Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

GIÓ THOẢNG

TRẦM THIÊN THU

Thánh Phaolô cho biết: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt 9:27) Đó là vấn đề muôn thuở, bất biến. Nghĩ về sự chết không là tiêu cực mà là tích cực – nhờ biết chuẩn bị chết mà cố gắng sống tốt hơn.
Sinh – Tử là hai thái cực, hai đầu “mở – đóng” của cuộc lữ hành trần gian. Thật vậy, chính Chúa Giêsu cũng đã qua hai “ngưỡng” này – từ Belem tới Canvê. Thế gian có nhiều loại “cuộc,” nhưng có lẽ đặc biệt nhất là cuộc đời, với đủ thứ nhiêu khê đan xen trong cái “cõi sống” đó!
1. ĐỊNH MỆNH
Cuộc đời cũng là cuộc sống, là sự sống, nhưng không là Nguồn Sống. Bertolt Brech nói: “Cái đáng sợ không phải là chết, mà là sống rỗng tuếch.” Cách “sống rỗng tuếch” là sống-như-chết, tức là “chết ngay khi vẫn sống.” Còn Maxwell Winston Stone nói: “Đừng nghĩ đến cái chết về thể xác mà hãy trả lời câu hỏi: Bạn đã hoàn thành sứ mệnh của cuộc đời mình chưa? Nhắc đến cái chết và chuẩn bị cho cuộc hành trình sang thế giới bên kia dường như khiến người ta bị quan, lo sợ. Nhưng theo nghĩa lạc quan, có một điều mới lạ sắp đến. Khi đó, bạn không còn cảm giác lo lắng hay sợ hãi nữa.” Biết nghĩ đến cái chết để cố gắng sống tốt hơn, chứ không để bi quan hoặc yếm thế.
Là phàm nhân mang thân phận bụi tro, nhưng ai trong chúng ta cũng có hai sự sống: Sự sống thể lý và sự sống tâm linh. Người vô thần cũng có hai sự sống đó, dù họ cố ý chối bỏ phần tâm linh. Chắc chắn rằng sự sống tâm linh quan trọng hơn, vì đó là sự sống của linh hồn, mà chính linh hồn mới làm cho thân xác sống. Tuy nhiên, điều quan trọng phải ghi nhớ là chỉ có Thiên Chúa mới là Nguồn Sống. (Tv 36:10) Thật vậy, Chúa Giêsu đã minh định: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” (Ga 14:6) Thánh Vịnh gia cũng đã phân tích rạch ròi: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy Sinh Khí lại, chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh Khí của Ngài, Ngài gửi tới, chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.” (Tv 104:29-30)
Tháng Mười Một nhắc chúng ta nhớ tới các linh hồn. Nhớ tới họ để nhận diện chính mình: “Mọi người đều bởi đất, cả Ađam cũng bởi đất mà được tạo thành.” (Hc 33:10) Kẻ trước, người sau, ai cũng “đồng lần” như nhau: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt 9:27) Giàu hay nghèo, sang hay hèn, danh giá hay hèn mọn, chẳng hơn hay kém gì nhau, có được 4 tấm dài với 2 tấm ngắn là tốt rồi, không có cũng chẳng sao: “Xương cốt nó xưa đầy tràn nhựa sống, nay phải nằm yên trên cát bụi.” (G 20:11) Chôn xuống đất hoặc hỏa thiêu thì cần quan quách chi cho tốn tiền? Để tiền đó giúp người nghèo còn tốt hơn nhiều.
Chúa đến bất ngờ, cẳng ai biết Ngài gọi đi lúc nào: “Lúc đi ngủ, nó là người giàu, nhưng đó là lần cuối, vì khi bừng mắt dậy, chỉ thấy mình tay không.” (G 27:19) Tất cả trở về số 0, sinh ra thế nào thì khi chết cũng vậy: “Họ tắt hơi là trở về cát bụi, dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan.” (Tv 146:4) Thật vậy, Kinh Thánh cho biết rõ ràng: “Có kẻ phải lìa đời lúc còn sung sức, khi đang sống thư thái an nhàn, thân hình phương phi béo tốt, tâm hồn vui sướng thảnh thơi. Có người phải ra đi giữa lúc tâm hồn cay đắng, hạnh phúc chưa bao giờ được hưởng. Kết cuộc cả hai cùng nghỉ yên trong cát bụi, mặc cho giòi bọ rúc rỉa thân mình.” (G 21:23-26) Mỗi người một số phận riêng!
Cái chết là nỗi đau buồn trĩu nặng nhất, người chết đã yên nghỉ, nhưng người sống khắc khoải đau thương: “Hãy khóc thương kẻ ly trần, vì nó đã mất ánh sáng; hãy khóc thương đứa ngu đần, vì nó đã mất trí khôn. Khóc người chết thì khóc ít thôi, vì nó đã được yên nghỉ; còn đứa ngu đần, tuy sống mà tệ hơn là chết. Khóc than người chết chỉ có bảy ngày, còn đứa ngu đần và đứa vô đạo, thì phải khóc than chúng bao lâu chúng còn sống.” (Hc 22:11-12) Thân xác chẳng đáng gì, nhưng đã được là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, thế nên thi hài vẫn phải được tôn trọng: “Hãy khóc thương người chết, xướng khúc ai ca như người bị đau khổ dày vò. Hãy chôn cất thế nào cho phải phép, đừng bỏ bê nấm mộ.” (Hc 38:16)
Cái chết là thất bại tột cùng của con người: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty. Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt. Hơi thở của ta là làn khói, tư tưởng loé lên từ nhịp đập trái tim. Khi nó tắt đi, thân xác sẽ trở thành tro bụi, sinh khí biến tan như làn gió thoảng. Theo dòng thời gian, tên tuổi ta cũng chìm vào quên lãng, chẳng còn ai nhớ đến việc ta làm. Đời ta sẽ qua như một thoáng mây trôi, sẽ biến đi như màn sương sớm bị ánh nắng đẩy lùi và sức nóng mặt trời áp đảo. Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu, đã qua rồi là không còn trở lại, ấn đã niêm, ai quay về được nữa!” (Kn 2:1-5) Thế nhưng cái chết không là dấu chấm hết, không là nỗi tuyệt vọng, bởi vì tín nhân chúng ta hy vọng được hưởng sự sống đời đời.
Tất cả là của Chúa, kể cả sự sống. Ngay cả những gì chúng ta có, tài năng hoặc vật chất, cũng không là của riêng mình mà chúng ta chỉ quản lý mà thôi. Bất cứ thứ gì, kể cả sự sống, còn hay mất là quyền của Chúa: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21)
Thiên Đàng có thật thì Hỏa Ngục cũng có thật, vì thế mà phải nỗ lực trách ác, tích thiện: “Việc bố thí nào cũng được Chúa ân thưởng, và mỗi người cứ theo việc mình làm mà lãnh nhận. Chắc chắn có thưởng phạt.” (Hc 16:14) Cách xét xử của Thiên Chúa không theo kiểu người đời, mà rất công minh: “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói.” (Is 11:3) Nhiều người phải chịu án phạt đời đời bởi vì đã không tin có Hỏa Ngục. Không chịu tin có Hỏa Ngục nên họ sống xả láng, bất chấp. Đó là một trong các kiểu ngu mà François de La Rochefoucauld (1613-1680) đã từng đề cập: “Có 3 thứ ngu dốt: không biết những gì mình cần biết, không rành những gì mình biết, và biết những gì mình không cần biết.”
Đúng là con người chẳng đáng chi. Thật vậy, đem phân chất một người nặng 70kg (154 lbs) thì thấy không có gì đáng giá: Lượng CHẤT BÉO đủ làm 7 cục xà bông; lượng NƯỚC là 40 lít; chất LÂN TINH chỉ đủ chế tạo 2.100 que diêm; lượng THAN đủ làm 7 cây đinh 3 phân; lượng VÔI đủ quét trắng một căn phòng nhỏ; lượng LƯU HUỲNH đủ để giết chết bọ của một con chó, lượng ÔXY đủ bơm một trái banh.
Tuy nhiên, con người lại quý giá vì là sinh vật cao cấp nhất, có lý trí và sức sống nhờ Thần Khí Chúa. Sự sống quý giá nên phải thận trọng vì “mã số” YOLO – You Only Live Once, nghĩa là “bạn chỉ sống một lần” mà thôi. Một lần là vĩnh viễn. Không hề có kiếp luân hồi để có dịp rút kinh nghiệm hoặc sửa đổi số phận. Rất đáng quan ngại!
2. AN BÀI
Kẻ dữ và người lành có số phận khác nhau. Nói như vậy không có nghĩa là không thể thay đổi số phận. Dân Thành Ninivê biết nghe lời ngôn sứ Giôna, họ ăn năn sám hối, ăn chay, đền tội, và được Thiên Chúa tha thứ. (G 3:1-10) Và số phận họ đã hoàn toàn thay đổi.
Thiên Chúa là chủ mọi loài, an bài mọi sự theo Thánh Ý mầu nhiệm quan phòng và tiền định của Ngài. Chúng ta không thể hiểu hết. Chính Ngài tạo nên loài người, và ấn định mỗi người mỗi khác: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người, rồi lại đưa con người trở về đất. Người đã ban cho nó một số ngày và một khoảng thời gian, cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt đất.” (Hc 17:1-2) Và Ngài tiền định mọi sự cho mỗi con người: “Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.” (Tv 139:16)
Đối với Thiên Chúa không có khái niệm thời gian hoặc không gian: “Từ sáng sớm tới chiều tà, thời gian thay đổi; trước mặt Đức Chúa, tất cả đều mau qua.” (Hc 18:26) Ngàn năm đối với Ngài chỉ như “một trống canh” mà thôi. (Tv 90:4) Không gian đa chiều chỉ là khái niệm của loài người.
Thời giờ là của Chúa, nhưng Ngài cho chúng ta có quyền quản lý thời gian của mình. Sống sao, chết vậy. Cuộc đời không dài, không ngắn, đủ cho mỗi người hành động. Có những người chết rất trẻ, nhưng họ đã nên thánh. Thời gian sẽ có lúc chấm dứt – lúc chết hoặc tận thế. Một đi không trở lại, và cũng không thể trì hoãn.
Một ông chủ ngân hàng người Anh rất giàu có. Ông bị bệnh màng óc. Một bác sĩ danh tiếng nhất được mời đến khám bệnh cho ông, rồi bác sĩ lạnh lùng nói: “Ngài không sống được ba giờ nữa!”
Bệnh nhân yêu cầu: “Xin bác sĩ làm thế nào cho tôi sống được tới ngày mai để tôi thanh toán các công việc. Tôi sẽ thưởng cho bác sĩ bội hậu.” Bác sĩ vừa lắc đầu vừa nói: “Thưa ngài, bác sĩ chúng tôi có thể kê toa để ngài đi mua thuốc, nhưng bác sĩ chúng tôi không thể bán thời giờ, vì THỜI GIỜ Ở TRONG TAY CHÚA.”
Lúc sinh thời, con người có biết bao ước mơ và hoài bão, nhưng cũng chẳng đạt được bao nhiêu, ngay cả điều ước cuối cùng cũng không đạt được như ý mình. Tuy nhiên, có những điều vẫn khả thi nếu điều đó không vì sự ích kỷ, không dành cho riêng mình. Và có những bài học phải trả phí rất đắt, bởi vì đến khi hấp hối người ta mới thực sự thuộc bài.
Alexander đại đế (356-323 trước công nguyên) đã từng chinh phạt nhiều nước và có rất nhiều cung phi, cuối cùng ông cũng không thoát khỏi bệnh tật và cái chết. Lúc đó, mọi thứ trở nên vô nghĩa đối với ông: các vùng ông chiếm lĩnh, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm sắc bén, sự giàu sang phú quý,…
Biết mình sắp chết mà không kịp về quê hương. Ông bảo các tướng lĩnh: “Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước. Các ngươi cần phải thực hiện những gì ta bảo.” Các vị tướng hứa tuân lệnh trong nước mắt.
Ông cố thở và cho biết ba ước muốn: “Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta đã học được. Thứ nhất, cho ngự y đưa cỗ quan tài rỗng về quê là để người ta nhận ra rằng thầy thuốc giỏi nhất cũng không thể chữa khỏi bệnh, KHÔNG THỂ CẢI TỬ HOÀN SINH. Trước cái chết, thầy thuốc HOÀN TOÀN BẤT LỰC. Ta hy vọng mọi người sẽ học được rằng PHẢI TRÂN QUÝ CUỘC SỐNG của họ. Thứ hai, ta muốn nhắn nhủ mọi người rằng ĐỪNG theo đuổi mộng giàu sang như ta. Ta đã LÃNG PHÍ CẢ ĐỜI mà chạy theo sự giàu có rồi cũng vô ích. Thứ ba, ta muốn người đời hiểu rằng ta đến thế gian này với HAI BÀN TAY TRẮNG và ta sẽ rời bỏ thế gian này cũng với HAI BÀN TAY TRẮNG. Sự giàu sang vật chất có được trên trái đất sẽ phải ở lại trái đất.”
Sống và chết chỉ khác nhau ở làn hơi thở. Tài sản quý nhất là SỨC KHOẺ và THỜI GIAN, chứ không phải thứ nọ hay thứ kia. Tất cả chúng ta sẽ CHẲNG CÒN GÌ sau khi tài sản quý giá nhất của chính mình đã cạn kiệt, và không thể lấy lại.
Tai họa nào cũng bất ngờ khiến ai cũng lo sợ mà phải cảnh giác. Điều bất ngờ nhất là cái chết, vì đó là khoảnh khắc ảnh hưởng đến số phận đời đời. Do đó, Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24:44) Lằn ranh sinh – tử là lằn ranh mong manh nhưng bất biến và vĩnh viễn. Thật đáng lo sợ!
Suy tư về sự chết thì không thể không đề cập quan tài, dù nó chỉ là vật chất. Con người thường chú trọng bề ngoài nên sinh ra nhiều hệ lụy xấu. Người chết không biết gì, quan tài có hay không cũng được, chẳng ai dám để đó mãi, nhưng người sống lại bày vẽ để “đẹp mặt” mình mà thôi. Ngày xưa có những người còn mua sẵn quan tài và xây lăng mộ sẵn cho mình. Ích gì mà làm như vậy? Quan tài đắt hay rẻ không thành vấn đề, mà quan trọng là mình đã sống ĐẮT hay RẺ.
Còn nữa, người ta lãng phí hoa quá nhiều cho đám tang. Nào là vòng hoa phân ưu, thật ra chỉ là “khoe danh” của người sống, nào là hoa bỏ xuống huyệt, nào là xây lăng tẩm, dựng tượng đài,… Nhang đèn, tiệc tùng, mộ to, mả đẹp, lăng tẩm,… để làm gì? Lưu danh hoặc ghi dấu trần gian được bao lâu? Có để được khen hay để người ta có cớ để nguyền rủa?
Nói đến người chết thì lại “dính líu” tới ngày giỗ. Ma to hay giỗ lớn cũng chỉ đẹp mặt người sống. Người ngoại cúng mâm cơm cũng chỉ béo lũ ruồi, là mê tín dị đoan. Không cần làm giỗ nhưng điều cần là cầu nguyện và dâng lễ cho người quá cố.
Sống giàu hay nghèo không đáng quan ngại. Giàu hay nghèo gì cũng chỉ ngày 3 bữa, muốn ăn thêm cũng chẳng nuốt trôi, đồ ăn ngon hay dở cũng no thì thôi. Người ta càng béo tốt thì khi chết đi càng thỏa mãn cho giòi bọ đục khoét. Còn gì mà hãnh diện? Vậy mà khi sống người ta cứ giành giật lẫn nhau để làm gì?
Lạy Đức Chúa, chúng con trông chờ ơn Ngài cứu độ! (St 49:18) Lạy Thiên Chúa Đấng cứu độ chúng con, xin thương quy tụ chúng con về, cứu chúng con từ giữa muôn dân nước, để chúng con cảm tạ Thánh Danh, và được hiên ngang tán dương Ngài. (1 Sb 16:35)
TRẦM THIÊN THU
Tháng Cầu Hồn – 2021

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*