Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

MƯA THÁNG SÁU

TRẦM THIÊN THU

▶ Bâng Khuâng Mùa Hè – https://youtu.be/AoUlzYGg1-8

Từ trường đại học về, tôi đạp xe trong bụi mưa lất phất. Về đến nhà cũng đủ ướt áo. Mưa tháng Sáu bất chợt và thơ mộng như mối tình học trò. Tưởng chừng khoác áo nhiệm mầu. Mưa rơi đầy kỷ niệm man mác buồn, nỗi buồn mà lại ngọt ngào, khó tả…
Thế mà đã bốn năm thấm thoát như bóng câu vút qua. Nhưng, bốn năm xa từ chiều mưa ấy vẫn như là hiện tại. Vài ngày nữa tôi sẽ là cô giáo. Niềm vui vừa đến thì nỗi buồn cũng vừa trở lại. Không biết “người ấy” bây giờ ra sao?
o0o
Nghe mẹ nói có người đến ở nhà để đi học, tôi không phản ứng gì vì không mấy quan tâm, chỉ biết là con trai của một người bạn thân với mẹ ngày xưa. Rồi buổi chiều, đi học về ướt như chuột lột, vì có “khách,” tôi chỉ bị trách nhẹ:
– Con gái lớn rồi, mẹ đã dặn mùa mưa thì phải đem áo mưa theo. Không ý tứ gì cả!
Đã vậy, mẹ còn quay sang cười nói với “khách”:
– Con gái mới lớn vậy đó. Làm dáng, nhõng nhẽo, bướng bỉnh. Đúng là “nhất quỷ, nhì ma.” Nhiều khi đến bực mình với nó.
Chẳng biết “hắn” nghĩ gì mà “ném” cho tôi một cái nhìn kèm theo một nụ cười “miểng chai” hóm hỉnh. Tự nhiên tôi ghét cay ghét đắng “hắn.” Thì ra “hắn” tên là Ân. Cái tên nghe “diễm phúc” vậy mà lại… dễ ghét ghê! Chưa đến đầu niên học nhưng Ân phải đi làm thêm dịp hè để kiếm tiền tự trang trải cho năm học sắp tới.
Gia đình Ân ở dưới tỉnh. Phần thì xa, phần thì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mất sớm, mẹ Ân một nách ba đứa con. Ân ở đây để học Anh văn. Tôi hơi “ghen” khi thấy mẹ chu đáo chăm sóc Ân. Tuy không ác tâm nhưng tôi… “coi thường” Ân. Tuy vậy, dù không nói ra nhưng tôi thấy khâm phục Ân về việc tham dự thánh lễ hằng ngày. Vẫn biết là không được đối xử không tốt với người khác, phải “yêu người như chính mình,” nhưng tính bướng bỉnh của một cô bé mới lớn vẫn bảo thủ lý lẽ riêng. Ân hơn tôi ba lớp. Dù vậy, Ân luôn bị tôi “ăn hiếp.” Có lần làm bài xong, tôi loay hoay tìm cuốn truyện mãi mà không thấy, tôi muốn “điên tiết” lên, máu như dồn hết lên não!
– Thi, con tìm gì vậy?
– Cuốn truyện con để đây mà mất đâu rồi! – Giọng tôi không bình thường.
– Làm gì mà con gắt lên vậy? Từ từ tìm sẽ thấy.
– Con tìm khắp nơi rồi. Con để ngay đây mà!
Nghe hai mẹ con tôi nói chuyện, Ân chạy lại với cuốn truyện trên tay.
– Truyện đây, thưa bác.
Tôi vênh mặt và cao giọng:
– Sao “ông” tự nhiên như ruồi vậy?
– Tôi tưởng…
– Không tưởng với nghĩ gì cả. Muốn gì “ông” phải hỏi người ta chứ!
Mẹ tôi nghiêm giọng:
– Thi! Con không được hỗn với Ân như vậy. Ân không đáng là anh con sao?
– Nhưng…
– Không nhưng nhị gì hết. Cứ “nhưng,” “vì” và “tại” là làm hư chính mình. Con gái lớn rồi, phải ăn nói cho đàng hoàng. Con phải thương hoàn cảnh của Ân mới đúng. Nghèo không xấu, nhân cách mới quan trọng, con gái à! Đừng thấy mình hơn người khác một chút về một phương diện nào đó đã vội lên mặt mà khinh thường người khác. Sông có khúc, người có lúc. Con có nghe mẹ nói không Thi?
– Thưa mẹ, con nghe. Con xin lỗi mẹ!
– Xin lỗi thì dễ. Biết phục thiện mà sửa đổi mới khó.
Tôi bật khóc. Khóc vì tự ái. Con gái vẫn thường vu vơ thế đấy. Tính bướng bỉnh của tuổi mới lớn còn mạnh hơn cả tình yêu, thậm chí hơn cả… sự chết.
Thời gian cứ trôi qua. Ngày tháng nhìn nhau bằng ánh mắt không mấy thiện cảm đã chấm dứt. Trước đó, tôi không muốn gặp… anh (đại từ này “khó nói” thí mồ đi!) vì… ghét. Bây giờ tôi ngại ánh mắt anh vì… e lệ. Dẫu sao thì cũng đã là nữ sinh lớp 12. Suốt ngày anh cặm cụi với sách vở và chữ nghĩa, còn tôi lo giữ “hồn” tôi. Nhìn những cuốn tự điển dày cộm của anh mà tôi thấy “ớn lạnh.”
Những ngày học cuối cấp trôi qua thật nhanh, không thể níu lại được. Nhánh phượng đỏ như vẫy gọi người ra đi. Mây giăng xám bầu trời chỉ chực mưa. Mẹ và anh vui mừng khi tôi đậu đại học. Niềm vui rộn rã, nhưng tôi chợt thấy lòng mình bâng khuâng lạ thường. Anh sắp đi xa. Có niềm vui này tất sẽ có nỗi buồn khác, như một quy luật bất biến muôn thuở vậy.
Buổi chiều. Mưa dầy hạt. Mẹ đi công chuyện. Tôi đang chuẩn bị hành trang cho những ngày sắp tới. Chợt có tiếng gọi khẽ:
– Thi!
Tôi quay lại và bối rối khi “”chạm” ánh mắt anh – một hiện-tượng-giao-thoa! Tôi chưa biết phải nói gì thì anh mỉm cười hỏi (may quá!).
– Thi có rảnh không?
– Dạ, em… em… rảnh.
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi “lễ phép” và nhẹ nhàng với anh như vậy. Mặt nóng bừng, tôi vội tiếp:
– Anh có… giận Thi không?
– Có gì đâu mà giận. Tôi tặng Thi cuốn truyện, món quà nhỏ mừng Thi vừa thi đậu.
Tôi đưa tay đón lấy mà không kềm được run nhè nhẹ. Tôi nói át đi:
– Anh hỏi Thi rảnh hay không để làm gì?
– Ừm… thì để nói chuyện nãy giờ đó.
Tôi “tinh ranh” liếc anh và thầm nghĩ:
– Anh chàng này “dễ ghét” ghê! Có lẽ chưa học “đại từ ngôi thứ hai số ít.”
o0o
Thế là anh đã xa. Kỷ niệm chẳng bao giờ cũ. Kỷ niệm chỉ đến một lần cũng đủ làm người ta luyến nhớ. Khoảng trống khó lấp đầy.
Mở trang đầu cuốn truyện, màu mực như chưa phai. Kỷ niệm đầu đời mãi ghi đậm dấu ấn, dù màu mực có thể “cũ” theo thời gian. Bốn năm chưa phải là dài. Tôi nhẩm đi nhẩm lại những dòng chữ anh đề tặng:
Bướm chưa hóa kiếp chưa đa tình
Áo trắng học trò còn trắng tinh
Chẳng nhớ, chẳng thương, và chẳng hẹn
Bỗng dưng một lúc hóa… vô tình!
Mùa Thi – Tháng Sáu
Cơn mưa ập tới bất thình lình. Cơn mưa nào cũng có tính chất giống nhau. Nhưng hình như hôm nay mưa khác hẳn. Mưa ơi! Tôi sắp trở thành cô giáo. Tôi không còn là cô bé bướng bỉnh, cố chấp và lanh chanh như trước nữa. Tôi chợt thấy lòng đầy ký ức về những ngày xưa thân ái. Còn anh?
Thật ngẫu nhiên, bên nhà hàng xóm đang vang vọng tiếng ca truyền cảm: “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt… Trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa…” Lòng tôi như sợi dây đàn chùng xuống, lạc cung…
Nghe mẹ nói anh học xong đại học và đã vào Dòng, anh nghèo nên anh muốn dành cả cuộc đời để yêu thương những người cùng khổ nhất mà xã hội bỏ rơi. Là con người, tôi không tránh khỏi nữ nhi thường tình. Nhưng tôi tin có thể vượt qua và dâng tất cả cho Chúa. Tôi tin Ý Chúa luôn nhiệm mầu. Tôi ngước nhìn lên linh ảnh Lòng Thương Xót và thầm nguyện: “Lạy Chúa, con tín thác vào Ngài! Xin Chúa nâng đỡ con và gìn giữ anh theo Ý Chúa!”
Từ ngày ba mất, mẹ tôi vất vả hơn, nhưng chiều nào mẹ tôi cũng đi dự giờ kinh Lòng Thương Xót ở nhà thờ xứ. Lòng đạo của mẹ cũng tự nhiên truyền sang tôi. Mẹ tôi thường khuyên tôi: “Hãy sống kết hiệp mật thiết với Chúa bằng cách cầu nguyện liên lỉ, siêng năng rước Chúa Giêsu Thánh Thể, tôn sùng Thánh Tâm Chúa, cũng là tôn sùng Lòng Thương Xót của Chúa. Không có Chúa thì không ai làm được gì.”
Tôi thầm tạ ơn Chúa ban cho tôi một người mẹ hiền từ và đạo đức. Vả lại, lúc này tôi đã trưởng thành, lại không còn lo bài vở như thời là sinh viên nữa, nên tôi tham gia dạy giáo lý cho các em thiếu nhi trong giáo xứ. Tôi muốn tham gia việc đạo đức, trước tiên là giúp mình cố gắng sống đạo đức hơn để phần nào làm vui lòng Chúa, sau là tự cứu mình và giúp người khác càng ngày càng sống thánh thiện hơn.
Chiều buông. Trời u ám. Con mưa đổ xuống ướt mèm Tháng Sáu, kỷ niệm xưa lại ùa về, lòng tôi cứ ngồn ngộn, nhưng thật may vì có Chúa Giêsu nâng đỡ, vì Ngài đã dạy: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28)

▶ Bâng Khuâng Mùa Hè – https://youtu.be/AoUlzYGg1-8

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*