Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

VỊ NHẠT ĐẬM ĐÀ

TRẦM THIÊN THU

Cuộc sống có rất nhiều điều thú vị, có vẻ nghịch mà thuận, cứ tưởng ngược mà xuôi, thấy mất mà vẫn còn, bình thường mà rất cần,… Có hai thứ rất bình thường mà lại rất cần thiết: Không Khí và Nước. Chắc chắn không có thứ gì nhạt nhẽo như hai “chất liệu” đó.
Không khí là “vật chất” nhưng không ai sờ được, không màu sắc, không mùi vị. Lạ lùng lắm. Còn nước lã cũng tương tự, nhưng sờ được. Nước tự nhiên rất bình thường, nhạt nhẽo và vô vị, do sự kết hợp của Hydrô và Ôxy (H₂O), không màu sắc, thế nhưng nước lã lại có giá trị cao và rất cần thiết trong sinh hoạt thường nhật. Thiếu nước thì người ta chết. Nơi nào có nước (và không khí) chứng tỏ có sự sống. Các hành tinh khác không có sự sống vì không có nước (và không khí).
Có lẽ vì nước lã quá đỗi bình thường nên người ta thường dùng cách nói ghép “người dưng nước lã” để nói về hai người không có mối quan hệ huyết thống. Nước lã xem chừng chẳng có giá trị gì và coi như thứ vô ích. Tuy nhiên, của cho không bằng cách cho. Chén nước lã chẳng là gì cảnhưng vẫn có thể đậm đà yêu thương. Nước lã vô cùng bình thường nhưng lại là chất liệu đặc biệt được Thiên Chúa dùng để thánh tẩy linh hồn chúng ta. Bình thường hóa khác thường.
Ngày nay, ngay trong thế giới văn minh hiện đại của thế kỷ XXI này mà vẫn còn biết bao con người không đủ nước sạch để sinh hoạt. Thật là khổ vô cùng! Họ là tiếng kêu của Chúa Giêsu vẫn vang vọng từ trên Thập Giá trên Đồi Can-vê xưa: “Tôi khát!” (Ga 19:28) Vì thế, mỗi khi uống một ly nước (nước sạch, nước ngọt, nước sinh tố, nước sữa,…), chúng ta hãy tạ ơn Chúa, và đừng quên cầu nguyện cho những người nghèo khổ, thiếu nước và thiếu những thứ cần thiết nhất để duy trì sự sống. Dạng khát nào cũng dữ dội: Khát nước, khát vọng, khát tình,… Đói ăn còn có thể chịu đựng lâu, khát uống không thể chịu đựng lâu. Cơn khát rất đáng sợ biết bao!
Hằng ngày, dọc con đường tâm linh, chúng ta cũng gặp những người khát tình yêu thương, dạng này còn cấp bách hơn cơn khát nước bình thường. Ngày xưa, Chúa Giêsu đã ban Nước Trường Sinh cho người phụ nữ thành Samari bên Giếng Gia-cóp. (x. Ga 4:7-30) Và ngày nay, mỗi chúng ta cũng luôn khát khao loại nước đó.
Trình thuật 2 V 4:8-11, 14-16) cho biết: Một hôm, ông Êlisa đi qua Sunêm thì có một phụ nữ giàu sang giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa. Bà ấy nói với chồng: “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó.” Phụ nữ này có con mắt “tinh đời” lắm, đặc biệt là bà này giàu sang mà tốt bụng, rộng lòng giúp đỡ người khác.
“Có qua có lại mới toại lòng nhau.” Đó là lẽ thường ở xã hội loài người. Một hôm, ông Êlisa đến nơi ấy, vào phòng trên lầu và nghỉ ngơi. Ông hỏi ý tiểu đồng: “Nên làm gì cho bà ấy?” Giêkhadi đáp: “Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già.” Cả thầy và trò đều có lòng nhân ái. Ông Êlisa thấy bà chủ nhà tốt bụng nên muốn đền ơn đáp nghĩa. Ông bảo tiểu đồng đi gọi bà ấy tới. Bà tới nơi, ông Êlisa nói: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai.” Bà nói: “Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!” Khát khao được làm mẹ là khát khao chính đáng và mãnh liệt của phụ nữ. Nghe nói vậy, bà thấy vui cái bụng lắm nhưng vẫn chưa dám tin thật. Tuy nhiên, mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa. Quả nhiên, bà ấy có thai thật, và tới năm sau, cũng vào độ mà ông Êlisa nói, bà hạ sinh một bé trai. Nỗi khát khao làm mẹ của bà đã được Thiên Chúa giải khát.
Kinh Thánh xác định rằng “tình thương của Chúa tràn đầy mặt đất.” (Tv 33:5; Tv 119:64) Ngài biết rõ ai cần gì nên Ngài ban ơn đó ngay khi họ, thậm chí cả lúc họ chưa cầu xin. Vì thế, chúng ta phải không ngừng tạ ơn Ngài: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.” (Tv 89:2) Lời ca tụng Chúa phải được lặp đi lặp lại: “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.” (Tv 89:3) Lời chúc tụng đó có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng thâm thúy và cần thiết. Thật vậy, việc chúng ta ca tụng Chúa cũng chẳng thêm gì cho Ngài nhưng lại sinh ơn ích cho phần rỗi của chính chúng ta. Loại “phản ứng ngược” này thật là kỳ lạ.
Thánh Vịnh gia xác định: “Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô; nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy Chúa. Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở; bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang. Sức hùng cường hiển hách của dân chính là Ngài, hồng ân Ngài làm nổi bật uy thế chúng con. Đấng bảo vệ chúng con là người của Đức Chúa, vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Israel.” (Tv 89:16-19) Có Chúa trong lòng thì chúng ta chẳng sợ gì, và rồi còn có thể làm được những điều phi thường, bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14:12) Chúa nói thật chứ không dụ dỗ, không quảng cáo hoặc đánh lừa.
Mặc dù phàm nhân chúng ta chỉ là thân tro phận bụi và tội lỗi ngập đầu, nhưng độc đáo là được tái sinh trong Nước và Thánh Thần để rồi trở thành con cái đích thực của Thiên Chúa. Không chỉ có vậy, chúng ta còn được tẩy rửa trong Máu và Nước chảy ra từ chính Thánh Tâm của Chúa Giêsu, nhờ đó mà chúng ta lại được cải tử hoàn sinh. Một chuỗi kỳ diệu. Thật vậy, Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6:3-4) Chính xác như vậy, chúng ta không chỉ được sống mà còn được sống dồi dào trong Đức Kitô. (Ga 10:10) Chỉ là bụi tro mà lại trở nên như thần thánh.
Phân tích chi tiết, Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.” (Rm 6:8-11) Đó là đại phúc đối với chúng ta. Và chắc chắn chúng ta không thể nhờ vào ai ngoài Đức Giêsu Kitô, vì chính Ngài đã xác định: “Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:5) Vả lại, Thiên Chúa đã minh định từ ngàn xưa: “Ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ.” (Is 43:11)
Chúa Giêsu có giáo huấn ngắn gọn qua trình thuật Mt 10:37-42. Tuy ngắn gọn và súc tích nhưng giáo huấn vẫn căng đầy triết lý sống sâu sắc. Có 6 câu, chia làm hai phần – mỗi phần 3 câu:
1. Từ Bỏ Mình – Chúa Giêsu nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được.” Một việc làm có vẻ dễ dàng mà lại không dễ – nghĩa là khó, nhưng khó không có nghĩa là không thể làm. Và mỗi chúng ta phải cố gắng làm, phải “chết” từng giây từng phút trong cuộc sống này.
2. Lòng Yêu Thương – Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:40-42) Chén nước lã chỉ là thứ tầm thường nhưng lại có thể trở thành khác thường, được Chúa Giêsu “ghi nhớ” nếu chén nước lã đó chứa “chất yêu thương” và được chúng ta trao cho người khác vì chạnh lòng thương xót. Một việc bình thường nhưng được thể hiện một cách phi thường. Đúng là “của cho” không bằng “cách cho.”
Phần 1 với 3 chữ “không xứng,” phần 2 với 5 chữ “đón tiếp.” Vì sợ “không xứng” nên phải cố gắng “từ bỏ mình” – tức là “cái tôi” – để có thể “đón tiếp” mọi người. Thánh Thomas Villanova nhận định sâu sắc: “Hãy gác bỏ tất cả sự nóng giận để nhìn lại bản thân một chút. Hãy nhớ rằng đương sự bạn đang nói đến kia là một người anh chị em của bạn, và khi người ấy đang còn lữ hành trên con đường của ơn cứu độ, thì Thiên Chúa vẫn có thể làm cho người ấy trở nên một vị thánh, bất chấp sự yếu đuối hiện tại của họ.” Đó là “bỏ mình” để “đón tiếp” tha nhân.
Và như thế cũng là biết “khát sống” vì muốn hoàn thiện theo lời dạy của Chúa. Dạng khát nào cũng mãnh liệt, nhưng mãnh liệt và cấp bách nhất phải là KHÁT CHÚA. Ước gì mỗi chúng ta đều thực sự biết KHÁT CHÚA trong suốt cuộc đời, như Thánh Vịnh gia thân thưa: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.” (Tv 63:2) Ngay khi thức dậy, việc “dâng ngày” là điều rất cần thiết, phó thác mọi việc “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.” Bởi vì không có Ngài thì chắc chắn chúng ta chẳng làm nên trò trống gì, dù chỉ là chuyện nhỏ nhoi mà thôi. (Ga 15:5)
Nói đến sự khát thì liên quan nước, nói đến nước liên quan đời thường. Ngày nay, khi đi trên đường, chúng ta có thể thấy một số nhà để thùng “nước đá miễn phí” cho khách vãng lai có thể sử dụng. Dĩ nhiên chỉ có những người nghèo sử dụng, những người “sang” và “giàu” chẳng ai quan tâm. Thùng nước miễn phí chỉ là một hành động nhỏ nhoi nhưng lại mang tính nhân đạo. Cần lắm một tấm lòng, nhưng có thể chỉ để “gió cuốn đi” mà thôi – theo cách nói của cố NS Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Để Gió Cuốn Đi.” Sự đời quá phũ phàng!
Trên thế giới, rất nhiều nơi còn thiếu nước sạch để uống chứ chưa nói chi tới việc tắm rửa và giặt giũ. Thiếu nước khổ lắm! Vì thế, chúng ta phải biết tiết kiệm nước, đồng thời cũng nhắc chúng ta nhớ cầu nguyện cho những người vẫn đang khổ sở vì khát nước và… khát đủ thứ.
Lạy Thiên Chúa, xin giải khát chúng con bằng Nguồn Nước Hằng Sống, xin giúp chúng con nhận biết chính mình và có tầm nhìn yêu thương, để chúng con luôn tín thác vào Ngài và quyết tâm sống chứng nhân theo Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*