Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

MÓN QUÀ TÌNH YÊU

Lm, Giuse Đỗ Đức Trí

LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ 2022: THÁNH THỂ -

Cùng là cái áo, cùng là món quà, nếu mình đi mua thì nó chỉ là những đồ vật bình thường. Nhưng nếu cái áo hay món quà đó được tặng trong ngày sinh nhật hoặc một dịp đặc biệt nào đó của mình, mình sẽ cảm thấy nó có ý nghĩa hơn. Đặc biệt là khi cái áo hay món quà đó được trao tặng bởi người mình yêu hoặc người yêu mình, món quà đó còn chất chứa bao nhiêu tình yêu thương, ý nghĩa và những lời muốn nói trong món quà đó nữa.
Thưa quý OBACE, hôm nay mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta cùng với Giáo Hội chiêm ngắm, biết ơn, và hân hoan đón nhận món quà tình yêu mà Chúa Giêsu trao tặng cho Giáo Hội và cho mỗi chúng ta, đó là Mình Máu Thánh của Ngài. Món quà này là sự sống và cả con người của Thiên Chúa được trao tặng cho chúng ta, để cho chúng ta ăn và để nuôi sống chúng ta. Quà tặng này không phải là một vật kỷ niệm để trưng bày hay cất giữ, nhưng là chính Thiên Chúa đang sống, đang hoạt động, thông ban sự sống và trao gửi những sứ điệp yêu thương.
Thiên Chúa của chúng ta là vị Thiên Chúa rất thích trao tặng. Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ trái đất và muôn loài rất tốt đẹp, Ngài đã trao tặng vũ trụ cho con người. Thiên Chúa còn trao tặng cho nhân loại chúng ta chính Con Một của Ngài là Chúa Giêsu. Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa đã trao tặng cho con người với cả sự sống của Ngài. Đặc biệt, để bày tỏ tình yêu đến cùng dành cho nhân loại Chúa Giêsu đã trao tặng cho nhân loại cả con người của Ngài qua hình thức của ăn của uống. Ngài muốn mỗi chúng ta: Hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Thầy; Hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Thầy, đổ ra vì anh em. Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ tiếp tục: Hãy làm như Thầy vừa làm mà tưởng nhớ đến Thầy. Chúa muốn các môn đệ đón nhận món quà là máu thịt của Chúa và chia cho nhau: Anh em hãy cầm lấy mà chia cho nhau. Đây chính là sứ điệp kèm theo món quà mà Chúa muốn nhắn gửi cho chúng ta.
Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay giải thích rõ hơn về việc thế nào là trao tặng, đó là: Hãy cầm lấy mà chia cho nhau. Hôm đó đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Trời đã về chiều, các môn đệ đến đề nghị với Chúa: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng quanh đây tìm chỗ trọ và thức ăn.” Khi đề nghị với Chúa Giêsu điều này, có lẽ Chúa Giêsu nhìn thấy sự ngần ngại trong mắt các tông đồ. Các ông ngại phải phục vụ, ngại tốn kém, ngại chia sẻ. Vì thế, các ông muốn thoái thác trách nhiệm và chọn giải pháp để mỗi người tự lo cho bản thân. Chúa Giêsu đã phải nhấn mạnh với các ông: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. “Nói cứng” như thế, Chúa Giêsu muốn các tông đồ phải dám nhận về mình tinh thần sẵn sàng phục vụ, dám hy sinh, dám chịu tốn kém nữa; không thể đùn đẩy trách nhiệm phải chia sẻ, phục vụ cho ai khác.
Các tông đồ dường như vẫn chưa hiểu ý Chúa, các ông vẫn cố biện minh cho sự thoái thác trách nhiệm của mình và thưa: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho đám dân này.” Trả lời Chúa như thế cho thấy, các tông đồ đã nại vào sự ít ỏi của mình và nại vào sự tốn kém để khỏi phải chia sẻ. Trước một đám đông hơn năm ngàn người, Chúa Giêsu cũng thấu hiểu các tông đồ của mình “lực bất tòng tâm”, có muốn cũng không thể làm được. Vì thế Chúa đã ra tay: “Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn uống no nê.”
Phép lạ đã xảy ra, đám đông ăn đến dư thừa và thu lại được mười hai thúng bánh vụn. Đối với Chúa Giêsu vấn đề không phải là ta có những gì và có bao nhiêu để chia sẻ, trao tặng cho anh em, nhưng là ta có sẵn sàng để trao tặng cả phần dành dụm còn lại ít ỏi của mình hay không. Năm chiếc bánh và hai con cá, quả thực chỉ là một phần ăn ít ỏi vừa đủ cho một người, nhưng đối với Chúa, dù chỉ là một phần ăn, nếu chúng ta dám dâng tặng cho Chúa, Chúa sẽ biến cái ít ỏi thành số nhiều, biến sự giới hạn nghèo nàn của ta thành sự giàu có phong phú để sẻ chia, trao tặng cho anh chị em.
Với việc “…cầm lấy năm cái bánh và hai con cá dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ”, tác giả Tin Mừng Luca nhớ lại công thức này đã được sử dụng trong bữa tiệc ly: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà chia cho nhau.” Điều này có nghĩa là: tác giả Luca đã nhìn thấy đây là hình ảnh báo trước việc Chúa Giêsu sẽ thực hiện, đó là việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể.
Quả thực với việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã trao tặng cho nhân loại chúng ta máu thịt, cả sự sống và con người của Chúa. Ngài muốn trở nên của ăn của uống để trao ban cho mọi người, mọi thời được ăn uống no nê đến dư thừa. Thư gửi cho cộng đoàn Côrintô, thánh Phaolô nhắc lại biến cố Chúa Giêsu đã thực hiện tại nhà tiệc ly như là bài học và là sự kiện quý giá nhất, cao trọng nhất Phaolô đã nhận từ nơi Chúa: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em.” Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ. Khi làm như thế, Chúa Giêsu đã thực sự bẻ cả con người của mình, lấy máu thịt trao cho các môn đệ, để các ông cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống và hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.
Thưa quý OBACE, mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta không chỉ nhắc lại một hành động hoặc một kỷ niệm về Chúa Giêsu, nhưng chúng ta được mời gọi: Hãy cầm lấy mà ăn; Hãy làm việc này mà nhớ đến Người. Đó là điều mà Chúa Giêsu mong muốn, chờ đợi nơi mỗi chúng ta.
Trước hết Chúa muốn chúng ta: Hãy cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống, tức là Chúa muốn chúng ta đón rước Chúa, để Ngài thực sự trở nên của ăn, giải toả những cơn đói khát thèm muốn của thể xác và tâm hồn. Chúa sẽ nên lương thực bổ dưỡng nuôi sống cả linh hồn và thể xác, gia tăng sức mạnh, giúp ta chống trả những thói xấu và sự tấn công của ma quỷ. Trở nên lương thực, Chúa Giêsu muốn được trao ban, được bẻ ra để cho mọi người có thể ăn, có thể đón nhận. Chúa muốn đi vào trong tâm hồn, trở nên dưỡng chất bồi bổ cho từng tế bào và còn biến đổi để làm cho chúng ta lớn lên và nên giống Chúa,
Chúa muốn chúng ta cũng dám làm như Chúa, trở nên tấm bánh bẻ ra cho muôn người; tức là, dám chấp nhận hy sinh để phục vụ, để trao tặng và chia sẻ cho anh chị em như Chúa đã làm. Chúng ta sẽ bẻ để chia cho nhau tấm bánh là tình yêu thương, bẻ cho nhau thời giờ, sức khoẻ, sự quan tâm và những lời hỏi thăm, sự cảm thông. Trở nên tấm bánh được bẻ ra qua sự sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng chia sẻ với những ai đang cần đến chúng ta. Khi bẻ ra và chia cho anh em như thế, chúng ta còn phải dám chịu để cho họ ăn, nhai và nuốt, tức là dám chấp nhận thua thiệt trước mặt người đời, dám sống hiền lành và khiêm nhường trong xã hội gian ác ngông cuồng hôm nay.
Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy, có nghĩa là chúng ta được mời gọi đến với Chúa mỗi ngày, để cùng nhau tham dự vào việc bẻ bánh là Thánh lễ. Trong Thánh lễ, chúng ta được cùng với Giáo Hội và mọi anh em cùng cầm lấy bánh, cùng uống một chén và cùng nhau xây dựng sự hiệp thông hiệp nhất trong Giáo Hội. Cùng nhau hiệp thông gắn bó với Chúa và hiệp nhất với nhau trong tình anh em con cùng một Cha. Ngoài việc tham dự Thánh lễ, chúng ta còn được mời gọi siêng năng tôn thờ Bí Tích Mình và Máu Chúa qua việc nhớ đến Chúa, viếng Chúa bất cứ lúc nào trong ngày và chầu Chúa mỗi khi có dịp.
Trao ban Máu Thịt làm của ăn của uống, Chúa muốn ở lại với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế. Chúa không muốn ở một mình, nhưng chờ đợi và mời gọi chúng ta siêng năng đến thờ lạy Chúa, tâm sự trò chuyện với Chúa qua cầu nguyện, trải lòng ra với Chúa để Chúa an ủi và nâng đỡ như lời người đã nói: “Hỡi những ai khó nhọc và mang gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho.”
Xin cho chúng ta siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày, siêng năng đón nhận, tôn thờ và để Chúa biến đổi chúng ta nên bạn hữu của Chúa và nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*