Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC TCV XUÂN LỘC

Mai Nguyên Vũ

Năm 1968, mình thi đậu vào TCV Xuân Lộc. Cuộc đời lật sang trang mới, môi trường mới, giáo dục mới. Suốt 7 năm TCV, mình không hề bị roi đòn nào, cũng chẳng ai chửi mình một tiếng. Đơn giản vì ở chủng viện, không ai dùng roi, không có giám thị. 700 học sinh, tất cả đang độ tuổi quậy phá, thế mà kỷ luật nghiêm minh, đến nỗi có người xin gửi cả con gái vào học cơ đấy. Đây là phương pháp giáo dục tân tiến, mới lạ, hấp dẫn mình vô cùng. Xin cùng anh em nhìn lại nền giáo dục đó.

1- GIÁO DỤC TỰ GIÁC: Dùng lời hay, lẽ phải thuyết phục, khuyến khích học sinh sống tốt. Không bắt buộc phải làm thế này, không cấm đoán làm cái kia. Không dùng hình phạt, không mắng chửi học trò. Tuyệt đối không dùng roi vọt.

Giờ chơi buộc chiều hôm đó, mình phụ trách quét nhà nguyện. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, mình leo lên gác đàn ăn vụng một món thèm thuồng bấy lâu nay. Nhẹ nhàng mở chiếc đàn harmonium. Nhẹ nhàng đạp hai chân. Nhẹ nhàng ấn từng phím đàn sang trọng. Đang bay bổng chín tầng mây thì có một người cũng nhẹ nhàng đi tới sau lưng. Hai ngón tay nhẹ nhàng nhéo vào tai mình. Một giọng nói nhẹ nhàng quen thuộc vang lên:

_ Có được phép đánh đàn không?

_ Thưa cha không ạ. Con xin lỗi cha.

_ Ừ thôi, con xuống dưới đá banh đi.

2-GIÁO DỤC NHÂN BẢN: Cha Giám Đốc dạy chúng ta từng lời ăn tiếng nói, phép lịch sự, phép cư xử ở đời. “Thưa cha con xin phép…” Đó là công thức phải theo mỗi khi xin điều gì. Nếu nói sai thì có đứng đến sang mai cũng đừng hòng được phép.
“Thưa cha, cha X dạy con đến trình cha…” Bình mập kể : hôm ấy anh ta tới bẩm cha GĐ chuyện gì theo yêu cầu của cha giáo khác:
-Thưa cha, cha Y nói con đến bảo cha…
– Sai rồi, nói lại.
Hoảng quá, Bình Mập cuống lên bẩm rằng:
– Thưa cha cha Y bảo con đến dạy cha…”

Mình còn nhớ Ngài chỉ dẫn cặn kẽ cách xếp chỗ trên xe hơi: ghế số 3 bên cạnh tài xế. Ghế số 2 ngay sau tài xế. Ghế số 1 cạnh ghế số 2.

Như một người cha, Ngài chỉ dạy đàn con nhỏ cách đi vệ sinh sao cho an toàn, kẻo như chiến đấu cơ F5 lao xuống dội bom rất thường bị phòng không địch bắn lên xối xả. Phương pháp rất đơn giản: lót một lớp giấy mềm xuống hố trước khi nhấn nút dội bom. Phi công nào tuân thủ sẽ bay về căn cứ an toàn.

3-GIÁO DỤC KIỂU GIA ĐÌNH: Sau 37 năm rời xa mái ấm TCV, mình nhìn thấy rất rõ hình ảnh người mẹ trong con người cha Linh Hướng. Còn cha Giám Đốc là người cha. Nhưng chính trong người cha đôi khi phải nghiêm khắc đó, có nhiều nét rất tình cảm, rất gần gũi. Nhiều lần gặp cha GĐ, Ngài vẫn kể: “Giờ chơi buộc hôm đó, cha thấy có chú đứng một mình, mặt méo xệch. Cha hỏi:

_ Con làm sao thế?

_ Thưa cha con đau bụng.

Cha liền dắt nó lên phòng bệnh, xin cho nó mấy viên thuốc. Uống xong, nó nằm một lúc rồi chạy đi chơi.

Giờ đi dạo buổi tối, cha thấy một anh đứng dựa cột một mình, nét mặt ủ rũ. Cha hỏi:

_ Con ốm hay có chuyện gì buồn?

_ Thưa cha, mẹ con mới mất.

Cha ôm nó vào lòng, yên ủi nó suốt buổi tối hôm đó.

Bản tính mình rất nhút nhát. Hồi học tiểu học và những năm đầu TCV, giờ ra chơi, mình thường đứng dựa cột một mình. Có khi cả ngày chẳng nhếch mép lần nào. Một buổi tối, cha GĐ kéo mình đi dạo. Lần đầu tiên đi dạo với cha GĐ, run lắm. Nhưng sao thấy Ngài hiền quá. Ngài hỏi thăm gia đình, việc ăn ở, học hành. Sao Ngài lại quan tâm tới một chú lớp 6 vô danh tiểu tốt như thế.

15 phút gặp Ngài tại buổi họp mặt vừa qua, Ngài nói:

_ Hồi đó cha đặc biệt chú ý đến con, vì con lì xì, ít nói, chẳng chịu chơi với ai. Cha tưởng con bị bệnh hoặc tâm lý bất bình thường. Sau thời gian dài theo dõi, cha thấy con bình thường, chỉ cái tội nhát cáy”.

4-GIÁO DỤC TOÀN DIỆN:

a-ĐỨC: Đây là trọng tâm của nền giáo dục TCV XL, vì Giáo hội có thể chấp nhận một linh mục học dốt, nhưng không chấp nhận một linh mục thiếu đạo đức. Vì vậy, từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ, ngày sống của chủng sinh chan hòa trong kinh nguyện và bầu khí đạo đức. Cha LH, Cha GĐ liên tục thay nhau truyền đạt tư tưởng đạo đức cho chủng sinh. Hiện nay, mình còn giữ trọn vẹn hai cuốn huấn đức của các Ngài.

Không một chủng sinh nào không thuộc nằm lòng những khẩu hiệu như:

“Linh mục là alter Christus”,hoặc lời thánh Phaolo: “Mihi vivere Christus est”(Đời sống tôi là Chúa Ki tô”.Ngày ấy còn nhỏ, chúng ta chưa hiểu thấu đáo tư tưởng đó, giờ đây ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, mình thấy đó là câu gói gọn toàn bộ tư tưởng đạo đức và phụng vụ Ki tô giáo: hãy sống như Chúa Ki tô.

b-TRÍ: Sau biến cố 1975, ĐC Nguyễn văn Lãng gọi chúng mình về học triết. Lớp Toma (hai Sứ, Hùng 36, Xinh chồ, Cư ria) học chung với lớp Toma Thiện ( Huấn, Hiệp láu, Hiệp tàu, Hiểu, Cư tròn, Trung, Nam phèo, Đài, Nhàn, thánh Loi), cùng mấy chục thầy từ các CV, dòng tu khác chuyển tới. 10 tên lớp Toma Thiện chưa thi lớp 12. ĐC cho cả lớp ra ngoài học bổ túc với học sinh bên ngoài để cập nhật về chính trị, môn văn và Anh văn. Suốt ba tháng, 10 thầy CV chiếm bảng điểm từ 1- 10. Hs bên ngoài nối đuôi từ hạng 11 trở xuống. Có em gái rất nể thầy Mai Xuân Trung, bám theo thầy riết.

Suốt nhiều năm liền, lớp 12 TCV luôn đậu tốt nghiệp 100% và đậu cao. Ngay cả những năm sau 1975, ra ngoài học, anh em lớp dưới thi tốt nghiệp vẫn đạt 100%.

Thời TCV, cha GĐ mời một số giáo sư từ bên ngoài vào dạy: thầy Quân, thầy Chính, Thầy Ngà…Các thầy đều hài lòng với HS TCV XL, hơn hẳn học sinh ngoài đời.

Mình nêu lên ba thành tích đó để anh em chúng ta có quyền tự hào rằng mình được hưởng một nền giáo dục ưu việt nhất nhì thời đó.

c-THỂ DỤC: Bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông là những môn chúng ta chơi hằng ngày. Vài ba tháng, CV lại tổ chức cắm trại, chơi trò chơi lớn theo mô hình Hướng đạo sinh. Chuyên gia tổ chức những trò chơi đó là cha giáo Lâm Văn Thế. Tất cả anh em đều bị Ngài “hành hạ”, rất mệt nhưng vui vô cùng.

Sau khi dâng hương và đọc kinh trước mộ các ĐC, anh em rủ nhau về phía sau đại chủng viện Xuân Lộc thăm lại di tích TCV, đứng chụp hình và hát bài “Mẹ ơi con yêu Mẹ…” Ôi chao, mình mới hát được câu đầu, tự dưng nước mắt trào ra không sao hát được. Lịch sử 44 năm hiện về. Mình thấy toàn bộ khung cảnh CV Phước lâm. Buổi tối trước khi đi ngủ, anh em quây quần trước ban công CV, đọc kinh dâng mình, hát “Mẹ ơi con yêu Mẹ” và lãnh phép lành của cha LH. Cha LH đã thành người thiên cổ, nhưng anh em vẫn còn đây. Người từ Saigon, kẻ từ Vũng tàu, một số từ châu Mỹ xa xôi tựu trường về đây, mong sống lại những giờ phút linh thiêng trong CV, muốn hâm nóng lại tình anh em một nhà vì thời gian xa cách đã mai một đi ít nhiều…Ôi mái ấm chủng viện thân yêu của tôi, nơi sản sinh ra biết bao nhân tài cho GH và cho đất nước: 2 GM, hơn 40 linh mục, giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân thành đạt, luật sư, bác sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ…và biết bao vị tông đồ giáo dân đang hăng say rao giảng Tin Mừng trên khắp thế giới.

Buổi họp mặt đầu tiên năm nay chúng ta tổ chức rất thành công với 88 anh chị em tham dự. Điều quí nhất là cha GĐ dù tuổi cao sức yếu đã tham gia với học trò từ A-Z: đi xe chung từ Sài gòn, ghé Hố Nai thăm bố anh ba Việt,viếng mộ các ĐC, thăm di tích lịch sử TCV, đồng tế với các LM học trò, ăn đứng với mọi người.Trước bữa ăn, Ngài tuyên bố trao lại phương pháp giáo dục của Ngài cho anh hai ĐC Vũ Đình Hiệu, cũng là trao lại cho mỗi người chúng ta, vì phương pháp giáo dục đó rất thích hợp để giáo dục con cái. Xin Chúa ban thêm sức mạnh để Cha tiếp tục đồng hành với chúng con nhiều năm nữa và cùng chúng con xây dựng lại GIA ĐÌNH TIỂU CHỦNG VIỆN PHAO LÔ đầy tràn yêu thương, hạnh phúc.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*