Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TỬ ĐẠO LÀ SỐNG TRUNG THÀNH VỚI CHÚA VÀ GIÁO HỘI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 2020:

Thông thường trong Giáo Hội, những lễ mừng các thánh, linh mục chủ tế mặc áo trắng; lễ các thánh tử đạo, các linh mục mặc áo đỏ; các Thánh Lễ An Táng, cha chủ tế thường mặc lễ phục tím. Nhưng người ta thấy có điều bất thường xảy ra trong đám tang của mẹ Teresa Calcutta tại Ấn Độ. Các giám mục và các linh mục đều mặc lễ phục trắng. Điều đó như muốn nói lên đời sống thánh thiện và bác ái phục vụ của mẹ được Giáo Hội nhìn nhận như một vị thánh ngay khi còn sống. Nhưng đặc biệt hơn nữa, trong ngày lễ An Táng của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Đức Giáo Hoàng, các Hồng Y, các Giám Mục, các Linh mục đều mặc lễ phục màu đỏ. Qua sự kiện này, Giáo Hội nhìn nhận nơi Đức Hồng Y Thuận gương sống chứng nhân một cách kiên trì như các vị tử đạo.
Như vậy tử vì đạo không có nghĩa là cứ phải chịu tử hình hoặc phải đổ máu vì đức tin, nhưng tử đạo ngày nay còn có nghĩa là kiên trì sống đức tin và kiên trì sống tình yêu thương tha thứ cách can trường, anh hùng. Đức Hồng Y Phanxicô nay được Giáo Hội gọi là Đấng Đáng Kính. Ngài không hề chết vì đạo. Ngài đã trải qua hơn 11 năm tù đày vì đức tin và vì sứ vụ, trong đó có chín năm chịu biệt giam trong xà lim. Khi ra tù, Đức Hồng Y không hề oán hận hay có bất cứ thái độ nào tỏ vẻ bực bội hay căm thù, nhưng Ngài vẫn một lòng yêu thương tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ làm khổ Ngài. Vì gương sống kiên trì với đức tin và sứ vụ trong lao tù và sống quảng đại tha thứ, Giáo Hội đã nhìn nhận Ngài như một Đấng Đáng Kính – Tôi tớ Chúa trong tiến trình tôn phong hiển thánh cho Ngài.
Cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng lễ Các thánh Tử đạo Việt Nam là tổ tiên cha ông của chúng ta. Giáo Hội không muốn chúng ta dừng lại ở cái chết của các Ngài, nhưng muốn chúng ta suy gẫm về sự kiên trung của các Ngài với Chúa và với Giáo Hội. Chính vì sự kiên trung này, các Ngài chấp nhận tù đầy, roi đòn, cực hình và sau cùng là chấp nhận đổ máu mình để minh chứng về sự tín trung với Chúa.
Sự kiên trung của các vị tử đạo được thể hiện trước tiên qua việc trung thành với Chúa. Các vị Tử đạo Việt Nam, có thể bị bắt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, bị quy kết về nhiều tội khác nhau, nhưng khi bị kết án tử đều có chung một bản án là: Theo đạo Giatô, bất khẳng quá khoá. (Theo đạo Kitô, không chịu bước qua thập giá). Những người không có thiện cảm với đạo thì cho rằng, các vị tử đạo Việt Nam là những người cộng tác với Tây, bị bắt và xử tử vì phản bội tổ quốc. Đó chỉ là những lời vu khống, xuyên tạc. Vì tất cả các bản án tử nhà vua ban ra đều nói rằng các Ngài là những người theo Giatô, tà đạo, bất khẳng quá khoá. Điều đó cho thấy rằng, các vị tử đạo cha ông của chúng ta chết là vì trung thành với Chúa. Vì niềm tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu, các Ngài đã chấp nhận biết bao nhiêu roi đòn, cực hình và cuối cùng là chấp nhận cái chết để thể hiện lòng trung thành và sự xác tín của các Ngài vào Chúa Giêsu.
Các Vị Tử đạo đã chọn trung thành với Giáo Hội, không màng công danh bổng lộc trần gian. Giáo Hội Việt Nam lúc đó còn rất non trẻ, do những cơn bách hại khốc liệt, các tín hữu phải tản mác khắp nơi, các chủ chăn bị trục xuất hoặc bị truy lùng ráo riết. Dầu vậy, đi đến đâu người tín hữu cũng cố gắng để gắn bó với nhau, cùng nhau sống đức tin cách đơn sơ qua đời sống tương thân tương ái với nhau và với anh chị em lương dân. Khi bắt bớ, các quan đã dùng vàng bạc và bổng lộc, địa vị để chiêu dụ các Ngài phản bội lại Chúa và Giáo Hội, nhưng các Ngài một mực từ chối tất cả. Các quan quân vu khống cho các Ngài là những kẻ phản bội tổ quốc, các Ngài đã dõng dạc tuyên bố rằng: Chúng tôi vâng theo lệnh vua, chúng tôi tuân giữ luật nước, nhưng chúng tôi cũng phải tuân giữ luật của Chúa Trời.
Sự kiên trung với Chúa, với Giáo Hội được thể hiện qua việc trung thành với sứ vụ của mình. Đọc lại tiểu sử của các vị tử đạo là giám mục, linh mục tu sĩ hay giáo dân, chúng ta thấy nét nổi bật nơi các ngài là trung thành chu toàn nhiệm vụ của mình. Là linh mục hay giám mục, các vị đã vượt qua sợ hãi, đương đầu với nguy hiểm mất mạng, để chăm lo đời sống đức tin cho các tín hữu. Có những linh mục luôn mang theo đồ lễ, để khi đến thăm nơi nào thì dâng lễ, an ủi giáo dân nơi đó. Khi bị lùng bắt, có những khi có thể trốn tránh, nhưng vì sự an toàn cho các tín hữu, các ngài chấp nhận bị bắt để cho giáo dân được an toàn. Thánh Giuse Đặng Đình Viên khi chạy trốn vào vườn mía, quân lính đuổi theo và bắt một em bé để tra khảo. Nghe thấy tiếng đứa bé khóc vì bị roi đòn, Ngài bước ra vào nói: Chính tôi là đạo trưởng Viên đây. Quân lính đã bắt ngài và tha cho đứa bé. Thánh Matthew Lê Văn Gẫm là một thương gia. Vì nhận nhiệm vụ đi đón Đức cha Lefèbreve Nghĩa từ cửa biển Cần Giờ vào Sài Gòn, ông vẫn trung thành với nhiệm vụ này dù biết rằng hết sức nguy hiểm đến tính mạng và gia đình. Ngài đã bị bắt và hy sinh vì sứ mạng này.
Các vị tử đạo mặc dù bị hành hạ tù đầy, nhưng các Ngài vẫn sống đúng giới luật của Chúa là yêu thương và tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. Ở trong tù các Ngài vui vẻ trò truyện với các lính canh, giảng về đạo Chúa cho những quân lính. Vì thế, cũng có nhiều binh lính tin theo Chúa và cũng dám hy sinh tính mạng vì niềm tin họ mới đón nhận. Ví dụ thánh Anre Trần Văn Trông người làng Kim Long – Huế. Khi bị đòn vọt hành hạ, các ngài bình thản đón nhận mà không một chút phản kháng. Thánh Anê Lê Thị Thành, một người mẹ của sáu người con. Bà đã can đảm đón nhận tù đầy và trong khi bị tù, bà vẫn dùng những lời đạo đức để khuyên nhủ các con, không khác gì người mẹ trong sách Macabe đã khuyên nhủ con cái của mình. Các con bà lấy làm xót xa khi thấy trên người, trên áo của mẹ còn dính đầy vết máu. Bà vui vẻ nói với các con: Đó là những bông hoa hồng Chúa tặng cho mẹ.
Thưa quý OBACE, ngày nay chúng ta không phải đổ máu vì đạo, nhưng chúng ta được mời gọi sống trung thành với Chúa và với Giáo hội. Điều này vẫn đang là một thử thách rất lớn cho nhiều người trong chúng ta. Chúng ta không bị gươm giáo, tù đầy chết chóc đe doạ, nhưng chúng ta bị sự đe doạ từ cuộc sống xã hội, những xu hướng chạy theo hưởng thụ, sức ép của cơm áo gạo tiền, của công danh sự nghiệp, khiến cho nhiều người đã ngã gục hoặc buông xuôi. Nhiều người khác không cưỡng lại được sự hấp dẫn của danh lợi, vật chất. Họ đã trở thành kẻ thất trung với Chúa, sống trái nghịch với Luật Chúa và Tin Mừng. Có nhiều người khác sẵn sàng bước qua thập giá và Tin Mừng của Chúa để đạt được một chút bổng lộc trước mắt.
Nhiều người ngày nay tuy không chối đạo, nhưng tỏ ra thờ ơ với Đức tin và Tin Mừng, sống dửng dưng trong đời sống đức tin, coi đời sống đạo chỉ là điều thứ yếu, không quan trọng. Vì thế, những người này rất ít lãnh nhận bí tích, không quan tâm đến việc tham dự các cử hành phụng vụ, và nếu có đến thì cũng giống như người đi công viên hoặc như người ngồi bấm điện thoại chờ đón con khi tan lớp. Chúng ta cũng còn bị thử thách trong việc trung thành với Giáo Hội. Nhiều người từ chối sự hướng dẫn của Giáo Hội, để sống theo xu hướng của đám đông, của xã hội, nhất là trong đời sống hôn nhân gia đình. Nhiều cha mẹ đã biến mình trở thành đao phủ khi ra tay sát hại những đứa con bé nhỏ trong dạ của mình. Nhiều người khác vì tự ái, vì ích kỷ hay một lý do nào đó đã tách lìa khỏi sự hiệp thông trong cộng đoàn, biến mình trở thành vật cản đường anh chị em khác.
Tử đạo ngày nay là trung thành sống và thực hành giới răn yêu thương của Chúa. Cuộc sống cạnh tranh trong xã hội, đang khiến cho nhiều người trở nên vô cảm với nhau, đánh mất sự nhạy bén của trái tim, đánh mất sự cảm thông, chạnh thương. Tình trạng này không chỉ diễn ra trong xã hội mà còn đang ảnh thương nhiều đến các gia đình, khiến cho nhiều người cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi ngay trong gia đình.
Xin Chúa qua lời bầu cử của các vị tử đạo Việt Nam, giúp chúng ta, dù là linh mục hay giáo dân, luôn trung thành với Chúa và Giáo Hội, sống chu toàn giới răn lề luật của Chúa và chu toàn tốt bổn phận của mình. Xin cho chúng ta mỗi ngày dám đổ mồ hôi, sức lực, thời giờ khả năng vì Chúa và vì anh em, để mỗi ngày sống là mỗi ngày chúng ta sống vì đạo, sống vì Chúa và vì anh em, trở nên nhân chứng cho Chúa trước mặt mọi người. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*