Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TỰU TRƯỜNG CHỦNG VIỆN

Mai Nguyên Vũ

Kính thưa quí Đức Cha và quí Cha,
Thưa anh chị em nhà Phaolô,
Năm nay kỷ niệm 50 năm lớp Toma Thiện bỏ nhà cất bước đi tu (1968-2018), em xin đăng lại trọn bộ hồi ký Một Thời Đi Tu. Vì là ký ức nửa thế kỷ của riêng mình em nên không tránh khỏi sai sót, xin mọi người thông cảm và giúp hoàn thiện tập hồi ký này. Chân thành cảm ơn.
(Xin đọc ngược lại từ trang 5 đến trang 1)

TỰU TRƯỜNG CHỦNG VIỆN

Rồi ngày tựu trường đã tới. Mùng 1 tháng 8, năm 1968. Mình ăn mặc tươm tất, áo trắng trong thùng quần tây, chân đi xăng-đan có vớ, đầu đội mũ nỉ Hướng Đạo. Sau khi chào ông bà , cha mẹ, anh chị em, mình xách va-li ra đi. Tạm biệt các em yêu quí và hai anh bạn chí thân. Tạm biệt xóm làng, đồng ruộng còn vương đầy kỷ niệm. Tạm biệt nhà thờ và mái trường tiểu học, các thầy, các bạn. Mình ngoái lại lần cuối nhìn những người thân đang lưu luyến dõi theo và ngôi nhà thân yêu ôm ấp trọn vẹn tuổi thơ . Con Vàng thấy mình lạ quá, nó chạy theo đưa chân. Mình vuốt ve nó lần cuối: “Mày ở nhà ngoan nhé. Tao không chơi với mày nữa đâu”. Nếu bây giờ phải từ giã như thế, chắc chắn mình sẽ bịn rịn, không tài nào cất bước nổi.
Chiếc xe đầu heo của ông Nhiễu –ông cố cha Thành, chạy rảo qua từng nhà thờ, rước chủng sinh toàn vùng Gia Kiệm. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ tới giờ mới được đi xa như thế. Từng địa danh lần lượt vụt qua: Ngã ba Dầu Giây, nơi quốc lộ 20 giao nhau với quốc lộ 1, Bầu Cá, Trảng Bom rồi Hố Nai. Vùng này cũng toàn dân Công Giáo Di Cư, nhà thờ san sát không khác gì Gia Kiệm. Tới ngã ba Vũng Tàu, xe rẽ trái, hướng về tỉnh Phước Tuy. Qua Bà rịa, tới Long Điền, xe quẹo về hướng Long Hải, Phước Tỉnh. Đây là vùng biển nên nhiều đồi núi, gió mát lồng lộng. Phước Lâm là một xứ đạo miền quê nho nhỏ, nằm giữa Long Hải và Phước Tỉnh, cách Vũng Tàu vài chục cây số, một bên là biển, bên kia là con sông nhỏ. Đường vào nhà thờ cũng là đường vô chủng viện. Chủng viện kia rồi. Ba dãy nhà trệt xếp hình chữ U hướng về phía tây, nhìn sang nhà thờ Phước Lâm. Bao nhiêu năm ở nhà gỗ, nay được ở nhà xây quét vôi trắng tinh, mình thấy chủng viện thật đẹp, khang trang và sạch sẽ. Đất ở đây cũng rất lạ. Khắp nơi toàn cát là cát, không đỏ au, nắng bụi, mưa lầy như đất quê mình.


Việc đầu tiên là lo đọc thông báo, xem số danh bộ, nhận phòng ngủ và giường. Mình được số đẹp: 207. Số danh bộ cũng như số quân, gắn ngay trên cọc màn đầu giường. Ban đêm cha giám luật Trần Văn Hàm đi tuần, bắt gặp tên nào nghịch ngợm hay trốn ngủ đi chơi, cha liếc mắt lên đầu giường, lấy sổ ghi số, tên đó tức thì bị trừ điểm hạnh kiệm. Vài lần như vậy thì lo dọn đồ, xách va-li hồi hương. Suốt 7 năm tiểu chủng viện, mình chu toàn mọi luật lệ, cha giám luật chẳng làm gì được mình.
Qúa trưa trở đi, các chú từ khắp nơi đổ về, Sài gòn, Biên Hòa, Hố Nai, Phương Lâm, Gia Kiệm, Long Khánh. Có chú ở gần xịt: Bình Gỉa, Bà rịa, Phước Tỉnh. Người ở gần nhất là anh Hùng (lớp Mẹ Vô Nhiễm), nhà ngay phía sau chủng viện, bước dăm chục bước là tới nơi. Năm 2004 ,lớp mình về họp lớp tại Phước Lâm, hỏi cha cố Đoàn về anh Hùng, cha nói: anh đang định cư tại Hoa Kỳ. Nay nghe anh em kể: anh đã về với Chúa. Xin cầu nguyện cho người một thời giật chuông giữ giờ chủng viện.
Cha Giám Đốc, cha Linh Hướng, cha Giám Luật có lẽ đến từ mấy ngày trước. Lâu lâu lại nghe cha GĐ quát loa: “Hùng 36, Đào Phán”. Hồi đó cứ nghĩ chắc ngài gọi vào cho bánh kẹo gì đây. Ai ngờ, anh giáo Hùng mới kể rằng: “Qùa khỉ gì đâu, ngài gọi vô hôm thì sửa cái a-lô, hôm thì bắt điện”.
Cha Linh Hướng người dong dỏng, lúc nào cũng mặc áo dòng đang đứng tươi cười hỏi chuyện các anh lớp lớn. Ngài hỏi một chú bé loắt choắt:
– A chú Hùng, đi xe từ Tam Hiệp về đỡ mệt chưa? Cha bố khỏe không? Hè vừa qua đi chơi những đâu?
– Chú Hiệu, kỳ hè ở với bố Hàm mấy tháng? Mẹ khỏe không?
– Ô, Trần Quốc Việt, có ba tháng hè mà cao nhỏng hẳn lên. Tay chân dài ra như vượn.
– Còn cái chú Vũ Xuân Ninh chẳng thấy lớn tí nào. Chịu khó ăn nhiều vào nhá.
– Chú Ngô Công Sứ, sao ghi tên cấm phòng tại Tông Đồ Nhỏ mà không đi? Chắc lại bận đi tắm biển. Tắm cả năm rồi còn…Chả trách người cứ đen như mọi.
Ngài cũng đặc biệt chú ý đến đám lính mới tò te như lớp mình. Ngài đến bên một chú gầy gầy, mắt một mí nhưng rất lanh lẹ, xoa đầu, hỏi han đặc biệt. Các anh lớn xì xào: “Vũ Đức Hiệp, em Vũ Đức Nam đấy”. (Chú vào học thay anh mới bị đạn nổ tan xác).Còn thầy quản lý Nguyễn Việt Tiến thì chạy lăng xăng chỉ vẽ các chú việc này việc nọ. Xong việc, thầy lại vào phòng bán hàng. Cửa hàng của thầy cũng là phòng ngủ.Thầy bán đủ thứ hầm bà lằng, từ cái chậu, cái xô, giấy vệ sinh, kem đánh răng, sách vở…

14906971_10211065876382014_1214582274743221122_n.jpg

Trưa hôm đó, mọi người ăn uống tự túc. Bánh mì, bánh nếp, sôi mẹ mua cho từ sáng sớm cứ việc lấy ra ăn. Mình vừa gặm bánh mì, vừa bắt chuyện làm quen với Phan Đức Linh. Anh này theo sát mình suốt 7 năm chủng viện:
– Nhà bồ ở đâu?
– Bắc Hải, Hố Nai.
– Tớ ở Phúc Nhạc, Gia Kiệm.
– Xứ bồ có mấy người?
– 4 tên: tớ, Hiệp, Bình, Thân.
– Xứ tớ có 3 tên: tớ, Học, Cường.
– Bố mẹ bồ làm gì?
– Ôi, ông già tớ kinh doanh đủ thứ. Ông ấy là chủ trại mộc lớn ở Hố Nai, chủ trại heo hàng ngàn con. Ông ấy nuôi heo sạch sẽ lắm, không hôi thối như chuồng lợn nhà người ta đâu. Cám bã trộn vô đủ thứ, heo ăn mới mau lớn. Còn rau á, rửa sạch, ngâm thuốc tím, rửa lại lần nữa.Công nhân phải bước vào chậu vôi mới được vô chuồng…
Thằng bé Loi cứ há hốc mồm nghe người bạn “Phố Lai” nổ inh ỏi như đạn pháo tết Mậu Thân. Ở nhà mẹ nó nuôi lợn đơn giản lắm. Nồi cám lợn gồm có: đồ ăn dư đủ loại+ vài bơ cám gạo+ mấy con cá khô, dội vào vài thùng nước, nấu lên, băm rau lang, hốt vô trộn đều, đổ ra chuồng (chẳng cần máng). Lũ lợn tranh nhau ăn tồng tộc, mau lớn ra phết, chẳng đau ốm bao giờ. Hồi ấy, anh em nghe chuyện nuôi heo của nhà họ Phan, ai cũng bĩu môi cười thầm: “Tên này ba xạo”. Bây giờ mới biết nó nói thật và nói đúng. Nuôi một vài con kiểu nhà quê như bỏ ống,cho ăn bậy bạ chẳng sao. Còn người ta nuôi cả ngàn con, vốn tiền triệu, phải cho ăn theo công thức đàng hoàng, vệ sinh nghiêm ngặt mới tránh được dịch bệnh và có lời. Hèn chi tên gọi cũng khác. Người ta gọi là “trại heo”, còn nhà mình gọi là “chuồng lợn”. Cho nên ông bà nói có sai đâu:
– Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
– Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn dòn hơn ta.
Cám ơn Phan Đức Linh đã cho mình một bài học hay. Xin lỗi bạn vì ngày ấy mình nghi oan cho bạn.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*