tin vào nhau và vào cuộc sống; con người chỉ biết thu tích cho thật nhiều của cải, mà tâm hồn họ lại đang bị trống rỗng và thiếu đói. Chúng ta thấy rằng: cho dù cuộc sống xã hội đầy đủ, văn minh, khoa học, nhưng trong thâm sâu tâm hồn con người vẫn muốn tìm kiếm những giá trị cao quý hơn, thiêng thánh hơn. Cũng vì thế mà nhiều người đã mong tìm được một chút an bình nơi tâm hồn, thanh thoát khỏi xã hội bon chen giành giật này bằng cách đến với các tôn giáo.
Cách đây hơn hai ngàn năm, Đức Giêsu đã chạnh lòng trước tình trạng thiếu đói trong tâm hồn của đám đông, khi Ngài chứng kiến hàng ngàn người không ngại vất vả, mưa nắng để đi theo Ngài. Trông thấy một đám đông đi theo mình như thế, Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người đến với Ngài, tin và đón nhận Ngài, vì Ngài là Bánh hằng sống, Ngài sẽ làm cho tâm hồn được no thoả, và đem đến sự sống an bình, hạnh phúc đời đời. Nhưng người Do Thái dường như không vượt qua được cái nhìn trước mắt, cũng không vượt qua được cái bụng của mình. Việc họ vất vả đi theo Chúa Giêsu nhiều ngày như thế, chỉ vì được ăn no mà không phải làm việc. Chúa Giêsu đã chỉ ra cho những người Do Thái cái thiếu và cái đói mà họ đang cần, đó là sự thiếu đói trong tâm hồn, thiếu đói hạnh phúc hơn là thiếu đói thể xác.
Tuy nhiên, khi tuyên bố với họ: Tôi là Bánh hằng sống từ Trời xuống, người Do Thái không những không ngạc nhiên, nhưng họ còn có chút mỉa mai khi nói với nhau: Ông này là ông Giêsu con ông Giuse. Cha mẹ ông ta chúng ta đều biết, sao bây giờ ông ấy lại nói: Tôi từ Trời xuống? Chúa Giêsu đã trả lời và nói cho họ biết rằng: họ không thể tin và đón nhận Ngài nếu họ không được Thiên Chúa Cha ban ơn, giúp họ vượt qua cái nhìn giới hạn tự nhiên để nhìn bằng con mắt đức tin. Để có thể nhìn bằng con mắt đức tin, họ cần phải để cho Thiên Chúa dạy dỗ. Nói khác đi, họ cần phải đón nhận sự dạy bảo từ Thiên Chúa: Ai nghe và đón nhận lời giáo huấn của Thiên Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Và, khi đến với Chúa Giêsu thì sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa Cha. Ai tin thì sẽ đón nhận được sự sống đời đời.
Với sự mạc khải này, dường như vượt quá sức đón nhận của người Do Thái, Chúa Giêsu đã dùng lại hình ảnh Manna trong sa mạc giúp người Do Thái dễ hình dung hơn. Từ trước đến nay, người Do Thái vẫn tin rằng: việc Chúa ban Manna trong sa mạc như bánh từ trời xuống. Nhưng Đức Giêsu so sánh cho thấy, bánh Manna mà Thiên Chúa ban cho họ là để nuôi sống thân xác, dù có được nuôi sống thì cũng đến lúc phải chết. Còn Bánh hằng sống đích thực là chính con người của Chúa Giêsu, là bánh từ Trời, từ Thiên Chúa Cha mà đến, là bánh trao ban sự sống của Thiên Chúa, đem lại sự sống đời đời cho những người đón nhận. Bánh đó là chính thịt máu và cả con người của Chúa Giêsu: Bánh tôi ban chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống.
Để đi đến mạc khải về Bánh ban sự sống hôm nay, thì từ thời Cựu ước, Thiên Chúa đã dùng nhiều sự kiện để chuẩn bị tâm hồn cho người Do Thái dễ đón nhận. Ngoài việc Thiên Chúa cho Manna từ trời rơi xuống nuôi toàn dân Do Thái suốt bốn mươi năm hành trình trong sa mạc, thì sách các Vua cũng kể lại việc Thiên Chúa nuôi tiên tri Êlia nhiều tháng trong núi bằng bánh mì và nước. Sách Các Vua thuật lại: Sau khi đã giết chết các sư sãi thần Baal, hoàng hậu Isabel tức giận và cho người truy sát tiên tri Êlia, ông đã phải bỏ trốn lên núi. Trong lúc mệt mỏi rã rời, ông kêu trách Thiên Chúa: Lạy Chúa, xin lấy mạng sống con đi, vì con cũng không hơn gì cha ông của con. Vì quá mệt mỏi, ông đã thiếp ngủ dưới một gốc cây. Lúc đó có một thiên thần đánh thức ông dậy, đem bánh cho ông ăn và nói: Hãy dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa. Ông trỗi dậy ăn bánh và uống nước. Nhờ lương thực bổ dưỡng ấy, ông tiếp tục hành trình bốn mươi ngày bốn mươi đêm để tới núi của Thiên Chúa.
Xưa Thiên Chúa dùng Manna nuôi sống dân Do Thái bốn mươi năm trong hoang địa khỏi chết đói, Chúa cũng sai thiên thần đem bánh đến nuôi tiên tri Êlia, giúp ông được bổ dưỡng trong khi mệt mỏi, nâng đỡ ông trong khi gặp thử thách và tăng cường sức mạnh để vị tiên tri tiếp tục hành trình bốn mươi ngày đêm tiến lên núi của Thiên Chúa. Ngày nay, Chúa Giêsu mạc khải về Bánh từ trời mà xuống là Bánh đem lại sự sống đời đời cho những ai tin và đón nhận Người. Bánh này là bánh bổ dưỡng giúp những người tin có đủ sức lực để bước tới trên hành trình trần thế này mà tiến về Nước Trời.
Thưa quý OBACE, theo Thánh Phaolô, để có thể đón nhận Bánh ban sự sống là Chúa Giêsu, để có sự sống đời đời, đòi mỗi người phải dám để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn. Chúa Thánh Thần sẽ tẩy rửa khỏi ta những thứ đem đến sự chết và ghi dấu ấn cứu chuộc trong tâm hồn ta. Vì thế, nếu ta ngăn cản sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không thể đón nhận được sự sống đời đời. Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta loại bỏ khỏi tâm hồn mình sự chua cay, gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn, chửi bới và những hành vi gian ác. Bên cạnh việc loại trừ những thứ đưa đến sự chết, ta còn phải ươm mầm hạt giống sự sống đó là hạt giống của lòng thương xót, tình yêu thương và biết quảng đại, tha thứ, như Chúa đã tha thứ cho ta. Đón nhận bánh đem lại sự sống đời đời là Chúa Giêsu, thì đồng thời phải sống tình yêu thương bác ái như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, đã hiến thân mình làm của lễ đền tội thay cho chúng ta.
Các bậc cha mẹ được mời gọi đón nhận sự sống của Chúa vào trong gia đình của mình, bằng việc siêng năng đón nhận bánh Chúa ban qua việc tham dự thánh lễ và rước lễ, đem sức sống của Chúa về cho gia đình mình. Đồng thời, làm như lời thánh Phaolô chỉ dạy, đó là loại bỏ khỏi tâm hồn mình sự chua cay, gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn, chửi bới và những hành vi gian ác; biến gia đình mình trở thành nơi ươm mầm sự sống, bảo vệ sự sống mà Thiên Chúa trao ban. Các cha mẹ cần phải gieo trồng trong gia đình hạt giống của lòng thương xót, tình yêu thương và biết quảng đại tha thứ như Chúa đã tha thứ cho ta.
Ươm mầm và chăm sóc cho sự sống đời đời trong gia đình còn là bổn phận của các thành viên khác trong gia đình, tức là con cái. Mỗi người cần ý thức trách nhiệm của mình là biến gia đình trở thành tổ ấm yêu thương, là nơi đầy ắp niềm vui, tiếng cười, sự cảm thông và bao dung. Đừng để sự nóng nảy, giận hờn, cãi vã, bạo lực phá vỡ bầu khí hạnh phúc của gia đình, biến gia đình trở nên nặng nề, u ám và chết chóc.
Nhiều bạn trẻ ngày nay khao khát thành công, khao khát nổi tiếng hoặc khao khát làm giàu mau chóng mà không muốn phải hy sinh và cố gắng, nhưng lại để cho mình thiếu thốn, nghèo đói đời sống sống thiêng liêng, tâm linh. Nói cách khác, những khao khát bên ngoài, nhiều khi là dấu hiệu cho thấy sự khao khát sâu thẳm trong tâm hồn, đó là khao khát hạnh phúc, khao khát sự bình an, thanh thoát, nhẹ nhàng. Những khao khát này, xã hội, thế gian không thể đáp ứng cho con người. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể đáp ứng cho những đói khát, thiếu thốn trong tâm hồn và làm cho ta no thoả cả tâm hồn và thể xác. Đón Chúa vào trong cuộc đời, mời Chúa hiện diện trong tâm hồn, để cho Chúa cùng hoạt động, học tập, làm việc và hành động với ta, cuộc đời ta sẽ no thoả niềm vui, hạnh phúc và bình an. Vì có Chúa là có tất cả. Amen
Nhận xét góp ý