Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

ÁNH SÁNG CHIẾU TỎA NƠI NGHÈO

TRẦM THIÊN THU

TỈNH THỨC MIỀN MÙA VỌNG CHỜ ĐỨC CHÚA

HÂN HOAN KHOẢNG GIÁNG SINH ĐÓN NGÔI LỜI  

Sắc màu Mùa Vọng tím rịm chuyển sang màu sắc Giáng Sinh xanh biếc. Cuộc đời có nhiều thứ đối nghịch hoặc trái ngược – ánh sáng và bóng tối, giàu sang và nghèo khó. Và nhiều thứ khác… Chúng không thể hòa hợp. Thế nhưng ánh sáng luôn mạnh hơn bóng tối: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:5); còn cái nghèo lại là mối phúc – “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3), và sự giàu có lại hóa mối lo – “Người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19:23; Mc 10:23; Lc 18:24).

Chắc chắn bóng tối không thể ở nơi nào có ánh sáng – dù ánh sáng chỉ le lói. Khoảng tối đen phải lùi xa khi ánh bình minh chiếu soi. Bóng tội lỗi đen thui phải biến mất khi Ánh Sáng Giáng Sinh xuất hiện. Một thực tế minh nhiên. Vâng, thật hạnh phúc vì hôm nay sự sáng chiếu giãi trên mọi người – cả tín nhân và người vô thần: “Ngôi Lời là ÁNH SÁNG THẬT, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1:9). Con Thiên Chúa đã giáng sinh vì chúng ta và cho chúng ta, đó là tặng phẩm cao quý nhất được ban tặng cho nhân loại.

Đêm xưa, giữa bóng đêm thăm thẳm, trong hơi sương giá rét, Ánh Sao Lạ đã xuất hiện làm dấu chứng để các mục đồng nhận biết nơi sinh của Đấng Cứu Độ. Ngày nay, chúng ta cũng thực sự hạnh phúc vì có Ánh Sao Lạ dẫn đường là Ánh Sáng Đức Tin. Nhờ đó, chúng ta nhận biết Hài Nhi Giêsu chính là Con Thiên Chúa, Đấng hóa thành nhục thể để ở với chúng ta và cứu độ chúng ta. Chính Ngài là Ánh Sáng Cứu Độ dẫn chúng ta về với Thiên Chúa Cha, đúng như Ngài đã xác định rằng không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Ngài (Ga 14:6). Thánh Tử Giêsu là độc đạo dẫn tới Nước Trời.

Và giờ đây, ngày hôm nay, niềm hạnh phúc đó đang tràn ngập khắp thế giới, từ đất tới trời, và đầy tràn trong tâm hồn những người thành tâm thiện chí. Niềm vui cứ ngồn ngộn khôn tả!

Khắp mọi nơi, niềm vui sướng vỡ òa như cơn bão lớn, nhưng các tín nhân được giáo dục nhân bản theo phương pháp của Trường Học Thầy Giêsu nên không hành động lố bịch và phi văn hóa theo kiểu “đi bão” của đám dân Việt Nam nhố nhăng thích thể hiện “bản lĩnh tồi” của họ – cứ lo vô địchđịch vô thì không lo!

Hân hoan khi Con Chúa giáng sinh là niềm vui lớn lao lắm, như ngôn sứ Isaia đã nói: “Đây là lời Đức Chúa loan truyền cho khắp cùng cõi đất: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới. Kìa phần thưởng của Người theo sát một bên, và thành tích đi ngay trước mặt. Chúng sẽ được gọi là dân-thánh, là những-người-được-Đức-Chúa-cứu-chuộc. Còn ngươi sẽ được gọi là cô-gái-đắt-chồng, là thành-không-bị-bỏ” (Is 62:11-12). Những người hạnh phúc đó chẳng ai xa lạ, bởi vì đó là chính chúng ta ngày nay. Thế thì làm sao chúng ta lại không vui sướng cho được. Thế nhưng có “điều lạ” là vào các dịp đại lễ của Công giáo – kể cả các cuộc hành hương, không bao giờ xảy ra điều bất trắc. Thiên Chúa luôn che chở những ai thành tín.

Nơi hang đá Belem hèn mọn và hôi tanh, nghèo quá đỗi, người ta thấy có một Hài Nhi nằm trên rơm, nhưng đó chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Emmanuel, Đấng ở cùng chúng nhân. Hãy tưng bừng thể hiện niềm vui đó và mời gọi muôn vật cùng đồng thanh tán dương: “Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!” (Tv 97:1). Chứng cớ không mơ hồ, vừa mặc nhiên vừa minh nhiên: “Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi dân được thấy vinh quang Người” (Tv 97:6). Không nhận ra Thiên Chúa qua vạn vật chỉ vì người ta cố chấp hoặc cố ý nhắm mắt làm ngơ mà thôi.

Và niềm vui cứ gia tăng, theo cấp số cộng rồi cấp số nhân, hạnh phúc trào dâng như triều cường giữa tháng: “Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính, niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ” (Tv 97:11-12). Vui mừng rồi phải biết tạ ơn. Rõ ràng tâm tình tạ ơn rất quan trọng, nhưng chúng ta lại thường quên – ưa phần trước, lướt phần sau. Niềm vui đó thấy rõ nét cả ở những người không tin Hài Nhi Giêsu là Con Thiên Chúa. Cuộc sống đời thường cho chúng ta thấy như vậy.

Niềm vui khởi đầu từ thuở ấu thơ, chính nhờ Ánh Sáng Đức Tin sáng soi từ khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành tín hữu – những người “có niềm tin”. Là tín hữu thì cũng có những bổn phận chung và riêng, đơn giản nhất là “sống đức tin” một cách cụ thể. Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ LÒNG NHÂN HẬU và LÒNG YÊU THƯƠNG của Người đối với nhân loại. KHÔNG PHẢI VÌ TỰ SỨC MÌNH CHÚNG TA ĐÃ LÀM NÊN NHỮNG VIỆC CÔNG CHÍNH, nhưng VÌ NGƯỜI THƯƠNG XÓT, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3:4-6). Chúng ta đang là “không” hóa thành “có”. Thật kỳ diệu, và đó là Hồng Ân Thiên Chúa!

Trong tầm nhìn thế gian, có thể chúng ta làm được những việc mà người ta cho là tài giỏi, thế nhưng cũng chỉ là “số không to lớn” đối với Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không có lý do gì để mà vênh vang tự đắc hoặc kiêu ngạo. Nếu chúng ta có làm được điều gì hơn người khác thì cũng là nhờ ơn Chúa, có tài năng gì thì cũng là để phục vụ tha nhân, và luôn phải nhớ kỹ rằng “được nhiều thì bị đòi lại nhiều” (x. Mt 25:14-30; Lc 19:12-27). Đừng tưởng được nhiều thì sướng đâu đấy! Thánh Phaolô kết luận: “Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3:7). Sự ngu xuẩn và thói hợm hĩnh của phàm nhân rất nguy hiểm: “Sự khác biệt giữa thiên tài và kẻ ngu dốt là ở chỗ thiên tài luôn có giới hạn” (Albert Einstein, 1879-1955), và sự trái ngược tương tự: “Kẻ ngu dốt luôn cho mình là thông thái, nhưng người thông thái lại biết mình là ngu dốt” (William Shakespeare, 1564-1616).

Chỉ vài câu ngắn gọn, trình thuật Lc 2:15-20 đề cập các nhân chứng sống đầu tiên về sự kiện Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Đó là các mục đồng – những người nghèo khổ và hèn mọn trong xã hội. Chúa giáng sinh trong một đêm tối tăm và giá lạnh, cuộc sống của dân nghèo cũng tối tăm và đơn lạnh. Chúa đến, trời tối Belem bỗng chói sáng, và Ánh Sáng Tin Mừng cũng chiếu soi khoảng đời tối tăm của dân nghèo.

Trời khuya. Giá lạnh. Vắng vẻ. Tĩnh lặng. Tưởng tượng như thế cũng thấy run rồi. Trong hoàn cảnh như vậy, chắc chắn con nhà nghèo không thể có đủ quần áo để giữ ấm, thậm chí có thể cũng chẳng có đồ ăn cho no bụng chứ nói chi đồ ăn ngon, nhưng các mục đồng vẫn ngủ say sau một ngày rong ruổi khắp nơi, họ mệt mỏi vì phải theo giữ đàn súc vật, đường xa, đồi núi hiểm trở, và họ phải ngủ lại nơi hang động. Khi các mục đồng đang ngon giấc thì chợt tỉnh giấc vì đất trời khác thường, tiếng động và ánh sáng bao trùm, lại có các thiên thần xuất hiện, ngạc nhiên hơn là nghe nói về điều lạ. Các mục đồng đơn sơ và thật thà nên cũng dễ tin, nhưng không phải là họ tin vô cớ. Tất cả đều xác thực. Ngày nay, người ta càng tìm hiểu thì người ta càng kinh ngạc về sự thật kỳ diệu mà Kinh Thánh đã cho biết từ ngàn xưa.

Và rồi ngay sau khi các thiên thần từ biệt họ để về trời, các mục đồng liền bảo nhau: “Nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2:15). Thế là họ liền kéo nhau đi, đi một cách hối hả lắm. Kinh Thánh dùng trạng từ “hối hả”, chứng tỏ họ đã tin nên mới đi ngay giữa đêm khuya, không so đo, không tính toán, không cần ngủ thêm nữa dù họ đang ngái ngủ vì dở giấc. Một bài học sống động về đức tin của các mục đồng – các nhân chứng thứ nhất. Điều đó khiến chúng ta phải tự xem lại đức tin của mình một cách nghiêm túc – đặc biệt là hôm nay và trong Mùa Giáng Sinh này.

Kinh Thánh không cho biết đường đi khoảng bao xa, nhưng các mục đồng đã đến đúng nơi có Ánh Sao Lạ tỏa sáng trên cao, họ trực tiếp gặp Hài Nhi nằm trong máng cỏ cùng với Cô Maria và Chú Giuse. Một gia đình quá nghèo, nói theo ngôn ngữ ngày nay là “nghèo rớt mồng tơi”. Te tua tơi tả thấy thương! Thế nhưng họ không hề nghi ngờ, nghĩa là họ vẫn tin, và tin ngay lập tức chứ không hề do dự chút nào. Thế mới kỳ lạ! Giả sử là chúng ta, liệu chúng ta có đủ tin như vậy? Có lẽ chưa chắc. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta yêu tha nhân, yêu cả kẻ thù, và làm điều gì cũng là làm cho Chúa, thế nhưng mấy ai thực sự nhìn thấy Chúa nơi những người nghèo khổ và hèn mọn mà hằng ngày chúng ta gặp? Thật không dễ, khó lắm! Nhưng ánh mắt đức tin của Mẹ Teresa Calcutta thật “sáng”, bởi vì Mẹ căn dặn các nữ tu: “Hãy phục vụ những người nghèo NHƯ phục vụ Đức Giêsu Kitô”. Ôi, lạy Chúa!

Thật tuyệt vời, vì các mục đồng không chỉ là chứng nhân về Con Thiên Chúa giáng sinh, là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, mà có thể nói rằng họ là những “thầy dạy” về Đức Tin đối với chúng ta. Họ nhãn tiền thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Biết Chúa rồi, họ không giữ cho riêng mình, mà họ chia sẻ Chúa với người khác. Đó là một cách sống đức ái.

Mà cũng thật lạ, khi nghe các mục đồng kể lại “chuyện lạ”, ai cũng ngạc nhiên, nhưng họ cũng tin ngay. Những người này cũng có Con Mắt Đức Tin kỳ diệu, họ tin lời các mục đồng thuật lại chứ không cho rằng các mục đồng thế này hoặc thế nọ, thường thì người ta không dám tin vì cho rằng dân nghèo ít học, dễ tin nhảm nhí, thế mà nghe kể thì họ tin, chứ không cần phải cân nhắc chi cả. Cả các mục đồng và những người nghe kể lại đều thấy lạ theo con mắt Đức Tin chứ không vì hiếu kỳ hoặc tò mò. Những bài học về Đức Tin thật đắt giá. Tất cả đều vô cùng lạ lùng!

Chưa hết, Thánh sử Luca còn cho biết thêm về “sự lạ” khác: “Còn Cô Maria thì hằng GHI NHỚ MỌI KỶ NIỆM ẤY, và SUY ĐI NGHĨ LẠI trong lòng”. Ghi nhớ và suy tư là hai động thái cần thiết, nhưng người ta lại thích hành động ngược lại. Im lặng và lắng nghe để Chúa Thánh Thần hành động, chứ không ba hoa chích chòe, nhiều chuyện như “bà Tám”. Một động thái không dễ chút nào!

Giả không thể thật, và thật không thể giả. Sự thật tỏ tường, các mục đồng ra về, vừa đi vừa TÔN VINH CA TỤNG THIÊN CHÚA, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được thiên thần nói cho họ biết. Cuộc đời nghèo khổ của họ đã khiến Thiên Chúa động lòng trắc ẩn mà ban cho họ niềm hạnh phúc khôn tả, những người khác không thể có được. Nghèo khó là nhân đức, là con đường dẫn tới Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Khoảng đời nghèo của họ không còn tối tăm nữa, mà từ nay hoàn toàn sáng sủa nhờ Ánh Sáng Chúa Giáng Sinh.

Vâng, từ đêm mầu nhiệm năm xưa đó, Ánh Sáng Giáng Sinh đã và đang chiếu tỏa khắp thế gian, vấn đề quan trọng là chúng ta vui mừng đón nhận hay lạnh lùng từ chối. Noël – Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Ngài chấp nhận nghèo khó để chúng con được hạnh phúc, xin giúp chúng con biết sống đúng tinh thần nghèo khó theo ý Ngài, xin giúp chúng con nhận ra Ngài hiện diện trong những con người hèn mọn giữa cuộc sống đời thường, đồng thời xin giúp chúng con biết mở rộng con tim và đôi tay để thực thi đức ái Ngài truyền dạy. Chúng con tạ ơn Ngài – Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Thánh Phụ, hiệp nhất với Thánh Linh, đến đời đời kiếp kiếp. Amen.


Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*