Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

NGƯỚC LÊN và NHÌN XUỐNG

TRẦM THIÊN THU

Mừng Chư Thánh Nơi Thiên Quốc Vinh Phúc
Xót Các Hồn Chốn Luyện Hình Khổ Đau

Giáo hội duy nhất nhưng có ba thành phần: Giáo hội Khải hoàn (các thánh trên trời), Giáo hội Đau khổ (các hồn nơi luyện ngục), và Giáo hội Chiến đấu (những người đang lữ hành trần gian – chúng ta). Ba thành phần của Giáo hội luôn hiệp thông, gọi là “các thánh cùng thông công.” Thánh Phaolô cho biết: “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4:5-6)

1. NGƯỚC LÊN

Các thánh là những người đã từng sống trên thế gian này như chúng ta, nhưng sống tin yêu mạnh mẽ, như Thánh Gioan cho biết: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.” (Kh 7:13-14) Các thánh là những người đã chịu trăm cay ngàn đắng lúc sinh thời, nhưng các ngài vẫn kiên tâm bền chí, đặc biệt là các ngài đã “giặt sạch” và “tẩy trắng” chiếc áo đời của họ trong Bửu Huyết Cứu Độ của Đức Kitô.

Các thánh có “tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối,” (Tv 24:4) nên “được Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.” (Tv 24:5) Quả thật, họ chính là “dòng dõi những kẻ kiếm tìm Ngài, tìm Thánh Nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.” (Tv 24:6) Họ đã quyết tâm thực hành Thánh Luật của Thiên Chúa tới cùng, thực hiện tới chết. Chắc chắn họ đã cảm nghiệm được sự ngọt ngào của tình yêu, của lòng Chúa thương xót.

Thật hạnh phúc khi là tín nhân, vì đã nhận biết Chúa, được tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy, tức là “những người trở về từ cõi chết,” được tắm gội trong suối Máu và Nước tuôn trào ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và phải cố gắng noi gương các thánh. Thánh Gioan nói: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.” (1 Ga 3:1) Chuyện ngỡ trong mơ mà hoàn toàn là sự thật!

Thánh Gioan xác định rằng “thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” Vô cùng lạ lùng, thật là mầu nhiệm, không thể tưởng tượng nổi. Chúng ta đang là tôi tớ, là nô lệ, là tội nhân, thậm chí là đang chết, thế mà lại được sống lại và được làm con cái Chúa. Những người không có niềm tin Kitô giáo thực sự đúng mức thì không thể nào tin được. Thảo nào người ta bảo các Kitô hữu là ảo tưởng!

Thánh Gioan nhắc lại và giải thích: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.” (1 Ga 3:2-3) Sự thật minh nhiên, nhưng đầu óc phàm nhân chúng ta không thể hiểu hết, cũng không thể hình dung ra được lúc này – khi còn mang xác phàm.

Trình thuật Mt 5:1-12 nói về Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật, Bài Giảng Trên Núi). Đây là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Thiên Quốc do Chúa Giêsu soạn thảo. Bản Tuyên Ngôn này ngắn nhất, ít điều khoản nhất, nhưng lại chính xác nhất và “độc đáo” nhất.

1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.

2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

6. Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Chúa Giêsu cũng chẳng văn hoa bóng bẩy, không cầu kỳ, dùng lời lẽ bình dị, ai cũng có thể hiểu. Nghe rất sướng lỗ tai! Cuối cùng, Ngài còn nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5:11-12)

Các thánh đã anh dũng chiến đấu không hề nao núng, ngoan cường tới cùng, mỗi người mỗi vẻ, nên đã đạt được mục đích: Ơn Cứu Độ.

2. NHÌN XUỐNG

Tưởng niệm các linh hồn nơi Luyện Hình là tự nhắc nhở mình về sự thật minh nhiên bất biến: “Memento mori! – Hãy nhớ mình phải chết!” Người ta gọi đó là “Ars moriendi – Nghệ Thuật Chết.” Và đừng làm ngơ lời van xin của các linh hồn: “Xin đừng quên tôi!” Không chỉ trong Tháng Cầu Hồn, mà hằng ngày và suốt đời chúng ta.

Giáo hội dành riêng Tháng Mười Một để cầu cho các linh hồn nơi Luyện Hình, dịp tốt để chúng ta thể hiện đức ái Kitô giáo, thể hiện lòng thương xót và thể hiện tính liên kết của tinh thần “các thánh cùng thông công.”

Cầu Hồn tím rịm nỗi nhớ thương, khói nhang trầm buồn, nhưng ánh nến vẫn lung linh hy vọng, tất cả nỗi buồn thương chợt hóa thành niềm hạnh phúc lạ lùng. Hằng năm, những ngày này có biết bao linh hồn được giải thoát – trong đó có những người thân của mỗi chúng ta nữa. Các ngài bay thẳng về Thiên Quốc hợp đoàn cùng các thánh, cùng diện kiến Tôn Nhan Thiên Chúa và đời đời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Khi cầu nguyện, người ta thường cầu cho các linh hồn mồ côi. Thiết nghĩ chẳng có linh hồn nào mồ côi. Có lẽ chữ “mồ côi” chúng ta hiểu theo phần đời, vì có những người mồ côi theo nghĩa nào đó, có thể họ bị hất hủi, bị bỏ rơi, cô thân, đơn độc,… Nhưng về tâm linh, không linh hồn nào mồ côi – kể cả các linh hồn thai nhi. Bởi vì hằng ngày, trong mọi giờ kinh, đặc biệt là các Thánh Lễ, Giáo hội luôn cầu cho tất cả các linh hồn – thậm chí cầu cho cả người còn sống. Tính liên đới của Giáo hội thật tuyệt vời!

Không chỉ vậy, mỗi khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta nhiều lần cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi Hỏa Ngục, xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn.” Cuối giờ kinh, chúng ta cũng thường đọc Kinh Vực Sâu để cầu cho các linh hồn, tức là không phân biệt linh hồn thân quen hay xa lạ, bất kỳ dân tộc nào. Tại các cộng đoàn tu trì, các giờ Kinh Nhật Tụng (Thần Tụng, Thần Vụ) đều cầu cho các linh hồn. Như vậy, không có linh hồn mồ côi nào cả.

Vì phạm tội mà con người phải chết. Sinh – tử là Quy Luật Muôn Thuở. Chết là nỗi thê lương kinh khủng và là thất bại lớn nhất của con người. Nhưng nỗi u sầu đó trở thành niềm hy vọng đối với những ai tin vào Đức Kitô. Thánh Phaolô đặt vấn đề và giải thích: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6:3-4)

Tuyệt vời biết bao! Như vậy cái chết không phải là “dấu chấm hết” mà chỉ là “dấu phẩy,” là bước chuyển tiếp sang cuộc sống mới vĩnh hằng, như Thánh Phanxicô Assisi xác định: “Chết là sống muôn đời.” (Kinh Hòa Bình) Chắc chắn như thế. Thánh Phaolô phân tích: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, chúng ta cũng sẽ nên một với Người nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết thì thoát khỏi quyền của tội lỗi.” (Rm 6:5-7) Chết là giải thoát khỏi đau khổ, hoàn toàn có lợi cho chúng ta. Triết lý tâm linh này không hề dễ hiểu nếu không có niềm tin Kitô giáo.

Tử thần chính là ma quỷ. Đoàn âm binh của Luxiphe đành thúc thủ, vì thế chúng cố vùng vẫy như con giun oằn khi bị đạp, như con rắn tìm cách cắn gót chân Đức Maria. Và rồi chúng tìm cách cám dỗ phàm nhân theo phe chúng. Nhưng cuối cùng, chắc chắn chúng sẽ hoàn toàn thất bại. Thánh Phaolô định tín: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người.” (Rm 6:8-9)

Chân thành cầu cho các linh hồn là dịp để chúng ta nhìn lại thân phận mình mà chấn chỉnh ba đức đối thần và các đức đối nhân. Có Chúa là có tất cả: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” (Tv 23:1) Thiên Chúa là Chúa Tể càn khôn, chí minh và chí thiện, nơi Ngài chỉ có những gì thánh thiện nhất. Do đó, Ngài cũng chỉ làm những gì tốt lành mà thôi. Sự xấu có xảy ra với chúng ta là tại chúng ta mà thôi!

Chị Hai Mácta là người đại diện cho cả nhân loại ghi nhận lời hứa của Đức Giêsu Kitô: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11:25-26) Chúng ta may mắn là những người đã tin Ngài, vấn đề còn lại là chúng ta phải cố gắng trung tín với Ngài cho tới hơi thở cuối cùng, dù hoàn cảnh có thế nào. Để có được sự sống đó, chúng ta phải có Bánh Hằng Sống. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51)

Chính Chúa Giêsu tái xác định: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6:54) Ngài nói chi tiết hơn: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6:56-58)

Các linh hồn nơi Luyện Hình là những người đã từng được ăn Bánh Trường Sinh, Bánh Giêsu, chắc chắn họ sẽ có ngày được sống đời đời sau khi được thanh luyện cho xứng đáng với Thiên Chúa chí thiện. Khi cầu nguyện cho họ lại là cầu nguyện cho chính mình. Đúng như Thánh Phanxicô Assisi nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.” Các linh hồn không tự “cải thiện” mức án, nhưng các ngài vẫn có thể cầu nguyện cho chúng ta rất hiệu quả.

Thiên Chúa là Alpha và Omega, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. (Kh 1:8; Kh 21:6; Kh 22:13) Có Chúa là có tất cả. Ước gì chúng ta nói được như Thánh TS Thomas Aquino: “Lạy Chúa, con chỉ muốn Ngài mà thôi.” Đó mới chính là phần thưởng tuyệt đối của chúng ta – những người suốt đời tin yêu Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng đã chết để cứu độ chúng ta.

Thiết tưởng cũng nên “lưu ý” điều này: Hình phạt ở Luyện Hình cũng tương tự hình phạt ở Hỏa Ngục, mức đau khổ không kém nhau, chỉ có một điều khác biệt là hình phạt ở Luyện Hình sẽ có ngày chấm dứt và các linh hồn ở đó sẽ được làm công dân của Nước Trời, nghĩa là nên thánh; còn hình phạt ở Hỏa Ngục không có ngày kết thúc, là mãi mãi, là đời đời, các linh hồn ở đó là công dân của quỷ vương.

Chỉ còn hai nơi để hướng tới: Thiên Đàng và Hỏa Ngục. Tùy ý chọn. Là tín nhân, ai cũng chỉ hy vọng được phân loại là “chiên” và được nghe Chúa nói với mình trong Ngày Phán Xét: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ.” (Ga 11:25-26)

Tháng Cầu Hồn, có điều quan trọng cần ghi nhớ là Chúa Giêsu đã liên tiếp tâm sự với nữ tu Consolata Betrone, người Ý, trong những năm 1934-1946. Ngài căn dặn Chị: “Ta chỉ xin con một kinh Mến Yêu liên lỉ: ‘Giêsu – Maria – Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn!’ Hỡi Consolata, con hãy yêu mến Ta! Con sẽ làm Ta sung sướng khi con đọc kinh ấy. Con hãy nhớ rằng chỉ đọc một kinh này đủ định đoạt phần rỗi muôn đời của một linh hồn.”

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, vì Cuộc Khổ Nạn Đau Thương và Máu Thánh của Đức Kitô, xin tha thứ và cho các linh hồn về hưởng phúc trường sinh muôn đời. Xin chư thánh cầu thay nguyện giúp, phù hộ chúng ta để noi gương các ngài theo Chúa đến cùng, mọi nơi và mọi lúc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*