Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

ÁO TRẮNG TỰU TRƯỜNG

22-8-2012
Thanh Hương

 (Viết nhân dịp năm học mới và ngày lễ kính Mẹ Monica)

Ấy vậy mà cũng gần đến ngày tựu trường.

Con đường mòn đất đỏ như rộn ràng hơn với những bước chân tất tả mua sắm cho niên học mới. Lòng tôi cũng rộn vui kỳ lạ, vì lại được nhìn thấy những chú sơn ca trắng nhởn nhơ đùa giỡn đi học ngang qua cửa nhà. Tôi yêu lắm hình ảnh các em học sinh áo trắng hồn nhiên, lại càng đơn sơ dễ thương hơn, mỗi khi tan học về chúng cứ vừa đi vừa nhảy, tíu ta tíu tít trò chuyện về bạn bè trong lớp, về điểm, về các môn học vừa qua. Một đàn chim trắng sống động, trong trẻo trên con đường đất đỏ lấm lem.

Sỏi đá trên đường như khua theo, trời  không vội tắt nắng sang chiều. Tôi nán lại trước hiên nhà chút nữa để dõi cười theo âm thanh ngộ nghĩnh phát ra từ những chiếc áo trắng học trò ấy.

Những chiếc áo trắng tựu trường, đưa tôi nhớ về ngày tháng xa xưa của tuổi thơ…

Một xóm đạo nhỏ bé, bên cạnh con sông nhỏ ở vùng ven Sài-Gòn (bây giờ là Lê Văn Sĩ). Tôi được học ở trường St.Thomas nhà thờ Ba Chuông (Phú Nhuận) thời ấy. Ngôi trường cao sững, nằm khuất sau lưng nhà thờ và cánh cổng ngăn cách cảnh náo nhiệt của phố thị, các dãy lớp học khép theo vòng tròn, rất thân thiện, lại mát mẻ thơ mộng nữa…Giữa sân trường, hàng cây Phượng già lão, lòa xòa phủ bóng mát rượi, gốc nghiêng nghiêng, cong cong, dáng thật đẹp và vững chãi. Tiếng trống tan học không thể vang nổi dù chưa dứt tiếng. Bởi vì tiếng ồn của bọn học trò chúng tôi tranh nhau đọc kinh kết thúc còn to hơn, để còn nhanh chân xuống trước, dành sớm nhất những dĩa gỏi bò khô, chua cay bình dân hấp dẫn phía ngoài cổng trường. Tuổi thơ của tôi gắn liền với bao kỷ niệm của xóm đạo, của trường lớp, và nuối tiếc một thời chưa kịp lớn lên đủ lớp, đã phải đổi đời…

Trở lại với xóm nhỏ hiền hòa bên này dòng sông, nhà cửa không là lầu son gác tía, nhưng cũng tươm tất đỡ hơn dãy nhà sàn lụp xụp bên kia sông. Họ nghèo lắm, cứ chiều chiều lại thấy họ dong thuyền ra sông vớt những cánh bèo về bán cho người nuôi lợn. Trong xóm lao động nghèo bình dân, có chị em nhà tôi thuộc diện công chức đông con nên cũng đơn giản và quê mùa trong mọi sinh hoạt.

Mỗi năm cứ gần đến ngày tựu trường, Ba Mẹ tôi lo lắng đến gầy rộc. Chín miệng ăn, và bẩy chiếc áo tựu trường, bẩy khoản tiền nhập học…sách, vở, bút viết, và còn nhiều khoản phát sinh không tên nữa. Năm ấy, cũng gần đến ngày tựu trường, tôi cứ vô tư mè nheo vì chưa có áo  mới, ngày nào cũng vòi vĩnh khóc lóc đòi mẹ may cho kịp:

- Mẹ ơi! Mẹ may cho con chiếc áo dài trắng, con mang đi học và cả đi lễ nữa nhe Mẹ.

Mẹ bảo: “Mang đỡ chiếc áo của chị, để tháng sau mẹ may áo mới cho con.Vì Mẹ còn lo cho các em trước đã”!

Tôi tiu nghỉu rên rỉ, còn giận lẫy ra bờ sông ngồi khóc tủi thân, và ngủ quên luôn ở chân đài Đức Mẹ bên sông. Báo hại cả nhà cuống quýt đi tìm. Những ngày ấy, Mẹ cứ trầm tư  lặng thinh chẳng nói gì, tôi càng bồn chồn lo lắng hơn vì ngày nhập học đã gần, vì ước mơ được mặc chiếc áo dài trắng mới mịn màng trong ngày tựu trường của năm đầu tiên lên trung học.

- Chán quá! Chẳng thấy Mẹ mua vải, chẳng thấy Mẹ dẫn đi đo may gì cả. Tôi buồn so.

Thế rồi ngày tựu trường cũng đến! Mẹ gọi tôi dậy sớm hơn thường ngày.

Tôi cứ lặng im rươm rướm nước mắt thu xếp sách vở vào chiếc cặp cũ, và thầm nghĩ: - có gì mới đâu mà chuẩn bị.

Lúc ấy, Mẹ nhẹ nhàng đến sát bên ôm lấy tôi và khe khẽ:

“Áo tựu trường của con đây, đẹp lắm! Không ai có chiếc áo  giống vậy đâu con ạ!”

Mắt sáng hẳn, tôi bất ngờ nhìn sang Mẹ, ôi! trên tay Mẹ chiếc áo trắng tơ lụa mềm mại, điểm xuyết những cành trúc xinh xinh, Mẹ mang vào cho tôi vừa vặn, lúng liếng. Còn thêm chiếc túi cặp cũng bằng vải lụa ấy, góc túi có chú chim nhỏ ngộ nghĩnh, thêu bằng chỉ sợi vàng óng đang hót nữa chứ! Tôi rạng rỡ hẳn lên:

- Mẹ ơi! Mẹ may hồi nào vậy, con cám ơn Mẹ?

Không trả lời vội, Mẹ âu yếm nhìn tôi:

“Con mang áo này thật xinh, Mẹ thắt bím tóc cho nữa là đẹp lắm,tới trường vui lên nhe con”

Tôi vô tư nhìn Mẹ, trong mắt Mẹ cười lại thoáng chút nhạt nhòa long lanh. Ngày đó tôi chỉ biết mình rất vui, tự hào vì có chiếc áo dài tơ lụa là lạ nhất lớp. Tôi không biết rằng Mẹ đã hy sinh chiếc áo dài cưới kỷ niệm quý giá đời mình, cặm cụi mấy đêm liền để tháo và may sửa lại thành chiếc áo tựu trường cho tôi, còn những mảnh vụn thì khéo léo khâu thành chiếc túi cặp đeo thật dễ thương. Sau ngày tựu trường chị tôi mới nói:

“Mẹ thương em lắm mới sửa áo cưới của Mẹ cho em đấy, vì lâu lâu có dịp lễ trọng Mẹ vẫn lấy ra mang cơ mà!”

Thảo nào, ánh mắt Mẹ cứ long lanh trìu mến nhìn theo, tự hào mỗi khi tôi mang chiếc áo dài trắng tơ lụa kỷ niệm ấy.

Tôi được mang tình yêu thưở ban đầu lãng mạn và son sắt thủy chung, sự hy sinh bao la của Ba Mẹ trên mình tôi suốt năm học lớp 6, cũng như suốt mùa phụng vụ trong năm ở xứ đạo. Tôi yêu quý chiếc áo dài trắng ấy biết bao! Tôi đã cố gắng đi lễ đều, và học thật chăm để Ba Mẹ vui lòng.

Chiếc áo lại một lần nữa đi vào kỷ niệm.

Sau biến cố  1975 gia đình tôi rời Sài Gòn xuôi về rừng đất đỏ Xuân lộc heo hút. Giã từ xóm đạo nhỏ bé thân thương, vĩnh viễn xa ngôi trường thiên nhiên ấn tượng nhất của tuổi học trò.

Chiếc áo lạc đâu mất trong buổi giao thời ấy. Vì hoàn cảnh em đông và khó khăn. Tôi không còn được đi học như ngày xưa nữa. Thế là, Mẹ và tôi cùng ôm ấp, cùng yêu quý kỷ niệm về chiếc áo tình yêu ấy trong ký ức…

Mùa tựu trường năm nào cũng vậy!

Tôi nhớ lắm! mỗi khi may áo trắng cho con mình đi học, và thương sao những chiếc áo trắng ngày ngày tung tăng trên con đường đến nhà thờ, đến trường học, đầy trong sáng hồn nhiên.

 Mỗi chiếc áo mang mỗi dấu ấn, mỗi kỷ niệm riêng trong cuộc đời. Riêng tôi “chiếc áo trắng tựu trường” luôn mang dáng vóc công, dung, ngôn, hạnh, của những người Mẹ, tình yêu chung thủy của hai đấng sinh thành, và cả nét trong sáng hồn nhiên của tuổi học trò dễ thương nữa.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*