NGƯỜI LỮ HÀNH CỦA HY VỌNG
PM. Cao Huy Hoàng
https://www.youtube.com/watch?v=p5NiKLtaviM
https://www.youtube.com/watch?v=C9HB-cx4jlU
03/12 THỨ HAI THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê
I Cr 9,16-19.22-23; Mc 16,15-20.
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”
Thánh Phanxicô sinh năm 1506 tại miền Xaviê thuộc địa phận Pampelune nước Tây Ban Nha trong một gia đình giầu sang, quyền quí, vị vọng. Thánh nhân có trí thông minh đặc biệt, nên vào năm Ngài lên 19 tuổi, cha mẹ Ngài gửi Ngài qua Paris để tiếp tục công việc đèn sách. Tám năm sau đó, Ngài tốt nghiệp đại học và trở thành giáo sư danh tiếng tại nước Pháp.
Thánh nhân lúc đó miệt mài chạy theo danh vọng trần tục. Ngài coi trần gian là tất cả. Ý Chúa nhiệm mầu, cao sâu, huyền bí nào ai hiểu nổi. Một lời của Chúa đã khiến Phanxicô thay đổi tất cả: “Ðược lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”. Chúa đã dùng miệng lưỡi của thánh Ignatiô cũng là thầy dạy Ngài để nói lên điều đó. Chính lời Chúa đã biến đổi cuộc đời của Ngài tận căn. Chúa đã chiếm đoạt con tim của Ngài toàn vẹn. Thánh nhân đã trở thành khí cụ bình an đem Tin Mừng cho người Á Châu. Năm 1539, Ðức Thánh Cha Phaolô III đã sai Ngài đi truyền giáo cho dân tộc Ấn Ðộ.
Thánh nhân nhìn nước Trung Hoa với tình thương lênh láng, Ngài ước mong đem Tin Mừng và Giáo lý của Chúa Giêsu cho một dân tộc đông dân nhất thế giới. Ước mơ của Ngài chưa thể thực hiện thì ngày 02/12/1552, Ngài qua đời khi trên đường gần tới nước Trung Hoa, ngay nơi cửa ngõ bước vào Trung Hoa tại đảo Tân Châu. Xác thánh nhân được đem về an táng tại thành Goa nước Ấn Ðộ. Năm 1622, Ðức thánh cha Grêgôriô XV đã phong Ngài lên bậc hiển thánh và đến năm 1904, Ðức Giáo Hoàng Piô X đã đặt Ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo.
Lời Chúa “Ðược lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”, đã đánh thức trái tim giáo sư nổi tiếng mang tên Phanxico, và đã biến đổi ngài thành người lữ hành của hy vọng.
Vâng, Ngài là “người lữ hành của hy vọng” đã thực hiện điều tiên quyết, đó là buông bỏ danh vọng, vinh hoa, lợi lộc trần thế, những thứ được gọi là thừa thải, là cồng kềnh, là không cần thiết cho chuyến hành hương về vĩnh cửu. Tiếp đến là Ngài đã bước đi dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Thần và Tin Mừng, để lòng hướng đến Thiên Chúa, tìm gặp Thiên Chúa, và những điều thiện hảo vĩnh cửu thuộc về Thiên Chúa. Và sau đó, khi đã kết hiệp với Thiên Chúa, khi đã sống trong nguồn ân sủng dồi dào của trời cao, Ngài đã thân hành bước xuống tận chỗ thấp hèn tăm tối, để “loan báo Tin Mừng” và mời gọi mọi người cùng Ngài hiệp hành trong chuyến hành hương về vĩnh cửu.
Có người hiểu lầm rằng Giáo Hội không thánh thiện, bởi có nhiều người trong Giáo Hội chưa thánh thiện, hoặc còn vướng mắc nhiều tội lỗi. Xin hãy hiểu cho đúng rằng: Giáo Hội của Chúa Ki-tô luôn là Giáo Hội thánh thiện, dành cho những con người tội lỗi khát khao nên thánh thiện. Giáo Hội chính là thân thể Chúa Ki-tô. Vì người tội lỗi mà Chúa Ki-tô đã đến. Cũng vì người tội lỗi mà Chúa Ki-tô đã thiết lập Giáo Hội. Thiên Chúa chí thánh chí thiện luôn kiên nhẫn đợi chờ con cái tội lỗi của mình biết sám hối và trở nên thánh thiện, nhờ lắng nghe và sống lời Chúa, nhờ yêu mến, kết hiệp với Chúa Ki-tô.
Giáo Hội chính là niềm hy vọng của thế giới hôm nay. Thánh nhân nào cũng có một quá khứ. Tội nhân nào cũng có một tương lai. Vì thế, qua Giáo Hội, và chính gia đình là Giáo Hội thu nhỏ, gia đình nào cũng luôn có niềm hy vọng vượt qua đêm tối của tội lỗi, của bất chính, để tiến vào niềm vui hy vọng vĩnh cửu!
Ước gì các gia đình noi gương thánh Phanxico Xavie, người lữ hành của hy vọng, buông bỏ mọi sự, để yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và khi đã yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thì sống theo lời Chúa, và “Loan báo Tin Mừng từ gia đình” qua việc yêu người, sẻ chia niềm vui hy vọng cho người cho đời.
Lạy Chúa, xin giúp các gia đình luôn hướng lòng về Chúa, tin cậy mến Chúa, để được sống trọn niềm vui hy vọng. Amen.
03/12 THỨ BA TUẦN 1 VỌNG
Is 11: 1-10; Lc 10: 21-24
KHIÊM NHƯỜNG, TỰ HỦY VÌ YÊU
“Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Thánh Thần”
Ông Tư nói linh tinh: “Trần gian này đã quá cũ kỷ rồi, toàn những chuyện cũ, lại chẳng hay ho gì. Đừng có khó chịu với nhau nữa. Khó chịu là chuyện cũ, dễ chịu mới là chuyện mới. Đừng có ganh tỵ thù hận với nhau nữa. Ganh tỵ thù hận là chuyện cũ, yêu thương tha thứ mới là chuyện mới…. Ôi thôi, chuyện cũ chuyện mới nói hoài không hết. Bởi vì, còn có nhiều người không muốn làm mới đời mình, lại giữ mãi những chuyện cũ, có khi 10 năm, 20 năm, rồi đến nay nửa thế kỷ rồi…”
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống bình an vui mừng hy vọng với Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng từ trời cao ngự xuống, Đấng làm cho trần gian nên mới, làm cho con người trần gian này nên những con người mới của trời mới, đất mới, của quê hương mới tuyệt đẹp và vĩnh cửu.
Trần gian đã quá cũ kỷ vì lòng kiêu căng, vì ảo tưởng vĩ đại. Chúa Giê-su đã đến và Tin Mừng của Người đã biến trần gian này nên mới trong Chúa Giê-su khiêm nhường, bé nhỏ.
Chúa Giê-su hoan lạc trong Thánh Thần. Người chúc tụng Chúa Cha vì đã dùng sự đơn sơ khiêm nhường bé nhỏ của Người Con, để phá đổ cái ảo tưởng lớn lao vĩ đại của con người. Vì thế, ai khiêm nhượng bé nhỏ, sẽ được ơn mạc khải những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, và được sống vui bình an.
Năm Thánh 2025 mời gọi các gia đình hòa giải với Chúa và với nhau, để thế giới chan hòa niềm vui hy vọng như lời tiên tri Isaia loan báo: “Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau, trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, sẽ thọc tay vào hang rắn”.
Vâng, đó là khát vọng của Năm Thánh 2025, khát vọng hòa bình hôm nay, để cùng hướng tới một trời mới đất mới ngay trong thời khắc trần gian này, khát vọng một nhân loại huynh đệ trong Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ mỗi người, mỗi nhà đều sống Tin Mừng và loan báo Tin Mừng. Bấy giờ, chuyện cũ là dị biệt, là phân biệt do bởi những dị biệt, nhưng chuyện mới lại là chấp nhận những đa dạng, dị biệt, là hài hòa trong những cái đa dạng, hiệp nhất thân tình trong những điều dị biệt nhờ Lời Chúa Giê-su, nhờ tinh thần khiêm nhượng, tự hủy, vì yêu thương.
Hóa ra, sống hiền lành khiêm nhượng như Chúa Giê-su là bí quyết xây dựng bình an, là phương thuốc cứu chữa những đổ vỡ. Bấy giờ, nhưng dị biệt nơi nhau luôn là điều quý giá để giúp nhau nên hoàn thiện. Những viên đá góc cạnh xù xì, xấu xí kia, nếu không cùng va vào nhau trong lòng suối, thì làm sao có được những hòn cuội tròn nhẵn bóng loáng, giá trị, xinh xắn.
Đời sống chung của gia đình, cộng đoàn đang gặp khủng hoảng chỉ vì cái tôi kiêu căng ích kỷ, nhưng xin đừng nản chí bỏ cuộc buông xuôi. Người kiên trì sống tinh thần ‘hiền lành, khiêm nhượng, tự hủy vì yêu’ của Chúa Giê-su sẽ chinh phục được người kiêu căng ích kỷ và tái lập được sự bình an, xây dựng lại được mái ấm hạnh phúc nơi gia đình mình.
Hình ảnh “sói sống chung với chiên con” cho thấy sức mạnh của Chúa Giê-su và Lời Tin Mừng của Người: sức mạnh biến đổi sự hung tàn thành nhân hậu, biến đổi tính độc ác thành hiền lành, biến đổi lòng kiêu căng ích kỷ thành lòng khiêm nhượng, nhân ái, khoan dung, tha thứ và dễ mến dễ thương…
Ước gì các gia đình sẽ quyết tâm xóa đi cách sống cũ của ganh ghét, tỵ hiềm, thù hận, để mời Chúa Giê-su, mời Lời Người vào nhà, và mặc lấy Chúa Giê-su, mặc lấy tinh thần Tin Mừng của Người mà làm mới lại cuộc sống chung gia đình thật an bình, yêu thương, êm đềm hạnh phúc.
Ước gì, chính đời sống hiền lành, khiêm nhượng, hòa giải hòa bình của các gia đình sẽ đích thực là lời Loan Báo Tin Mừng cho trần gian về một trời mới, đất mới, ngay nơi gia đình mình.
Lạy Chúa, xin cho các gia đình sống “khiêm nhường tự hủy vì yêu” như Chúa Giêsu, để được bình an hạnh phúc. Amen.
Nhận xét góp ý