Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Cầu nguyện là chìa khóa của sự cứu rỗi. Cầu nguyện là sức mạnh của chúng ta trong mọi lúc và mọi nơi. Thánh Augustinô nói: “Ai cầu nguyện tốt thì sống tốt, ai sống tốt thì chết lành, và đối với người chết lành thì tất cả đều tốt lành.” Thánh Anphong nhắc lại nguyên tắc tương tự: “Ai cầu nguyện nhiều sẽ được cứu rỗi, ai không cầu nguyện sẽ bị nguyền rủa, ai cầu nguyện ít sẽ gây nguy hiểm cho sự cứu rỗi đời đời của mình. Không có người mạnh mẽ cũng không có người yếu đuối trên thế giới, mà là những người biết cầu nguyện và những người không biết cầu nguyện.”

Chúng tôi muốn đưa ra mười lời khích lệ để giúp mọi người trên đường hướng tới Thiên Đàng qua nỗ lực phát triển trong đời sống cầu nguyện.

1. TIN CHẮC HOẶC XÁC ĐỊNH

Không có người thành công nào trên thế giới này trong bất kỳ doanh nghiệp nào lại không có quyết tâm cao để đạt được mục đích. Các vận động viên siêu hạng, các nhạc sĩ thành công, các giáo viên lão luyện và các văn sĩ  không bao giờ đạt tới sự hoàn hảo chỉ bằng những suy nghĩ viển vông, mà bởi quyết tâm vững chắc để đạt được mục đích.

Vì thế, Thánh TS Têrêsa Avila nói: “Chúng ta phải kiên quyết không bao giờ bỏ cầu nguyện.” Nếu chúng ta thực sự tin từ sâu thẳm trái tim mình về các kho tàng vô giá tuôn chảy từ lời cầu nguyện, chúng ta sẽ biến nó thành mục đích trong cuộc sống của chúng ta để không ngừng phát triển việc cầu nguyện.

2. CHÚA THÁNH THẦN LÀ THẦY DẠY

Thánh Phaolô nói rằng chúng ta không thực sự biết cách cầu nguyện như chúng ta phải làm, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Đấng cầu thay cho chúng ta, dạy chúng ta nói “Abba – Thưa Cha, Cha ơi!” Chúa Thánh Thần là Thầy Nội Tâm. Cùng với Mẹ Maria, các tông đồ đã dành 9 ngày đêm để cầu nguyện và ăn chay, rồi họ được thấm nhuần quyền năng từ trên cao – Chúa Thánh Thần.

Trước khi bắt đầu bất kỳ thời gian cầu nguyện chính thức nào, hãy cầu xin Ngôi Ba Thánh Thần giúp bạn trong lúc yếu đuối. Trong khi cầu nguyện, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hiện diện để soi sáng tâm trí bạn và đốt lửa trong linh hồn bạn. Ngài đang ở gần bạn hơn những gì bạn nhận thức được. Nếu bạn đang ở trong tình trạng ân sủng, Ngài ở ngay trong lòng bạn.

3. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, THIỆN CHÍ, VÀ IM LẶNG

Như với mọi nghệ thuật, chúng ta học bằng cách thực hành. Điều này cũng áp dụng cho việc cầu nguyện. Để học cách cầu nguyện, chúng ta phải có một thời gian nhất định, một địa điểm tốt, có thiện chí và biết thinh lặng. Câu nói đúng trong thể thao cũng như trong cầu nguyện: “Luyện tập tạo nên hoàn hảo.”

4. ĐỀN TỘI

Có thể lời cầu nguyện của chúng ta đã trở nên vô vị, nhạt nhẽo, nhàm chán và trì trệ vì nhiều lý do. Một lý do có thể xảy ra là cuộc sống đầy nhục dục, buông thả, tham lam, hoặc đơn giản là sống theo xác thịt hơn là tinh thần.

Như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta, xác thịt và tinh thần đối lập nhau. Chúa Giêsu đã dành 40 ngày đêm để cầu nguyện và ăn chay. Các tông đồ đã dành 9 ngày đêm để cầu nguyện và ăn chay. Người ta không thể đạt đến bất kỳ cuộc sống thần bí nghiêm túc nào do linh hồn dẫn dắt nếu chưa trải qua cách sống khổ hạnh của sự từ bỏ chính mình, hành xác và đền tội.

Một con chim cần hai cánh để bay, người theo Đức Kitô cũng vậy. Để bay cao trong cuộc sống thần bí, phải có đôi cánh là cầu nguyện và sám hối. Nếu bạn không được tôi luyện trong đời sống sám hối, hãy tham khảo ý kiến của một vị linh hướng và bắt đầu bằng những hành động sám hối nhỏ để tạo sức mạnh ý chí mà thực hiện những hành động sám hối anh dũng hơn. Nếu bạn chưa bao giờ chạy, hãy bắt đầu chạy một đoạn và tăng dần lên nhiều cây số.

5. LINH HƯỚNG

Các vận động viên cần huấn luyện viên, học sinh cần giáo viên, giáo viên cần cố vấn để học nghệ thuật. Cũng quan trọng không kém, các chiến binh cầu nguyện phải có một số cách hướng dẫn gọi là linh hướng – hướng dẫn tâm linh.

Thánh Inhaxiô Loyola khẳng định đời sống thiêng liêng là hành trình đồng hành. Thánh Têrêsa Avila đã được vài vị thánh hướng dẫn trên hành trình dài và đau khổ, dẫn đến sự hoàn thiện – Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Phêrô Alcantara, và Thánh Phanxicô Borgia.

Có rất nhiều trở ngại trên hành trình tâm linh, đặc biệt là khi người đó theo đuổi đời sống cầu nguyện sâu sắc hơn. Do đó, hãy nhờ một vị linh hướng được đào tạo trong cách nhận biết rõ cạm bẫy của ma quỷ, loại cạm bẫy luôn hiện hữu và những nguy hiểm luôn hiện hữu, để có thể giúp chúng ta tăng trưởng vững vàng trong sự thánh thiện qua đời sống cầu nguyện sâu sắc đích thực hơn.

6. CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ĐỘNG

Thánh Têrêsa Avila chỉ ra rằng sự trưởng thành đích thực trong việc cầu nguyện được chứng minh bằng sự trưởng thành trong sự thánh thiện và điều đó có nghĩa là bằng việc thực hành nhân đức. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta biết cây nhờ trái. Tương tự, đời sống cầu nguyện đích thực nảy nở trong việc thực hành các nhân đức: đức tin, đức cậy, đức ái, sự trong sạch, nhân hậu, phục vụ, khiêm nhường, luôn yêu thương tha nhân và sự cứu rỗi linh hồn bất tử của mình.

Đức Mẹ luôn là gương mẫu, đặc biệt trong mối liên hệ mật thiết giữa chiêm niệm và hành động. Trong kinh Truyền Tin, chúng ta chiêm ngưỡng Đức Maria say sưa cầu nguyện, rồi trong mầu nhiệm tiếp theo (Cuộc Thăm Viếng), Đức Mẹ theo sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần để phục vụ người chị họ trong sứ mệnh yêu thương. Thật ra, chúng ta có thể gọi Đức Mẹ là “người đáng chiêm ngưỡng trong hành động.” Giống như Mẹ Maria, chúng ta cũng được mời gọi chiêm niệm trong hành động.

7. NGHIÊN CỨU & TÌM HIỂU VỀ CẦU NGUYỆN

Thánh Têrêsa Avila không nhận các phụ nữ không biết đọc gia nhập dòng của bà. Tại sao? Lý do đơn giản là bà biết người ta có thể học được bao nhiêu về nhiều chủ đề, đặc biệt là về cầu nguyện, thông qua việc đọc sách thiêng liêng. Hãy tìm tài liệu hay về cầu nguyện mà đọc! Nhiều ý tưởng hữu ích xuất hiện thông qua việc đọc sách đạo đức tốt lành. Một gợi ý: hãy đọc phần IV trong sách Giáo Lý Công Giáo. Đó là kiệt tác tâm linh về cầu nguyện.

8. TĨNH TÂM

Để đi sâu hơn vào việc cầu nguyện, bạn nên dành chút thời gian cho việc cầu nguyện kéo dài, chúng ta coi đó như một kỳ tĩnh tâm. Một trong các cách tĩnh tâm hiệu quả nhất là các cuộc tĩnh tâm theo Thánh Inhaxiô. Nó có thể kéo dài cả tháng, hoặc tám ngày, và thậm chí một kỳ tĩnh tâm cuối tuần, có thể là vô cùng quý giá.

Thấy các tông đồ bận rộn công việc, Chúa Giêsu khuyên họ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6:31) Sự nghỉ ngơi mà Chúa Giêsu đề cập được hiểu là lời kêu gọi tĩnh tâm. Hãy nhìn vào lịch của bạn trong năm và dành ra một chút thời gian. Thời gian cầu nguyện kéo dài sẽ cho phép bạn cầu nguyện có chiều sâu hơn.

9. XƯNG TỘI VÀ CẦU NGUYỆN

Đôi khi việc cầu nguyện rất khó khăn do lương tâm dơ bẩn. Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt. 5:8) Sau khi xưng tội, Máu Thánh Chúa Giêsu rửa sạch tâm hồn và lương tâm của chúng ta. Khi đó, con mắt của linh hồn có thể nhìn và chiêm ngưỡng khuôn mặt của Thiên Chúa rõ ràng hơn.

10. ĐỨC MẸ VÀ CẦU NGUYỆN

Chúng ta đã đề cập đến tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần đối với chúng ta với tư cách là Thầy Nội Tâm. Chúng ta cũng nên luôn cầu xin Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta và cầu nguyện với chúng ta mỗi khi chúng ta dành thời gian và nỗ lực cho việc cầu nguyện. Đức Mẹ sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu tại Cana qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, vì vậy, Mẹ có thể giúp biến lời cầu nguyện vô vị và chán ngắt của chúng ta thành rượu ngọt của lòng sùng kính. Không ai cầu xin Đức Mẹ mà phải về tay không. Hãy kêu xin Đức Mẹ!

LM EB BROOM, OMV


Ngày 20-01-2022

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*