Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Ba 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 2    
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Hãy Mặc Cho Đau Khổ Một Ý Nghĩa Mới

Lm. Phaolô Đoàn Thanh Phong
Gp. XuânLôc

Cha Nguyễn Hồng Giáo thuộc dòng Phanxicô, OFM trong bài viết mang tên “Tại sao?” trên một trang thông tin mạng đã kể rằng: Ba ngày sau thảm hoạ động đất ở Nhật Bản vào năm 2011, tôi nhận được lá thư điện tử của một người giáo dân Việt Nam sinh sống tại đó với mấy dòng chia sẻ sau:“…Thưa Cha, đứa con gái của con học bên Mỹ gọi điện về khóc sướt mướt; nó nói nó không còn tin Chúa, nó không đi nhà thờ nữa; bởi, tại sao Chúa không cứu vớt mà lại để cho thảm hoạ này xảy ra như vậy? Con chẳng khuyên nó được tý nào. Xin cha giúp con”. Sau khi đọc thư, cha Hồng Giáo đã viết vài dòng trả lời rằng ngài tin phản ứng của con gái của chị chỉ là tự nhiên, nghĩa là bộc phát trong nỗi xúc động quá mãnh liệt mà thôi, và rồi đây, khi đã hiểu cháu sẽ tìm lại được sự bình an và niềm tín thác vào Thiên Chúa mà lâu nay cháu vẫn có.

Câu trả lời của Cha Hồng Giáo cho người giáo dân Việt Nam kia cũng là câu trả lời cho những ai đang gặp thách đố, đang đau khổ trong cuộc sống. Bởi, đây cũng chính là điều không phải hôm nay người ta mới đặt vấn đề, mới nêu lên, mới có mà ngày xưa đã có. Thật vậy, trong thời Cựu Ước có ông Gióp, một người hiền đức nhưng gặp phải nhiều nỗi gian truân. Ông đâm ra hoang mang, vô vọng và than thở với Chúa: “Đời người là một khổ dịch, như cảnh nô lệ, tựa kiếp làm thuê. Người nô lệ mong được nghỉ ngơi. Người làm thuê chờ lương công nhật. Thế mà thân tôi chẳng bao giờ được trả công và ngủ nghỉ cũng chẳng được. Bởi vì vừa nằm xuống, đau khổ đã đầy ứ tâm hồn và tôi chỉ chờ sáng. Nhưng sáng trời thì lại thấy đời qua mau thắm thoát như thoi đưa qua khung dệt…Xin Chúa nhớ cho : Đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ”(G 7, 1-2.4.7). Tuy than thở như thế, nhưng tuyệt đối ông Gióp không bao giờ coi đau khổ như là hình phạt Thiên Chúa dành cho ông. Bản thân ông không tài nào hiểu được: Tại sao người hiền đức lại phải đau khổ? Đối với ông, đau khổ thật là một huyền nhiệm khôn dò. Nhưng, ông không dừng lại ở cái nhìn bi quan yếm thế, coi đời là “bể khổ”, là “thung lũng nước mắt” mà trái lại, ông đã khuyên nhủ mọi người đang đau khổ lầm than hãy hướng lên Thiên Chúa, tín thác vào Chúa và hãy cầu xin ơn cứu độ. Vì thế, ông Gióp đã trở thành hình ảnh và hiện thân của loài người trông chờ Đấng Cứu Độ. Và Đấng Cứu Độ ấy thật sự đã đến trong thế gian: đó chính là Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu đã đến vì thương xót thân phận con người đã yếu đuối bất toàn, lại gặp nhiều khổ đau. Chúa Giêsu không đến để thuyết giảng về đau khổ nhưng Ngài quan tâm, lo lắng cho những người đau khổ, cảm thông và chữa lành những kẻ ốm đau, tật nguyền, hay bị quỷ ám. Thật vậy, Tin Mừng hôm nay thánh Marcô đã tường thuật lại việc Chúa Giêsu bắt đầu ra đi cứu nhân độ thế gian ngay từ sáng sớm: Được biết, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nằm trên giường, “Chúa Giêsu lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy…”. Điều đó cho thấy, với Chúa Giêsu, Ngài muốn nhấn mạnh sự cần chiến đấu và chiến thắng đau khổ. Chẳng hạn, đứng trước người mù từ thuở mới sinh, mọi người tìm cách để đổ trách nhiệm cho kẻ khác, nhưng làm như thế có lợi gì, người đau khổ vẫn khổ đau. Tốt hơn là làm cái gì đó, làm “cái phải làm” để biểu lộ công trình yêu thương của Chúa Cha. Bên cạnh đó, khi cầm lấy tay bà mẹ vợ ông Simon đang nằm sốt trên giường và dắt bà “chỗi dậy”, Chúa Giêsu như hướng chúng ta đến cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua này mà những đau khổ của con người mang một ý nghĩa tích cực : ý nghĩa ấy dứt khoát không phải là một hình phạt mà là một thay đổi, một sự nổ tung nảy sinh một sự sống mới, tương tự như hạt lúa phải thối đi để có mùa gặt, như quả trứng phải nứt ra để có chú gà con, và như con sâu phải lột xác để thành cánh bướm bay vào cõi trời bao la.

Như vậy, Chúa Giêsu đến trong trần gian không phải để xóa đi mọi đau khổ nhưng để đem lại và mặt cho đau khổ một ý nghĩa cứu độ, cho người đau khổ một niềm vui giải thoát. Ngài không chỉ chữa lành những nỗi đau nơi thân xác mà còn chiến thắng cả cái chết và quyền lực của tội lỗi, đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện, đưa họ vào trong vinh quang và sự sống. Đây mới thật là mối bận tâm sâu xa của Chúa Giêsu : Bận tâm rao giảng Tin Mừng, và mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người. Nhờ đó, đau khổ thay vì là sự vắng mặt của Thiên Chúa, sẽ là sự hiện diện của một tình yêu. Dù đau khổ vẫn còn và vẫn là một mầu nhiệm khôn dò, một vấn đề chưa có giải đáp trọn vẹn, nhưng đã có tình yêu, một mầu nhiệm vĩ đại hơn phủ lấp. Đó cũng là điều mà ai cũng nhìn thấy: khi con người được yêu thương chăm sóc thì dầu có mang bệnh họan, tật nguyền hay đau khổ thì họ cũng cảm thấy vui tươi, hạnh phúc trong cuộc đời như những người mù vẫn có thể đàn hát về cảnh bình minh của đời mình, vẫn có thể sáng tác những bài thơ trong sáng, vì chính họ đã được yêu thương, được chăm sóc tận tình.

Ngày hôm nay, những thách đố, những đau khổ vẫn còn đó trong cuộc sống. Nhiều gia đình chỉ ước ao tìm kiếm cho mình một hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng chỉ gặp toàn sự bất hạnh do cãi vã, mâu thuẫn, do chồng “ăn chả”, vợ “ăn nem”, từ đó mỗi người mỗi ngã. Nhiều người chỉ mong có được sự bình an nhưng trong cuộc sống sự bất an từ tai nạn, từ bệnh tật lại đến. Nhiều người chỉ hy vọng có được cái ăn hàng ngày, vậy mà một lon gạo để nấu cơm cũng kiếm không ra. Đứng trước những nỗi đau khổ như thế, có người cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì, không biết phải làm gì. Có người còn kêu than, oán trách Thiên Chúa không yêu thương mình mà bỏ cả đạo.

Chính vì thế, lời Chúa theo thánh Marcô hôm nay có thể giúp chúng ta động viên nhau rằng: “Đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối” nhưng hãy chấp nhận nó. Và đồng thời, hãy thắp lên một ngọn nến với ngọn lửa của tình yêu thương. Hãy yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Hãy chia sẻ cho nhau một ánh mắt cảm thông, một đôi tay nâng đỡ, một lời cầu nguyện chân thành. Khi chúng ta thể hiện sự yêu thương bằng những việc nhỏ bé ấy trong đời thường, là chúng ta cũng đã cùng với Chúa Giêsu mặc cho sự đau khổ một giá trị, một ý nghĩa mới: ý nghĩa giải thoát. Đó chính là cuốn sách Tin Mừng sống động mà Chúa Giêsu đã viết cho chúng ta bằng chính cuộc đời của Ngài. Đó cũng chính là Tin mừng mà chúng ta cùng loan báo cho nhau để mỗi gia đình, mỗi người, có thể dễ dàng vượt qua những thách đố, những đau khổ trong cuộc đời này, để từ đó, cùng bước đi trong niềm vui, niềm hạnh phúc với Chúa. Amen.

Tài liệu tham khảo:
1. Tại sao? LM. Nguyễn Hồng Giáo, OFM
2. Bài Chia Sẻ Chúa Nhật V Thường Niên B, LM Đaminh Ngô Công Sứ – Chia sẻ Hàng Tuần Giáo Xứ Chính Tòa Xuân Lộc.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*