Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THEO CHÚA LÀ DÁM CHẤP NHẬN TỪ BỎ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXIII TN C:

Có những người ngoại đạo nói rằng: “Những người theo đạo khổ lắm, họ phải đi lễ mỗi ngày mỗi tuần, họ phải giữ rất nhiều luật, vợ chồng lục đục cãi vã cũng không được bỏ nhau, con cái thì phải đi học giáo lý, sống trong giáo xứ thì bị quản lý bởi những quy định, mất tự do…” Có những người nhìn chúng ta cách tiêu cực như thế. Đối với họ, người công giáo phải chịu chi phối bởi nhiều điều cấm và phải tuân giữ nhiều luật bắt buộc.
Thưa quý OBACE, đối với người tín hữu, việc tin Chúa, theo Chúa là một quyết định có ý thức và hoàn toàn tự do, không ai ép buộc. Vì là tự do quyết định, nên người tín hữu cũng tự do từ bỏ những cách sống theo thế gian, kiểu người đời, để sống theo những đòi buộc của Tin Mừng. Vì để được trở nên con của Thiên Chúa, nên anh chị em trong gia đình Giáo Hội, chúng ta đón nhận cách sống của người con Chúa dưới sự hướng dẫn của mẹ Giáo Hội. Vì thế, người công giáo cảm thấy vui và hạnh phúc vì được biết Chúa, được sống trong Giáo Hội và chấp nhận từ bỏ những gì không phù hợp với lề luật của Chúa và Giáo Hội.
Tác giả sách Khôn ngoan cho thấy, những gì thế gian cho là khôn ngoan, thì trước mặt Thiên Chúa chỉ là những điều khờ dại, những gì thế gian cho là có giá trị, thì trước mặt Thiên Chúa nó chẳng là gì. Những điều Thiên Chúa thực hiện thì vượt trên sự hiểu biết của con người: “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn?” Tác giả còn nói rằng: Ngay đến những việc xảy ra trước mặt, con người đã không thể suy tưởng được, thì làm sao có thể hiểu hết những việc Chúa làm và càng không thể hiểu được ý định của Thiên Chúa. Tác giả cũng cho biết, Thiên Chúa luôn muốn bày tỏ ý định của Ngài cho con người. Tuy nhiên, những ai được Chúa chọn, Chúa mời gọi và soi sáng, kẻ ấy mới có thể nhận biết Thiên Chúa và ý muốn của Ngài: “Nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống, ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa.” Điều này cho thấy, người không có đức tin và không thiện chí tìm kiếm sẽ không thể tin nhận Thiên Chúa và không thể hiểu được những điều kỳ diệu Thiên Chúa làm. Còn những người tin nhận Thiên Chúa, thì sẵn sàng sống theo ý Chúa và thi hành những điều Chúa dạy.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rõ hơn về những điều kiện phải có, nếu muốn trở thành môn đệ của Chúa. Tin Mừng nói rằng: “Lúc đó có nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh mặt lại và nói với họ: Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” Điều kiện này có khắc nghiệt quá không?
Thưa, việc tin theo Chúa không phải là một cảm xúc nhất thời, cũng không phải là a dua theo đám đông. Trái lại phải là một quyết định của mỗi cá nhân, có suy nghĩ, cân nhắc và tự do. Khi đòi những người đi theo Chúa phải từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, Chúa không bắt buộc chúng ta từ bỏ cách thể lý, cũng không phải là giũ bỏ trách nhiệm thảo hiếu hay mối liên hệ gia đình, nhưng là không để các mối liên hệ và tình cảm ấy ngăn cản việc đi theo Chúa. Vì Chúa và Tin Mừng, chúng ta dám chấp nhận sống khác ngay trong gia đình; dám sống những đòi hỏi của Tin Mừng cho dù bị gia đình chống đối và nếu vì thế mà tình cảm gia đình tổn thương thì cũng dám hy sinh. Không chỉ phải hy sinh tình cảm gia đình khi chọn lựa, mà còn phải hy sinh cả mạng sống khi cần. Như thế điều kiện theo Chúa là một điều kiện quyết liệt không phải ai cũng có thể hiểu và chấp nhận bước theo.
Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ cho thấy việc tin theo Chúa không phải một cảm tính hay một quyết định nông nổi nhất thời, nhưng phải là một thay đổi hoàn toàn thói quen, đời sống cũ để đón nhận những thói quen mới và đời sống mới: “Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không?” Tin theo Chúa là xây dựng một nếp sống mới, vì thế cần cân nhắc, tính toán, suy nghĩ trước khi quyết định để không bị dở dang. Cũng vậy giống như: “Vua kia sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng?” Quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình và nhiều người chung quanh. Vì thế, theo Chúa không phải là một quyết định nhất thời, cũng không phải là để đối phó tạm thời, nhưng phải là một hành trình chiến đấu lâu dài.
Bài đọc hai kể về một sự đánh đổi khi tin theo Chúa của ông Philêmon. Ông này là một người giàu sang, có nhiều gia nhân và nô lệ. Ông đã tin theo Chúa Giêsu do lời giảng của Phaolô. Câu chuyện xảy ra là: Có một nô lệ tên là Ônêsimô bỏ trốn. Theo luật thời đó, nô lệ bỏ trốn nếu bị bắt lại, sẽ bị hành hạ và có thể bị giết chết. Ônêsimô khi bỏ trốn đã gặp được Phaolô, anh tin theo Chúa và lãnh nhận phép rửa. Sau khi ở lại với Phaolô một thời gian, Phaolô đã trả anh lại cho Philêmon, kèm theo bức thư chúng ta vừa nghe.
Trong thư, Phaolô dùng những lời tha thiết để nói với Philêmon: “Con thân mến, Phaolô già nua và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích…” Phaolô hạ mình để xin Philêmon đón nhận lại người nô lệ này với lý do Ônêsimô đã được sinh ra trong đức tin. Anh ta còn được Phaolô quý mến yêu thương như đứa con được sinh ra trong lúc tuổi già và trong khi Phaolô đang bị tù đày xiềng xích. Vì thế, Phaolô cũng muốn Philêmon đón nhận lại Ônêsimô không phải như kẻ nô lệ bị bắt, mà là như một món quà và như một người anh em con cùng một Chúa: “Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha.”
Với hoàn cảnh xã hội lúc đó, việc đón nhận lại một nô lệ đã bỏ trốn là điều khó. Phaolô còn muốn Philêmon từ bỏ cách cư xử của một ông chủ, để tha thứ, đón nhận một kẻ nô lệ trở nên như người ngang hàng và như anh em ruột thịt. Qua những lời trong thư, thánh Phaolô muốn Philêmon hoàn toàn tự do, tự nguyện để thực hiện điều này chứ không vì cả nể hay ép lòng: “Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc.”
Thưa quý OBACE, như đã nói ở trên, việc tin theo Chúa luôn phải là một chọn lựa tự do, có ý thức. Một khi đã quyết định thì dám chấp nhận từ bỏ những thói quen, tập tục và cách sống cũ để bắt đầu những thói quen và nếp sống mới. Cho dù việc tin theo Chúa là do cảm mến, vì kết hôn, hay vì bất cứ lý do gì, thì cũng phải cân nhắc suy nghĩ. Một khi đã quyết định thì phải phải bước theo cho đến cùng, chấp nhận hy sinh, mất mát và phải đánh đổi các tương quan hoặc tình cảm gia đình.
Tuy nhiên trong thực tế, nhiều người tự hào là đạo gốc nhưng vẫn không dám sống theo luật Chúa và Giáo Hội. Vì một chút lợi ích, có người đã sẵn sàng dẫm đạp lên luật của Chúa. Vì muốn cho được việc, được lợi, nhiều người bất chấp lề luật của Giáo Hội. Nhiều người tin theo Chúa, nhưng không muốn từ bỏ, không dám hy sinh. Nhiều người tin theo Chúa cách miễn cưỡng, tuân theo luật Giáo Hội vì ép lòng để được việc của mình. Cũng không thiếu những người không thành thật, cố gắng một thời gian chu toàn luật để được kết hôn, rồi sau đó buông xuôi không tuân giữ nữa.
Có nhiều cha mẹ coi việc cho con dâu, rể của mình học đạo chỉ như hoàn thành những thủ tục, mà không giúp con mình làm quen với nếp sống của người công giáo. Họ mong muốn rút ngắn thời gian, muốn làm mọi thủ tục theo kiểu cấp tốc. Nhiều bạn trẻ muốn giải quyết việc học giáo lý, tìm hiểu đạo cách nhanh chóng, muốn cử hành hôn lễ ngay lập tức mà không cần thời gian tìm hiểu, chuẩn bị. Vì thế, sau hôn lễ, cuộc sống chung trở nên bất hoà, bất đồng trong cách sống, cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, dẫn đến gia đình bị rạn nứt đổ vỡ.
Xin Chúa giúp chúng ta xác tín rằng, một khi đã tin theo Chúa, là dám chấp nhận hy sinh từ bỏ những gì thuộc về thế gian cùng với cách sống của nó, để chọn sống theo lề luật của Chúa và nếp sống của Tin Mừng. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*