Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ

Lm. Giuse Vũ Đức Trí

MỒNG HAI TẾT TÂN SỬU 2020

Thưa quý OBACE, những ngày cuối năm ai cũng tất bật để đón Tết. Những người đi làm xa, mong trở về nhà, các chuyến bay và các chuyến xe lúc nào cũng đấy ắp người với ánh mắt mong mỏi được gặp người thân của mình. Năm nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid, nhiều Việt kiều và những người làm ăn xa quê đã không thể trở về. Nhưng cũng có nhiều người đã tìm mọi cách để về quê. Trong hai tháng vừa qua, có hàng ngàn người Việt tìm đường để về quê bằng cách trốn qua biên giới mặc dù hết sức nguy hiểm.

Người ta cũng không giải thích được vì sao những ngày Tết được trở về bên cha mẹ, ông bà và mọi người trong gia đình lại linh thiêng ấm cúng đến như thế. Sự ấm cúng, bầu khí linh thiêng của ngày Tết không tùy thuộc vào ngôi nhà lớn hay nhỏ, nhưng tùy thuộc vào bầu khí của gia đình trong ngôi nhà đó. Gọi là về nhà ăn Tết, nhưng không phải để ăn cho bằng để xum họp, cảm nhận bầu khí linh thiêng ấm cúng của gia đình; để bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn với tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người còn sống cũng như đã qua đời. Đối với ông bà cha mẹ còn sống, ngày Tết là ngày xum họp để con cháu kính chúc tuổi mới các ngài, bày tỏ lòng biết ơn và các ngài cũng cầu chúc những điều tốt lành cho ta; đối với các bậc đã qua đời, ngày Tết con cháu xum họp thắp lên một nén hương để tưởng nhớ với lòng kính trọng.

Ngày mồng hai Tết, Giáo Hội nhắc chúng ta về lòng biết ơn đối với tổ tiên ông bà cha mẹ. Lòng thảo kính, biết ơn, vừa là giới răn của Thiên Chúa, vừa là đạo hiếu trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đối với người Việt, đạo hiếu là bổn phận căn bản của tất cả mọi người. Một khi không chu toàn đạo hiếu đối với tổ tiên ông bà cha mẹ, thì không thể chu toàn được đạo làm con đối với Chúa.

Người Việt quan niệm: Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Vì vậy, các bậc cha mẹ chính là những người xây nên nền tảng đạo đức cho gia đình mình. Bổn phận của con cháu khi thừa hưởng nền tảng, nếp sống đạo đức của gia đình, là phải tiếp tục vun đắp, làm cho đạo đức và truyền thống tốt đẹp của gia đình được củng cố và phát huy hơn nữa. Truyền thống đạo đức của gia đình được đặt trên nền tảng của các đức tính nhân bản như: Nhân, lễ, nghĩa… Gia đình thực hiện tốt các nếp sống nhân bản này sẽ được gọi là gia đình đạo hạnh, tức là đạo đức và hạnh phúc.

Bài đọc sách Huấn Ca chỉ cho chúng ta chu toàn đạo hiếu trước hết bằng việc gìn giữ những giá trị đạo đức tốt đẹp của cha ông: “Giờ đây chúng ta hãy ca ngợi các vị danh nhân là cha ông chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng”. Ngày nay, với nhịp sống của xã hội hiện đại, nhiều người đã mau chóng loại bỏ những giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, quên lãng nếp sống đạo hạnh của gia đình mà ông bà đã vun đắp. Như vậy, sách Huấn Ca muốn dạy chúng ta biết ơn tổ tiên, ông bà bằng việc nhắc lại cho con cháu các giá trị tốt đẹp truyền thống mà tổ tiên đã xây dựng.

Việc làm tiếp theo để gìn giữ giá trị đạo đức của gia đình, đó là biết giáo dục con cái trở nên những con người đạo đức, sống có ích, làm rạng danh tổ tiên ông bà. Gia sản của dòng họ không chỉ là của cải cho bằng là chính các thế hệ con cháu. Vì thế, việc giáo dục con cháu theo truyền thống đạo đức của cha ông, chính là cách duy trì gia sản tinh thần mà cha ông để lại cho hậu thế. Việc giáo dục con cái không chỉ nhắm đến việc thành công, thành đạt trong xã hội, nhưng quan trọng hơn là giáo dục con cháu nên người đạo đức, trưởng thành. Vì đời sống đạo đức sẽ là nền tảng cho mọi cách sống, cách cử xử và làm ăn của con người. Khi con cháu sống đạo đức, làm ăn có đạo đức, cư xử có đạo đức, sẽ làm rạng danh cho gia đình. Sách Huấn Ca dạy: “Gia tài quý báu của các ngài là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước…và sẽ muôn đời tồn tại. Vình quang các ngài sẽ chẳng phai mờ…danh thơm của các ngài sẽ lưu truyền hậu thế”.

Người Do Thái được biết đến như là một trong những dân tộc có truyền thống giáo dục con cháu trong gia đình theo tập tục đạo đức của cha ông. Tuy nhiên, ngoài việc giữ Mười Điều và luật Môsê, người Do Thái còn tuân giữa rất nhiều tập tục và các quy định khác, đến độ làm lu mờ luật của Thiên Chúa. Tin Mừng Matthew hôm nay kể về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các người Biệt phái về vấn đề tuân giữa truyền thống của tiền nhân. Chúa Giêsu chỉ cho những người Biệt Phái thấy, họ đã đi trật đường, khi đề cao tập tục tiền nhân mà xem nhẹ luật Thiên Chúa. Họ trách Chúa Giêsu và các môn đệ: “Tại sao thầy trò các ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không rửa tay khi dùng bữa?”

Chúa Giêsu đã trả lời cho các biệt phái bằng một câu chất vấn quan trọng hơn: “Tại sao các ông dựa vào truyền thống của cha ông mà vi phạm luật của Thiên Chúa?” Câu chất vấn này chỉ rõ cho thấy vấn đề đang diễn ra trong đời sống và cách thực hành đạo của người Biệt Phái: Họ đã không chu toàn bổn phận làm con với Thiên Chúa và không tuân giữa giới răn lề luật của Chúa. Một khi không tôn trọng luật Chúa, thì việc giữ các tập tục khác chỉ là giả dối, hình thức, đánh lừa lương tâm của mình.

Chúa Giêsu đã nêu ra một ví dụ cho thấy cái sai của họ. Thiên Chúa dạy: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”. Giới răn này đòi hỏi một cách triệt để trong việc chu toàn đạo hiếu qua việc thờ cha kính mẹ. Thờ cha kính mẹ có nghĩa là có bổn phận yêu mến, kính trọng và vâng lời các ngài dạy bảo. Khi khôn lớn trưởng thành, có nhiệm vụ chia sẻ với cha mẹ trong trách nhiệm với gia đình, giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Khi cha mẹ về già, nhất là khi các ngài đau bệnh, phận làm con phải có bổn phận phụng dưỡng, chăm sóc các ngài, không để các ngài phải cô đơn buồn phiền tủi nhục; lo liệu cho các ngài được lãnh nhận các bí tích. Khi các ngài qua đời, con cái phải lo tang lễ chu đáo và nhớ đến các ngài ngày giỗ chạp qua việc đọc kinh cầu nguyện, xin lễ cho các ngài và còn nhắc nhở con cháu thường nhớ đến cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Luật còn ra một hình phạt rất nặng cho kẻ bất hiếu: “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”.

Người Do Thái đã sai trong việc chu toàn bổn phận thảo hiếu khi đưa ra một tập tục: “Các ông lại bảo: Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều đã được dâng cúng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa!” Theo tập tục này, những ai hứa dâng cúng tài sản của mình vào Đền Thờ, thì không phải chu toàn bổn phận thảo hiếu phụng dưỡng cha mẹ. Truyền thống này của người Do Thái quả là phi lý. Vậy mà họ vẫn cứ nhắm mắt lưu truyền cho nhau, trong khi bỏ qua đòi buộc của giới răn Thiên Chúa: “Ngươi phải thảo kính cha mẹ”. Thiên Chúa không bao giờ đón nhận một của lễ được dâng với sự vô ơn với cha mẹ như thế. Chúa Giêsu đã chỉ cho những người Do Thái thấy cái sai của họ, giúp họ điều chỉnh lại nếp sống và các tập tục của mình. Các tập tục, thói quen đạo đức là tốt, nhưng không thể vì bất cứ lý do gì mà con người có thể tự ý thay đổi hoặc vi phạm luật Chúa.

Thưa quý OBACE, theo truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu với cha mẹ ông bà. Đây là nét đẹp trong văn hóa và còn là giá trị đạo đức trong cuộc sống. Những giá trị này lại được luật Chúa soi dọi và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn nơi giới răn Thứ Bốn trong Mười Điều răn. Thiên Chúa dạy: “Thảo kính cha mẹ”. Như thế, khi chúng ta chu toàn chữ hiếu với ông bà cha mẹ, thì cũng đồng thời chúng ta chu toàn giới răn lề luật của Chúa. Khi chúng ta thiếu sót bổn phận đối với tổ tiên ông bà cha mẹ là chúng ta cũng lỗi giới răn của Chúa.

Những ngày đầu năm mới là dịp tốt đẹp để mỗi người thể hiện lòng thảo hiếu tôn kính các bậc tổ tiên còn sống cũng như đã qua đời. Đối với những ai còn ông bà, cha mẹ, đó là điều vô cùng hạnh phúc. Vì thế, hãy cố gắng làm tất cả những gì có thể để đem đến niềm vui và hạnh phúc cho các ngài. Có thể trong quá khứ, có người có những ấn tượng không tốt, không đẹp về cha mẹ ông bà, nhưng hôm nay, Lời Chúa cho thấy, các ngài dù khiếm khuyết cách này cách khác, nhưng các ngài đã quảng đại cộng tác với Chúa để sinh chúng ta vào đời, yêu thương và chăm sóc cho chúng ta thay cho Thiên Chúa. Với những người không còn cha mẹ, những ngày xum họp đầu năm quả là trống vắng. Chúng ta cùng nhau biểu lộ lòng biết ơn đối với tổ tiên ông bà cha mẹ bằng việc giữ gìn nếp sống đạo đức, gia phong và những điều tốt đẹp tổ tiên đã vun đắp và đề lại cho chúng ta. Đồng thời giáo dục con cái nên tốt hơn mỗi ngày để làm rạng danh tổ tiên ông bà. Đó là cách báo hiếu tốt hơn các hình thức khác.

Xin Chúa thương cho ông bà cha mẹ của chúng con được trường thọ, hạnh phúc an vui bên con cháu xum vầy và cho các đấng đã qua đời được hưởng mùa xuân hạnh phúc Nước Trời. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*