SUY TƯ VỀ MÔNG TRIỆU
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Kính mừng Mẹ Mông Triệu – 2024
▶ Mông Triệu – https://youtu.be/sjwXqK7O2SA
Mặc dù đến năm 1950, sự kiện Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời mới được ĐGH Piô XII công bố là tín điều, nhưng từ thời các Giáo Phụ, người Công Giáo vẫn tin rằng “sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Đức Trinh Nữ Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.”
Tuy nhiên, nhiều yếu tố đã chống lại việc thành lập chính thức của lễ này. Những người theo chủ nghĩa đại kết cảm thấy khó xử khi đối thoại với những người Tin Lành quan ngại vấn đề “tôn sùng Đức Maria” (Mariolatry). Ngay cả những người Chính Thống Giáo, những người có thể đồng ý với bản chất của tín điều, cũng vẫn không thích việc giáo hoàng ấn định điều đó.
Thánh Mẫu học cao cấp tập trung vào sự độc nhất của Đức Maria. Mông Triệu là đặc quyền của người được thụ thai một cách vô nhiễm (một trở ngại đại kết khác). Cơ thể của người phụ nữ không có tội đã mang Thân Thể Chúa Kitô thì không thể bị hư nát.
Tình trạng không biết tôn giáo nói chung, cùng với sự nhấn mạnh vào giáo luật, tập trung nhiều hơn vào việc người Công Giáo tham dự Thánh Lễ vào ngày lễ buộc và ít hơn về lý do những gì đã xảy ra lại có ý nghĩa đối với người Công Giáo.
Sau đó là sự điên rồ tuyệt đối vào năm 1991 của các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ rằng ngày 15 tháng 8 là ngày thánh, trừ khi rơi vào Thứ Bảy hoặc Thứ Hai – một kiểu đảo ngược quy tắc “Ngày nghỉ liên bang Ngày Thứ Hai.”
Ngoài vấn đề số người tham dự Thánh Lễ giảm sút, có ai thắc mắc tại sao việc tham dự phụng vụ ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời thậm chí còn tồi tệ hơn hay không?
Trước tất cả các cân nhắc đó, chúng ta hãy xem xét một viễn cảnh thần học đầy đủ hơn cho Lễ Trọng này. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không phải là một giáo điều biệt lập nào đó, chỉ đơn thuần được coi là niềm tin như thể nó thiếu sự gắn kết với phần còn lại của Lịch Sử Cứu Độ. Thật vậy, đó là một phần rõ ràng và quan trọng của Lịch Sử Cứu Độ.
Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Sự Phục Sinh của Chúa Kitô – sự sống lại từ cõi chết trong thân xác con người đã được biến đổi và có thật – là thiết yếu, thực sự không thể thiếu, đối với Tin Mừng. Tông đồ dân ngoại lập luận rằng Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu – không phải Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết – là phép thử đối với Kitô giáo. Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1 Cr 15:14)
Những trang đầu tiên của Kinh Thánh (St. 3:2) chứng minh rằng sự chết là hậu quả của tội lỗi. Cái chết không phải là sự trừng phạt độc đoán của Thiên Chúa đối với tội lỗi, như thể Ngài có thể chọn một người khác. Đó là điều cơ bản: người ta không thể tách mình ra khỏi nguồn sống – Thiên Chúa – mà không chết.
Nếu tội lỗi là bệnh căn bản của nhân loại và sự chết là hậu quả của nó thì Chúa Giêsu sẽ không hoàn toàn cứu chuộc chúng ta khỏi tình trạng sa ngã nếu Ngài không sống lại từ cõi chết. Ngài không thể chiến thắng tội lỗi nếu không chiến thắng hậu quả của tội lỗi – kể cả sự chết.
Phục sinh là thời điểm đầu tiên của tiến trình phục hồi, chiến thắng tội lỗi, sự dữ và sự chết. Đó là lý do Thánh Phaolô nói về Sự Phục Sinh là “hoa quả đầu mùa,” (1 Cr 15:23) nhắc lại truyền thống Do Thái rằng việc dâng hoa quả đầu mùa trong Đền Thờ tượng trưng cho toàn bộ mùa thu hoạch.
Đó cũng là lý do Thánh Phaolô nói đến sự sống lại của kẻ chết trong khung cảnh Cuộc Phán Xét Cuối Cùng. Đối với ngài, Cuộc Phán Xét Cuối Cùng không chỉ là “kết thúc lịch sử” hoặc sự trỗi dậy thần kỳ. Đó là kết luận hợp lý của tiến trình bắt đầu vào Chúa Nhật Phục Sinh: điều xảy ra với “hoa quả đầu mùa” giờ đây bao gồm “những người thuộc về Ngài” (1 Cr 15:23) và mở đường cho sự phân chia dứt khoát giữa lúa và trấu. (Mt 13:39-43)
Cuộc chiến thắng sự chết của Chúa Kitô là sự đánh bại khách quan đối với sự dữ, tội lỗi và sự chết. Cuộc Phán Xét Cuối Cùng chỉ đơn thuần là đỉnh điểm của cuộc chinh phục đó: hoặc là một phần của Vương Quốc hoặc bị kết án chia cắt vĩnh viễn.
Sự tách biệt vĩnh viễn đó không phải là lĩnh vực riêng biệt nào đó, sự lựa chọn thay thế hay cách sử dụng tự do khác. Hỏa Ngục cũng là một phần của Vương Quốc Thiên Chúa, nếu chỉ theo nghĩa là công lý của Ngài – mặt khác của Tình Yêu Ngài – không thể đơn giản chấp nhận hình ảnh Thiên Chúa tự do bị bôi xấu trong chúng ta. Tự do không đặt chúng ta vào vùng trung lập giữa thiện và ác.
Nếu cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa Kitô là một tiến trình bắt đầu với Sự Phục Sinh và kết thúc là Ngày Cuối Cùng, con người chúng ta luôn là một phần của tiến trình đó. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cũng vậy, bởi vì Đức Maria được thụ thai vô nhiễm nguyên tội nhờ sự cứu độ đã được báo trước của Con Yêu Dấu, Đức Mẹ hoàn toàn chia sẻ chiến thắng của Thánh Tử đối với tội lỗi và sự chết. Với sự Vô Nhiễm Thai, không có lý do gì để Mẹ không được ở trên Thiên Đàng cả hồn lẫn xác với Con của Mẹ, như chúng ta hy vọng vào Ngày Cuối Cùng. Nếu Chúa Giêsu là “hoa quả đầu mùa” thì Đức Mẹ là “hoa quả thứ hai.”
Do đó, thật phù hợp khi Lễ Trọng này vào tháng 8, khoảng giữa thời gian Giáo Hội cử hành Lễ Phục Sinh và trọng tâm là Thời Cánh Chung trong những tuần cuối cùng của Mùa Thường Niên vào tháng 11.
Cuối cùng, Mùa Phục Sinh cũng bao gồm Lễ Thăng Thiên, xác định rằng Chúa Giêsu đã về trời cả hồn lẫn xác. Kitô giáo tuyên bố rằng có một cơ thể con người vinh quang ở bên hữu Chúa Cha.
Mông Triệu phản ánh Thăng Thiên. Đức Maria – được đưa lên trời cả hồn lẫn xác – cũng xác định việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo vào “sự sống lại của thân xác” chứ không chỉ sự sống vĩnh cửu của linh hồn.
Điều đó xác định thân xác là một phần cấu thành của con người, chia sẻ niềm hạnh phúc hay sự đày đọa của con người vì nó chia sẻ những lựa chọn luân lý quyết định số phận của con người. Trái ngược với thuyết Ngộ Đạo hiện đại – sự phát triển rầm rộ của “những đặc tính” trái ngược với hiện thân của con người – Kitô giáo tuyên bố sự không thể tách rời của thể xác và linh hồn trong con người.
Do sự liên quan của nó với tư cách là hiện thân của những gì đã xảy ra “cho chúng ta và sự cứu độ của chúng ta,” nên chúng ta có lý do chính đáng để cử hành Lễ Mông Triệu vào một ngày hè bình thường khác.
JOHN M. GRONDELSKI
Nhận xét góp ý