Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

ĐỆ NHẤT PHÉP MẦU

TRẦM THIÊN THU

Mình Chúa Là Thần Lương Nuôi Nhân Thế
Máu Ngài Hóa Biệt Dược Chữa Tội Nhân
Có rất nhiều phép lạ đã xảy ra, thậm chí là hằng ngày. Đơn giản nhất mà rất quan trọng đối với sự sống muôn loài là Không Khí. Nhưng đặc biệt nhất là phép lạ Thánh Thể, và rồi hằng ngày vẫn xảy ra tại các nhà thờ Công giáo ở khắp nơi trên thế giới. Thánh Thể là Phép Lạ vĩ đại nhất, là Phép Lạ của các phép lạ.
Nổi bật nhất là phép lạ Thánh Thể đầu tiên xảy ra tại Lanciano, Ý, năm 700. Gần đây nhất là các phép lạ Thánh Thể đã xảy ra tại Chirattakonam, Ấn Độ, tháng 04-2001; tại Tixtla, Mexico, tháng 10-2006; tại Sokółka, Ba Lan, tháng 10-2008; tại Legnica, Ba Lan, tháng 12-2013. Các phép lạ xảy ra để củng cố đức tin của chúng ta – những người tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất.
Chính Con Thiên Chúa đã minh định: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6:54-56) Việc lãnh nhận Thánh Thể không chỉ là diễm phúc mà còn được hòa tan vào Ngài để có sự sống đích thực của Thiên Chúa.
Thánh Giáo Hoàng Piô X (1835-1914) đã xác định: “Bí tích Thánh Thể là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất đưa ta về Quê Trời.” Chắc chắn hành trình nào cũng cần có lương thực để duy trì sức khỏe, để có thể đủ sức tới nơi cần đến. Thật vậy, khi đi đường xa, người ta phải dự trữ ẩm thực cho hành trình, nhiều hay ít tùy đừng gần hay xa. Chắc chắn chúng ta không thể thiếu Thần Lương Thánh Thể suốt cuộc lữ hành về Nước Trời.
Lịch sử cho biết rằng giữa chiến trận chống lại quân Hồi giáo đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi thế chiến I, quân đội Australia và New Zealand luôn được nhắc nhở điều quan trọng nhất là CHĂM SÓC LINH HỒN MÌNH TRƯỚC. Giữa sự nguy hiểm của làn bom mũi đạn, họ vẫn cung kính đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong cuộc chiến đó, chỉ riêng lực lượng Australia đã có hơn 8.000 binh sĩ tử vong. Có điều đặc biệt là ngay trong lúc nguy hiểm nhất, họ vẫn luôn ý thức tôn kính Thánh Thể qua việc rước lễ như “Của Ăn Đàng” vậy. Thật tuyệt vời biết bao!
Đã hứa gì thì làm. Chúa Giêsu xác định: “Tôi đến để cho chiên ĐƯỢC SỐNG và SỐNG DỒI DÀO.” (Ga 10:10) Thật tuyệt vời, vì chúng ta không chỉ được sống mà còn sống dồi dào nhờ sự sống của Ngài. Bí tích Thánh Thể là cách độc nhất vô nhị mà không ai có thể nghĩ ra được, và đó cũng là cách Ngài thực sự ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28:20) Thánh Thể được hiểu bao gồm cả Thánh Huyết – vì trong thịt luôn có máu.
Chúng ta phải ăn uống để có sự sống và duy trì sự sống. Nhưng lương thực chúng ta ăn hằng ngày không chỉ là các loại thực phẩm bình thường mà đặc biệt là chúng ta được ăn chính Thánh Thể Chúa Giêsu – Thần Lương và Nguồn Sống cho bất cứ ai đang lữ hành trần thế, để đủ sức vượt qua mọi vật cản mà đến đích bình an.
Thánh Thomas More (luật sư, triết gia, chính khách, 1478-1535, Anh quốc) chia sẻ bí quyết: “Nếu tôi xao lãng, việc hiệp lễ sẽ giúp tôi tịnh tâm trở lại. Nếu hằng ngày có những dịp xảy đến xúi giục tôi xúc phạm đến Thiên Chúa, tôi sẽ tự trang bị cho cuộc chiến mỗi ngày bằng việc lãnh nhận Thánh Thể. Nếu tôi đặc biệt cần đến ánh sáng và sự khôn ngoan để thực thi các phận sự nặng nề của tôi, tôi sẽ đến bên Đấng Cứu Độ, mong tìm được lời khuyên và ánh sáng của Ngài.”
GIAO ƯỚC VĨNH CỬU
Một trong các Giao Ước vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã ký kết với chúng ta là Bí tích Thánh Thể, được ám chỉ từ ngàn xưa. Thật vậy, Kinh Thánh cho biết rằng tư tế Menkixêđê của Thiên Chúa Tối Cao, là vua thành Salem, ông đã mang bánh rượu ra và chúc phúc cho ông Ápram: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Ápram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” (St 14:19-20) Sau đó, Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước Vĩnh Cửu với ông Ápram: “Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Ápram nữa, nhưng là Ápraham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc.” (St 17:5) Ông đổi tên và đổi đời.
Lời Kinh Thánh ngắn gọn nhưng có các chi tiết quan trọng: [1] Thời Cựu Ước, bánh và rượu được dùng làm lễ vật; thời Tân Ước, bánh và rượu được thánh hóa để trở thành chính Mình Máu Chúa Giêsu. [2] Có lễ vật thì cần có người dâng, đó là các tư tế, đại diện dân Chúa dâng lễ vật lên Thiên Chúa hằng ngày, họ được mệnh danh là những người theo phẩm trật Menkixêđê.
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, đồng thời Ngài cũng thiết lập chức linh mục. Các linh mục thừa tác tiếp tục công việc tế lễ để Chúa Giêsu hằng ngày, để đền tội của họ và của người khác. Chính nhờ Mình Máu Ngài mà chúng ta được sống và sống dồi dào. Rất vui mừng nên Thánh Vịnh gia nói về sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.” (Tv 110:1)
Từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ. Chính Thiên Chúa tuyên phán: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con.” (Tv 110:3) Phàm nhân chúng ta chỉ là cát bụi, hoàn toàn bất xứng, nhưng lại diễm phúc khôn tả vì được Thiên Chúa ký kết giao ước đến muôn đời. Một lần là mãi mãi, Ngài không bao giờ rút lời: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê.” (Tv 110:4)
Thánh Phaolô chia sẻ rõ ràng: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11:23-24) Thánh Phaolô tiếp tục nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11:25)
Sau lời truyền phép, Giáo Hội xác nhận: “Đây là mầu nhiệm đức tin.” Mọi người tung hô theo lời Thánh Phaolô: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” (1 Cr 11:26) Quả thật, chúng ta phải dùng con mắt đức tin để bù đắp cho con mắt trần tục khi tin kính và tôn thờ Thánh Thể.
Trong những lần hiện ra với các thị nhân, Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn luôn nhắc nhở người ta phải hết lòng tôn sùng và yêu mến Thánh Thể. Vừa nhắc nhở vừa cảnh báo, Mẹ Thánh Teresa Calcutta nói: “Bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể.” Thực sự con mắt đức tin rất cần thiết.
CHỨNG NGHIỆM TỎ TƯỜNG
Kinh Thánh xác định: “Đường lối Thiên Chúa quả là toàn thiện, lời Chúa hứa được chứng nghiệm tỏ tường.” (Tv 18:31) Bởi vì Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó, và là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời. (Tv 146:6) Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì thế Ngài luôn thực tế, nói cụ thể, không bao giờ nói suông, và đó cũng là cách Ngài củng cố lòng tin cho chúng ta – những kẻ phàm phu tục tử.
Qua trình thuật Lc 9:11-17, Thánh sử Luca cho biết: Có đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu. Ngài tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Khi bóng đêm dần buông xuống, các môn đệ đến thưa với Ngài: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.” Như vậy thì còn nói làm gì. Ngài bảo các đệ tử: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Đúng là “căng” thật! Có lẽ họ gãi đầu và nhìn nhau vì bí quá. Nhưng rồi có người thấy đứa bé có ít lương thực, nên liền thưa với Ngài: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.”
Người ta đông như kiến như cỏ, ước chừng có tới năm ngàn đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ em, tính sát chắc phải cả chục ngàn người. Một bữa tiệc nhỏ còn phải chuẩn bị cả tuần trước, dù chỉ vài chục thực khách chứ nói chi vài trăm người. Thế mà đây có tới cả chục ngàn người. Phàm nhân tài giỏi mấy cũng phải “bó tay” mà thôi!
Chắc hẳn lúc đó các môn đệ bối rối và lo lắm, bị động và bị “triệt buộc,” nhưng Thầy Giêsu gỡ rối cho họ ngay: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” Các ông mau mắn bảo mọi người ngồi theo nhóm. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời CHÚC TỤNG, BẺ RA và TRAO CHO các môn đệ để họ dọn ra cho đám đông cùng hưởng dùng.
Điều kỳ diệu xảy ra nhãn tiền, rồi có điều lạ khác nữa: “Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được MƯỜI HAI THÚNG.” Cả đám đông chứng kiến chứ đầu đuôi chứ không phải là nghe người khác kể lại. Đúng là một phép lạ vĩ đại, một phép lạ của lòng thương xót.
Trong cuộc sống, miếng ăn liên quan các vấn đề khác, không chỉ về sự sống mà còn về quyền lợi. Tục ngữ Việt Nam nói: “Trâu cột ghét trâu ăn.” Một thực tế buồn nhưng vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Có lần Thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác.” (Rm 11:17-18a) Câu nói đáng suy tư nhiều. Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Bạn cứ lên mặt đi! Đâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn.” (Rm 11:18b) Thật đáng quan ngại biết bao!
Dù vật chất hay tinh thần, điều quan trọng là biết chia sẻ. Việc chia sẻ liên quan động thái CHO và NHẬN: “Phúc cho ai CHO mà không nhớ, NHẬN mà không quên.” (Elizabeth Bibesco) Cho và Nhận là hai động từ quan trọng và hàm súc. Thánh Phanxicô Assisi xác định: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.” (Kinh Hòa Bình) Quả thật, nếu chúng ta không chia sẻ với người khác về những thứ họ cần, đó là chúng ta cướp đi sự sống của họ. Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo cũng đề cập các vấn đề tương tự. Thật vậy, Thánh Giacôbê cho biết: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội.” (Gc 4:17)
LÝ LUẬN THÁNH THỂ
Tại Palestine, nơi vẫn còn nhiều người theo Hồi giáo. Một hôm, có một thầy lãnh đạo một cộng đoàn Hồi giáo mời một linh mục Công giáo đến để công khai tranh luận về bí tích Thánh Thể trước sự hiện diện của các tín đồ đôi bên.
Ông thầy hỏi: “Làm sao một miếng bánh nhỏ lại có thể trở thành Đức Kitô được?”
Linh mục trả lời: “Được chứ sao lại không? Tôi xin minh chứng cho thầy biết bằng một thí dụ đơn sơ. Nếu thầy ăn cơm, thầy có thể biến cơm thành máu thịt của thầy, đúng không? Vậy tại sao Chúa lại không thể biến tấm bánh nhỏ trở thành máu thịt Ngài chứ?
Ông thầy hỏi tiếp: “Làm sao Đức Kitô to lớn như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu?”
Linh mục trả lời: “Thầy hãy nhìn trời, nhìn núi và các thôn làng. Bầu trời mênh môn, núi non hùng vĩ, còn thôn làng trải rộng mông mênh, thế mà con mắt nhỏ xíu của thầy vẫn có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của Thầy làm được chuyện đó thì tại sao Thiên Chúa lại không thể ở trong tấm bánh nhỏ xíu chứ.”
Chưa chịu thua, ông thầy lại hỏi: “Làm sao có thể cử hành nhiều thánh lễ cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, mà mỗi thánh lễ lại có Mình Máu của Đức Kitô?”
Linh mục đáp: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.”
Để chứng minh, linh mục lấy một tấm gương ném xuống đất vỡ tan thành rất nhiều mảnh nhỏ, rồi nói: “Trước đây, thầy thấy mặt thầy trong tấm gương này, phải không? Bây giờ thầy cũng thấy mặt thầy trong từng mảnh nhỏ kia. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi trong cùng một lúc?
Cuộc tranh luận đó giúp chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm Thánh Thể mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày trên khắp thế giới này.
Về Thánh Thể, Hiến chế Lumen Gentium nói: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu.” (số 11) Thánh Irênê giải thích: “Bí tích Thánh Thể là sự kéo dài thời gian nhập thể.” Thánh Tôma Aquinô tâm sự: “Tôi hiểu biết nhờ cầu nguyện trước Thánh Thể hơn là nhờ những cuốn sách tôi đã đọc. Tôi đã học biết nhiều điều khi quỳ dưới chân Thánh Giá Chúa hơn là tìm hiểu trong sách của các vị tiến sĩ.”
Lạy Thiên Chúa nhân hậu và thương xót, xin cảm tạ Ngài đã Của Ăn Đàng để chúng con đủ sức vượt qua cõi đời này, xin làm cho chúng con xứng đáng và siêng năng lãnh nhận Thánh Thể để mai này được hưởng sự sống đời đời. Theo lời Ngài hứa, xin cho chúng con được sống, đừng để chúng con phải thất vọng ê chề. (Tv 119:116) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*