Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CHÚA CHE NÓN, LÃNH QUÀ

PM. Cao Huy Hoàng, 06-1-2018

Chuyện rằng: ở một giáo xứ nọ, hôm ấy, có gần 100 người già cả, tật nguyền, đau bệnh và có cả những người nghèo khổ kéo đến nhà xứ từ sáng sớm để nhận quà. Họ ngồi xếp thành bốn hàng ngay ngắn theo sự sắp xếp của ban tổ chức. Cha sở nói mấy lời về ý nghĩa việc bác ái, yêu thương, và giới thiệu số tặng phẩm này là của ân nhân này, ân nhân nọ. Tặng phẩm gồm mì tôm, dầu ăn, mắm, gạo, sữa và một bì thư. Giá trị một phần quà là ba trăm ngàn đồng.
Một người đứng lên đọc danh sách những người được nhận quà, ai có mặt thì hô có, không nghe tiếng hô “có”, thì người rao gạch tên. Và cứ thế cho đến hết danh sách. Công việc tiếp theo là rao tên ai, thì người ấy đứng lên, đem phiếu đến bàn kiểm tra xem có đúng phiếu thật hay phiếu giả, nếu phiếu thật, thì bước lên nhận quà. Cha sở trao quà, ông này bà kia trao quà, trước mắt bao nhiêu là ống kính máy quay phim, máy chụp ảnh, kể cả điện thoại di động. Chụp rồi, có khi thợ chụp phải mời người trao quà và nhận quà đóng phim lại, để chụp lại quay lại vì chưa rõ cái mặt. Người nhận quà về ngồi lại chỗ cũ. Sau khi mọi người nhận quà xong, thì mời tất cả bà con nhận quà sắp hàng, ôm quà trên tay, chụp hình chung với cha sở và người phát quà.. Thế là việc tổ chức làm việc bác ái từ thiện thành công tốt đẹp. Ngày mai, hình ảnh và bài viết đầy trên các trang mạng, facebook, zalo…
Một cụ ông chống gậy, nhận quà xong ra về, tay xách nặng, khệ nệ đi, lẫm bẫm nói: “Giờ mà về tới bên sông cũng phải chiều sập tối”. Một cụ bà khòm lưng đang lóng ngóng chờ có ai đi xe máy xin đi nhờ, vì nhà cụ cách đây 7 cây số, gần tới khu rẫy bên rừng…Và còn nhiều người bệnh tật yếu đau đã đến nhận quà phải đi về nhà mình. Thời gian về dĩ nhiên là bằng thời gian đi. Nghe nói có người đi từ 4g sáng mới tới đây được đúng 7 giờ. Đi đã bình an. Bây giờ, không biết họ về có bình an không. Giả như có ai phải té sông, té suối thì ôi thôi, đáng buồn biết mấy!
Không chỉ những người già cả, mà ngay những người nghèo khổ vì hoàn cảnh bất đắc dĩ, cũng thật đáng thương. Ít nhất là có vài bà ngồi xếp hàng chờ tới phiên lãnh quà, mà cứ lấy cái nón lá che cái mặt mình lại. Họ muốn tránh ống kính quay phim chụp hình, nhưng đến lúc nhận quà thì cũng phải chụp đi, quay lại cho thấy cái mặt. Hỏi ra mới biết, họ toàn là những người phụ nữ giỏi giang, làm ăn khấm khá ngày xưa, chẳng may, chồng bệnh nằm một chỗ, con đau triền miên, bán nhà bán cửa, ở nhà trông chồng trông con không làm ăn được, giờ đành ra nông nổi này!
…………

Thuở ấy, ba Đạo Sĩ từ phương đông vượt suối băng ngàn tìm đến Chúa để thờ lạy Chúa và tiến dâng Chúa quà tặng quý giá là Vàng, Nhũ Hương, Mộc Dược. Chẳng thấy ai chụp hình, quay phim, đăng báo giấy, báo điện tử, đăng mạng xã hội, dĩ nhiên là vì hồi ấy chưa có cái họi là kỷ thuật số.
Thời nay, người ta mời Chúa đến lãnh quà, đọc tên, kiểm tra phiếu nghèo phiếu bệnh xem có đúng người cấp không, còn có quay phim, chụp hình, đăng hết trang điện tử này, đến trang điện tử nọ, còn có cả hình ảnh trên facebook, trên zalo…Chúa có né đi đâu cũng thấy cái mặt đau khổ của Chúa.
Sao không làm những đạo sĩ đến tận căn nhà tồi tàn của Chúa mà trao tận tay Chúa những món quà? Đến để xem nơi Chúa ở, đến để chiêm ngắm sự đau khổ, nghèo hèn của một Thiên Chúa làm người trần gian.
Sao không chia nhau ra mà đi đến tận nhà của Chúa nơi ven rừng, nơi bờ suối, để cảm cảnh cô đơn cùng cực của một tuổi già đứng té, ngồi té, và nằm một chỗ cũng chưa chắc khỏi té! Sao Chúa lại phải chống gậy lọm khọm mấy cây số để tới lãnh chút quà nhỏ bé của ai kia?
Sao không thể đến tận nơi mà xem chỗ Chúa nằm hôi tanh bẩn thỉu vì bệnh năm này tháng nọ rồi phải sống như thực vật, mà tặng cho Chúa một ánh nhìn cảm thông, thương xót hơn là dầu mắm, gạo đường…?
Của cho không quí bằng cách cho.
Nhìn Chúa che nón, lãnh quà, đau lòng Chúa quá.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*