Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

MỒNG HAI TẾT CANH TÝ 2020:

Thưa quý OBACE, ngày tết vẫn được coi là dịp Đoàn Viên, có nghĩa là ngày gia đình ông bà cha mẹ con cháu xum vầy để chào đón một năm mới và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành. Những gia đình vắng bóng cha, mẹ hay người thân trong dịp này thì coi như niềm vui chưa trọn vẹn. Tuy nhiên, ngày tết truyền thống của Việt Nam ngày nay đã mang màu sắc của tết hiện đại: Nhiều người không quan tâm đến việc xum họp gia đình, không coi là quan trọng, linh thiêng vào giờ phút giao thừa và sáng sớm mồng một tết. Việc thắp một nén hương tạ ơn trời đất vào đêm ba mươi được thay thế bằng bữa nhậu hoặc đưa nhau ra các tụ điểm ngoài phố; việc thắp hương cho tổ tiên ông bà bị thay thế bằng các chuyến du lịch xa nhà; việc chúc tuổi mừng xuân ông bà, họ hàng được thay thế bằng tiền hoặc vài tấm bánh cho qua lần… Nhịp sống của xã hội hiện đại và thực dụng đang dần lấy đi nét đẹp truyền thống của ngày tết cổ truyền Việt Nam.

Ngày Mồng Một Tết, Giáo Hội hướng chúng ta lên Thiên Chúa là chủ của thời gian, là Đấng cầm quyền sinh tử, tạo tác đất trời, là Thiên Phụ, để dâng lời tri ân cảm tạ vì tất cả bao điều tốt lành Thiên Chúa đã an bài xếp đặt cho chúng ta, đồng thời tin tưởng phó dâng Năm Mới cho Chúa. Hôm nay bước qua ngày Mồng Hai Tết, Giáo Hội nhắc chúng ta kính nhớ và bày tỏ lòng thảo hiếu kính trọng và biết ơn Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ những người còn sống cũng như đã qua đời. Các Ngài là là những người được cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành dưỡng dục mỗi chúng ta. Theo văn hoá Việt Nam, công sinh thành dưỡng dục là công ơn mà mọi người làm con đều phải ghi tâm khắc cốt và thể hiện bằng việc thờ cha kính mẹ, thảo hiếu biết ơn.

Con người chúng ta hơn hẳn các con vật vì chúng ta biết nghĩ đến cội nguồn, tổ tiên ông bà, vì nhờ các ngài mới có chúng ta ngày nay. Chúng ta mang nợ tổ tiên, ông bà, cha mẹ chính gen di truyền cùng dòng máu đang lưu chuyển trong huyết quản của chúng ta. Thiên Chúa đã cho các ngài được cộng tác với Thiên Chúa để sinh ra chúng ta trong tình yêu. Không chỉ đón nhận sự sống từ tổ tiên ông bà, cha mẹ, chúng ta còn đón nhận được cả truyền thống văn hoá đạo đức của các ngài như một gia sản. Sách Huấn Ca đã dùng những lời thật đẹp để dạy chúng ta về điều này: “Chúng ta hãy ca tụng những vị danh nhân cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không bị chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu, đó là lũ cháu đàn con.” Như thế, theo sách Huấn Ca, chúng ta có quyền tự hào về tổ tiên cha ông của chúng ta. Niềm tự hào về tổ tiên dòng họ không phải là những đám tang rềnh rang tốn kém, cũng không phải là xây dựng những lăng tẩm của dòng họ cho to, nhưng thể hiện qua việc phát huy những công đức các ngài để lại, nuôi dạy các thế hệ con cháu ngoan hiền, tài giỏi để làm cho danh thơm, tiếng tốt dòng dõi của cha ông ngày càng rạng rỡ.

Người Công Giáo khi đón nhận đức tin, không đánh mất truyền thống văn hoá của mình, cũng không làm phai mờ bổn phận thờ cha kính mẹ, nhưng được sự thúc đẩy, soi sáng của Tin Mừng để chu toàn các bổn phận thảo hiếu cách đúng đắn, trọn vẹn hơn và làm cho các giá trị văn hoá truyền thống được thăng hoa hơn. Sai lầm mà nhiều người mắc phải là khi tiếp cận với những giá trị mới, người ta có xu hướng đập bỏ, loại trừ các giá trị truyền thống, hoặc ngược lại là bảo thủ ôm giữ những cái cũ để loại trừ những giá trị mới tốt đẹp hơn. Ví dụ: có những người vì muốn thoái thác bổn phận thảo hiếu cúng giỗ ông bà cha mẹ, họ lấy lý do là chỉ thờ Chúa thôi để bỏ qua bổn phận này, ngược lại, có những người chỉ vì muốn giữ tập tục truyền thống mà từ chối đón nhận Tin Mừng.

Ngày xưa người Do Thái cũng rơi vào các hình thức cực đoan như vậy, tệ hơn nữa là họ muốn phô trương với mọi người về việc dâng cúng cho Thiên Chúa, nhưng lại bỏ qua việc chăm lo cho ông bà cha mẹ. Họ tìm kiếm danh dự, lời khen, được ghi tên là ân nhân lớn của đền thờ mà bỏ quên việc phụng dưỡng cha mẹ. Chúa Giêsu đã không chấp nhận lối sống giả hình, vô trách nhiệm đó, Ngài sẵn sàng chỉ cho thấy cái sai và sự mưu mô của của người Do Thái. Câu chuyện được Tin Mừng Matthew thuật lại: “Những người Biệt Phái và Kinh Sư tìm gặp Đức Giêsu và trách Ngài: Tại sao các môn đệ của ông vi phạm truyền thống của tiền nhân không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Truyền thống rửa tay của của người Do Thái giống như một nghi thức thanh tẩy của tôn giáo, chứ không phài là phép vệ sinh. Khi trách Chúa Giêsu như thế, họ coi Chúa Giêsu và các môn đệ là những người không giữ trọn lề luật. Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy: Những người Biệt Phái này chỉ chú trọng vào những điều tuỳ phụ mà bỏ qua điều chính yếu, Chúa muốn họ phải thanh tẩy tâm hồn hơn là thanh tẩy bên ngoài, phải điều chỉnh lại cuộc sống hơn là giữ những nghi thức vô hồn.

Chúa Giêsu chỉ cho thấy việc làm sai trái của họ: “Tại sao các ông lại dựa vào truyền thống mà bỏ qua giới răn Thiên Chúa? Thiên Chúa dạy: Hãy thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông lại bảo: Ai tuyên bố với cha mẹ: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều đã được dâng cho Chúa rồi. Người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.” Có lẽ lúc đó việc xây dựng đền thờ Giêrusalem đang còn giang dở, những Luật Sĩ, Biệt Phái, Thượng Tế đã bày ra luật này. Nhiều người Do Thái muốn chạy theo danh, muốn sống hình thức bên ngoài nên sẵn sàng tuyên bố sẽ dâng cúng toàn bộ tài sản cho đền thờ. Sau đó, các Luật Sĩ sẽ tuyên bố miễn trừ cho họ bổn phận phụng dưỡng cha mẹ. Chắc chắn đó không phải là luật Chúa và Thiên Chúa cũng không thể chấp nhận một của lễ được dâng lên để trốn tránh trách nhiệm, bất hiếu vô ơn với cha mẹ. Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu đã chỉ cho những người Biệt Phái thấy cái sai trầm trọng của họ: “Các ông không thể dựa vào truyền thống của các ông để huỷ bỏ lời Thiên Chúa dạy là phải thờ cha kính mẹ.”

Nhiều người ngày nay cũng đang vì danh dự hay vì lý do nào đó mà đối xử rất tệ với ông bà, cha me của mình. Có nhiều người vì thể diện, đẳng cấp đã sẵn sàng đãi bạn bè hết bữa này đến bữa khác, nhưng lại tính toán với ông bà cha mẹ từng đồng qua tấm bánh. Nhiều người rất ân cần, hào phóng với bạn hữu nhưng lại không mấy khi quan tâm đến ông bà cha mẹ già trong gia đình. Nhiều người khác xây được căn nhà đẹp nhưng không muốn cho bố mẹ già ở vì sợ bẩn nhà, sợ mùi khai khắm của người già. Có những gia đình đông anh em, họ tranh giành nhau từng đồng tiền, từng tấc đất của cha mẹ già, nhưng không ai muốn nhận nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ, họ gửi cha mẹ vào nhà nuôi người già. Có những người con ngày tết này không dành một lời hỏi thăm, không một lời chúc xuân đến cha mẹ già. Có nhiều cha mẹ già những ngày tết này chỉ trông mong con cháu về xum họp, nhưng nhiều người con lấy lý do bận rộn, đi du lịch hoặc đi nghỉ, để trốn tránh bổn phận tết lễ ông bà, cha mẹ. Như đã nói ở trên, thời buổi hiện đại đang làm mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam vào những dịp tết. Ngày tết cổ truyền không còn là ngày xum họp gia đình mà đã trở thành mùa du lịch mà thôi.

Ngày tết là ngày của gia đình, ngày của tình thân, ngày con cháu xum họp để bày tỏ lòng thảo hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Đây là một trong những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hoá rất phù hợp với Giới răn Thứ Bốn của Thiên Chúa: “Hãy thảo kính cha mẹ.” Cả năm chúng ta vất vả ngược xuôi vì công việc, những ngày tết này, hãy trở về với gia đình, dành thời gian ở bên ông bà, cha mẹ, dành hơi ấm cho gia đình và làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho ông bà và người thân của mình. Vì có thể giờ này tết năm sau các ngài đã không còn trên cõi đời này chăng! Cũng đừng quên dành những ngày tết thật ấm áp cho vợ, chồng, các con và gia đình mình; dành nhiều giờ bên nhau để trò chuyện tâm sự, vui cười, lắng nghe và thấu hiểu. Đừng để chuyện say sưa, cờ bạc, nóng nảy cướp đi bầu khí ấm áp của gia đình trong những ngày xuân.

Thư Êphêsô một lần nữa nhắc cho mỗi người: “Hỡi kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Thánh Phaolô cũng nhắc các bậc cha mẹ: “Đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.”

Xin Chúa chúc lành cho các gia đình, ban niềm vui sự bình an hạnh phúc xuống trên các gia đình chúng con trong Năm Mới canh tý này để các gia đình tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười. Xin cho mỗi người biết giữ gìn giá trị và nề nếp đạo đức cho gia đình, vì những giá trị đạo đức này sẽ là nền tảng giúp gia đình bền vững an vui. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*