Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

VẤN ĐỀ CHAY TỊNH

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ JesusWalk.com)

▶ Dấu Lệ Sầu [Tv 51] – https://youtu.be/z3Eqc7oKtok

Trình thuật Mt 6:1-8, 16-18 cho chúng ta biết bí quyết cầu nguyện, bác ái, và ăn chay. Nên làm gì và tránh điều gì?

1. QUAN TÂM NGƯỜI NGHÈO TRONG DO THÁI GIÁO

Trong Phúc Âm Thánh Mátthêu, chương 6, Chúa Giêsu hướng về lòng đạo đức chân chính. Để hiểu điều này, trước tiên chúng ta cần ý thức sâu sắc về bổn phận đối với người nghèo đã ăn sâu trong Do Thái giáo. Luật pháp quy định rằng người ta không nên thu hoạch trọn vẹn cánh đồng, nhưng để những góc không thu hoạch và để lại đủ cho người nghèo đi mót lượm. (Lv 19:9; 23:22) Chẳng hạn, bà Rút và bà Naomi là những góa phụ có thể sinh tồn bằng cách đó.

Hơn nữa, lòng tốt đối với người nghèo được coi là một nghĩa vụ tôn giáo. Kinh Thánh cho biết: Khinh rẻ tha nhân thì mắc tội, nhưng xót thương kẻ nghèo là có phúc. (Cn 14:20-21) Áp bức người yếu thế là sỉ nhục Đấng tạo thành nên họ, thương xót kẻ khó nghèo là tôn kính Đấng dựng nên người đó. (Cn 14:31) Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm. (Cn 19:17)

Kinh Thánh đề cập Thiên Chúa bảo vệ người góa bụa và kẻ mồ côi: “Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ, giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.” (Tv 72:12-14) Kinh Thánh nói: “Khốn thay kẻ xây nhà xây cửa mà không đếm xỉa đến lẽ công bình. Khốn thay kẻ xây lầu son gác tía mà chẳng màng chi đến điều chính trực. Khốn thay kẻ bắt anh em mình làm lụng vất vả mà không tính công sá, không trả thù lao.” (Gr 22:13)

Đó lời nguyền rủa ông Giơ-hô-gia-kim, nhưng phúc thay vì ông “đã thực thi lẽ công bình, đã làm điều chính trực; chính vì vậy mà mọi sự nên xuôi xắn cho ông. Ông đã phân xử công minh cho kẻ nghèo hèn túng thiếu, cũng vì vậy mà mọi sự nên xuôi xắn cho ông.” (Gr 22:15-16) Trong dụ ngôn Chiên và Dê, Chúa Giêsu nói về sự phán xét đời đời liên quan cách đối xử với người đau khổ và người nghèo hèn. (Mt 25:31-46)

Theo học giả George Foot Moore, ĐH Harvard, việc chăm sóc người nghèo được coi là một nghĩa vụ quan trọng. Nếu ai đó có khả năng đó thì nên cung cấp đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế của người nghèo. Đôi khi giúp người nghèo một số tiền, có thể như một khoản vay, thế nên Chúa Giêsu nói: “Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5:42) Nghĩa vụ đầu tiên của một người là hỗ trợ các thành viên phụ thuộc trong gia đình mình, sau đó là giải tỏa nhu cầu cần thiết của người thân và những người khác.

Tuy nhiên, bố thí cho người nghèo không chỉ mang tính cá nhân và trực tiếp. Cuối thế kỷ I sau Công Nguyên, nhiều cộng đồng Do Thái đã làm một thùng cộng đồng để chăm sóc người nghèo. Tại mỗi thị trấn, mỗi thứ Sáu hàng tuần, có hai người đi quyên tiền giúp người nghèo, và ba người khác đi phát cho người nghèo, đủ để người nghèo sống trong tuần.

Mặc dù tham nhũng, sai lầm và kém hiệu quả như các hệ thống phúc lợi hiện đại của chúng ta, nhưng vẫn được đặt trên nền tảng công bình và tốt lành là chăm sóc người nghèo. Tuy nhiên, cộng đồng cần quan tâm người nghèo, nghĩa vụ đó phải bắt nguồn từ Thiên Chúa. Mặc dù trách nhiệm này được thực hiện bởi các nhà thờ, các tổ chức từ thiện, chính phủ, hoặc kết hợp với nhau, Kinh Thánh không quy định nhiều như sự thận trọng. Tất cả chúng ta đều muốn cung cấp nhu cầu thực tế mà không làm cho nhu cầu từ thiện kéo dài mãi về sau.

2. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO

Chúa Giêsu dạy phải giúp đỡ người nghèo. Hãy lưu ý rằng Ngài ban cho chúng ta để giúp người nghèo. Điều Ngài quan tâm là động lực và thái độ của người bố thí. Không có tình yêu thực sự thì sẽ không có phần thưởng. Điều đáng quan ngại là thái độ mà nhiều Kitô hữu đối xử với người nghèo.

Trước tiên, tôi cảm thấy một thái độ vượt trội. Chúng ta thường cho rằng người ta nghèo là lỗi của chính họ. Dĩ nhiên, điều đó đúng trong một số trường hợp. Sự lười biếng, vô trách nhiệm, cờ bạc, rượu chè và ma túy đều gây ra những hậu quả to lớn. Nhưng đôi khi sự đau thương ở Việt Nam, Iraq, hoặc những nơi khác, đã dẫn đến lối sống nghiện ngập và trốn chạy. Rất nhiều người nghèo chịu nghèo vì hoàn cảnh hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của họ. Sự ly hôn đã tàn phá các gia đình, các đơn vị mong manh mà xã hội của chúng ta phụ thuộc. Sau khi ly hôn ở Mỹ, người đàn ông thường tăng mức sống, nhưng thường khiến vợ con nghèo khổ. Nhiều người nghèo đến từ những gia đình tan vỡ đã không truyền cho họ kỷ luật và cách đào tạo cần thiết để có và duy trì công việc. Đau ốm, thương tật và bệnh tâm thần khiến nhiều người nghèo đói. Sự sa thải và thay đổi người lao động sang các nước có chi phí thấp hơn đã khiến người khác bị tê liệt.

Thứ nhất, bằng cách nào đó chúng ta cảm thấy trổi vượt hơn. Chúng ta phải học cách coi người nghèo như anh chị em của mình. Chúa Giêsu dạy chúng ta coi người nghèo như chính mình. Ngài nói rằng cách chúng ta chăm sóc người nghèo và người đau khổ là cách chúng ta quan tâm đến Ngài. (x. Mt 25:31-46, phán xét chung) Xin Chúa kết án chúng ta về thái độ kẻ cả, bề trên. Có thể có những lúc chính chúng ta cũng nghèo khổ. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta yêu thương và sống tình huynh đệ với người nghèo.

Thứ hai, thái độ trổi vượt này có thể dẫn đến sự oán giận. Chúng ta chỉ phẫn nộ với việc lạm dụng rộng rãi hệ thống phúc lợi. Có rất nhiều điều sai trái chúng ta cần phải sửa cho đúng. Những người bảo thủ chính trị đôi khi phải vật lộn với sự phát triển của cái mà họ coi là “chính phủ lớn” và “nhà nước phúc lợi.” Cho dù chính trị của chúng ta có khuynh hướng gì thì chúng ta vẫn phải tự bảo vệ mình để sự phẫn nộ chính trị của chúng ta không lây lan sang người nghèo.

Thứ ba, sự oán giận của chúng ta có thể đến từ lòng tham. Không ai trong chúng ta muốn nộp thuế quá nhiều. Bằng cách nào đó, nếu phúc lợi được bản địa hóa và tách biệt khỏi các loại thuế chung, chúng ta có thể cống hiến chính mình nhiều hơn với một trái tim thuần khiết hơn. Nhưng chúng ta đừng để lòng tham khiến chúng ta từ bỏ nghĩa vụ của tín nhân là chăm sóc người nghèo.

3. CỘI RỄ KIÊU NGẠO

Khi Chúa Giêsu bắt đầu thảo luận về những biểu hiện của lòng đạo đức vào thời của Ngài, Ngài đã chú ý vấn đề chính của đời sống tâm linh: xu hướng thường xuyên đi vào đầu óc chúng ta và biến thành tính tôn giáo rỗng tuếch: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt 6:1)

Cụm từ tiếp theo là “phô trương cho thiên hạ thấy.” Chúng ta đã sống bao nhiêu phần đời để “được thiên hạ nhìn thấy” chứ? Chúng ta ăn mặc để gây ấn tượng, thu hút và lôi kéo. Chúng ta nói để vận dụng, được quý mến và tìm kiếm sự thăng tiến cho mình. Chúng ta làm việc rất chăm chỉ để tạo ấn tượng với thế giới bên ngoài, chúng ta chỉ trích những người Pharisêu nhưng chúng ta cũng làm như họ.

4. CHÚA CHA BIẾT HẾT

Chúa Giêsu cho các môn đệ biết rằng bà góa dâng hai đồng nhỏ nhưng nhiều hơn tất cả những người giàu: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12:43-44) Bà ấy được Chúa Cha nhìn thấy vì Ngài vẫn quan sát.

Một hôm Chúa Giêsu kể một dụ ngôn để nhấn mạnh điểm này: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:10-14)

Người Pharisêu cầu nguyện trong niềm kiêu hãnh, còn người thu thuế cầu nguyện trong sự khiêm nhường, và họ được Chúa Cha nghe thấy.

Là Kitô hữu, chúng ta phải sống từng giờ, từng ngày cho Thiên Chúa. Khi chúng ta cho đi là chúng ta dâng lên Chúa tình yêu thương. Khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta tôn thờ Ngài. Khi chúng ta ăn chay là để đến gần Ngài hơn. Chắc chắn đó là tinh thần của câu này: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6:3-4)

Chúng ta không có ý gây ấn tượng với người khác, nhưng để cho Chúa Cha biết. Đối với Thiên Chúa, điều quan trọng là chúng ta sống tâm linh không nhằm gây ấn tượng đối với người khác. Điều đó rất quan trọng đối với Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta sống chỉ vì Ngài, muốn chúng ta có một trái tim thuần khiết và duy nhất.

5. KHOE KHOANG BÁC ÁI

Khác nhau như thế nào đối với một tôn giáo thể hiện lòng sùng kính? Thời Chúa Giêsu, một số người Pharisêu đã bố thí để “được người ta tôn vinh.” Khi đọc các tác phẩm của Do Thái giáo, chúng ta biết rằng đó không phải là vấn đề chính của nhóm Pharisêu. Đó là sự lầm lạc, nhưng sự đạo đức giả vẫn tồn tại bất kỳ lúc nào.

Điều đó cũng có thể tồn tại trong thời đại của chúng ta. Tôi kinh hoàng trước một số phương pháp gây quỹ được sử dụng nhân danh Chúa Kitô mà ít quan tâm đến giáo huấn của Kinh Thánh: Ghi tên của một người lên tấm bảng trưng bày công khai nếu họ có mức độ nhất định nào đó, và công khai cho mọi người biết một số tiền mà họ tặng.

Tôi chắc rằng bạn có thể đặt tên cho những thứ khác thuộc loại này. Bất cứ điều gì thu hút sự cám dỗ của một người để tự đề cao bản thân họ đều là động lực kém cỏi trong việc dâng cúng của Kitô hữu.

6. CÁM DỖ HOÀN VŨ

Vấn đề gốc rễ là nhu cầu yêu thương. Kiêu ngạo có cử điệu riêng: “Này, nhìn tôi đây. Tôi muốn bạn chú ý. Tôi cần sự chấp thuận của bạn.” Sự kiêu hãnh thực sự đến từ sự yếu đuối và bất an nội tại, nhu cầu yêu thương chưa được đáp ứng.

Khi tôi nhìn vào nhược điểm (điểm yếu) của mình, thói kiêu hãnh là một nhược điểm. Điều tôi học được là Thiên Chúa muốn lấp đầy nhu cầu yêu thương và chấp nhận của tôi bằng chính tình yêu của Ngài, làm tràn ngập trong tôi bằng tình yêu và sự chấp nhận từ chính con người tôi. Khi tôi kêu gọi để nhận được tình yêu thương từ người khác, tôi thực sự cần phải ra đi với Chúa – một cách bí mật – và giao tiếp với Ngài, do đó tôi nhận được sự bảo đảm và phần yêu thương mà tôi cần.

Thật thú vị khi việc chữa trị chứng kiêu hãnh trước công chúng là thời gian bí mật đến với Chúa Cha. Nếu chúng ta bí mật trao cho Ngài thì Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta lời chúc phúc vô hạn trong bí mật, để chúng ta có thể tự do trao cho người khác mà không cần nhận lại lời khen ngợi hay lời cảm ơn.

Khi chữa tận gốc rễ, Ngài cũng muốn chữa cành cây. Ngài bảo chúng ta phải hết lòng yêu mến Thiên Chúa, và yêu người lân cận như chính mình. Thay vì nhìn vào bên trong để thỏa mãn chính mình, cách chữa trị là hướng tới Thiên Chúa và tha nhân, đồng thời cũng dành tình yêu thương cho họ.

Cuối cùng, tình yêu thương là câu trả lời. Đón nhận tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn, rồi phản ánh và trao lại cho người khác – đó là sống trong tình yêu. Thuần khiết. Đơn giản. Bí mật. Đó là cách chúng ta thực hiện “hành vi công bình” của mình.

7. CẦU NGUYỆN KÍN ĐÁO

Khi bắt đầu Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đưa ra nguyên tắc: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em PHẢI COI CHỪNG, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt 6:1)

Phần thứ nhất là cách chúng ta cung cấp cho người nghèo. Phần thứ hai liên quan cách chúng ta cầu nguyện, ở đâu, và lý do chúng ta cầu nguyện, còn phần thứ ba là cách chúng ta kiêng ăn: “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.” (Mt 6:5)

Vào thời Chúa Giêsu, một số người có đạo, có lẽ thuộc nhóm Pharisêu, rất tự hào về lòng đạo đức của mình. Họ cầu nguyện nơi công cộng để mọi người thấy họ đạo đức như thế nào – để “được người ta nhìn thấy.”

Chúa Giêsu không phản đối việc cầu nguyện công khai. Chính Ngài thường cầu nguyện nơi công cộng. Nhưng Ngài lập luận rằng việc cầu nguyện nơi công cộng để được người khác khen là đạo đức thì đó là hành động xúc phạm. Phần thưởng cho những lời cầu nguyện mang tính vụ lợi như vậy chỉ đơn thuần là những tràng vỗ tay của người khác. Bất kỳ phần thưởng nào từ Chúa đều bị mất. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6:6)

Vấn đề ở đây là bí mật. Chúng ta không chỉ lui vào một nơi riêng tư, mà còn phải đóng cửa lại, để không bị cám dỗ gây ấn tượng với bất cứ ai bởi lòng đạo đức của mình. Chắc chắn Thiên Chúa có thể nghe thấy lời cầu nguyện của chúng ta ở những nơi đông người và những cánh đồng rộng lớn, nhưng để đối phó với niềm kiêu hãnh tôn giáo quá thịnh hành vào thời của Ngài (và thời chúng ta), Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự riêng tư khi cầu nguyện.

Ai đó nói rằng người đó đang làm điều tương tự dù cho có người thấy hay không. Đó cũng là phong vũ biểu tốt cho đời sống cầu nguyện của chúng ta. Có một yếu tố luôn có thể làm trì trệ hoặc tăng tốc đáng kể – lòng sùng kính riêng tư: cầu nguyện, suy niệm, đọc Kinh Thánh, và những việc tương tự. Những người dành thời gian ở một mình với Chúa thì sẽ lớn lên, những người không như vậy thì sẽ trì trệ.

Vì vậy, Chúa Giêsu không chỉ nói về niềm kiêu hãnh, Ngài đưa ra gợi ý thiết thực về việc cầu nguyện. Hãy cầu nguyện riêng tư vì lợi ích của Thiên Chúa như một hành động của người môn đệ.

8. CHỚ CÓ LẢI NHẢI

Khác với các ví dụ về việc bố thí (Mt 6:2-4) và ăn chay, (Mt 6:16-18) Chúa Giêsu khuếch đại giáo huấn của Ngài về cầu nguyện. Ngài nói: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6:7-8)

Điều này đặt ra vấn đề: Ngài nói đến kiểu lải nhải nào? Từ Hy Lạp là polulogia, có nghĩa là “lời nói tẻ nhạt, nói nhiều, dài dòng, lòng vòng.” Chính Chúa Giêsu đã lặp lại cùng một lời cầu nguyện ba lần trong Vườn Ghết-sê-ma-ni. (Mt 26:44) Nhưng Chúa Giêsu muốn nói rằng đừng nghĩ tài hùng biện hay sự nói nhiều là cần thiết để giao tiếp với Thiên Chúa. Vì vậy, nhiều khi người ta do dự khi cầu nguyện nơi công cộng bởi vì họ nói: “Tôi không biết dùng những từ thích hợp để cầu nguyện.”

Có lẽ ví dụ so sánh tốt nhất về sự cầu nguyện trong Kinh Thánh là chuyện người Pharisêu và người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện. (Lc 18:10-14) Theo bản dịch Việt ngữ, người Pharisêu cầu nguyện với 44 chữ, còn người thu thuế cầu nguyện với 11 chữ. Thiên Chúa đã nghe lời cầu nguyện ngắn vì lời đó được dâng lên Ngài một cách chân thành chứ không phải vì kiêu căng, khoe mẽ.

9. LỜI CẦU NGUYỆN CHUNG

Một cụm từ trong giáo huấn của Chúa Giêsu đặc biệt đáng quan ngại: “Vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6:8b) Cấu đó đặt ra một câu hỏi rất quan trọng: Tại sao chúng ta nên cầu nguyện? Nếu Thiên Chúa biết nhu cầu của chúng ta trước khi chúng ta cầu xin Ngài thì Ngài biết chúng ta sẽ nói gì với Ngài khi chúng ta cầu nguyện. Vậy tại sao phải bận tâm? Tại sao lại gặp khó khăn trong việc diễn đạt lời cầu nguyện của chúng ta thành lời trước mặt Thiên Chúa?

Một câu trả lời phổ biến là chúng ta cầu nguyện nhiều vì lợi ích của chúng ta hơn là của Chúa. Nó không chỉ phù hợp với quan điểm tâm lý phổ biến về đời sống đạo đức trong thời đại của chúng ta, mà còn được hỗ trợ bởi một số thần học gia.

Cầu nguyện là giao tiếp với Thiên Chúa, nhưng không phải là “nghĩ điều tốt” như một số người đặt ra và nói: “Hãy giữ ý nghĩ tốt đối với tôi.” Cứ như là sức mạnh tích cực của ý nghĩ tốt là bản chất của lời cầu nguyện vậy.

Cầu nguyện là giao tiếp với Chúa, điều đó hình thành ý nghĩ của chúng ta đối với Ngài. Quan trọng hơn, điều đó thu hút Ngài vào cuộc trò chuyện. Chúa Giêsu muốn chúng ta học cách giao tiếp với Thiên Chúa. Vì vậy, Ngài dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha, (Mt 6:9-15) lời cầu nguyện kiểu mẫu cho tất cả chúng ta.

10. ĂN CHAY

Chúa Giêsu nhắc nhở: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6:16-18)

Chúa Giêsu kết thúc cuộc thảo luận về lòng đạo theo cách nhìn của Thiên Chúa, đó chỉ là một phần về việc ăn chay. Chúng ta không chắc rằng người ta nhìn thấy chúng ta đau khổ và nghĩ rằng chúng ta ngoan đạo như thế nào. Hơn nữa, chúng ta phải đối mặt với thế giới được chuẩn bị để việc ăn chay của chúng ta không lộ liễu. Ăn chay là việc đối với Chúa, không đối với loài người.

Lưu ý rằng Chúa Giêsu không nói rằng “Nếu bạn ăn chay…” mà nói “Khi bạn ăn chay…” Mặc dù Ngài và các môn đệ không ăn chay như kỷ luật của một nhóm người, (Mt 9:14-15) Chính Chúa Giêsu đã ăn chay ròng rã 40 ngày để chuẩn bị cho sứ vụ của Ngài, (Mt 4:2) và Ngài ngụ ý rằng các môn đệ sẽ ăn chay sau khi Ngài ra đi. (Mt 9:15)

Mặc dù đây không phải là nơi để thảo luận kỹ lưỡng về việc ăn chay, nhưng điều quan trọng là phải xác định lý do chúng ta ăn chay. Không phải là đình công tuyệt thực để buộc Chúa phải làm điều gì đó. Như thế là ngu ngốc. Mục đích của việc ăn chay không phải để giảm cân hay thanh lọc cơ thể. Ăn chay là để thanh tẩy tâm hồn của người có đức tin, dành thời gian tập trung vào Thiên Chúa, học cách khước từ thân xác để phát triển tâm linh. Ăn chay là để ăn năn, để thanh tẩy, giúp chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với Thiên Chúa. Ăn chay là kỷ luật được thiết lập để giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn.

Trong tất cả những việc làm của chúng ta về sự công bình và lòng đạo đức, chúng ta nên mong đợi tìm thấy những điều này ở người thành tín, chúng ta phải cẩn thận làm những việc này vì động lực phù hợp, vì Đấng Tối Cao, chứ không phải vì sự tung hô của người khác. Sự tôn thờ dành cho Thiên Chúa, và chỉ dành cho một mình Ngài mà thôi.

Lạy Thiên Chúa, chúng con thường hành động vì tư lợi mà không vì công ích, vì người khác. Xin Ngài tha thứ chúng con. Xin Ngài làm cho những lời cầu, sự cho đi và sự tôn thờ của chúng con chỉ dành cho Ngài thôi. Chúng con tìm cách làm vui lòng Ngài, đó là lòng thành của chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ JesusWalk.com)

Mùa Chay Thánh – 2021

▶ Dấu Lệ Sầu [Tv 51] – https://youtu.be/z3Eqc7oKtok

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*