Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TÔI TIN SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXXII TN C:

Có một thực tế là cho dù người có đạo hay không có đạo, người hữu thần hay vô thần thì đều có những cách thể hiện niềm tin rằng: sau khi chết con người sẽ không mãi mãi bị huỷ diệt, nhưng là bước vào một cõi sống khác. Người ta có thể diễn tả cuộc sống đời sau bằng những cách nói như: Về bên kia thế giới, về suối vàng, về xum họp với tổ tiên, hoặc như Nguyễn Du đã nói: “Thác là thể phách, còn là tinh anh…” tất cả những cách nói đó đều cho thấy rằng: kết thúc cuộc sống của con người trên trần gian là khởi đầu một hành trình trở về và bước vào một thế giới khác. Tuy nhiên, chỉ có phần hồn được sống, còn phần xác thường không nói tới.
Đức tin Kitô giáo dạy chúng ta cách rõ ràng hơn: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin vào sự sống đời sau. Tức là chúng ta tin tất cả mọi người sẽ được sống lại sau cái chết ở trần gian để được hưởng sự sống đời sau trong “Nhà của Thiên Chúa” là Nước Trời. Niềm tin này dựa trên những gì Đức Giêsu đã dạy. Niềm tin Kitô giáo cho biết rằng: cuộc hành trình trở về đời sau không phải là bước vào một thế giới hoang vu lạnh lẽo, nhưng là cuộc trở về quê hương, là về nhà mình, nơi đó có Thiên Chúa là Cha đang chờ đợi chúng ta.
Niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau đã ăn sâu trong đời sống người Do Thái. Họ tin rằng, cuộc sống trần gian chỉ là tạm thời, cuộc sống mai sau mới là vĩnh cửu. Câu chuyện trong sách Macabê hôm nay diễn tả niềm tin đó: Có một bà mẹ bị bắt cùng với các con của mình. Những cực hình và giết chóc cũng không làm lung lạc đức tin của họ nơi Thiên Chúa. Bảy người con cùng với bà mẹ chấp nhận cái chết để thể hiện lòng trung thành với lề luật của Chúa và của cha ông. Niềm tin của bảy anh em này không chỉ thể hiện qua việc can đảm chịu cực hình, mà còn thể hiện qua sự xác tín và tuyên xưng của họ. Người con lớn nói với nhà vua: “Vua chỉ có thể khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại… Nhưng Vua vũ trụ sẽ cho chúng tôi sống lại để được hưởng sự sống đời đời.”
Không chỉ tin vào sự sống lại, bảy anh em này còn tin vào sự thưởng phạt công bình của Thiên Chúa. Những ai tuân giữ lề luật của Thiên Chúa sẽ được ban thưởng hạnh phúc. Trước khi bị cắt lưỡi, người thứ ba tuyên xưng rằng: “Tôi được lưỡi, được tay này là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời tôi coi khinh thứ đó và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời tôi sẽ lấy lại được.” Người con thứ tư cũng tuyên xưng cùng một niềm tin với anh em mình: “Thà chết vì tay người đời, đang khi dựa vào lời Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại.” Câu chuyện cho thấy chính niềm tin vào sự sống lại của thân xác và cuộc sống hạnh phúc đời sau nơi Thiên Chúa, mà bảy anh em trong sách Macabê đã dám chấp nhận cực hình, liều mất mạng sống ở trần gian.
Đến thời Chúa Giêsu, trong dân Do Thái có những nhóm người không tin vào sự sống lại, trong đó có nhóm Xa-đốc. Hôm nay, những người Xa-đốc đến với Chúa Giêsu và đặt ra một ví dụ. Họ nghĩ rằng với vấn đề họ đặt ra, Chúa Giêsu sẽ không thể trả lời: Nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai rồi người thứ ba và cả bảy người cưới người vợ đó nhưng không ai có con. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai?
Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của những người này, nhưng Ngài giúp họ nhìn lại căn cội của từng vấn đề. Trước hết, việc con người sống trên trần gian phải lấy vợ gả chồng là lẽ tự nhiên. Nhưng mục đích của việc dựng vợ gả chồng là thiết lập nên những tương quan gia đình đem lại hạnh phúc cho nhau và để duy trì nòi giống, sinh sản con cái. Tuy nhiên khi bước vào đời sau, con người sẽ không cần phải duy trì nòi giống nữa. Lúc bấy giờ họ sống trong tương quan mật thiết trong gia đình của Thiên Chúa, tất cả đều được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Do đó, họ không cần phải có một hạnh phúc nào khác riêng cho mình. Các tương quan gia đình ở trần gian sẽ được thăng hoa để biến thành tương quan con cái trong Nhà Thiên Chúa. Họ sống cuộc sống thanh thoát nhẹ nhàng như các thiên thần, sẽ được sống đời đời không phải chết. Do đó, họ không dựng vợ gả chồng, cũng không phải sinh con nữa. Câu trả lời này, Chúa Giêsu cho biết cuộc sống mai sau của mỗi người trong Nhà Thiên chúa sẽ như thế nào.
Kế đến, Chúa Giêsu giải thích về niềm tin vào việc những người đã chết sẽ được sống lại. Đây là một vấn đề khó để trả lời. Chúa Giêsu đã trích Kinh Thánh để chứng minh cho niềm tin vào sự sống lại của thân xác. Ngài đã trích lại cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa và Môsê. Khi ấy ông Môsê đang đi chăn chiên, Thiên Chúa đã hiện ra với ông qua bụi gai bốc cháy mà không bị tàn lụi. Môsê lúc đó đã liều lĩnh để hỏi Thiên Chúa rằng: Ngài là ai? Thiên Chúa đã trả lời cho ông Môsê: Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp. Chúa Giêsu giải thích thêm: Mà Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ đang sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết. Như thế suy ra rằng khi Thiên chúa nói: Ta là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Isaac, Giacóp, có nghĩa là các tổ phụ là những người vẫn đang sống bên Thiên Chúa. Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu vừa mặc khải vừa làm gia tăng niềm vui và hy vọng cho chúng ta. Với những người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, cái chết không thể huỷ diệt được con người. Vì thế, cái chết sẽ không còn phải là điều ám ảnh sợ hãi, nhưng chỉ là một ngưỡng cửa mà mỗi người sẽ phải bước qua để vào cõi sống đời đời. Do đó, khi còn sống trên trần gian này, chúng ta có được mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với anh chị em, thì sau khi chết, Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được sống và cảm nếm hạnh phúc từ mối tương quan tốt đẹp thuận thảo ấy.
Thưa quý OBACE, lời tuyên xưng chúng đọc trong kinh Tin kính: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin có sự sống đời sau sẽ không dừng lại bằng những từ ngữ, mà phải là sự xác tín hoàn toàn của mỗi người. Khi xác tín cách chắc chắn vào lời tuyên tín này, thì niềm tin vào sự sống lại và sự sống vĩnh cửu sẽ trở thành động lực thúc đẩy cuộc sống và là mục tiêu phấn đấu của mỗi người.
Niềm tin vào sự sống lại và sự sống vĩnh cửu khiến mỗi người phải chọn lựa cách sống và phải chuẩn bị ngay từ đời này. Chúng ta chấp nhận đánh đổi những thứ gây ra sự chết để chọn những gì đem lại sự sống. Nếu như cuộc sống thường ngày ta tránh những đồ ăn và đồ dùng độc hại đem đến bệnh tật cho con người, thì trong đời sống đức tin, cũng có những thứ gây độc hại cho linh hồn và có thể huỷ hoại sự sống của linh hồn. Chất độc hại cho linh hồn là tội lỗi, là thói hư tật xấu, thói quen xấu. Những thứ này làm cho linh hồn ta nhiễm bệnh và bị huỷ diệt. Để có thể có được cuộc sống lành mạnh cho tâm hồn, linh hồn cần được nuôi dưỡng, bồi bổ bằng ơn Chúa và các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội. Bí tích Giải tội sẽ chữa lành vết thương, bệnh tật của tâm hồn. Bí Tích Thánh thể là nguồn sinh lực bổ dưỡng bảo đảm cho ta sự sống và hạnh phúc mai sau.
Để có thể sống trong Nhà Thiên Chúa như các thiên thần, hưởng niềm vui hạnh phúc của những người con, chắc chắn, ngay từ hôm nay mỗi người phải thiết lập được tương quan thân tình với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và việc đạo đức mỗi ngày. Vì nếu hôm nay chúng ta không sống gần với Thiên Chúa, thì sau này chúng ta cũng không thể sống gần Thiên Chúa được. Qua cầu nguyện và tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể, ta được gặp gỡ Chúa, được sống thân tình với Chúa ngay từ giây phút hiện tại, hầu chuẩn bị cho cuộc xum họp trên Thiên Quốc mai sau. Cũng vậy, cuộc sống mai sau là cuộc sống của tình anh em con cái trong Nhà Chúa. Do đó, chúng phải thiết lập được tình huynh đệ ngay khi còn sống trên trần gian này. Thiên Đàng không có chỗ cho sự thù ghét, giận hờn. Nếu hôm nay chúng ta còn để lòng thù ghét, giận hờn anh em; nếu hôm nay mình không thể sống chung được với nhau, thì chắc chắn ta cũng không thể sống chung trong Nước Trời.
Xin Chúa giúp chúng ta biết để cho niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau chi phối, hướng dẫn, thúc đẩy và là mục tiêu phấn đấu của mỗi người. Cũng vì mục tiêu này, xin cho chúng ta dám chấp nhận hy sinh những gì không cần thiết, không phù hợp với sự sống mai sau. Cuối cùng, xin cho chúng ta mỗi ngày sống là mỗi ngày chúng ta tìm kiếm, vun đắp cho cuộc sống mai sau ngay từ hôm nay. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*