Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

GIẤC MƠ LẠ

Nguyễn Thanh Lâm

Đêm qua nằm mơ giấc mơ lạ, thấy mình qua đời sau ngày mừng thượng thọ Bát Tuần, rồi được lên Thiên Đàng. Nơi cửa Thiên Đàng, thay vì thánh Phê-rô cầm chìa khoá đứng đón thì lại thấy có hai vệ thần Cherubim cùng một vị thánh lạ mặt ra đón.
Các ngài vui vẻ đưa tôi vào cửa, vị thánh vô danh hỏi tôi: “Trọn cuộc đời mấy mươi năm dương thế, con đã bao lần mừng kỷ niệm ngân khánh, kim khánh, ngọc khánh viết thánh ca, và đã gầy dựng cho mình một tên tuổi lớn trong nền thánh nhạc. Vậy, điều làm con hạnh phúc nhất là gì?”
Tôi bất ngờ vì câu hỏi đột ngột này. Phải trả lời sao cho khéo đây! Sau một hồi suy tính, tôi mạnh miệng đáp: “Con hạnh phúc vì cả đời dấn thân chỉ phục vụ cho thánh nhạc, không cầu lợi danh”.
Vị thánh lạ mặt mỉm cười, bảo tôi: “Vậy, con đã khởi sự cuộc đời dấn thân cho thánh nhạc như thế nào? Động lực nào khiến con kiên định với hành trình này liên tục hơn 60 năm trời?”
Tôi thở phào, thế là thoát nạn: “Thưa ngài, con tin Chúa đã dẫn dắt con cách mầu nhiệm để đi trên con đường này. Con luôn tâm niệm:

“Bụi trần gian vẫn luôn bình yên hát ca triền miên,

Vượt đại dương ngày đêm, có Chúa bên con trong thuyền”.

Dù có lúc sóng gió cuộc đời, con mãi an tâm. Mang trong tim ước nguyện ấy, nên con đã tận dụng hết tháng ngày mình sống bằng cách viết thánh ca không ngưng nghỉ, chứ không như phần đông các nhạc sĩ khác, vừa thấy hơi có chút tiếng tăm thì gác bút không viết thánh ca nữa. Tính đến giờ, nhìn lại gia tài của mình, con tự hào vì đã viết tròn 1000 bài thánh ca gồm nhiều thể loại, từ ca khúc đơn điệu đến các bài hợp xướng hoành tráng. Bài cuối cùng con viết là để tạ ơn Chúa nhân dịp mừng thượng thọ Bát Tuần của mình vừa rồi.”
Vừa nói, tôi vừa theo các ngài bước qua một khoảng vườn rộng lớn với vô số hoa thơm cỏ lạ, màu sắc lung linh, tuyệt đẹp. “Đây là vườn hoa Thiên Quốc, được góp nên từ công đức của những người khi còn sống ở trần gian.” – Một trong hai vệ thần tiếp lời. “Và đây là từng khoảnh vườn ghi nhận việc lành ngươi đã làm lúc sinh thời, ngươi hãy nhìn vào để xem công đức của mình đã được vun trồng như thế nào”
Tôi dừng lại, bắt đầu nhìn khoảng vườn hoa công đức của mình. Đập vào mắt tôi, ở giữa vườn là đoá hồng lung linh thắm đẹp nhất vườn, khiến người ta say đắm, ngắm đoá hoa ấy, bất kỳ ai cũng cảm nhận được tình Chúa yêu con người. Đoá hồng đó chính là công đức từ nhạc khúc đã mang lại sự tôi nổi tiếng cho tôi lúc khởi sự viết thánh ca. Nhưng sao lạ thế nhỉ: bên dưới đoá hoa ấy rõ ràng lại ghi tên của một nhạc sĩ khác, và tôi chỉ là người-hợp-soạn! Tôi vội lướt qua những luống hoa tươi đầy hương sắc thắm khác trong vườn, mỗi sắc hoa dệt nên muôn lời ngợi khen rộn rã, tán tụng Thiên Chúa và thánh hoá con người, và phát hiện có gì đó rất lạ: Dưới mỗi sắc hoa, tôi vẫn không tài nào tìm thấy tên mình đứng-độc-lập, mà luôn đứng kèm theo tên của một vài nhạc sĩ vô danh nào đó, những tên tuổi chẳng mấy ai biết đến, hầu như chìm lỉm giữa cuộc đời. Tôi đâm hoảng, nhìn lướt qua vườn hoa nhạc phụng vụ, hoa hợp xướng, hoa ca tụng Đức Mẹ và chư thánh…thì hầu hết những bông hoa đẹp nhất, thắm nhất vẫn không là công sức của riêng mình, thậm chí có những đoá hoa anh túc vàng, những nhành huệ thơm ngát lại ghi bên dưới tên của một nhạc sĩ nào đó. Vườn-hoa-công-đức của tôi tệ đến vậy sao? Tôi không phục, tôi nhất định không phục!
Lúc ấy, vi vệ thần thứ hai mang đến một chiếc gương to, tên gọi CHIẾC GƯƠNG SỰ THẬT. Ngài bảo tôi nhìn vào đó và xem lại cuốn phim chậm, rất thật, chiếu lại những khoảnh khắc, những mốc thời gian cuộc đời mình:

1. Nổi tiếng nhờ một bài thánh cacủa người khác: Phim bắt đầu bằng những ngày tôi mon men lên Sài Gòn tìm đến lĩnh vực thánh ca (Đó là lúc tôi buồn chán, vì đường tu hành đứt đoạn dang dở), thì ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào khiến tôi gặp một nhạc sĩ trẻ cùng trang lứa. Anh khoe tôi một vài bài hát mà mình vừa sáng tác. Vốn dĩ tính háo thắng, nên tôi mang những bài ấy về tự ý thêm, bớt một vài câu nhạc, thay đổi tiết điệu, giai điệu rồi âm thầm phổ biến với tên mình. Đâu ngờ, những bài hát này tại thời điểm dòng thánh ca trẻ đang “khan hiếm” lại được nồng nhiệt đón nhận và kéo theo sự nổi tiếng của tôi, đặc biệt là bài ca ngợi tình yêu Chúa đã được cộng đồng dân Chúa trong và ngoài nước đón nhận, các ca sĩ hải ngoại tranh nhau mua bản quyền để hát trong album riêng của họ. Và…mặc định tôi là người hưởng trọn cả danh thơm của những bài hát kia. Tới lúc có người nhắc về nguồn gốc bài hát ấy, tôi sự tỉnh nên vội vàng “lập lừa đánh lận con đen” bằng cách ghi kèm tên-rút-gọn của anh nhạc sĩ hiền lành (mà tôi cho là rất khù khờ kia) vào cạnh thương hiệu của mình. Mọi sự coi như giải quyết chóng vánh, chả cần phải giải thích nhiều, của Ceasar trả Ceasar cả mà! (Sau này, nghe nói anh ta đổi bút danh khác, và cũng nhanh chóng được mọi người trong làng thánh ca yêu mến. Coi như Chúa bù đắp cho anh ta vậy)

2. Liên tục được biết đến như một nhạc sĩ tiên phong với thể loại thánh ca mới, dòng nhạc tươi trẻ, ca từ đẹp như thơ: Cuốn phim lại tua qua cảnh khác, đó là giai đoạn tôi đã nổi tiếng, và muốn tiếp tục nổi tiếng rực rỡ. Lúc ấy, duyên may lại đưa tôi đến với một nhạc sĩ Công Giáo vừa cho ra đời một tuyển tập thánh ca rất chăm chút, tâm huyết cả đời của anh ấy. Người nhạc sĩ này tuy không được khá giả về vật chất, nhưng gia sản tinh thần của anh ấy quả thật dồi dào, bất tận. Mỗi một bài nhạc của anh ta là một bài thơ tuyệt vời, và anh ta cũng là một nhà thơ. Tuy nhiên, cái giới hạn của anh ta là không chịu dệt áo giai điệu rực rỡ cho những bài hát ấy. Và tôi quyết định tận dụng cơ hội này, bằng cách chắp bút viết lại các ca khúc của người nhạc sĩ này, dựa trên hoàn toàn ca từ của những bài hát anh viết ra. Một lần nữa, tiếng thơm của tôi lại lừng lẫy, đưa tôi vào ngưỡng danh vọng chất ngất, mà chưa bao giờ tôi được hưởng.

3. Góc tối: Vào những năm đất nước gian nan, tôi cũng phải làm những việc bất chấp để mưu sinh. Tuy nhiên có một việc lỗi đức công bằng mà tôi phải gánh hậu quả thay cho người liên đới của mình, khiến tôi suy sụp tinh thần, và phải trốn chui trốn nhủi, ẩn mặt trong một thời gian dài.

4. Quay trở lại, và lợi hại hơn xưa: Tuy nhiên, bẵng sau một thời gian nín thở qua sông, tôi không thể chấp nhận sự thiệt thòi lớn này được, và tôi quyết định lấy lại những gì đã mất. Tìm được một vị linh mục quen, tôi động viên ngài làm băng nhạc gồm những bài hát rất hay của ngài. Thấy ngài ngần ngừ vì khiêm tốn, tôi đề nghị sẵn sàng chia sẻ “thương hiệu” của mình, bằng cách đưa bài của mình 50/50 vào chung với album của ngài , và tôi khéo léo thuyết phục ngài không đề tên tác giả trên từng bài hát, chỉ ghi album chung của hai người. Tuy nhiên, sau khi ngài qua đời, thì tôi lại đường đường chánh chánh “lấy lại” tên của mình, bằng cách tung ra các album gồm những bài của riêng tôi “chiết xuất” từ trong 02 album chung kia. Có người bảo tôi sao không tái bản toàn bộ 02 album ấy, mà chỉ trích lấy bài của bản thân, bỏ bài của ngài ra. Làm vậy có lỗi đức công bằng hay không, vì vốn liếng đầu tư là của cha bỏ ra 100% mà! Tôi gạt phắt: Cái mình cho cha còn lớn hơn nhiều mà. Vả lại mình chỉ chuyển thành file để “lưu trữ” thôi, có lỗi gì đâu chứ! (Thực chất là tôi kiếm được không ít từ lần tái bản này. Việc “Tái xuất giang hồ” của tôi bắt đầu từ 02 album “của trời cho” ấy.)

5. “Dụng sức người, vô địch thiên hạ”: Tại thời điểm này, nhu cầu hát thánh ca ngày một lớn. Các ca đoàn bắt đầu chăm chút mảng thánh ca phụng vụ, dạng hợp xướng, bán hợp xướng. Một nhạc sĩ nổi danh như tôi, cần phải có chút gì để đời chứ! Cầu gì được nấy, chẳng biết thế nào, tôi lại quen được một anh chàng khù khờ, chẳng ai biết đến. Trông bề ngoài anh ta có vẻ như người sống khép kín, nhưng nội công rất thâm hậu về hoà âm. Chỉ cần vài chiêu thức sơ giao, anh chàng nhận lời hoà âm tất tần tật các bài hát mà tôi viết cho nhu cầu hát phụng vụ. Tâm ý hoàn thành, tôi cười mãn nguyện qua việc cho ra đời tuyển tập hợp xướng đầu tay của mình. Tuy nhiên, để không ai biết việc tôi không-có-tí-kiến-thức về hoà âm nên phải nhờ cậy người khác, tôi đã dùng thủ đoạn bằng cách bày tỏ băn khoăn với anh chàng nọ, rằng liệu việc tên anh đứng chung trong với một tên tuổi đang nổi như cồn của tôi có tiện hay không. Quả nhiên là như tôi dự đoán, anh ta không dám, vì sợ mang tiếng “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Và như thế, toàn bộ các bản hoà âm công phu kia là công trình của tôi. Kể từ đó, tôi đường đường chính chính được tôn phong thành một bậc thầy về hoà âm trong giới thánh ca. Sau này, tay nhạc sĩ hoà âm đó xuất ngoại, khiến tôi lúng túng không ít với các bản hoà âm. Cũng may, sau này lại có kẻ ngây ngô tương tự lò mò tìm đến thế thân, giúp tôi tiếp tục giữ vững thương hiệu của mình. Quả là cuộc đời chẳng bao giờ bạc đãi tôi!

Tôi bắt đầu việc khuyếch trương thanh thế của mình bằng cách cho mình là học trò của một số nhạc sư tên tuổi, hoặc là đồng môn của những cây viết lớn tại thời điểm ấy. Tôi bắt đầu dùng ảnh hưởng của mình để lan toả thương hiệu cá nhân, cụ thể tận dụng tối đa ảnh hưởng của các trang mạng, những website thánh ca lớn… Và một cơ may rất lớn đến với tôi, khi một trung tâm lớn ở hải ngoại muốn làm một chương trình Thánh Ca. Họ đã chọn hai bài hát của tôi trong album phát hành lần ấy. Và do một sự nhầm lẫn nào đó, một trong hai bài hát không phải là do tôi viết. Tuy nhiên, thay vì công khai đính chính, tôi lại nhận bừa nó là con đẻ của mình. Tôi tự ru ngủ mình: Giờ cái mình cần là THƯƠNG HIỆU, nên bất chấp thôi, mong người nhạc sĩ kia thông cảm và bỏ qua. Nhạc-sĩ-kia mà tôi nói đến là một người chính trực, và rất bao dung. (Ông là một nhạc sư âm thầm với tên tuổi mà tôi có mơ cũng không tài nào sánh được). Tôi nghĩ ông nên chấp nhận bỏ qua, vì sá gì một bài hát nhỏ, một lầm lẫn nhỏ. Nhưng đâu ngờ, ngay lúc ấy tôi đã bắt đầu một vết trượt dài…

6. “Dùng trí người, ngang bằng thánh nhân”: Cơn cám dỗ về danh lợi liên tục mang lại cho tôi một thanh thế lớn, đưa tôi lên vị trí cây đa cây đề trong làng thánh nhạc, tôi liên tục nhận được các lời mời giao lưu, chia sẻ, thậm chí huấn-luyện-ngắn-hạn từ khắp các giáo phận mọi miền đất nước, thậm chí cộng đồng nhạc sĩ Công Giáo hải ngoại cũng có lời mời tôi, thậm chí một tổ chức lớn của Giáo Hội Ti Lành cũng bắt đầu đặt hàng nhờ tôi viết cho họ trong những đại hội lớn bên Hoa Kỳ. Cũng chính lúc ấy, tôi phát hiện ra khả năng viết lách của mình giảm sút một cách đáng kể, mà ngay lúc này, những-mối-lợi to lớn lại xuất hiện như trêu ngươi. Làm sao đây? Bằng mọi giá phải chớp lấy thời cơ. Và tôi viết bất chấp cho bất cứ ai nhờ mình, miễn là họ phải mang ơn mình, và bằng mọi giá, tôi sẽ dần lấy lại cho bằng hết những gì mình đã bỏ ra. Chính vì lao vào chuyện đó cách điên cuồng như con thiêu thân, khiến tôi không còn gạn đục khơi trong, chẳng còn tỉnh táo để chọn lựa giữa việc viết-cho-niềm-tin và viết-vì-đồng-tiền. Hề gì, tôi tự nhủ, đã có kẻ để tôi nhờ gọt giũa trau chuốt các tác phẩm của mình rồi. Và quả đúng như vậy, liên tục hết người này đến kẻ nọ tự động dẫn xác đến “nộp mạng cho chằn”. Họ là những nhạc sĩ có tâm, có tầm, và đều có một điểm chung là họ rất ngây ngô để tôi lợi dụng. Chỉ cần một chiêu thức nhẹ của tôi là họ sẵn sàng xắn tay giúp đỡ. Và danh tiếng của tôi tiếp tục được duy trì với những người đứng phía sau, âm thầm hiệu đính toàn bộ các tác phẩm của tôi từ ca từ, khúc thức đến hoà âm, trước khi đưa ra công chúng. Và cũng như với tay nhạc sĩ hoà âm nói trên, khi tôi gieo băn khoăn, thì họ cũng khảng khái từ chối việc đứng tên chung với tôi trên các ca khúc mà họ đã hiệu đính (thậm chí có bài lên đến 80% nhạc và lời). Và tôi sống tiếp trong ánh hào quang gần chục năm trời, với lối-sống-tầm-gửi như vậy.

7. Và cái kết: Cuốn phim quay chậm khép lại với cảnh tôi ngồi ủ rũ bên lề cuộc đời cho đến ngày lìa xa thế giới, bạn bè thân hữu chẳng còn ai, bởi lẽ tôi đã cách này cách khác đánh bật họ ra khỏi vùng-an-toàn mà tôi đã gầy dựng bấy lâu khi tôi cảm thấy sự thật về mình sắp bị phơi bày. Họ xa lánh tôi cũng đúng, bởi vì lối sống “vắt chanh bỏ vỏ” của tôi, vì sự man trá của tôi đối với họ, và hơn hết, đó là sự tổn thương không nhỏ mà tôi từng lúc gây ra cho họ, thay cho lòng biết ơn.

Khi vị vệ thần thu CHIẾC GƯƠNG SỰ THẬT lại, tôi giật bắn mình, khi nhìn lại quãng đường phục vụ với sự thật bẽ bàng đi lên bằng công sức của người khác, mà tôi vẫn cứ cho rằng chính đã gieo trồng bao năm qua, nhìn ánh hào quang giả tạo mà tôi đã khoác lên mình suốt cuộc sống dương gian. Và giờ đây, ngay tại khu vườn Thiên Quốc với muôn sắc hoa nở rộ, nhưng tôi cảm thấy thật lạc lõng và nhạt nhoà trong chính vườn hoa của mình.

Nhìn tôi đang ủ rũ, vị thánh vô danh kia khẽ hỏi: “Con nghĩ sao về điều này? Nếu có cơ hội quay lại, con có muốn thú nhận tất cả sự thật với mọi người, để rồi đường đường chính chính bước vào ngôi nhà mang tên mình nơi vườn hoa thiên quốc này?”

Tôi vội vàng xua tay: “Ấy chết, việc cũng đã qua, nếu khơi lại thì sóng gió trong Giáo Hội quê hương con sẽ bùng lên, mọi người trong làng Thánh Nhạc sẽ nhìn con như một gương mù gương xấu. Nói tóm lại: Lợi ít, hại nhiều!”

Vị thánh nọ lại bảo: “Nước Thiên Đàng là nơi tràn ngập ánh sáng, và Sự Thật luôn phải được bày tỏ ra, vì ai sống trong sự thật là chấp nhận ánh sáng. Bất cứ ai lầm lỗi, đều được bao dung bởi lòng Trời, nếu họ biết quay đầu.”

Tôi ngần ngừ: “Suy cho cùng, tại vì những kẻ khù khờ kia không biết tận dụng sức lực mình làm ra, nhờ con tìm kiếm và lan toả những nén bạc Trời cho ấy, chứ không cũng bị tàn lụi rồi. Xét ra con có lỗi gì đâu! Chẳng lẽ thương hiệu của con xây dựng nên mấy chục năm trời lại bỗng chốc biến thành mây khói vì việc này sao? Đánh chết con cũng không nói ra!”

“Tội lỗi thì còn có cơ hội được tha thứ, nhưng ruỗng mục thì không.” – Một trong hai vệ thần nghiêm nghị bảo.

“Chẳng lẽ con phải sa hoả ngục sao?” Tôi la lên.

“Nếu con không chấp nhận sự thật, thì con có thể thu xếp một chỗ bên ngoài cổng Thiên Đàng cũng được.” Vị vệ thần còn lại điềm nhiên bảo, và chiếc gươm lửa được tuốt ra.

“Vậy là con không phải sa hoả ngục?”

“Hoả ngục là một phạm trù. Thực ra, việc không-được-chiêm-ngưỡng Tôn Nhan Chúa mới là đau khổ lớn nhất”. Cả ba vị cùng nói. Ngay lúc ấy, một luồng ánh sáng chói loà bùng lên, đẩy tôi văng ngược trở lại ra ngoài của Thiên Đàng.

Tôi hét lên một tiếng kinh hoàng rồi…thức giấc, mồ hôi vã ra khắp người. Vợ tôi hỏi : “Anh mơ gì mà la dữ vậy? ”

Tôi hoàn hồn, bảo có gì đâu, chỉ là giấc mơ lạ thôi mà! Vặn hỏi mãi, tôi kể sơ về giấc mơ, bất chợt cô ấy níu tay tôi bảo: Thôi, anh đừng làm Thánh Nhạc nữa. Em thấy nơi đó không còn là chỗ để phụng thờ, tôn vinh Chúa nữa, mà toàn là tham quyền cố vị, tranh giành nhau. Em tin anh sẽ không bao giờ trở thành loại người như giấc mơ kia, nhưng thực sự em thây không yên tâm nếu anh cứ tiếp tục.

Sáng ra, ngồi thật lâu, tôi ngẫm lại. Quả là cơn cám dỗ của danh vọng, lợi quyền thật ghê gớm, thoáng chốc nó có thể biến một con người thành kẻ bất trung, bất tín, thậm chí trở nên bất nhân, bất nghĩa. Bản thân tôi cũng không dám chắc một lúc nào đó, tâm hồn mình có thể trở nên xấu, đời mình cũng có thể sa chân như vậy. Đây là một lời cảnh báo hay sao? Bất giác, tôi thầm thỉ lời cầu nguyện, mà có lẽ sẽ theo tôi suốt hành trình cuộc đời : “Lạy Chúa, trên nẻo đường dấn thân cho Chúa, cho Giáo Hội, nếu một ngày nào con bắt đầu trở nên xấu xa, gây tổn hại cho Đức Tin của những người đang đồng hành với con, khiến họ lìa xa Chúa, thì xin Chúa hãy cất đi mạng sống con khỏi cuộc đời này.”

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*