Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

VỮNG TIN VÀO CHÚA VÀ SỐNG TÌNH YÊU THƯƠNG

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXIII TN B:
Covid, thất nghiệp, túng thiếu là một chuỗi tai họa đi liền với nhau và gây nên bao lo âu, căng thẳng và khủng hoảng cho nhiều người. Cách đây hơn một năm, khi Covid chưa bùng phát mạnh tại Việt Nam, nhiều người đã quá lạc quan cho rằng: Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thắng Covid. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ tư bùng phát, các biện pháp cách ly, truy vết dường như cũng không đủ để khoanh vùng dập dịch, người ta đã phải nghĩ đến biện pháp chích ngừa diện rộng mới mong tránh khỏi đại dịch này. Tuy nhiên, khi đã bắt đầu có những đợt chích ngừa, thì vẫn có rất nhiều người ngần ngại chưa dám chích vì lo sợ các phản ứng phụ của thuốc. Tất cả những áp lực này đang đè nặng trên con người khiến cho nhiều người dường như bế tắc không chịu nổi.
Hôm nay suy gẫm ba bài đọc của Chúa nhật XXIII, mỗi bài đọc gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ khác nhau và cho ta những hướng dẫn cho hoàn cảnh hiện tại hôm nay.
Bài đọc một là một lời động viên khích lệ đến từ Thiên Chúa dành cho dân Do Thái và cho chúng ta hôm nay: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi.” Lời này được gửi đến dân Do Thái lúc đó như một lời có sức mạnh giải tỏa những căng thẳng, nâng đỡ cho những tâm hồn chán nản thất vọng, vì họ đang phải trải qua thời kỳ tăm tối nhất trong lịch sử. Lúc đó, dân Do Thái đang bị lưu đầy tại Babylon, niềm hy vọng trở về quê hương dường như xa vời mờ nhạt. Trong thực tế, họ đang bị đàn áp đánh đập và làm việc khổ sở về thể xác; về tinh thần họ rơi vào tuyệt vọng. Việc tế tự thờ phượng Thiên Chúa như ngày còn ở quê nhà, nay không còn, không còn các ngày lễ nghỉ dành cho Thiên Chúa nữa. Dân Israel thất vọng nghĩ nghĩ rằng: Chúa đã bỏ rơi Israel rồi.
Giữa hoàn cảnh bi đát ấy, lời của Isaia như một ngọn lửa làm bùng lên niềm hy vọng, như một lời an ủi khích lệ và gia tăng nghị lực cho Israel. Vị tiên tri nói với họ: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi. Sắp tới ngày Thiên Chúa báo phục, Thiên Chúa sẽ thưởng công phạt tội. Chính Ngài sẽ cứu anh em, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.”
Lời Chúa nói với dân Do Thái cũng là Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay, những người đang bị đau khổ, đe dọa và thất vọng chán nản, sợ hãi vì Covid. Con virus nhỏ bé này không chỉ gieo sợ hãi chết chóc khắp mọi nơi, nó còn khiến cho nhiều người mất công ăn việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến bữa cơm hằng ngày của gia đình. Chứng kiến sự chết chóc tràn từ Châu Âu qua Châu Á, từ những nước phương tây đến những quốc gia bên cạnh và ngay tại đất nước mình, nhiều người cũng bị ngã lòng cậy trông nơi Chúa. Họ chất vấn Thiên Chúa rằng: Có Thiên Chúa không? Thiên Chúa ở đâu khi đại dịch đang xảy ra? Thiên Chúa có tạo ra con virus này để gieo tai họa cho con người không? Thiên Chúa có nghe thấy những tiếng khóc than của bao người đau khổ vì bệnh, vì mất người thân không? Trong cái nhìn đức tin, Lời Chúa hôm nay cho thấy Thiên Chúa đã nghe thấu tiếng kêu cầu của chúng ta, Ngài không bỏ quên chúng ta: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi. Sắp tới ngày Thiên Chúa báo phục, Thiên Chúa sẽ thương công phạt tội. Chính Ngài sẽ cứu anh em.”
Bài đọc hai thánh Giacôbê khuyên dạy các tín hữu: Đừng phân biệt đối xử với nhau vì chúng ta là con cùng một Chúa, mỗi người đều được yêu thương và cần tình yêu thương từ những người chung quanh. Thánh Giacôbê nhắc điều này vì đang xảy ra trong cộng đoàn việc các tín hữu đã phân biệt đối xử, họ trọng người giàu và khinh người nghèo. Những người giàu có đeo nhiều vòng vàng, dây bạc thì được kính trọng, còn những người nghèo thì bị hắt hủi loại trừ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo: Căn bệnh nghiêm trọng và nguy hiểm hơn Covid trong thời đại ngày nay đó là thiếu vắng tình yêu thương. Căn bệnh này đang hủy hoại tâm hồn của nhiều người và còn hủy hoại tình anh em huynh đệ trong gia đình và cộng đoàn. Ngày nay, do sợ hãi Covid, nhiều người tránh né những người bị bệnh, coi họ như những kẻ gieo chết chóc. Có nhiều người sẵn sàng nguyền rủa những ca F0, F1 đi đây đi đó nhiều nơi khiến virus lan tràn. Họ cũng không tiếc lời mạt sát nhóm tín hữu Phục Hưng không may bị nhiễm bệnh như bao người khác. Không chỉ những người nhiễm bệnh bị đưa đi cách ly nhưng còn có nhiều người đang ở bên cạnh nhưng bị chúng ta phong tỏa và loại trừ họ khỏi tâm hồn khi ta sống dửng dưng thiếu cảm thông.
Bài Tin Mừng thuật lại câu chuyện người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người bị câm điếc. Chúa đưa anh ta riêng ra một chỗ, đặt ngón tay vào lỗ tai, bôi nước miếng vào lưỡi. Chúa ngước mắt lên trời và nói: “Hãy mở ra.” Tức thì, tai anh mở ra có thể nghe được và miệng anh có thể nói được.
Căn bệnh câm điếc thể lý khiến cho người bệnh bị giới hạn trong các tương quan giao tiếp cũng như trong việc thể hiện, diễn đạt suy nghĩ của mình. Tuy không bị khiếm thính, nhưng nhiều người ngày nay cũng đang bị câm điếc trong đời sống đức tin và trong tương quan với mọi người. Con người có thể bị điếc trong tâm hồn, khi cố tình khống muốn lắng nghe, không muốn thấu hiểu người khác. Nhiều người lấy lý do bận rộn công việc đến độ không còn giờ cho nhau, để lắng nghe nhau. Nhiều vợ chồng, cha mẹ không đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau, thấu hiểu cho vợ, chồng, con cái mình. Nhiều người đã cố tình bị điếc, bỏ ngoài tai những lời góp ý, chỉ bảo của người khác. Con người cũng có thể bị câm trong tâm hồn khi làm ngơ, im lặng trước điều sai trái của con cái. Nhiều người khác vì lý do nào đó chấp nhận câm lặng trước những sai trái bất công trong cuộc sống và xã hội.
Do nhiều yếu tố xã hội, gia đình, cá nhân đã khiến cho nhiều bạn trẻ trở nên câm điếc trong đời sống, thể hiện qua tình trạng trầm cảm, tự kỷ. Nhiều bạn thu mình vào trong một lớp vỏ bọc rất kín, rất dày trong thế giới riêng mà cha mẹ không thể tiếp xúc chuyện trò, cũng không thể hiểu được họ đang nghĩ gì, đang muốn gì. Nhiều bạn trẻ sống trong gia đình nhưng như người câm điếc, sống như người xa lạ, ngậm miệng bịt tai trước sự quan tâm, thăm hỏi của cha mẹ và những người chung quanh. Có nhiều bạn sống trong một thế giới riêng hoàn toàn bí ẩn, lạnh lùng đến vô cảm đối với mọi người.
Nhưng nguy hiểm hơn đó là sự câm điếc trong đời sống đức tin. Nhiều người trong chúng ta đã biến đời sống đạo của mình giống như người câm, không cầu nguyện, không chuyện trò tâm sự với Chúa. Nhiều người đã để mình bị điếc vì không muốn nghe Lời Chúa. Biến mình trở nên câm điếc chai lỳ trước những lời nhắc bảo, mời gọi của Chúa và Giáo Hội. Nhiều người khác bị câm điếc trước những nhu cầu những đau khổ của anh chị em, làm ngơ trước những lời kêu cứu của họ.
Chỉ có Chúa mới có thể chữa lành tình trạng câm điếc cả thể xác và tâm hồn như thế. Xin Chúa đặt tay của Ngài vào tai ta, làm cho ta có thể nghe được tiếng Chúa và tiếng nói của anh em. Chúng ta cũng cầu xin Chúa chạm vào lưỡi ta, gỡ khỏi môi miệng ta những điều xấu xa để ta có thể cầu nguyện thân thưa với Chúa như con cái thưa chuyện với cha mẹ và để ta cũng có thể nói những lời yêu thương chân thành.
Trong hoàn cảnh đại dịch đang đe dọa, chúng ta xin Chúa cho chúng ta luôn vững tin vào quyền năng của Chúa, luôn nhận ra sự hiện diện yêu thương và sự quan phòng của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi thất vọng, nhưng luôn tin vào sự hiên diện bênh đỡ của Chúa và nghe được lời Chúa nhắn bảo: “Can đảm lên đừng sợ.”
Trong hoàn cảnh xã hội đầy những nghi kỵ phân biệt đối xử, xin cho chúng ta biết quảng đại đón nhận nhau như Chúa đã đón nhận ta. Xin cho chúng ta biết nhìn nhau bằng cái nhìn yêu thương tôn trọng và nâng đỡ nhau cùng nhau tiến bước trên hành trình tiến về nhà Chúa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*