Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CHUỖI MÂN CÔI, DI SẢN ĐỨC TIN

PM. Cao Huy Hoàng

Đã có một thời, người Việt Nam nổi tiếng giàu tình cảm. Không chỉ giàu tình cảm trong quan hệ làng xóm, xã hội, giàu tình cảm với khách viếng thăm nhà, mà còn giàu tình cảm trong cách tin vào Chúa và cách riêng, rất giàu tình cảm với việc tôn sùng Mẹ Maria nữa.

Một số “nhà thần học” trong nước cho rằng đó là một thứ “đạo đức tình cảm”, và phải được thay thế bằng loại đạo đức mang tính thần học cao hơn, nghĩa là tất cả tâm tình và việc đạo đức phải tập trung vào Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất. Ước gì khi đặt vấn đề này, không ai được phép tự giảm nhẹ giá trị của việc lần chuỗi Mân Côi, nhưng phải nâng cao giá trị của việc lần chuỗi Mân Côi lên một tầm mức mới: “Lần Chuỗi Mân Côi là cùng Mẹ Maria sống lại cuộc sống, cách sống của Chúa Giê-su trong cuộc đời của mình”. Và khi đã ý thức như thế, thì thiết tưởng việc lần chuỗi Mân Côi không còn là “thứ đạo đức tình cảm” như từng bị xem nhẹ, và đã vô tình hay mắc bẫy quỷ ma mà làm mất đi một truyền thống tốt đẹp của người công giáo Việt Nam.

Hãy nhìn lại cuộc sống đạo của cha ông chúng ta bao đời xa trước. Lòng tôn sùng Mẹ Maria và Chuỗi Mân Côi của người công giáo Việt Nam, đã góp phần để lại cho con cháu hôm nay một cơ ngơi Giáo Hội trung thành trong Đức Tin Công Giáo. Là Ki-tô hữu cháu con, chúng ta phải kế thừa di sản thiêng liêng của tiên tổ, phải làm cho việc Lần Chuỗi Mân Côi trở thành đích thực là “việc đạo đức của tình cảm đối với Thiên Chúa, trong Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ Mẹ và cùng Mẹ Maria rất thánh’.

Người người lần chuỗi. Nhà nhà lần chuỗi. Lần chuỗi mọi lúc mọi nơi. Không nhất thiết cần có xâu chuỗi trên tay, nhưng nhất thiết phải đọc kinh kính mừng bất cứ khi nào có thể.

Linh mục lần chuỗi. Nữ tu lần chuỗi. Tu sĩ lần chuỗi. Già lần chuỗi. Trẻ lần chuỗi. Khỏe lần chuỗi. Bệnh lần chuỗi… không ai không lần chuỗi… đó là tín hiệu của một thời kỳ Tin Mừng Chúa Ki-tô cực thịnh trong cuộc sống này, trên thế giới này. Bởi, chúng ta tin chắc, ai đang sống với cuộc sống của Chúa Ki-tô uy dũng chiến thắng, thì không có thế lực nào làm cho họ ngã quỵ.

Tại sao có thể cho rằng việc những bà Mẹ quê ngày ấy lần chuỗi trên ruộng cấy, trên nương mạ, lần chuỗi lúc xắt rau heo, lúc làm việc nhà… là việc đạo đức tình cảm xoàng thường? Ai dám phê phán việc lần chuỗi Mân Côi mọi lúc mọi nơi của ông bà chúng ta ngày ấy không phải là việc của đức tin?

Xin các bạn trẻ hãy khẩn cấp xóa đi cái ý tưởng: “Chuyện lần chuỗi là của những người già, người bệnh, người rỗi việc”. Và cũng hãy khẩn cấp xây dựng ngay ý tưởng: “Chuyện lần chuỗi là của tất cả những ai muốn bình an, muốn hạnh phúc, muốn thành công trên đời, kể cả việc muốn chiếm hữu một chỗ trong lòng Thiên Chúa, trong Nước Thiên Chúa”.

Với quyền năng vô biên của Thiên Chúa, thì Người có thể xuống thế cứu độ loài người bằng cách uy quyền nào của Người mà chẳng được. Thế nhưng, Người đã chọn cách xuống thế trong lòng Đức Trinh Nữ Maria.

Quả thực, Thiên Chúa không vô duyên, vô tình, khi chọn cung lòng Đức Trinh Nữ Maria để xuống thế làm người. Bởi, nếu Mẹ Maria đã được chọn làm trung gian cho việc “trời xuống đất”, thì Thiên Chúa cũng chọn Mẹ làm trung gian cho việc “đất lên trời”.

Xin đừng để giáo dân hiểu lầm rằng khi đề cao giá trị thánh lễ, và chỉ thánh lễ mà thôi, thì có nghĩa là việc lần chuỗi thì bị xem nhẹ, hoặc là thứ yếu, có cũng được, không cũng chẳng sao!

Thiết tưởng, nên thận trọng trước mưu ma chước quỷ tinh vi xảo quyệt đang dùng một chiêu bài thánh thiện để đánh đổ một sự thánh thiện khác!

Cách đạo đức bình dân của những người bé mọn, thấp hèn kia là: thiếu thì xin, đói thì kêu, buồn thì than van, đau thì rên la khóc lóc với Thiên Chúa, đơn giản chỉ vì họ tin Thiên Chúa là đấng thần linh cứu họ. Là loài người với nhau cả, thì ai dám nói cách đạo đức ấy không đẹp lòng Thiên Chúa? Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền phán xét. Có nên chăng việc tự nhận quyền phán xét của Thiên Chúa.

Thiết tưởng, đã đến lúc mà chúng ta phải xua tan ngay đi cách xem nhẹ việc lần chuỗi Mân Côi và khẩn cấp xóa bỏ ý niệm “lần chuỗi Mân côi, tôn sùng Mẹ Maria” là việc đạo đức tình cảm. Đã đến lúc mà chúng ta phải tái lập, cổ xúy việc lần chuỗi Mân Côi ngay trong giới thiếu nhi, giới trẻ, và nhất là lần chuỗi Mân Côi trong giờ kinh sáng tối ở gia đình mình. Đã đến lúc mà chúng ta phải nhờ Mẹ và nhờ sức mạnh của Chuỗi Mân Côi cấp cứu một thế hệ trẻ đang xa dần với đức tin và đời sống công giáo. Không thể chần chờ! Bởi thử một vòng mà xem, được mấy đôi vợ chồng trẻ lần Chuỗi Mân Côi trong thời đại này. Và được bao nhiêu đôi vợ chồng trẻ bảo đảm được cuộc sống hôn nhân thánh thiện trước trào lưu ly thân, ly dị?

Ước gì mọi người có thể cảm nếm được câu nói rút ruột của một người cha nói với đôi vợ chồng mới cưới rằng: “Muốn giữ vững đức tin cậy mến Chúa, muốn tình yêu lâu bền, muốn bình an, hạnh phúc, muốn thành công trong cuộc đời…các con hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi, và cùng Mẹ Maria sống với Chúa Giê-su ngay trong gia đình mình”.

Có thể có người xem lời khuyên của người cha này là chưa đúng, chưa hoàn hảo, chưa trọn tín lý thần học…nhưng thực tế, đã có những gia đình, gia tộc, nối dài niềm vui đức tin, niềm vui bình an hạnh phúc qua nhiều thế hệ, nhờ lần chuỗi Mân Côi mọi lúc mọi nơi, có thể.

Có một bài thơ rất đơn sơ, kể lại một chuyện tình vĩ đại:

DI SẢN

Ông già nói với bà già

Bà ơi tôi sắp phải xa bà rồi

Con thời mỗi đứa một nơi

Nhà thời vắng vẻ mình tôi với bà

Tôi đi bà ở lại nhà

Vui lên! Cứ nghĩ như là có tôi

Ai rồi cũng một kiếp người

Tôi thời cũng vậy, bà cười lên đi

Biết rằng tử biệt sinh ly

Cho tôi nói nhỏ lời tri ân bà

Một đời lăn lóc bôn ba

Tôi dành một chút làm quà chia tay

Bà cầm tràng chuỗi này đây

Ta cùng hợp xướng từ ngày cưới nhau

Năm mươi hạt ngọc trân châu

Xin làm di sản tôi trao tặng bà

Mai kia bà có đi xa

Bà ơi gửi lại làm quà cho con…

(PM. CHH 1993)


Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*