Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TRÁI TIM RUNG ĐỘNG VÌ YÊU

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU 2020

Thưa quý OBACE, trong bữa Tiệc Ly, thánh Gioan đã từng ngả đầu vào ngực Chúa Giêsu. Ông không chỉ nghe được nhịp đập của trái tim Chúa Giêsu, mà còn cảm nhận được sự thổn thức và dòng chảy tình yêu tuôn tràn từ trái tim đó. Vì thế, cả cuộc đời của Gioan không ngừng suy gẫm, chiêm niệm về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại và đã đưa ra một định nghĩa hết sức sâu sắc: Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại được diễn tả như tình yêu cháy bỏng của đôi nam nữ: có lúc tình yêu được diễn tả qua sự ân cần chu đáo của cha mẹ chăm lo cho con cái, và có lúc lại được trình bày một cách thân thiết chân thành như tình yêu của bạn hữu dành cho nhau.
Không biết từ bao giờ, hầu hết các dân tộc trên thế giới đều chọn trái tim làm biểu tượng của tình yêu thương. Mặc dù trong thực tế, tình yêu không phát xuất từ trái tim, nhưng phát xuất từ bộ não. Tuy nhiên mỗi khi bộ não phát ra tín hiệu yêu thương, thì trái tim là nơi cảm nhận và thể hiện cảm xúc yêu thương một cách nhanh chóng nhất. Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hay còn gọi là lễ Trái Tim Chúa Giêsu. Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng dùng biểu tượng trái tim để nói lên tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Vì Chúa Giêsu là vị Thiên Chúa đã đến thế gian làm người, để Ngài có thể yêu nhân loại theo cách thức của nhân loại và yêu nhân loại bằng chính trái tim của mình.
Hình ảnh Thiên Chúa như chàng trai phải lòng cô gái là Israel đã được Ezekiel nói đến và nhiều vị ngôn sứ khác như Hôsê đã từng mô tả. Sách Đệ Nhị Luật hôm nay cũng muốn dùng những từ ngữ và hình ảnh diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với Israel như tình yêu của đôi nam nữ. Nếu như tình yêu giữa một chàng trai và một cô gái trong lịch sử nhân loại đã dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện tình khiến cho người ta xúc động, thì Thiên Chúa cũng đã dệt nên câu chuyện tình độc đáo của Ngài với dân Israel. Ngài dành cho Israel một tình yêu nồng nàn say đắm, vượt qua những lý luận thông thường.
Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê đã nói với Israel rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, hoàn toàn là một tình yêu nhưng không. Thiên Chúa như một chàng trai đã đem lòng yêu thương Israel không phải vì Israel đáng yêu hay có công trạng gì, mà vì Thiên Chúa đã phải lòng và đã yêu, đã tự thề hứa thủy chung với Israel. Về phía dân Israel như một cô gái đã được trao cho chàng trai, được cưới hỏi và vì thế Israel sẽ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa: “Anh em là một dân đã được thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất làm dân thuộc quyền sở hữu của Ngài… là vì Thiên Chúa yêu thương anh em và giữ lời thề hứa với cha ông anh em”.
Vì Thiên Chúa đã cam kết với Israel như người chồng cam kết thủy chung với vợ, nên Ngài không thể bỏ rơi Israel. Trái lại, Ngài luôn đưa tay uy quyền để bảo vệ và giải thoát Israel như bảo vệ vợ con và gia đình mình. Thiên Chúa đã ra tay để giải thoát Israel ra khỏi đất Aicập, nuôi sống họ bằng manna, giải khát họ bằng mạch nước từ tảng đá, xua đuổi các dân tộc kẻ thù của họ và đưa họ vào đất hứa. Thiên Chúa được sách Đệ Nhị Luật diễn tả như một người chồng tận tụy lo toan cho gia đình và hết mình để bảo vệ gia đình của mình. Thiên Chúa chỉ chờ đợi một điều duy nhất đó là Israel phải trung thành với giao ước và tình yêu của Ngài.
Nếu như tình yêu đôi lứa là một hình ảnh đẹp diễn tả tình yêu của Thiên Chúa với Isarel, thì bài Tin Mừng hôm nay lại muốn trình bày tình yêu của Thiên Chúa như tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là một tình yêu trời bể, không thể cân đo hay đong đếm. Đó là tình yêu như dòng nước chỉ biết tuôn chảy một cách quảng đại dư tràn không hề tính toán. Những lời của Chúa Giêsu cho thấy tình yêu quảng đại nhưng không của Thiên Chúa như tình yêu của một người mẹ luôn mở rộng vòng tay cho con cái ngả vào: “Tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
Nếu như những bài hát nói về tình mẹ chúng ta thường nghe so sánh: Mẹ là giếng nước trong, cho con tìm về những khi nóng bức khát khô; mẹ là cánh đồng lúa, trải rộng tình yêu bao la; mẹ là gió mát trưa hè, mơn man ru con vào giấc ngủ… thì tất cả những hình ảnh thân thương đó cũng có thể được diễn tả và so sánh với tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Lời này cũng giống như lời mời gọi của cha mẹ dành cho con cái, luôn chờ đợi con cái đến với Ngài để được yêu thương vỗ về an ủi. Vì vòng tay cha mẹ luôn mãi là điểm tựa cho đời con, là nơi cho con cái khi mệt mỏi mong tìm về.
Chúa Giêsu cũng cho biết tình yêu Thiên Chúa dành cho con người là một món quà đặc biệt của Thiên Chúa, nhưng không phải tất cả mọi người có thể khám phá và đón nhận. Những kẻ khôn ngoan theo kiểu người đời sẽ không thể hiểu và không thể đón nhận được tình yêu này. Trái lại, chỉ nhưng tâm hồn bé mọn mới có thể đón nhận được mà thôi. Người có tâm hồn bé mọn là những người đơn sơ khiêm tốn, như trẻ nhỏ, không ngại ngần chạy đến với cha mẹ, lăn xả vào vòng tay cha mẹ để được cha mẹ bế ẵm, yêu thương. Người khôn ngoan theo kiểu thế gian là những người kiêu căng, cậy dựa vào sức mình, từ chối tình yêu thương của Thiên Chúa, sẽ không thể đón nhận được tình yêu này.
Trong bài đọc hai, Thánh Gioan cho thấy tình yêu khác với ích kỷ. Ích kỷ là người chỉ biết nghĩ đến bản thân, đặt bản thân mình lên trên và trước người khác. Người ích kỷ chỉ biết nhận mà không biết trao tặng, trái tim họ sẽ dần bị khô héo. Trái lại người có tình yêu thực sự luôn hướng tới người khác và luôn làm tất cả những điều tốt đẹp cho người khác. Vì thế, thánh Gioan nhắc cho chúng ta rằng, chúng ta đã đón nhận tình yêu từ Thiên Chúa, được Chúa yêu thương, chúng ta cần phải để cho dòng chảy yêu thương tiếp tục lan tràn đến với người khác. Thiên Chúa đã để tình yêu của Ngài tuôn tràn trên nhân loại qua công trình tạo dựng và cứu chuộc.
Thiên Chúa còn trao tặng cho ta chính Con Một của Ngài là Chúa Giêsu. Ngài đến để ở với chúng ta, yêu thương và nhất là hy sinh mạng sống để cứu chúng ta khỏi phải chết. Thiên Chúa thực hiện tất cả những điều ấy là vì yêu chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng phải sống đáp đền lại tình yêu của Thiên Chúa bằng việc sống hiếu thảo với Ngài, vâng theo những lời dạy bảo và ý muốn của Chúa, chu toàn bổn phận làm con đối với Chúa, để chúng ta càng được hạnh phúc hơn nữa. Đồng thời, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta không giữ riêng tình yêu cho mình, nhưng tiếp tục chia sẻ tình thương của Chúa cho những người chung quanh, vì tất cả là con của Chúa, tất cả đều được Chúa yêu thương.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Ngài ban cho con người có một trái tim biết yêu, có khả năng yêu thương. Vì thế khi càng sống yêu thương, chúng ta càng trở nên giống Thiên Chúa. Chúa muốn chúng ta mang lấy trái tim yêu thương của Chúa, để cũng có thể biết yêu như Chúa đã yêu, tức là dành cho Chúa một tình yêu tuyệt đối và dành cho anh chị em một tình yêu chân thành.
Chúa cũng không muốn chúng ta chỉ yêu anh chị em cách chung chung, nhưng là yêu những con người cụ thể bằng xương bằng thịt ở bên chúng ta. Trước hết là những người ở gần ta nhất, đó là ông bà, cha mẹ già trong gia đình. Chúng ta cần để cho trái tim mình biết chạnh thương để có thể cảm thông với tuổi già của các ngài và hết lòng yêu thương kính trọng. Chúng ta cần để trái tim mình không ngừng rung động trước vợ, chồng của mình để có thể trao cho nhau lòng thủy chung, sự tôn trọng và tình yêu nồng cháy như những ngày đầu. Chúng ta cần để trái tim của mình mở ra thật rộng để có thể yêu thương, tha thứ, cảm thông, đón nhận con cái và là nơi an toàn cho con cái khi chúng gặp những khó khăn trong cuộc sống.
Sau cùng, chúng ta cần xin Chúa cho chúng ta trái tim của Chúa để có thể yêu thương và tha thứ, cảm thông và quảng đại đón nhận tất cả những anh chị em chung quanh, những người ta thích và những người không thích ta, những người yêu và cả những người không yêu thương ta nữa. Xin cho chúng ta luôn nhìn họ như những anh chị em con cùng một Chúa để sẵn sàng bỏ qua những bất đồng bất hòa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*