Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười Hai 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 11    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

KÍNH NHỚ VÀ BIẾT ƠN TỔ TIÊN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

LỄ CÁC LINH HỒN:
Trong năm, chúng ta có nhiều dịp đến viếng thăm mộ phần của ông bà và những người thân. Tuy nhiên, dịp viếng thăm vào ngày 02 tháng 11 mỗi năm lại mang một tâm tình đặc biệt, đó là dịp để con cháu trong gia đình nhớ về ông bà cha mẹ là cội nguồn của mình và bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với đấng sinh thành dưỡng dục. Ngày nay, do sự tiếp xúc với các tập tục tôn giáo, tín ngưỡng, khiến nhiều Kitô hữu bị ảnh hưởng và có cách hiểu sai lạc trong niềm tin Kitô giáo về sự chết và đời sống vĩnh cửu, nên đã có những cách bày tỏ lòng biết ơn qua việc cúng kiếng hoàn toàn mang tính cách như dân ngoại. Nhiều người còn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ “dương sao âm vậy”, do đó họ làm nhiều điều sai lạc đức tin khi tổ chức tang lễ, giỗ chạp cho người thân.
Đối với Phụng vụ Giáo Hội, khi cử hành ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời vào những ngày cuối của năm phụng vụ và liền sau ngày lễ Các Thánh Nam Nữ, là muốn nhấn mạnh cho mỗi người về những điểm giáo lý quan trọng mà chúng ta tuyên xưng về Mầu nhiệm sự sống, sự chết và bốn sự sau của đời người. Ngày lễ hôm nay cũng nhấn mạnh cho chúng ta về Mầu nhiệm các thánh cùng thông công: Hội Thánh Vinh Quang là nơi những người đã hoàn tất hành trình trần thế cách tốt đẹp hoặc đã kết thúc giai đoạn thanh luyện, nay được chung hưởng hạnh phúc vinh quang của các thánh. Kế đến, Hội Thánh Lữ Hành là mỗi chúng ta đang trên hành trình trần thế để tiến về Quê Trời. Sau cùng là một thành phần của Hội Thánh đang trải qua giai đoạn thanh luyện để trở nên tinh ròng trước khi gia nhập vào Hội Thánh Vinh Quang.
Trong những ngày này, Lời Chúa luôn nhắc nhở cho các Kitô hữu ý thức về sự mong manh, giới hạn và chóng qua của thân phận con người, để mỗi người biết tìm cho mình những giá trị trường tồn, vĩnh cửu ở đời sau. Chúng ta có thể nhìn thấy trong thực tế, có những người đang khoẻ mạnh bỗng dưng lăn ra chết; có người mình mới gặp hôm qua, nay nghe tin đã mất rồi, đâu ai biết lần gặp lúc đó là lần cuối cùng. Tất cả những sự việc đó nhắc cho ta rằng: Cuộc sống trần gian có tốt đẹp, hạnh phúc đến mấy, giàu có đến mấy thì cũng sẽ có ngày phải để lại tất cả mà ra đi với hai bàn tay trắng. Cũng từ sự mong manh của kiếp người, chúng ta nhận ra chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng thường hằng bất biến, chỉ có Thiên Chúa mới là nguồn mạch và là Đấng ban sự sống cho nhân loại và vũ trụ. Tất cả mọi loài mọi vật trong vũ trụ này đều lệ thuộc vào Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ ban cho con người sự sống vĩnh cửu ở đời sau, nhưng hạnh phúc lớn hơn hết đó là được gặp, được nhìn thấy Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình, như ông Gióp trong bài đọc một đã tuyên xưng: Tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, chính mắt tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa, hoặc như sách Khải Huyền đã diễn tả: Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua đi.
Mục đích tiếp theo của ngày lễ hôm nay, Giáo Hội nhắc cho chúng ta rằng: Cùng đích cuộc đời của mỗi người là chính Thiên Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài không muốn thấy con người khổ ải, lầm lạc, nhưng muốn cho con người được hạnh phúc. Tuy nhiên, con người đã quay lưng lại với Thiên Chúa, nghe theo ma quỷ nên đã phải đau khổ và phải chết. Thiên Chúa không nỡ để con người phải sống trong đau khổ và chết chóc, vì thế, Ngài đã cho con của Ngài là Đức Giêsu xuống thế để cứu chuộc nhân loại. Qua suốt hành trình trần thế, Chúa Giêsu miệt mài rao giảng, mời gọi mọi người sám hối trở lại với Thiên Chúa, Người còn chỉ cho mọi người con đường chắc chắn để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu là cùng đích cuộc đời. Ai tin và bước theo con đường của Chúa Giêsu, sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã quả quyết với cô Mátta: Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Vì thế, cuộc đời của mỗi người dù đạt được giàu sang, địa vị của thế gian, mà không đạt được hạnh phúc Nước Trời, đó là một thất bại thê thảm nhất và sẽ không còn cơ hội nào khác nữa.
Ngày lễ hôm nay, Giáo Hội còn mời gọi mọi người nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài. Không ai có mặt trên trần gian này mà không có ông bà cha mẹ sinh ra. Cho dù được sinh ra trong hoàn cảnh nào, mỗi người vẫn luôn là một quà tặng sự sống của Thiên Chúa ban cho gia đình, cho thế giới. Chúng ta không chỉ được sinh ra, mà còn được đón nhận tình yêu thương, sự chăm sóc của ông bà cha mẹ. Kinh nghiệm người xưa chỉ dạy: Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ, làm mẹ bây giờ mới hiểu mẹ ngày xưa, Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, để nuôi dạy chúng ta khôn lớn thành người, cha mẹ đã phải hy sinh, vất vả sớm hôm, tảo tần mưa nắng để kiếm miếng cơm, manh áo nuôi chúng ta khôn lớn. Các ngài đã nhiều đêm thức trắng, nhiều ngày quên ăn vì con cái bệnh tật; đau khổ, dằn vặt vì con cái ngỗ nghịch. Các ngài còn hằng bận tâm bận lòng, hao tổn sinh lực để dạy bảo chúng ta nên người và lo lắng cho ta từng giây từ phút trong cuộc đời.
Vậy với những hao tổn ấy, đổi lại cha mẹ được cái gì? Chắc chắn không phải cha mẹ nào cũng được hạnh phúc, an vui bên con cháu. Điều mà các cha mẹ mong đợi là con cái khôn lớn, ngoan ngoãn, gia đình, vợ chồng, anh chị em yêu thương nhau; con cái khi trưởng thành cũng được yên bề gia thất, êm ấm thuận hoà. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cả một đời hy sinh cũng được đền đáp bằng niềm vui và những nụ cười hạnh phúc. Trái lại, nhiều bậc cha mẹ đón nhận lại từ nơi con cái sự vô ơn, bất hiếu, cư xử tệ bạc, vô lễ, thiếu kính trọng, hắt hủi, khinh miệt các ngài. Chúng ta có thể chứng kiến rất nhiều những cảnh đau lòng như thế ở chung quanh mình.
Lòng thảo hiếu, biết ơn đối với ông bà cha mẹ, không hẳn là đem tiền về cho mẹ, cũng không phải tổ chức đám tang cho to, xây mộ cho đẹp để lấy tiếng với người đời. Nhưng Giáo Hội dạy chúng ta thể hiện lòng thảo hiếu, biết ơn ông bà cha mẹ mỗi ngày, ngay khi còn trẻ, cha mẹ còn khoẻ, hết lòng yêu mến, kính trọng, vâng lời. Khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, phận làm con cái phải an ủi, cảm thông, chăm sóc. Đừng vì mất kiên nhẫn mà hắt hủi, khinh miệt, hoặc có những lời lẽ, cử chỉ gây tổn thương cho cha mẹ, nhưng hết lòng để chăm sóc, phụng dưỡng. Vì xưa khi ta còn nhỏ, các ngài cũng đã hết lòng, hết sức, kiên nhẫn để chăm sóc chúng ta.
Là những Kitô hữu, khi cha mẹ đau yếu, con cái có bổn phận chăm lo sức khoẻ và lo cho đời sống đức tin, giúp cha mẹ được tham dự thánh lễ, rước lễ và lãnh nhận các bí tích thường xuyên. Khi các ngài đau yếu, bệnh nặng, cần lo liệu để các ngài được lãnh bí tích Xức Dầu và rước Chúa. Chúng ta có thể thấy nhiều tấm gương thảo hiếu của con cháu dành cho ông bà cha mẹ, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều hình ảnh đau lòng khi con cái đối xử tệ bạc với những đấng sinh thành. Cha mẹ chỉ có một trên đời, cha mẹ sẽ không thể sống mãi với chúng ta. Vì thế, đừng bỏ lỡ những cơ hội để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài.
Bên cạnh bổn phận thảo hiếu với ông bà cha mẹ, hôm nay cũng là dịp để các bậc cha mẹ quan tâm hơn đến việc giáo dục con cái. Nguyên nhân của sự tệ bạc, bất hiếu hôm nay của con cái, có thể bắt nguồn từ việc giáo dục sai cách khi chúng còn nhỏ, đặt sai vị trí của mỗi thành viên trong gia đình. Nhiều cha mẹ giáo dục con cái bằng cách nuông chiều quá mức đến độ hư hỏng; nhiều người vì bận với công việc nên trao phó việc chăm sóc, giáo dục con cái cho người giúp việc, hoăc gửi vào nhà bán trú, nội trú. Những cách lo cho con như thế, mới chỉ là nuôi con theo kiểu nuôi gà công nghiệp. Con cái cần nhiều thời gian ở bên bố mẹ, cần được hơi ấm, tình yêu thương, sự chăm sóc của bố mẹ hơn là chỉ đến bữa cho ăn.
Đứng trước phần mộ của người thân hôm nay, có thể gợi lên trong lòng mỗi người những tâm tình, cảm xúc, những ký ức, kỷ niệm khác nhau về người thân. Mỗi người chỉ có cơ hội sống một lần, cố gắng sống sao cho tốt; mỗi người chỉ có cơ hội sống với nhau một thời gian, hãy cố gắng sống với nhau sao cho trọn tình vẹn nghĩa. Mỗi người cần biết trân trọng thời gian chúng ta đang có và đang sống bên nhau để đem đến cho nhau những điều tốt đẹp. Vì hôm nay chúng ta sống tốt đẹp với Chúa và với nhau, thì mai sau chúng ta mới có thể gặp Chúa và gặp lại nhau trên Quê Trời.
Chúng ta dành ít phút thinh lặng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất và cùng nhìn lại cách sống, cách cư xử của chính mình với ông bà cha mẹ trong hiện tại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*