CẦU CỨU
TRẦM THIÊN THU
Không ai không có lúc phải nhờ người khác giúp. Không ai đầy đủ đến mức không cần người khác. Không ai cao tới mức không phải vói lên. Không ai thấp tới độ không cần cúi xuống. Đó mới chỉ là cầu cứu vì mình. Cầu cứu vì người khác mới là yêu thương thâm sâu, “cao cấp” hơn, và hẳn là không tình thương nào ở thế gian này bằng tình mẫu tử.
Trình thuật Mt 15:21-28 đề cập việc cầu cứu thay cho người khác. Thánh Mátthêu cho biết rằng khi Chúa Giêsu đang trên đường lui về miền Tia và Siđôn, có một bà Canaan kêu lớn tiếng: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Thế nhưng Ngài làm ngơ, không đáp lại. Và rồi Ngài xác định: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Mặc dù bị từ chối thẳng thừng như vậy, người phụ nữ đáng thương ấy vẫn cố lấn đến để bái lạy Ngài và thưa: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Quả là “lì” thật!
Thấy phụ nữ này “không phải dạng vừa” nên Ngài nói “sốc” hơn: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Vậy mà bà ấy vẫn thản nhiên lý luận: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Chúa Giêsu nhìn bà ấy, vừa cười vừa nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Và con gái bà được khỏi ngay. Đó chỉ là cách Chúa Giêsu “thử thách” để phụ nữ kia chứng tỏ niềm tin của mình, chứ không phải Ngài vô cảm. Ngài thử thách không phải là để “dò tìm” như chúng ta, vì Ngài đã biết rõ cõi lòng ai sâu hay rộng thế nào, trái tim người nào cứng hay mềm, nghĩa là Ngài không cần thử thách vì Ngài. (x. 1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6)
Ngài muốn làm như vậy để cho mọi người biết chân giá trị của nỗi gian truân, của đức tin, và của lòng kiên nhẫn, đồng thời Ngài cũng tạo “công trạng” cho chính người chịu đựng sự thử thách. Như vậy, thử thách và đau khổ cũng là hồng ân, chứ không chỉ những gì “xuôi chèo mát mái” như ý. Chúng ta cũng phải biết tạ ơn về loại hồng ân “khác người” như vậy – chỉ “khác người” chứ không “chết người” đâu!
Chính Chúa Giêsu căn dặn: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41; Mc 14:38) Lời khuyên ngắn gọn nhưng Ngài đề cập hai vấn đề: Cầu Nguyện và Kiên Nhẫn. Cầu nguyện giúp chúng ta kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, và làm cho chúng ta trở nên vĩ đại. Kiên nhẫn là “loại cỏ” luôn phải đặt vào hành lý cuộc đời để đem theo mình, luôn cần thiết cho mọi người. Saint Exupéry khuyên: “Đừng đánh mất kiên nhẫn, vì đó là chiếc chìa khóa cuối cùng mở được cửa.” Cứ là chính mình, không dao động vì bất cứ thứ gì, cố gắng vững lòng thì điều tất yếu sẽ xảy ra: “Có chí thì nên.”
Sự kiên định và sự thận trọng có liên quan với nhau. Edward Bulwer Lytton (1803-1873, tiểu thuyết gia, thi sĩ, kịch tác gia và chính trị gia người Anh) cho biết: “Ai thận trọng quan sát và kiên quyết vững vàng sẽ tự nhiên dần dần trở thành bậc anh tài.” Người kiên định và thận trọng cũng là người có đủ can đảm để đương đầu với nghịch cảnh. Herbert Kaufman (1878-1947, văn sĩ và ký giả người Mỹ) nhận định: “Thất bại chỉ là thành công tạm thời bị trì hoãn, chừng nào lòng can đảm còn tôi luyện cho khát vọng. Thói quen kiên định chính là thói quen chiến thắng.” Bất kỳ ai cũng cần kiên trì, và trong mọi tình huống hoặc công việc.
Với cuộc sống đời thường đã vậy, với đời sống tâm linh càng cần lòng kiên nhẫn hơn – nhất là khi cầu nguyện. Kiên tâm cầu nguyện không chỉ có giá trị đối với chính mình mà còn có hiệu quả đối với người khác. Gương Thánh Monica là tấm gương to lớn và sáng tỏ về việc cầu nguyện kiên định. Cách cầu nguyện của bà Rút rất tuyệt vời: “Xin Thiên Chúa giáng phúc cho người đã quan tâm đến con!” (Rút 2:19) Lời cầu đó như đóa hoa tươi, chắc chắn Thiên Chúa rất vui lòng. Cầu nguyện không chỉ là xin (cho mình hoặc cho người khác) mà còn phải có tâm tình tạ ơn: “Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ.” (1 Tm 4:4)
Kinh nghiệm sống chứng tỏ cho thấy một sự thật mà tiền nhân đã xác định: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức.” Người Phi châu nói: “Biển lặng chẳng tạo nên thủy thủ tài ba.” Thật vậy, thử thách càng cao thì cơ hội càng lớn. Thời thế tạo anh hùng nhiều hơn là anh hùng tạo thời thế, như cụ Phan Bội Châu (1867-1940) đã đặt vấn đề: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Nếu anh cũng như tôi, tôi cũng như chị, chẳng có gì hơn nhau thì không có gì đáng nói. Không có bột mà gột nên hồ thì mới là người đáng cho thiên hạ phải ngưỡng mộ và tâm phục khẩu phục. Thật vậy, “vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá
thì phải được thử trong lò ô nhục.” (Hc 2:5)
Garrison Keillor so sánh rất thực tế mà thú vị: “Cuộc sống cũng giống như cuộc chiến, nếu mọi thứ bỗng trở nên yên lặng thì có nghĩa là bạn đang thua trận.” Biển không có sóng không làbiển. Cuộc sống luôn đầy những thử thách, kinh nghiệm này ai cũng có thể tích lũy theo thời gian. Nếu không có thử thách, chính thử thách khiến chúng ta nhận ra sức mạnh tuyệt vời vẫn đang tiềm ẩn trong mình. Vả lại, cuộc sống bình lặng sẽ nhàm chán vì đơn điệu, rồi có thể hóa ngu xuẩn, điên rồ: “Nhàn cư vi bất thiện.” Kinh nghiệm đường đời nhiều nên Toni Malliet nhận định: “Thử thách không là gì cả, nhưng cơ hội ẩn chứa đằng sau thử thách đó mới là điều đáng nói.”
Người ta thích chứng tỏ “bản lĩnh” của mình, nhưng loại “bản lĩnh” đó thường là loại rởm, dạng ngày nay gọi là “chảnh.” Không ai sợ người nói nhiều, người ta chỉ sợ người im lặng. Đó mới là bản lĩnh đích thực. Họ biết mà không nói, vì chưa đến lúc cần nói. Nếu bạn tỏ ra yếu mềm trước thử thách thì bạn “bé nhỏ,” và sức lực của bạn yếu đuối. Vì thế, chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu luôn động viên chúng ta nên cố gắng “đi qua cửa hẹp,” (Mt 7:13-14; Lc 13:24) tự tôi luyện trong gian khổ chứ không ung dung tự tại. Chắc chắn Ngài không xúi dại, và hẳn là mọi thử thách đều có giá trị cao, bởi vì chính những nỗi gian nan mới khiến người ta trưởng thành đúng nghĩa – gọi là “thành nhân.”
Thiên Chúa truyền dạy từ xưa: “Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ.” (Is 56:1) Thời gian là của Chúa, chúng ta chỉ là những người quản lý, không thể biết thời gian còn dài hay ngắn. Do đó, sự tỉnh thức luôn cần thiết và cấp bách. Tỉnh thức là một dạng thử thách. Chính sự thử thách khiến chúng ta phải coi chừng để mà khôn khéo hơn. Người có bản lĩnh là người dám chê trách mình chứ không chê trách người khác, người có quyền lực là người kiềm chế thói hư tật xấu của mình chứ không độc đoán áp chế người khác.
Thiên Chúa nhân lành nhưng tuyệt đối công bình và chính trực, không thiên vị bất kỳ ai: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sabát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.” (Is 56:6-7) Đừng ảo tưởng! Dù là ai, từ giáo hoàng tới giáo dân, từ bề trên tới người giúp việc, từ tổng thống tới người ăn xin,… không ai có thể viện cớ gì mà tự biện hộ: NẾU, TẠI, VÌ, BỞI, GIẢ SỬ, GIÁ MÀ, PHẢI CHI,… Không có “chuyện ví dụ” bao giờ!
Cứ xin, nếu cảm thấy mình thiếu thốn – xin nghiêm túc chứ không “xin xỏ.” Khi thấy người khác xin thì chúng ta phải cho, nếu có thể – vì phải có mới cho được. Vả lại, đó là sự công bằng. Ở đây là “xin–cho” trong tương quan yêu thương và bác ái, chứ không “xin–cho” theo kiểu “chế độ ban phát.” Tất cả chúng ta đều là những “người làm công” trong Vườn Nho của Chúa, chẳng ai có quyền gì mà “lên lớp” người khác. Có ý thức như vậy thì mới khả dĩ ước vọng như Thánh Vịnh gia: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.” (Tv 67:2-3)
Là phàm nhân nên tất cả chúng ta đều bất trác và bất túc, luôn mong ước nhiều thứ – cả tinh thần và vật chất. Nhưng ước mong về tâm linh mới thực sự cần thiết: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.” (Tv 67:5-6) Công lý và công bình phải được tôn trọng thì con người mới được tôn trọng đúng mức về nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền.
Trong Thánh Lễ có nghi thức “chúc bình an.” Nghi thức là để tránh lộn xộn chứ đừng chỉ theo nghĩa đen của nghi thức. Cầu chúc nhau điều gì cũng phải thật lòng, không thể chỉ “xã giao.” Trong tình hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta rất cần chân thành cầu chúc nhau: “Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:8) Thánh Phaolô bộc bạch: “Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi, mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó. Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hòa giải với Thiên Chúa thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?” (Rm 11:13-15)
Ông cựu Biệt Phái Saolê muốn người ta “ganh đua” chứ không “ghen tị” hoặc “ghen ghét,” nhưng phải là ganh đua về điều thánh đức, muốn cứu các linh hồn, chứ không vì những thứ trần tục. Đúng vậy, Thánh Phaolô xác định: “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì Người không hề đổi ý.” (Rm 11:29) Ông cho biết thêm rằng “trước kia chúng ta đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay chúng ta đã được thương xót, vì họ không vâng phục; họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót chúng ta, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót. Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục để thương xót mọi người.” (Rm 11:30-32) Một triết lý rất đậm chất của thức giả Phaolô và đầy chất thần học.
Lạy Thiên Chúa nhân hậu, con chỉ là một con chó nhỏ nhất, yếu nhất và bẩn nhất, hoàn toàn bất xứng nhưng dám xin Ngài xót thương con và những người khác. Dẫu con chẳng là gì nhưng xin cho con được thừa hưởng những mảnh-vụn-yêu-thương từ Bàn Tiệc Thương Xót của Ngài rơi xuống. Con chân thành tha thiết cầu xin Cha, nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Nhận xét góp ý