Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

NGẬP TRÀN YÊU THƯƠNG – THÁNH THIỆN

Linh mục Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2018:

Vào dịp đầu tháng ba vừa qua, dư luận trong nước sôi lên về việc một phụ huynh vào trường học, bắt cô giáo chủ nhiệm của con ông phải quỳ gối bốn mươi phút, để xin lỗi ông trước mặt nhiều người. Hành động nhục mạ nhà giáo này đã bị dư luận phản ứng kịch liệt. Có nhiều bài viết của giới chuyên môn bình luận, phân tích về hành động quỳ gối nhục nhã của người thầy trước sự côn đồ của phụ huynh. Bài viết cho rằng: “Khi người thầy phải quỳ gối trước phụ huynh học sinh như thế, là lúc nền giáo dục của Việt Nam đã hoàn toàn đổ vỡ. Khi đầu gối của cô giáo chạm xuống đất trước mặt phụ huynh và học sinh là lúc cả nền đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam bị lật đổ”. Khi cô giáo phải quỳ xin lỗi phụ huynh và học sinh cho thấy phẩm giá của người thầy bị xếp xuống ngang hàng với kẻ tội đồ.

Cách đây hơn hai ngàn năm, cũng đã có một người thầy là Giêsu, tự nguyện quỳ gối xuống trước mặt học trò của mình, không phải để xin lỗi, mà là để dạy cho học trò bài học yêu thương và phục vụ. Việc quỳ gối của Ngài cũng gây sốc cho các học trò, Phêrô đã phản ứng quyết liệt: “Thưa Thầy, không thể như thế! Thầy không thể rửa chân cho con như vậy được!”. Việc Đức Giêsu lấy nước đổ vào chậu, quỳ gối rửa chân cho từng học trò, cả đứa ngoan lẫn đứa phản bội, đã nêu lên một bài học sống động cho học trò biết thế nào là yêu thương, thế nào là phục vụ và hoàn toàn thay đổi quan niệm về cung cách phục vụ.

Tin Mừng cho thấy, bữa tiệc hôm nay như diễn tả trước hy lễ thập giá mà Chúa Giêsu sắp trải qua vì yêu thương nhân loại, cách riêng cho các tông đồ. Từng cử chỉ, từng hành động và lời nói của Chúa Giêsu lúc này mang những cảm xúc và những ý nghĩa đặc biệt, linh thiêng: “Chúa Giêsu biết đã đến giờ Người phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình và người yêu thương họ đến cùng”. Yêu đến cùng là không còn tiếc, cũng không giữ lại gì cho riêng mình, mà sẵn sàng trao ban tất cả con người, mạng sống của mình cho những người mình yêu thương. Trong bữa ăn linh thiêng này, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến hết sức táo bạo, đó là trao ban mình máu Người, tức là cả sự sống và con người của Ngài để trở nên của ăn của uống cho các môn đệ. Ngài biến bánh và rượu trở nên máu thịt của Ngài và trao ban máu thịt ấy, làm của ăn của uống cho nhân loại. Với hành động trao ban máu và thịt mình cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã chấp nhận bước vào cuộc tử nạn thập giá ngay từ giờ phút này vì yêu thương: “Đây là mình Thầy!… Đây là máu Thầy! Máu đổ ra cho muôn người được tha tội. Anh em hãy cầm lấy mà ăn, mà uống”. Trở nên của ăn của uống tức là trở nên lương thực nuôi sống con người. Chúa Giêsu muốn đi vào tận trong tâm hồn con người , trở thành dưỡng chất nuôi sống từng tế bào trong mỗi chúng ta. Nếu như lương thực vật chất là của ăn cần thiết thường ngày cho con người, thì khi ban máu thịt làm của ăn của uống, Chúa cũng muốn trở nên lương thực không thể thiếu cho đời sống thiêng liêng của nhân loại. Hơn thế nữa, lương thực thần linh này còn có sức mạnh tha thứ tội lỗi cho con người, chữa lành vết thương trong tâm hồn và là nguồn tăng lực cho tất cả mọi người trên hành trình trần thế.

Yêu đến cùng là dám đặt trọn con người của mình vào tay người mình yêu. Chúa Giêsu biết rất rõ các môn đệ là những con người yếu đuối tội lỗi, các ông còn mang nơi mình nhiều tính xấu, vậy mà Chúa vẫn tin tưởng trao cho các ông thiên chức linh mục: “Các con hãy làm như thầy vừa làm mà tưởng nhớ đến Thầy”. Chúa biết rõ Phêrô sẽ chối Chúa, các môn đệ khác sẽ hèn nhát bỏ trốn, vì các ông theo Chúa nhưng vẫn mong đợi danh vọng theo kiểu trần gian. Vậy mà, Chúa vẫn tin tưởng đặt trọn con người của Ngài vào tay các ông. Để từ đây, các ông tiếp tục cử hành bữa tiệc thánh này mỗi ngày mà tưởng nhớ đến Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến ta”.

Chúa Giêsu còn trao cho các tông đồ quyền chọn lựa những người kế vị các ông để cùng được tham dự vào chức linh mục của các ông. Nối tiếp các tông đồ, các giám mục và các linh mục cũng chỉ là những con người yếu hèn. Chức linh mục các ngài lãnh nhận không hề làm thay đổi bản tính con người nơi các ngài. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy các giám mục, linh mục vẫn yếu đuối, sa ngã và có khi bỏ cuộc. Nhưng qua sự yếu đuối của các môn đệ và các người kế vị sau này, chúng ta càng nhận ra được quyền năng và tình yêu Chúa dành cho nhân loại. Chúa Giêsu đã hoàn toàn tin tưởng vào các môn đệ của Ngài và những con người kế vị, để qua các ngài, Thiên Chúa có thể tiếp tục yêu thương và ở lại với nhân loại. Qua những con người này, Chúa lại tiếp tục thể hiện quyền năng của Ngài và mượn những con người yếu hèn này để Chúa có thể tiếp xúc, đụng chạm cách cụ thể đến mỗi tâm hồn.

Yêu cho đến cùng là dám phục vụ đến cùng vì yêu thương, dám tự nguyện quỳ gối để rửa chân cho các học trò. Giống như cha mẹ cũng quỳ gối để ôm con khi bị té, quỳ gối để lau lọt tắm rửa cho con, Chúa Giêsu cũng đã hành động như thế. Tin Mừng Gioan không kể về việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh thể, nhưng lại kể rất chi tiết về bài học yêu thương phục vụ này. Điều đó chứng tỏ bài học này mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Tác giả thuật lại: “Chúa Giêsu đã biết đến giờ Ngài phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, nên trong bữa ăn Người đứng dậy, rời khỏi bàn ăn, cởi áo choàng, lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Chúa Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”. Chúa Giêsu biết đã đến giờ Ngài sẽ phải bước vào cuộc khổ nạn, cũng là giờ phải chia tay với các môn đệ, Người đứng dậy, rời khỏi bàn ăn. Chúa Giêsu đã chủ động rời khỏi vị trí của một người thầy, người chủ tiệc, giống như Người đã chấp nhận rời bỏ địa vị của một Thiên Chúa để bước đến với con người. Ngài không còn là một vị Thiên Chúa đứng từ xa để theo dõi con người, Ngài cũng không khư khư giữ cho mình vị trí là thầy, là Chúa, là chủ, mà đã chấp nhận một cuộc hoán đổi vị trí với con người: “Ngài cở bỏ áo choàng, lấy khăn thắt lưng…”. Cởi bỏ áo choàng không chỉ là trút bỏ địa vị, danh dự, mà còn là cởi bỏ cả con người, cả mạng sống vì các môn đệ và cho các môn đệ. Chúa Giêsu lấy khăn thắt lưng, tức là Chúa đã chấp nhận thắt đai lưng của một người nô lệ, đầy tớ. Vì chỉ có đầy tớ mới phải thắt lưng cho gọn để làm việc và phục vụ chủ. Chúa Giêsu đã từ vị trí của một người thầy, một người chủ tiệc, giờ đây lại hoán đổi để trở nên một đầy tớ phục vụ bữa ăn và quỳ xuống rửa chân cho các học trò, lấy thắt lưng mà lau. Các môn đệ đã không thể hiểu được hành động của Chúa Giêsu, Simon đã cực lực phản đối: “Thưa Thầy, không đời nào Thầy lại rửa chân cho con”. Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ: “Việc Thầy làm bây giờ các anh chưa hiểu, nhưng sau này sẽ hiểu. Nếu Thầy không rửa chân cho anh, thì anh không được chung phần với Thầy”. Như vậy, việc rửa chân này không chỉ là nêu gương phục vụ, nhưng Chúa Giêsu còn muốn nói đến một cuộc tẩy rửa cả con người và tâm hồn để được “chung phần” tức là được vào hưởng nước trời. Vì thế Simon mới thưa: “Thưa Thầy, vậy xin rửa chân, rửa tay và cả đầu con nữa”. Tức là, Simon xin Chúa thanh tẩy từng bước đi, từng hành động và cả suy nghĩ của mình để ông có thể được nên giống Thầy và được chung phần với Chúa.

Thưa quý OBACE, hành động quỳ gối rửa chân cho các môn đệ là một bài học hết sức sâu xa và lớn lao. Bài học này làm nên một ý nghĩa mới đích thực cho việc phục vụ và yêu thương: Phục vụ không tính toán, không so đo và yêu thương không giới hạn, không cân nhắc thiệt hơn, yêu cho đến tận cùng. Cử hành thánh lễ tiệc ly hôm nay, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm, suy gẫm về tình yêu của Một vị Thiên Chúa đã yêu con người đến tận cùng, đã trao ban máu thịt làm của ăn, lương thực nuôi sống chúng ta. Chúa muốn chúng ta đáp lại ước muốn của Chúa là đón nhận, ăn Ngài mỗi ngày, để Ngài trở nên nguồn dinh dưỡng và sức mạnh cho hồn xác chúng ta, để chúng ta cũng có thể yêu anh em như Chúa đã yêu ta. Chúng ta được mời gọi để cởi bỏ tính tự ái, ích kỷ, cái tôi và cái sĩ của mình để có thể yêu thương, tha thứ và phục vụ. Chúng ta cần bắt đầu từ trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái dám cúi xuống để rửa chân cho nhau, để phục vụ nhau, từ đó ta mới có thể phục vụ yêu thương người khác được.

Xin cho chúng ta thấm nhuần bài học yêu thương phục vụ của Chúa hôm nay để chúng ta cũng dám cúi xuống, quỳ gối để phục vụ và rửa chân cho anh chị em như Chúa mong muốn: “Hãy yêu như Thầy đã yêu và hãy làm như Thầy đã làm cho anh em”. Amen.


Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*