Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

GIEO VÀO LÒNG ĐỜI

PM. Cao Huy Hoàng
Sài gòn, 18-3-2018

(chút tâm tình gửi người kiếm chữ, kiếm sống ở Sài gòn)
Xin cảm ơn Cha Nhạc Sĩ Mi Trầm, vì bài hát Thân Lúa Miến đã gợi lên nhiều ý đáng suy tư cho chúng ta, những sinh viên lên Sài gòn đi học, những người ở tận đẩu đâu lên Sài gòn kiếm sống…
Vâng, chúng ta đang ở Sài gòn.
Có người nói đây là một thành phố chen chân từng centimet. Thiết tưởng đây cũng là một nhận định mà chỉ có những người đang thực sự sống tại Sài gòn mới thực sự cảm nghiệm đúng hay sai, và cảm nghiệm được cái giá trị của cuộc chen chân từng centimet kia là gì.
Không chỉ chen chân từng centimet trên những con đường kẹt xe, nghịt khói, mà còn chen chân từng centimet trên đường tìm cho được một công việc tại các sở làm, tại các công ty.
Không chỉ chen chân từng centimet trên các vĩa hè để bán cho được vài tấm vé số, để có thể đẩy chiếc xe hủ tiếu gõ trong cuộc mưu sinh, mà còn phải chen chân từng centimet trong các trường học, bệnh viện, nhất là bệnh viện ung bướu.
Không chỉ chen chân từng centimet tại các bến xe, các nơi mua sắm, ăn uống, mà còn phải chen chân lãnh từng gói quà, nhận từng bữa cơm từ thiện.
Không chỉ chen chân từng centimet tại các tụ điểm ăn chơi như phòng trà, sàn nhảy, mà còn phải chen chân từng centimet tại những khu ổ chuột, khu gầm cầu, xóm nhà lá bên con kênh ỉnh mùi hôi thối.
Thiết tưởng cũng có chuyện chen chân từ centimet đến các tòa giải tội, đến các thánh lễ tại các nhà thờ, các trung tâm công giáo, thì hay biết mấy, hoặc như hôm qua, người và người và người chen chân từng centimet để thương tiễn Đức Tổng Giám Mục Phao-lô về với cõi đời đời.
“Cứ đến xem nới người ở, và ở lại với người” rồi thấy cái cảnh…
Hóa ra, cực chẳng đã, cũng đành thôi, ai mà ham chi cái cảnh chen chân này trong cuộc đời của mình. Ai mà ham chi cái nhịp sống vội vã, quay cuồng thế này để phải thiếu điều nghẹt thở, đột quỵ giữa dòng chen lấn ấy. Hóa ra, nếu chẳng phải vì cuộc mưu sinh, vì cái chữ, vì tương lai, thì ai đâu phải sống xa gia đình, xa làng xứ mà lao mình vào cuộc chen chân ngột ngạt như thế này.
Vâng, chúng ta đang ở đây, một Sài Gòn đầy nhiễu động, luôn luôn nhiễu động. Nhiễu động âm thanh, nhiễu động kinh tế, nhiễu động duy vật, nhiễu động hoàn cảnh sống, nhiễu động giai cấp, và nhất là cũng có những nhiễu động ý thức, nhiễu động tâm linh.
Và khi biết thế, biết cái hoàn cảnh như thế, biết cái toàn cảnh như thế, thì chúng ta phải tìm hiểu cho ra cái nguyên nhân căn cốt và cùng đích tối thượng của cuộc sống sống này và phải định cho mình một hướng đi, sao cho có hiệu quả, sao cho thành đạt, sao cho đến đích.

Hãy nhìn lại cuộc sống mình mà thấu hiểu: chúng ta đang sống và bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Được sinh ra, lớn lên trong gia đình, được sinh hoạt nơi làng xứ, trong một thời gian, rồi khi vừa đến tuổi trưởng thành thì ta lại phải rời xa gia đình mà ra đi vào giữa lòng đời. Hãy nhớ mình là một hạt lúa miến, một hạt giống, được Thiên Chúa gieo vào giữa lòng đời này.
Vâng! Nếu chúng ta cứ để mình buông xuôi, hoặc để phải bị cuốn theo cái vòng quay nhiễu động của cuộc sống này, tại đây, thì quả thực, khó lòng mà tìm được một trạng thái tĩnh cần có, cần thiết có, và nhất là phải có cho đời sống tâm linh của mình.

Tĩnh để nhận ra mình là hạt lúa miến, được sinh ra, được hình thành, được chắt chiu, được nuôi dưỡng ở một miền quê thanh tịnh, nghèo nàn, yên ả, ấm êm tình cha tình mẹ, tình làng xóm, nghĩa cộng đoàn.
Tĩnh để nhận ra mình được gieo vào lòng đời chăng chịt, xô bồ, chen lấn, tranh đua, hơn thua, ồn ào, inh ỏi. Lòng đời ấy nó cứ xúi giục mình cắm cúi mà chạy theo một nhịp sống quay cuồng theo kiểu duy vật, theo kiểu duy cá nhân đến mức vô cảm, vô tình, vô tâm… và trong cái cảnh bề bộn, hỗn loạn ấy lại có khi còn sinh ra cái cách sống vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo nữa.
Tĩnh để nhận ra mình phải chấp nhận mục nát giữa lòng đời, mục nát theo với thời gian, nhưng không không phải mục nát để hư mất ngàn đời, nhưng là mục nát để trổ sinh mầm sống, trổ sinh sự sống mới, trổ sinh muôn bông vàng, giữa lòng thế giới hôm nay, một toàn cảnh tưởng chừng khó có thể hoặc không thể tìm đâu ra một ý nghĩa thiêng thánh cho đời mình giữa một lòng đời duy vật chất.
Vâng,
Hãy nhớ mình là hạt lúa miến, được gieo vào lòng đời, cần mục nát với thời gian, để nẩy mầm, và vươn lên thành nên cây lúa mới, cây lúa tươi tốt sẽ trổ sinh muôn bông vàng.
Hãy cứ xem nơi này, nơi kia trong cuộc đời chúng ta, đều là nơi mà Chúa Thánh Thần đã dẫn chúng ta đến, đều là nơi mà Thiên Chúa đã gieo chúng ta vào, và bổn phận của chúng ta là phải mục nát, phải nẩy mầm, phải lớn lên, phải trổ sinh bông hạt.

-phải mục nát cái tôi kiêu căng của chúng ta, thì mới mong nẩy được cái mầm khiêm nhượng cần thiết có trong cuộc đời.
Tính kiêu ngạo là bản chất cố hữu của con người, không ai không có, bởi vì ai cũng thuộc dòng giống của con người kiêu ngạo đầu tiên là Adong và Eva. Ảnh hưởng của tội nguyên tổ trong chúng ta rõ nét nhất là kiêu ngạo. Đừng ai nói tôi không kiêu ngạo, nhưng nên nói, tôi đã quyết tâm từ bỏ và tận diệt lòng kiêu ngạo trong tôi, từng giờ phút, từng ngày một, nghĩa là, mỗi ngày tôi mỗi phải mục nát cái tôi kiêu ngạo đi dần dần đến chỗ triệt tiêu toàn vẹn.
Thế đấy! Hãy cẩn thận! Đừng để cho lòng kiêu ngạo có cơ hội phát triển thành nết, thành tật, thành một nếp sống.
Xem đó, đừng:
Chỉ vừa có trí khôn, con người đã muốn khẳng định mình là đã lớn.
Chỉ vừa mới lớn, con người muốn cho mọi người biết tôi đã trưởng thành
Chỉ vừa mới có chút hiểu biết, chút khả năng, đã vội cho mọi người biết tôi vĩ đại.
Chỉ với mới có chút tài sản, chút vốn liếng đã muốn nói cho mọi người biết rằng tôi có thể mua cả thế giới này.
Thật kinh khủng!
Nếu ai không nhận ra cái kiêu căng trong mình là nguyên nhân chủ chốt dẫn chúng ta đến thất bại: thất bại kinh tế, thất bại xã hội, thất bại tình cảm, và ngay cả mất linh hồn, thì con người ấy sẽ phải làm tôi mọi cho chính sự kiêu căng của mình đến suốt đời. Và điểm cuối của cuộc đời là một cái chết vô nghĩa, cái chết lãng xẹt, vì không ai yêu người kiêu căng cả, không còn ai nhớ đến người kiêu căng cả, nếu không nói là, nếu có nhớ đến thì cũng người ta cũng không tiếc gì một lời nguyền rủa, lời đắng cay, bi đát.
Chúng ta được gieo vào cuộc đời, và phải mục nát cái tôi kiêu căng đi, thì mới mong nẩy được cái mầm khiêm nhượng. Khiêm nhượng chính là chìa khóa thành công, chìa khóa mở ra cho chúng ta cánh cửa tương lai tươi sáng trong cuộc sống ở đời này, và cũng là mở ra cho chúng ta cánh cửa bước vào với nguồn ân sủng của Thiên Chúa, hôm nay, và mai sau nữa. Bởi khiêm nhượng là bản tính, là vẻ đẹp thường hằng của Thiên Chúa. Ai sống đức khiêm nhượng thì có tình yêu, có lòng thương, có Thiên Chúa. Người kiêu căng hề không có tình yêu, không có lòng thương, nếu không nói là vô tình, vô cảm. Hay nói cách khác, tình yêu của người kiêu căng là loại tình yêu chiếm đoạt nhiều hơn chia sẻ, tình yêu thống lĩnh nhiều hơn cảm thông, tình yêu ích kỷ nhiều hơn là quảng đại. Và với những cách yêu ấy, thì không gọi được là tình yêu đúng nghĩa. Một loại tình yêu dối lừa, yêu mình nhiều hơn yêu người.

-phải mục nát cái tôi ích kỷ thì mới mong nẩy được cái mầm vị tha cần thiết có trong cuộc đời.
Ích kỷ là tình trạng ấu trĩ của con người. Ích kỷ là chỉ nghĩ đến mình, chỉ quy về mình, không nghĩ đến ai, không quy về tha nhân. Một người dù ở bất cứ tuổi nào, nếu còn trong tình trạng ích kỷ là người chưa trưởng thành, nếu không nói là không lớn nổi thành người. Có câu chuyện cây cà rem. Một em bé thấy ông bán cà rem đi qua, nó đòi mẹ nó mua cho bằng được một cây cà rem. Ngày ấy, kinh tế khó khăn lắm, mẹ cũng đành phải mua cho nó một cây cà rem. Khi nó ăn cà rem, mẹ nó bảo cho mẹ mút một miếng. Nó dứt khoát không cho. Dễ hiểu thôi, vì nó là con nít, nó chưa trưởng thành. Như thế đó, nếu nó thoát khỏi cái tôi ích kỷ của nó, thì hẳn nó đã mời mẹ nó ăn cà rem trước khi mẹ nó xin cho mút miếng. Người ích kỷ chẳng nghĩ đến ai, chi nghĩ đến cái mối lợi của mình mà thôi. Và chính vì cái tôi ích kỷ ấy, mà mầm vị tha, vì người, quảng đại không thể nầy mầm được.
Bao giờ mới lớn nổi thành người biết quan tâm đến nhau, biết cho đi, biết sẻ chia, biết tận hiến?
Tôi còn nhớ một câu chuyện khác của những người trẻ đang yêu nhau, đang tìm hiểu để tiến tới hôn nhân. Hôm ấy, họ rủ nhau đi hát karaoke. Sau khi hát xong, mọi người gom lại những thứ rác rưởi trong phòng karaoke bỏ vào bịch cho sạch sẻ gọn gàng. Thật văn minh. Dĩ nhiên nếu mình không dọn thì chủ nhà hoặc nhân viên cũng phải dọn phòng thôi. Nhưng việc ấy cho thấy, họ có nghĩ đến và thương những người làm thuê mướn. Một anh trong nhóm ra tính tiền cho chủ quán. Và phàn nàn với chủ quán chuyện mắc rẻ, chuyện giờ giấc gì đó, mà khi anh ta trở vào phòng để về cùng anh chị em, anh ta đã hất tung tất cả những thứ rác rưởi ra đầy phòng…như một cách trút giận. Hôm sau, nghe nói cô người yêu của anh đã quyết định không tiến tới hôn nhân với anh ta nữa, chỉ vì nhận ra lòng ích kỷ của anh ta qua thái độ tung các bị rác ra đầy phòng, nhận ra anh không có lòng thương người, nhận ra cái tôi ích kỷ của anh ta quá lớn.
Vâng, đúng là phải mục nát cái tôi ích kỷ thì mới mong nẩy được cái mầm vị tha cần thiết có trong cuộc đời, và mới là người trưởng thành trong một thế giới cần có tình người, cần có sự quan tâm đến nhau, cần sống có nhau, vì nhau, nhờ nhau, cần một cuộc sống chung để chia sẻ và giúp nhau nên thánh, giúp nhau trên hành trình về với cội nguồn là Thiên Chúa Tình yêu.

-phải mục nát cái tôi cầu an, cầu nhàn, hưởng thụ thì mới mong nẩy được cái mầm chăm chỉ, cần mẫn, tận lực, tận tình cần thiết có trong cuộc đời.
Vâng, cũng từ lòng ích kỷ, mà ai trong chúng ta cũng không thoát khỏi cái tính cầu an cầu nhàn, tránh né việc chung, tránh việc chẳng lợi lộc gì cho mình, tránh việc nặng, chọn việc nhẹ… và đôi khi, ngay việc của mình, việc cho mình, cũng chẳng muốn động tay động chân. Một chuyện đơn giản thôi nhé, thức dậy, ra khỏi giường, mà đôi khi chẳng muốn xếp lại cái mền, xếp lại cái gối, cái màn cho ngăn nắp. Thực là bừa bãi trong nhà, đến ngay cái phòng ngủ của chính mình mà cũng chẳng chăm lo sao cho nó gọn gàng, xinh đẹp, lại để cho nó chẳng khác gì một ổ chuột. Những con người như thế thì gọi là trưởng thành được sao? Có khác gì lúc năm ba tuổi ở nhà, có cha có mẹ lo cho từng chút một.
Việc cho mình mà mình không chăm chỉ, không nỗ lực, không tận tình, thì ai dám tin rằng bạn sẽ là người dám sống dám chết, dám hy sinh, dám hiến thân cho công ích, cho người khác, ngay cả cho người mà bạn nói bạn yêu, có lẽ cũng chỉ là câu nói trên bờ môi chót lưỡi.
Như thế đấy, phải mục nát cái tôi cầu an, cầu nhàn, hưởng thụ. Phải tự thấy rằng những cái tôi ấy đáng ghê sợ, là dường nào, bởi vì, chính sự lười lĩnh trong các việc đáng lý ra phải chăm chỉ, sẽ cho mọi người thấy rằng: một là mình không quý chính mình, thì làm sao quý tha nhân, hai là, không tôn trọng chính mình, thì làm gì có chuyện tôn trọng tha nhân. Và còn hơn thế nữa, sự lười lĩnh các việc ở đời, cũng là dấu hiệu cho thấy mình chẳng chăm chỉ chăm chút cho đời sống tâm linh mình chút nào cả. Lười lĩnh, cầu an, cầu nhàn như thế lại còn là dấu hiệu cho thấy một con người không bản lĩnh, thiếu nghị lực, kém cõi ý chí tiến thân. Nói chi tới chuyện xưng tội, rước lễ, đọc kinh thánh, sống Lời Chúa, nói chi tới chuyện lập gia đình, hy sinh cho người yêu, xây dựng gia đình sau này.

-phải mục nát cái tôi ảo tưởng, cái tôi dối trá chính mình, thì mới mong nẩy được cái mầm chân thật cần thiết phải có trong cuộc đời.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự giả dối đang chiếm lĩnh lòng người khắp nơi, không kể thành phần nào, không kể giai cấp nào. Có biết bao nhiêu cái học vị giả, bằng cấp giả. Có biết bao cái giàu có giả, thành công giả. Có biết bao cái tình yêu giả, hôn nhân giả, kể cả chuyện hạnh phúc gia đình cũng giả, nếu như không phải nói là các đôi vợ chồng đang đóng những thước phim hạnh phúc cho cuốn phim cuộc đời nhiều tập.
Những người trẻ hôm nay cũng đang lao vào bao nhiêu chuyện giả dối, mà có thể gọi là cái tôi ảo tưởng đáng sợ. Xã hội duy vật đang vẽ ra cho con người thời này một loại hạnh phúc có thể nhìn thấy được bằng con mắt, có thể sờ đụng được tận tay, có thể tận hưởng được ngay tức khắc. Sở dĩ như thế, là vì, họ cho rằng niềm tin tôn giáo là không có thật, và niềm tin vào vật chất mới là đích thật. Có khi họ cho chuyện niềm tin vào đời sau là mơ hồ, còn niềm tin vào đời này là hiện thực, là chắc chắn.
Thử hỏi, vật chất, và cả cuộc sống chúng ta thì có gì chắc chắn, có gì tồn tại trong cuộc đời này đâu. Điều mà chúng ta tưởng như thật hôm nay, thì hóa ra là một thứ ảo tưởng.
Người ta đua nhau đánh bóng chính mình, để cho mọi người thấy mình có đủ thứ vật chất, và như vậy là hạnh phúc. Rồi ai cũng cắm đầu cắm cổ mà đi tìm hạnh phúc nơi những cái hào nhoáng, bóng loáng của vật chất hôm nay ở trần thế này. Cuối cùng, họ không hạnh phúc hơn một người nhà quê kia sống thanh bần, chân chất, sống trong niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu và quan phòng.
Cái tôi ảo tưởng trong tuổi trẻ hôm nay đang thôi thúc họ đặt niềm tin vào tiền bạc, vật chất và những thứ bóng loáng khác, làm cho họ quên rằng có một thứ hạnh phúc đó là sống sao cho tâm hồn bình an thư thái, trong Đấng có thể ban cho chúng ta một thứ bình an đích thực: bình an của cuộc sống công chính và yêu thương con người.
Cần phải mục nát cái tôi ảo tưởng đi, để khỏi bị những khát vọng trần tục nó phỉnh gạt mình, nó lừa dối mình, mới có thể nhận ra một sự thật bền vững muôn năm ấy chính là Thiên Chúa, là Tình yêu và sự quan phòng kỳ diệu của Ngài. Có ai lo lắng chuyện ở đời này mà có thể tự làm cho mình sống thêm năm bảy năm, mươi lăm năm nữa để tận hưởng không?
Đừng để cái ảo tưởng nó lừa dối chúng ta đi lạc xa niềm tin vào Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống ở Sài Gòn, chen chân từng centimet, để có môt cuộc sống.
Nhưng, xin đừng quá bận tâm hay lo sợ cái nhiễu động nơi đây. Đừng buông xuôi theo cái nhiễu động duy vật. Nhưng hãy nhận ra điều quý giá này là: môi trường sống này đang là một lòng đời lý tưởng để hạt giống của mỗi chúng ta có cơ hội mục nát đi.
Mục nát đi, nếu nói cách tiêu cực, thì:
Có kiêu ngạo cũng chẳng bằng ai, cũng chẳng được tích sự gì.
Có ích kỷ vì mình, cũng không thể ích kỷ được, bởi chúng ta cũng cần phải nương nhau mà sống
Có cầu an cầu nhàn cũng chẳng được, vì chắc chắn sẽ chết ngay, nếu không nỗ lực mà tiến thân.
Có ảo tưởng cũng chẳng được gì, vì không ai có thể chờ sung rụng trong một xã hội cần phải chăm chỉ, phải chăm chút, phải tích lũy cân nhắc.
Môi trường sống này đang là một lòng đời lý tưởng để hạt giống của mỗi chúng ta có cơ hội mục nát đi, nếu nói theo cách tích cực, thì
-mục nát cái kiêu căng, mục nát cái ích kỷ, mục nát cái cầu an, mục nát cái ảo tưởng, dối trá, để có thể tìm đến với Chúa trong một cõi tĩnh lặng giữa một dòng đời đang nhiễu động, xô bồ.
-và lúc ấy, chúng ta sẽ gặp được một Đấng Chí Thánh Chí Cao Quyền Phép Khôn Lường là Đức Giê-su Con Thiên Chúa, là hạt giống được Thiên Chúa gieo vào lòng đời vì yêu con người.
Ngài đã chịu mục nát cả thân phận Thiên Chúa, mục nát cả thân phận con người, để nên khiêm nhượng, vị tha, quảng đại, chết thực con người mình để hiến dâng cho Thiên Chúa như của lễ toàn thiêu mà cứu chuộc nhân loại, cứu chuộc mỗi chúng ta.
-chính trong sự tĩnh lặng và gặp gỡ Đấng Chịu Mục Nát, mỗi chúng ta sẽ học được bài học mục nát quý giá để nầy mầm và trổ sinh hoa trái nhân đức cho chúng ta, hoa trái tình yêu thương cho cuộc đời.
-sống tinh thần mục nát cũng chính là sống mầu nhiệm Thánh Giá trong mùa chay.
-sống tinh thần mục nát cũng chính là sống mầu nhiệm tình yêu trong các gia đình hôm nay, sống mầu nhiệm tình yêu trong chuyện hôn nhân của các bạn trẻ sau này, sống mầu nhiệm tình yêu giữa lòng đời, sống mầu nhiệm tình yêu của những Ki-tô hữu với danh xưng là chứng nhân cho Thiên Chúa.

Ước gì, chúng ta, những người kiếm chữ, kiếm sống ở Sài Gòn nhiễu động sẽ thường xuyên gặp nhau, để cùng nhau tìm giây phút yên tĩnh mà chia sẻ cho nhau quyết tâm:
-phải mục nát cái tôi kiêu căng
-phải mục nát cái tôi ích kỷ
-phải mục nát cái tôi cầu an, cầu nhàn, hưởng thụ
-phải mục nát cái tôi ảo tưởng, cái tôi dối trá
Phải mục nát … để nầy mầm trong ta đức khiêm nhượng, lòng quảng đại, sự dấn thân và sức sống với chân lý, với sự thật ngàn đời là Thiên Chúa.
Đừng sợ thế gian quay cuồng, nhiễu động. Hãy tin tưởng và mục nát với Thánh Giá Chúa Giê-su.
Vì:
“Stat crux, dum volvitur orbis – Khi thế giới vần xoay, Thập Giá đứng vững”.


Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*