Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

GIA ĐÌNH và ĐẠO HIẾU

TRẦM THIÊN THU

Không ai lại không có gia đình, và gia đình luôn liên quan đạo hiếu. Kinh Thánh xác định: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc.” (Hc 3:3-4, 8 ) Đề cập việc hiếu thảo đối với người cha cũng có nghĩa là phải hiếu thảo đối với người mẹ.
Kinh Thánh nhắn nhủ rất rõ ràng: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.” (Hc 3:12- 14 ) Bổn phận và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ không có luật trừ, dù là ai và làm gì thì vẫn phải chu toàn chữ hiếu đối với song thân phụ mẫu, những người đã sinh thành và dưỡng dục chúng ta.
Gia đình là cái nôi của con người, hạnh phúc gia đình không gì có thể so sánh. Tuy nhiên, nếu gia đình không có hạnh phúc thì vô cùng bất hạnh, đau khổ. Gia đình là tế bào của xã hội, mà vợ chồng là khởi lập một gia đình. Vợ chồng hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc, và do đó mà gia đình cũng hạnh phúc. Văn hào Victor Hugo (1802-1885) đã mô tả chi tiết về sự bất hạnh của người không có gia đình trong tác phẩm Les Misérables – Những Kẻ Khốn Cùng.
Một danh nhân đã nhận định rất chí lý: “Nhân loại không có tương lai nếu không có gia đình. Gia đình là sự hiệp thông tình yêu, xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, và được mời gọi trở thành đền thánh của sự sống, tế bào của xã hội.” Thật vậy, gia đình là nền tảng của cuộc sống con người.
1. GIA ĐÌNH
Đa số chúng ta đều phải nỗ lực để thành công nhưng lại quên giao tiếp với người khác, trước tiên là những người trong gia đình, mà chính các thân nhân là những người giúp chúng ta thêm tự tin để vượt qua nghịch cảnh cuộc đời. Nhưng đa số chúng ta lại có khuynh hướng quên những người đưa chúng ta vào đời.
Tại Hoa Kỳ hồi thập niên 1960, tình dục trước hôn nhân bị coi là chuyện phóng khoáng tự do. Ngày xưa, người Việt cũng quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân.” Nhưng rồi nữ giới “vùng lên” và coi tình dục là sự giải phóng. Đối với các phụ nữ “ăn cơm trước kẻng,” người ta coi đó là lỗi lầm nghiêm trọng. Người ta có thể nhắn nhủ con gái họ nhiều điều nhưng vẫn không thể xử lý việc chúng mang thai ngoài ý muốn. Người ta thường nói: “Đàn bà nhẹ dạ, cả tin.” Và còn phân tích là “khôn ba năm, dại một giờ.” Ca dao Việt Nam cũng nhắn nhủ các cô gái:
Chớ nghe quân tử ỉ òn
Mà rồi có lúc ẵm con một mình
Ngày nay, văn minh hơn thì tỷ lệ ly hôn tăng vọt, khiến nhiều đứa trẻ bị lạm dụng như loại “vũ khí” để trả thù khi có sự tranh giành xảy ra giữa cha mẹ, người này bắt chính đứa con chống lại người kia. Con cái không được gặp cha hoặc mẹ, anh chị em không được gặp gỡ nhau. Cơ cấu gia đình mất khả năng liên kết với nhau.
Theo trào lưu xã hội, các thiếu niên độ tuổi mười bảy đôi mươi được gắn mác là thế hệ X, và chúng ta có những vấn đề liên quan như một hệ lụy tất yếu. Lứa tuổi này thường coi gia đình là “sự khiêu khích” mà chúng phải đối phó vào những ngày nghỉ. Đối với chúng, gia đình là cái gì đó xa vời khó hiểu, hoặc là cái gì đó mang tính “dĩ nhiên” nên không cần tìm hiểu. Gia đình là một khái niệm mơ hồ và trừu tượng với chúng, thậm chí còn như “rào cản” đối với chúng vậy. Do đó, mọi người trong gia đình khó nói chuyện thoải mái với nhau, hoặc có nói chuyện thì cứ phải rào trước đón sau, khiến không khí gia đình ngột ngạt, khó thở, không đủ mức thân thiện cần phải có.
Nhưng rồi càng lớn người ta càng hiểu giá trị gia đình là viên ngọc quý. Nhưng khi chúng ta hiểu được giá trị quý giá đó thì có thể không còn cơ hội tận hưởng, thậm chí là muộn màng, và phải hối tiếc cả phần đời còn lại.
Cây khô đâu dễ mọc chồi
Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta
Nói là “chưa dễ” chứ thật ra là “không thể.” Bác mẹ là cha mẹ. Cha là “phần cứng,” mẹ là “phần mềm.” Phần nào cũng có vị trí quan trọng nhất định, không thể hoán chuyển và không thể thiếu trong mỗi gia đình. Cha thâm trầm, không thể hiện ra bên ngoài; mẹ có cách thể hiện riêng. Thế nhưng cả cha và mẹ đều yêu thương con cái hơn cả chính bản thân họ. Có câu chuyện kể rằng…
Thuở nhỏ, gia đình cậu bé rất nghèo, tới bữa, chẳng mấy khi có đủ cơm ăn, mẹ liền lấy cơm ở trong bát của mình mà chia đều cho các con. Mẹ bảo: “Các con ăn nhanh đi, mẹ không đói!” Đó là lần đầu tiên mẹ nói dối!
Khi cậu bé dần dần lớn lên, người mẹ tảo tần lại tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô bắt cá về cho con ăn cho đủ chất. Cá rất tươi, canh cá cũng rất ngon. Khi các con ăn thịt cá, mẹ lại ngồi một bên nhằn đầu cá, lấy lưỡi liếm mút những mảnh thịt sót lại trên đầu cá. Cậu bé xót xa, liền gắp miếng cá trong bát mình sang bát mẹ. Mẹ không ăn, lại gắp miếng cá cho cậu bé. Mẹ bảo: “Con trai, con ăn đi, mẹ không thích ăn cá.” Mẹ nói dối lần thứ hai.
Cậu bé lên cấp II, để nộp đủ tiền học phí cho cậu bé và anh chị, mẹ vừa làm thợ may vừa nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi dán vào mỗi tối, để kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình. Một buổi tối mùa Đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc. Thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu leo lét. Cậu bé nói: “Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà.” Mẹ cười nhẹ: “Con trai, con cứ ngủ đi. Mẹ không buồn ngủ!” Mẹ nói dối lần thứ ba.
Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm. Ngày nào cũng đứng ở cổng trường thi để làm “chỗ dựa tinh thần” cho cậu bé đi thi. Đúng vào mùa Hạ, trời nắng cháy khét tóc. Người mẹ nhẫn nại đứng dưới cái nắng hè gay gắt chờ con suốt mấy tiếng đồng hồ. Tiếng chuông hết giờ đã vang lên. Mẹ nghiêng người đưa cho cậu bé bình nước, dỗ dành cậu bé uống. Bình trà nồng đượm, tình mẹ còn nồng đượm hơn. Nhìn bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà trong tay mời mẹ uống. Mẹ bảo: “Con uống nhanh lên. Mẹ không khát!” Mẹ nói dối lần thứ tư.
Sau khi cha lâm bệnh qua đời, mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề may vá. Ngậm đắng nuốt cay nuôi con ăn học, cái khổ không lời nào kể xiết. Có chú sửa đồng hồ dưới chân cây cột điện đầu ngõ biết chuyện, việc lớn việc nhỏ chú đều tìm cách qua giúp một tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé. Con người chứ đâu phải cây cỏ, thế nên lâu rồi cũng sinh tình cảm. Xóm giềng biết chuyện đều khuyên mẹ tái giá, chứ việc gì phải một mình chịu khổ thế. Nhưng qua nhiều năm, mẹ vẫn thủ tiết như ngọc, kiên quyết không đi “bước nữa.” Mọi người khuyên thế nào mẹ vẫn kiên quyết không nghe. Mẹ bảo: “Mẹ không yêu chú ấy.” Mẹ nói dối lần thứ năm.
Sau khi cậu bé và các anh chị tốt nghiệp đại học rồi đi làm. Mẹ đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ để duy trì cuộc sống. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận. Tất cả tiền con gửi về, mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo: “Mẹ có tiền mà. Vả lại mẹ có chi tiêu gì đâu!” Mẹ nói dối lần thứ sáu.
Cậu bé ở lại trường dạy hai năm, sau đó thi đậu học bổng khóa học thạc sĩ ở một trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp, cậu ở lại làm việc tại một công ty nghiên cứu máy móc. Sống ở Mỹ một thời gian, khi đã có điều kiện hơn trước, cậu muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng mẹ tốt hơn. Nhưng lại bị mẹ từ chối. Mẹ bảo: “Mẹ không quen!” Mẹ nói dối lần thứ bảy.
Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ già đi nhiều và yếu quá rồi. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đến thập tử nhất sinh, thấy con trai đau khổ vì thương xót mẹ. Mẹ lại bảo: “Con trai, đừng khóc, mẹ không đau đâu!” Và đó là lời nói dối cuối cùng của mẹ!
Những lời nói dối đó của mẹ thật dễ thương nhưng cũng thật thấm thía. Chuyện kể về người mẹ như vậy, nhưng cũng có ý nói về người cha. Gia đình là thế đó! Vậy thì làm sao có thể xác định các giá trị gia đình? Có thể đây là chín điều chủ yếu đối với mỗi gia đình để luôn có được sự hài hòa:
1. THUỘC VỀ NHAU – Cần thiết là mỗi thành viên đều cảm thấy mình được yêu thương, cảm thấy thuộc về nhau. Một gia đình gắn kết với nhau khi mỗi người đều thích ở bên nhau, dành thời gian rảnh để trò chuyện, làm việc, chia sẻ và dùng bữa với nhau. Tạo một gia đình vững mạnh là điều cần thiết nhưng mỗi người vẫn có những “khoảng riêng” nhất định của mình để làm những gì mình thích, miễn sao đừng thái quá.
2. LINH ĐỘNG – Gia đình nào cũng có cách sinh hoạt riêng và có gia phong lễ giáo. Thời khóa biểu và cấu trúc mỗi gia đình cũng khác nhau, nhưng phải làm sao vẫn giữ được những nền tảng đạo đức cơ bản. Đừng quá câu nệ vào luật, vì càng câu nệ vào luật thì người ta càng trở thành khó tính khó nết. Tính linh động rất cần thiết để làm cho gia đình hạnh phúc. Cha mẹ luôn cho mình đúng và bắt con cái làm theo ý mình, chắc chắn gia đình đó không thể nào hạnh phúc.
3. TÔN TRỌNG – Đây là điều khó với cha mẹ. Tôn trọng không chỉ là người nhỏ tôn trọng người lớn, mà người lớn cũng phải tôn trọng người nhỏ. Lớn hay nhỏ đều có nhân vị. Cha mẹ cũng có lúc sai, vẫn cần phải biết xin lỗi con cái. Và đó cũng là tôn trọng con cái. Tôn trọng nhau còn là nhận biết và đánh giá cao tư tưởng hoặc quan điểm của nhau, kể cả cảm xúc – yêu thương, tức giận, vui mừng, buồn bã, sợ hãi, lo lắng,… Mỗi người là một cá thể riêng biệt nhưng vẫn phải luôn duy trì gia đình là một tổng thể.
4. CHÂN THẬT – Đây là nền tảng của mọi mối quan hệ: Vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau. Không chân thật thì không thể có mối liên kết thân thiết và không thể bền vững. Hãy khuyến khích sự chân thật bằng cách cố gắng tìm hiểu nhau và tôn trọng nhau, ngay cả khi có một thành viên lầm lỗi. Không chân thật sẽ xói mòn các giá trị gia đình.
5. THA THỨ – Nhân vô thập toàn. Không ai không có lầm lỗi. Vì thế, luôn phải biết sẵn sàng và mau mắn tha thứ. Tha thứ là một chọn lựa đúng đắn và cần thiết. Đừng nghĩ tha thứ làm mình bị “lép vế.” Giả sử có bị “lép vế” hoặc thua thiệt cũng chẳng sao, vì đó là nhường nhịn người thân của mình. Điều này có thể không dễ thực hiện vì nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng “đánh đồng” việc tha thứ với cách nói “không sao.” Nhưng lại hoàn toàn khác nhau. Cố nén sự cằn nhằn không thể tạo nên một gia đình thân thiết nếu không tôn trọng nhau và tha thứ thật lòng. Cuộc đời không dài để mà cứ “để bụng” những điều mình cảm thấy không vừa ý!
6. HIẾU KỲ – Trẻ em có tính hiếu kỳ tự nhiên, thích tò mò, ưa khám phá. Chúng hay hỏi, thấy gì cũng muốn biết. Nhiều cha mẹ không cho con cái hỏi, đó là sai lầm, một phần có lẽ vì cha mẹ bị… “bí.” Thiết tưởng nên để chúng thắc mắc và cố gắng giải thích cho chúng, không giải thích được thì nhờ người khác. Tò mò cũng là dạng khám phá. Ngăn cấm chúng thắc mắc sẽ làm chúng “cụt hứng,” ngại hỏi, và rồi chúng mất dần sự tự tin. Chính chúng ta ngày xưa cũng vậy, bây giờ sao lại không cho chúng hiếu kỳ? Hiếu kỳ sẽ giúp nhận xét, phân biệt cái đúng và cái sai, đó là kỹ năng quan trọng có thể học tập và phát triển trong quá trình khám phá tính hiếu kỳ.
7. GIAO TIẾP – Giao tiếp là nghệ thuật và khoa học. Không giao tiếp có thể dẫn đến hiểu lầm và không thỏa mãn – do đó cũng không hạnh phúc. Lỗ nhỏ làm đắm thuyền. Những vấn đề nhỏ sẽ dần hình thành vấn đề lớn, và rồi có thể xói mòn các mối quan hệ, xói mòn cả tình cảm gia đình. Giao tiếp không hẳn là phải nói chuyện. Có thể giao tiếp bằng nhiều cách: Ánh mắt, thái độ, cử chỉ, hành động, thể ngữ, lắng nghe,… Giao tiếp cũng có những mức độ và biên độ khác nhau – kể cả cường độ và cao độ.
8. TRÁCH NHIỆM – Người ta đánh giá cao những người sống có trách nhiệm. Bổn phận và trách nhiệm cũng phải học hỏi. Đứa bé cần học cách xếp gọn đồ chơi sau khi chơi xong, cách để gọn quần áo, sắp xếp sách vở, giữ vệ sinh, cách cho chó ăn,… Nói chung là “học ăn, học nói, học gói, học mở.” Ý nghĩa của trách nhiệm sẽ theo chúng đến tuổi trưởng thành. Người lớn sống có trách nhiệm sẽ không đòi hỏi nhiều, biết quên mình mà quan tâm người khác, biết sống công bình và yêu thương. Con người như vậy thì mới có thể tạo lập một gia đình hạnh phúc thực sự.
9. CẦU NGUYỆN – Cầu nguyện như hơi thở của sự sống, nhất là đối với các tín nhân. Tại sao cầu nguyện? Thánh Giacôbê nói: “Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách. Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm.” (Gc 1:5-8) Thánh Phaolô cho biết: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu.” (Rm 3:23-24)
Cầu nguyện không chỉ là điều cần thiết mà còn thực sự là niềm hạnh phúc của chúng ta, những người có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Hãy cố gắng duy trì việc cầu nguyện chung trong gia đình hằng ngày.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên phân biệt một chút về vấn đề này: Sự tôn thờ (thờ phượng) khác với sự tôn sùng, sùng kính hoặc tôn kính. Sự tôn thờ chỉ thuộc về Thiên Chúa, và chúng ta không bao giờ tôn thờ con người hoặc bất kỳ một thụ tạo nào mà chỉ tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi. Nhưng khi sự tôn thờ có dạng cầu nguyện, như trong Thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác của Giáo Hội, không phải tất cả mọi lời cầu nguyện là sự tôn thờ. Khi chúng ta cầu nguyện với các thánh, chúng ta xin các ngài giúp đỡ chúng ta bằng cách cầu xin Thiên Chúa thay cho chúng ta, hoặc tạ ơn các ngài đã nguyện giúp cầu thay.
2. ĐẠO HIẾU
Người ta có thể tự chọn nhiều thứ, nhưng chắc chắn không ai có thể chọn cha mẹ và sinh nhật cho mình. Thiên Chúa dạy điều răn thứ tư: “Hãy thảo kính cha mẹ.” Còn Kinh Phật dạy: “Tột cùng Thiện không gì bằng Có Hiếu, tột cùng Ác không gì bằng Bất Hiếu.” Đó là đạo làm người. Dù là ai trong tôn giáo hay xã hội đời thường, từ kẻ cùng đinh trong xã hội tới người có quyền lực cao nhất, trước tiên người ta phải LÀM NGƯỜI – tức là giữ Đạo Làm Người. Có là ông kia bà nọ thì vẫn xuất thân từ một gia đình, cha mẹ rất bình thường. Không giữ trọn Đạo Làm Người thì đó là kẻ bất nhân, đáng bị nguyền rủa.
Hiếu cũng là một đạo: Đạo Hiếu. Nói chung, Đạo là đường ngay nẻo chính mà ai cũng phải bước theo suốt đời. Cuộc sống luôn có nhiều bất trắc, nhất là ba thù – xác thịt, thời gian và ma quỷ. Vì thế, chúng ta rất cần Thiên Chúa. Thánh Vịnh gia cầu nguyện: “Lạy Chúa, kẻ thù con đang rình sẵn, xin lấy đức công chính của Ngài mà hướng dẫn con, xin san phẳng lối của Ngài để con tiến bước. Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy Chúa, dẫn con đi trên lối phẳng phiu, vì có những người đang rình rập.” (Tv 5:9 và Tv 27:11)
Chỉ có “đường chân lý và lời dạy dỗ” của Thiên Chúa là tuyệt đối mà chúng ta phải theo, bởi vì chính Ngài là “Thiên Chúa cứu độ” duy nhất của nhân loại. (Tv 25:5) Tình thương của cha mẹ rất bao la, chúng ta không thể hiểu nổi, nhưng tình thương của Thiên Chúa còn hơn như thế: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con.” (Tv 27:10)
Trong một buổi phát sóng của chương trình “Bạn Hãy Nói Với Chúng Tôi” (hằng ngày phát lúc 22 giờ 30 trên kênh VOV, hệ 2) có một câu chuyện thật thương tâm về tình mẫu tử. Nghe xong chắc hẳn ai cũng phải “nóng máu” mà thương cho bà cụ và căm phẫn đứa con “mặt người, dạ thú” kia!
Bà cụ đã 81 tuổi, ở Hà Nội – rất tiếc là nhà đài không cho biết tên tuổi và nơi ở cụ thể, có lẽ vì lý do “tế nhị.” Chồng bà đã mất lâu. Bà một mình nuôi 3 đứa con: Đứa con trai lớn là con nuôi, 53 tuổi; đứa con thứ hai 45 tuổi; và đứa con gái thứ ba 42 tuổi. Các con bà đã có gia đình riêng. Cha mẹ luôn yêu thương con cái. Đối với người miền Bắc và miền Trung, cha mẹ yêu con đến nỗi quên mình và không mong con cái sẽ đền đáp – nhưng người miền Nam thì nuôi con và hy vọng chúng sẽ đền đáp. Với bà cụ đau khổ kia cũng coi con trai là “của để dành” – vì dân Việt thường ảnh hưởng sâu nặng quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai coi là “có”, mười con gái coi như “không”).
Đứa con nuôi và cô con gái út không có vấn đề gì. Đứa con trai 45 tuổi do bà rứt ruột đẻ ra lại có vấn đề nghiêm trọng. Suốt 19 năm anh ta lấy vợ thì bà ăn riêng 18 năm, dù ở chung nhà. Vì tuổi cao sức yếu, nay ốm mai đau, bà mới ăn chung và “lệ thuộc” vào vợ chồng anh ta khoảng 1 năm nay. Khi bà nằm bệnh viện, anh ta thường xuyên vào thăm và “rỉ tai” khiến bà ký giấy cho xong, vì bà quá mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể lý. Thế là anh ta tráo trở, làm sổ đỏ và tách hộ khẩu, đất đai do anh ta đứng tên. Anh ta đã lừa chính mẹ ruột mình!
Chuyện không chỉ vậy. Hàng ngày, anh ta luôn “kiếm chuyện” la hét bà, mọi thứ đều đổ lỗi cho bà, thậm chí là đánh đập bà như cơm bữa mà không hề thương tiếc. Cô con dâu là giáo viên cấp I (sic!), cô đã không can ngăn chồng làm ác mà còn “đổ dầu vào lửa.” Cô ta cũng kiếm chuyện “đá thúng đụng nia, đá mèo khoèo rế,” vào hùa với chồng để hành hạ mẹ. Cứ đến bữa cơm thì cô ta lại la rầy đứa con: “Già rồi còn ngu.” Và rồi không biết cô con dâu giáo viên “to nhỏ” với chồng thế nào mà anh ta tức tốc về nhà tát bà cụ mấy cái, rồi đuổi bà cụ ra khỏi nhà. Cô giáo mà ác độc như vậy thì làm sao dạy học trò về đạo lý con người? Thật kinh tởm đối với những người con như vậy!
Cô con gái út nhiều lần khuyên can anh nhưng vô ích. Anh ta còn dõng dạc tuyên bố: “Quyền ở tay ông, lôi thôi ông đuổi khỏi nhà. Có tiền không chịu bỏ ra, chết ông bỏ thối.” Nghe những lời anh ta nói mà “nổi da gà” và “rởn tóc gáy.” Vì tham lam mà anh ta bất chấp đạo lý làm người, đạo là con với mẹ mình! Thật vậy, lòng tham không hề có đáy, “dù đá có biến thành vàng thì lòng người vẫn không thỏa mãn.” (Ngạn ngữ Trung Hoa)
Balze nhận định: “Lòng Mẹ là vực sâu mà dưới đáy luôn có sự bao dung.” Thế nhưng bà cụ kia đã chịu đựng quá nhiều, bà đã kiệt sức, cuối đời mà bà không được thanh thản. Và nay bà làm đơn kiện đứa con “trời đánh” đó, nhưng chắc hẳn lòng người mẹ đó vẫn còn băn khoăn, bởi vì bà không biết mình làm vậy có quá đáng không.
Ước mong sao những người con hãy tỉnh thức mà báo hiếu phần nào với song thân phụ mẫu – dù không bao giờ có thể đền ơn đáp nghĩa đủ, nếu không sẽ không còn cơ hội, vì Petit Sein đã xác định: “Cái chết của người mẹ là nỗi đau buồn thứ nhất khi người ta khóc mà không có mẹ bên cạnh dỗ dành.”
Như đã nói, người ta có thể chọn nhiều thứ nhưng không thể chọn cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì vẫn là người sinh thành và dưỡng dục, dù con có lớn mấy (thành cha mẹ, thành ông bà) thì cũng vẫn là con của cha mẹ mình. Công lao sinh dưỡng lớn lao lắm:
Công cha nặng lắm, ai ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.
Người ta có thể tìm lại được nhiều thứ đã mất, nhưng không bao giờ tìm lại được cha mẹ đã mất. Khi các ngài qua đi, không còn trên cõi đời này, chúng ta sẽ cảm thấy hụt hẫng, trống vắng, để rồi…
Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi,
Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương!
Chữ Hiếu lớn lao và quan trọng lắm. Chẳng ai trả công sinh dưỡng đúng mức cho cha mẹ, mà chính các ngài cũng chẳng mong con cái đáp đền, nhưng làm người phải biết đạo làm người, và làm con phải biết đạo làm con – dù người đó là ai:
Lo đêm rồi lại lo ngày,
Ở sao hiếu thảo cho tày phận con.
Kinh Thánh cho biết lời khuyên của ông Tô-bít nói với con trai là Tô-bi-a: “Con hãy chôn cất cha cho tử tế. Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ.” (Tb 4:3-4)
Sách Huấn Ca là kho tàng quý giá, đây là một trong các lời dạy liên quan Hiếu Đạo: “Hỡi các con, hãy nghe cha đây, và làm thế nào để các con được cứu độ. Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.” (Hc 3:1-2)
Và đây là ba điều đơn giản mà thâm thúy về triết lý sống về gia đình được ghi trong sách Châm Ngôn:
[1] Thà bữa rau bữa cháo mà yêu thương nhau còn hơn mâm cao cỗ đầy mà bất hoà bất thuận. (Cn 15:17)
[2] Thà ăn mẩu bánh khô mà được êm ấm còn hơn đầy yến tiệc mà nhà cửa bất hoà. (Cn 17:1)
[3] Thà nghèo túng mà sống vẹn toàn, còn hơn điêu ngoa mà ngu ngốc. (Cn 19:1)

[Đăng báo ĐMHCG số 409, tháng 09-2020, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*