Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CHÚA VỀ TRỜI VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN 2019:
Trong kho tàng văn học dân gian của Việt Nam có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc của các sắc tộc. Ví dụ như dân tộc vùng cao nguyên, tin rằng tổ tiên của họ phát xuất từ một con chim thần từ trời xuống. Một số dân tộc làm nông nghiệp tin rằng các vị thần nông từ trời xuống để chỉ cho dân cách trồng lúa. Người Việt có truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ là những vị tiên từ trời giáng trần làm người, kết hôn và sinh ra cái bọc trăm trứng, nở ra trăm con, hình thành nên các dân tộc Việt. Qua những câu chuyện này cho thấy trong thâm tâm con người luôn tin rằng, chúng ta có một nguồn gốc từ trời, từ thần linh và khát vọng sâu xa trong tâm hồn người Việt là sẽ có ngày được trở về với quê hương thần linh của mình.
Thưa quý OBACE, chỉ có những người duy vật, vô thần mới tin rằng tổ tiên họ là những con khỉ, con vật, còn tất cả những người dù chỉ có một chút lương tri thì cũng vẫn tin rằng con người chúng ta là thụ tạo vượt trội trên tất cả mọi loài mọi vật, vì con người có nguồn gốc cao quý hơn con vật, con người có nguồn gốc từ trời, từ thần linh.
Đối với Kitô giáo, niềm tin này được soi sáng bởi Kinh Thánh và được củng cố bởi mầu nhiệm Chúa Giêsu Lên Trời. Trong lời nguyện đầu lễ đã nhắc cho chúng ta những điểm giáo lý quan trọng: Chúa về trời không phải để lìa xa thế giới thụ tạo, nhưng Ngài đi trước để mở đường cho chúng ta là những kẻ tin vào Ngài cũng sẽ theo Ngài trở về quê trời. Sách Công Vụ đã thuật lại biến cố quan trọng này và cho thấy Chúa Giêsu như một người cha chu đáo sắp xếp mọi công việc cho con cái, tin tưởng trao phó cho các con mỗi người một nhiệm vụ trước khi đi xa. Ngài căn dặn các tông đồ đừng rời khỏi Giêrusalem, nhưng ở lại để chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, đó là một cuộc thanh tẩy, thanh luyện nhờ Thánh Thần.
Chúa Giêsu đã khẳng định rằng Chúa Thánh Thần vừa là Thiên Chúa vừa là Ơn, là Quà Tặng mà Ngài ban cho các tông đồ. Trước đó, các tông đồ vẫn mang trong mình suy nghĩ và cách sống của con người cũ, nên khi nghe Chúa Giêsu nói đến sức mạnh của Thánh Thần, các ông liên tưởng ngay đến sức mạnh quân sự hoặc chính trị. Các ông nghĩ rằng đã đến lúc Thầy mình được Chúa Cha chi viện để đứng lên khởi nghĩa, tái lập vương quốc Israel. Chúa Giêsu đã phải điều chỉnh lại suy nghĩ của các tông đồ và nói cho các ông biết rằng: Sức mạnh của Thánh Thần được ban tặng cho các ông để biến các ông thành các chiến sĩ của Tin Mừng chứ không phải thành tướng lãnh quân đội. Đó cũng chính là cuộc thanh tẩy, là một phép rửa đặc biệt mà các tông đồ phải trải qua; phải chấp nhận một cuộc lột xác hoàn toàn để nên những con người mới với tinh thần mới. Các ông sẽ được Thánh Thần chiếm hữu và thúc đẩy để lên đường rao truyền Tin Mừng, làm chứng nhân về cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Các ông sẽ phải ra đi không chỉ đến Samaria hoặc một vùng nào đó, mà là ra đi đến tận cùng trái đất, có nghĩa là một cuộc ra đi không ngừng nghỉ, không điểm dừng, không giới hạn.
Sau khi căn dặn các tông đồ và trao cho các ông sứ mạng làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất thì Chúa Giêsu được nhắc lên trời trước mặt các ông. Có đám mây bao phủ lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa. Với chi tiết này, Kinh Thánh cho thấy việc Chúa lên trời không phải là một cuộc chia tay vĩnh viễn, nhưng Chúa Giêsu được nhắc lên cao, và mây che phủ Người, tức là Người được Thiên Chúa nâng lên, được tôn vinh. Việc Chúa lên trời là Người thay đổi cách hiện diện. Người không hiện diện với các tông đồ và nhân loại bằng thân xác như trước đây, nhưng Ngài hiện diện bằng quyền năng của một vị Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha tôn vinh. Ngài vẫn hiên diện ở bên ta, nhưng vì mắt của chúng ta bị mây che phủ nên không nhận ra Ngài.
Tin Mừng hôm nay lặp lại những điều Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ. Chúa nhắc lại cho các ông về biến cố khổ nạn và phục sinh, đồng thời truyền cho các ông phải nhân danh Ngài rao giảng cho muôn dân, kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha tội. Chúa Giêsu cũng lặp lại lời hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ để gia tăng sức mạnh cho các ông. Sau cùng Chúa giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Tin Mừng Luca ghi lại thái độ của các tông đồ lúc đó: “Các ông bái lạy Người rồi trở lại Giêrusalem lòng đầy hoan hỷ và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Như vậy, lúc này đây, các tông đồ đã đi đến một đức tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu là Thiên Chúa. Các ông tin Thầy các ông không còn là vị Thầy như trước đây nữa mà là Đấng được Thiên Chúa tôn vinh là Đức Chúa. Các ông thể hiện lòng tin đó bằng thái độ quỳ gối bái lạy Người. Các tông đồ cũng không hề buồn bã khi phải chia tay với Thầy mình vì các ông tin rằng, Chúa Giêsu không bỏ rơi các ông, các ông chỉ bị mây che mắt khiến không nhìn thấy Ngài mà thôi. Vì thế, lòng các ông đầy tràn niềm vui hoan hỷ và các ông cùng nhau ca tụng Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài đã thực hiện nơi Chúa Giêsu – Thầy của các ông.
Sau này tác giả Thư Do Thái đã diễn tả niềm tin vào mầu nhiệm Chúa lên trời rằng: “Đức Kitô đã không vào một cung thánh do tay người phàm làm ra,…Nhưng Ngài đã bước vào chính cõi trời, để giờ đây đứng ra trước mặt Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta”. Như thế Chúa Giêsu về trời, Ngài trở về với địa vị và vinh quang của một vị Thiên Chúa, mà trước đây khi xuống thế làm người, vinh quang đó bị che phủ bởi sự giới hạn của con người. Nay trở về trời trong vinh quang sau khi đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha đã ủy thác, đã tôn vinh Người và trao phó mọi quyền bính trong tay Người. Vì thế, Người sẽ là Đấng bênh vực, bảo vệ chúng ta là em và là con của Ngài.
Chúa về trời để nhắc cho mỗi chúng ta luôn nhớ rằng quê hương đích thực của chúng ta là nước trời. Mỗi người chúng ta xuất hiện ở trần gian này là do quyền năng và tình thương của Thiên Chúa cùng với sự cộng tác của cha mẹ. Cuộc sống của mỗi người sẽ là một cuộc hành trình trở về với Thiên Chúa là cội nguồn và là hạnh phúc đích thực của con người. Vì thế, chúng ta không thể biến trần gian này thành cùng đích, không để những của cải vật chất và sự hấp dẫn của trần gian làm chúng ta xao nhãng hoặc lạc lối trên đường trở về; đàng khác không vì cùng đích nước trời mà sao nhãng bổn phận trần thế. Đây chính là thử thách cho sự trung thành của ta đối với Chúa.
Khi các tông đồ còn đưa mắt dõi theo Chúa về trời, thì có hai người đàn ông mặc áo trắng hiện ra nói với các ông: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời mãi như thế? Đấng lìa các ông mà lên trời cũng sẽ ngự đến như các ông thấy Người lên trời”. Các thiên thần muốn nói cho chúng ta rằng: Đức Giêsu chắc chắn sẽ trở lại trong vinh quang. Trong khi mong đợi Ngài trở lại, chúng ta không thể cứ mãi nhìn trời, mà trái lại phải trở về Giêrusalem, tức là trở về với cuộc sống thường ngày và sống chu toàn tốt bổn phận của mình.
Lời các thiên thần nói với những người Galilêa cũng là lời nhắn nhủ cho chúng ta hôm nay. Chúng ta tin vào Thiên Chúa và hạnh phúc nước trời mai sau, niềm tin này sẽ là niềm vui, là động lực giúp chúng ta sống vui, sống tốt, chu toàn bổn phận của mình trong tâm tình chờ đợi ngày Chúa Kitô trở lại. Trong khi chờ đợi Chúa, chúng ta phải có bổn phận làm cho gia đình, cộng đoàn và xã hội này ngày càng thêm tốt đẹp, để giúp cho mọi người nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu độ nhân loại. Sống trong sự chờ đợi ngày Chúa trở lại, chúng ta can đảm đón nhận những hy sinh thử thách và loại trừ khỏi mình những gì không phù hợp với Chúa Kitô và nước trời. Chúng ta còn phải gọt giũa bản thân mình theo những đòi hỏi của Tin Mừng, để khi Chúa đến, Chúa nhận ra chúng ta là những môn đệ của Chúa và Ngài sẽ đưa chúng ta vào nước trời với Chúa.
Xin cho niềm hy vọng vào nước trời sẽ là động lực thúc đẩy mỗi Kitô hữu sống gắn bó với Chúa và chung tay xây dựng gia đình, xóm làng và thế giới này nên tốt đẹp, để mai sau chúng ta được cùng nhau chung hưởng hạnh phúc nước trời với Chúa Giêsu. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*