Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CHÚA NHẬT II MV C: HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Trong những tháng vừa qua trên báo Việt Nam đề cập đến hai con đường. Con đường thứ nhất tại Ninh Bình: Sau khi chủ tịch nước qua đời và có ý định đưa về quê chôn táng, tỉnh Ninh Bình đã huy động toàn quân đội, công nhân san ủi, làm cống, trải nhựa và bắt điện cho con đường từ đầu làng vào đến phần mộ. Con đường mấy trăm mét và gần một hecta đất mặt bằng được hoàn thành với thời gian kỷ lục là hai ngày. Con đường thứ hai là con đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với mức đầu tư 34 ngàn tỷ chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Sau khi bị phanh phui, giờ đây các nhà thầu sửa con đường này bằng phương pháp thủ công, thủng đâu vá đấy khiến con đường càng thêm lồi lõm.

Thưa quý OBACE, mỗi đầu năm phụng vụ, bước vào mùa vọng, Giáo Hội không ngừng lặp lại lời mời gọi : Hãy dọn đường cho Chúa, lấp đầy những chỗ gập ghềnh, chuẩn bị trang hoàng lại căn nhà tâm hồn để đón chờ một Mùa Hồng Ân mới. Chúng ta sẽ dọn con đường tâm hồn như thế nào?

Lời mời gọi hết sức tha thiết và cụ thể này đã được lấy lại từ lời tiên tri Baruc chúng ta vừa nghe. Khi ấy dân Do Thái đang sống trong cảnh tối tăm đau khổ vì bị làm nô lệ tại Babylon đã mấy chục năm. Nhiều người dường như đã rơi vào tuyệt vọng vì nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ rồi, ở quê nhà, đền thờ Giêrusalem đã bị hoang tàn, không còn phải là nơi Chúa ngự, cũng không còn là niềm tự hào cho cả dân tộc nữa. Giữa lúc cả thể xác và tinh thần của người Do Thái mòn mỏi như vậy, Thiên Chúa đã dùng tiên tri Baruc để khơi lên niềm hy vọng cho họ, Ngài hứa sẽ đưa họ trở về Giêrusalem với những lời lẽ đầy hân hoan phấn khởi: “Hỡi Giêrusalem hãy cởi bỏ áo tang chế và mặc lấy vinh quang vĩnh cửu mà Thiên Chúa ban cho…vì Thiên Chúa sẽ cho khắp hoàn cầu được thấy hào quang rực rỡ của ngươi”. Không những trả lại vinh quang danh dự cho Giêrusalem, Thiên Chúa còn hứa sẽ đổi tên cho Giêrusalem là “Bình an được xây dựng trên nền công chính”. Giêrusalem sẽ chỗi dậy như người mẹ giang tay đón các con từ muôn phương trở về trong niềm vui tươi hớn hở và chính Thiên Chúa sẽ dẫn đầu đoàn dân trở về.

Tuy nhiên, để cho cuộc trở về được an toàn và niềm vui được trọn vẹn, Thiên Chúa ra lệnh phải dọn đường cho phẳng, lấp đầy các thung lũng, bạt phẳng mọi núi đồi để Thiên Chúa và đoàn dân của Người sẽ bước đi trong an toàn và hoan lạc. Lời kêu gọi của tiên tri Baruc không chỉ nhắm vào những con đường bằng đất đá, nhưng là những con đường trong tâm hồn. Con đường này đã được tiên tri Isaia nói rõ hơn và Gioan Tiền Hô làm sáng tỏ qua chính đời sống và lời rao giảng của ông.

Thánh Luca đã đưa ra một cột mốc lịch sử, đánh dấu một thời đại mới, Thiên Chúa thực hiện lời hứa sẽ đến để quy tụ toàn dân Israel và nhân loại: Năm thứ mười lăm triều hoàng đế Tibêria, Philatô làm tổng trấn miền Duđêa, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê…Vào thời điểm đó, một nhân vật đã xuất hiện để kêu gọi mọi người chuẩn bị đón chào Đấng Cứu Thế. Nhân vật đó chính là Gioan Tiền Hô. Cuộc sống của ông đã là một “hiện tượng” đặc biệt cho dân chúng thời đó. Trong lúc mọi người chỉ quan tâm vào cuộc sống hưởng thụ và làm giàu, thì Gioan lại sống một cuộc sống khổ hạnh, nhiệm nhặt trong hoang địa; trong lúc mọi người ăn uống vui chơi buông thả, thì Gioan chỉ ăn châu chấu, uống mật ong rừng và mặc áo bằng da thú.

Cuộc sống của Gioan quả là khác thường, đặc biệt lời rao giảng và kêu gọi của ông đã tác động được đến nhiều người. Ông trở thành con người ứng nghiệm lời của Isaia, trở thành tiếng kêu từ trong hoang địa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Lời kêu gọi này quả là cấp bách, vì thời cứu độ của Thiên Chúa đã đến gần. Chỉ những ai dám chấp nhận lấp đầy những thung lũng trong tâm hồn, là thung lũng của sự ác và sự chết thì mới có thể đón được đấng là sự sống. Cần phải gạt bỏ khỏi mình những chỗ gập ghềnh gian dối, tội lỗi thì Thiên Chúa mới có thể bước vào tâm hồn chúng ta được.

Gioan Tiền Hô còn thể hiện là một con người khiêm nhường. Mặc dù lúc này, ông được nhiều người tin theo, họ coi ông như là đấng cứu thế, đấng Mêsia, nhưng Gioan không lạm dụng sự yêu mến của mọi người, cũng không ảo tưởng về thành công của mình. Ông biết tận dụng cơ hội khi mọi người tuôn đến với ông để nói về Đấng sẽ đến sau ông: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống để cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”. Gioan – một con người đang thành công như thế, lại dám nói về bản thân thật nhỏ bé và việc làm phép rửa của mình thật giới hạn. Ông cho mình không xứng đáng với việc cởi dây giày cho Đấng Cứu Thế và phép rửa của ông không thể sánh bằng phép rửa của Đấng Cứu Thế.

Cộng đoàn Philipphê ngày xưa đã thực hiện được lời mời gọi này, họ sống một cuộc sống thật ngay thẳng chân thành với Chúa và với anh em. Vì thế trong lá thư gửi cho cộng đoàn Philipphê hôm nay, thánh Phaolô tỏ ra hài lòng về những hoa trái trong đời sống đức tin mà cộng đoàn này đã đạt được: “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh chị em, vì từ buổi đầu đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm”. Thánh Phaolô không chỉ khuyến khích cộng đoàn Philipphê, mà còn cầu nguyện cho họ để họ biết chọn lựa cách sống đẹp lòng Chúa, cho lòng mến Chúa nơi họ được dồi dào và tình thương của họ đối với anh em được mặn nồng, sống tinh tuyền và kiên trì làm việc thiện.

Thưa quý OBACE, sống theo mẫu gương cộng đoàn Philipphê cũng chính là điều Giáo Hội đang kêu gọi và Thiên Chúa đang mong đợi nơi mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đoàn chúng ta.

Để được như thế, mỗi người cần phải tự vấn, uốn nắn lại con đường cuộc sống của mình. Có thể cuộc sống của chúng ta còn quá gập ghềnh bởi những sự gian dối, hình thức bên ngoài mà thiếu sự thành thật bên trong. Có thể con đường cuộc đời của mỗi người còn chứa đầy những sỏi đá của sự tham lam, gian dối, bất công, hoặc những núi cao của sự kiêu ngạo, kiêu hãnh, tự mãn về thành công thành quả của mình. Tất cả những gian dối quanh co đó cần phải san cho bằng, lấp cho phẳng. Có thể con đường trong tâm hồn của chúng ta đã quá chật hẹp bởi nhiều lo toan sự đời, cơm áo, công việc, khiến cho Chúa không thể bước vào linh hồn của ta được. Cũng có thể con đường tâm hồn của chúng ta lâu ngày không được dọn dẹp, sửa sang bởi bí tích Giải tội, để cho cây hoang cỏ dại um tùm, khiến chúng ta không nhìn thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời của mình. Cũng có thể con đường để Chúa bước vào tâm hồn của chúng ta đang bị lấn chiếm bởi những thứ không cần thiết cho linh hồn, bởi sự lười biếng, ươn hèn và những thú vui của xã hội, khiến Chúa không thể đến với ta.

Mỗi người không chỉ chuẩn bị cho bản thân, mà còn phải góp phần chuẩn bị cho gia đình và cộng đoàn của mình. Các cha mẹ phải chuẩn bị cho Chúa một chỗ ở trong gia đình mình. Chúa muốn thường xuyên thăm viếng và ở lại với gia đình. Vì thế đứng bỏ lỡ cơ hội cũng đừng từ chối mời Chúa vào nhà mình qua việc siêng rước lễ, qua các giờ kinh sớm tối, nhất là Chúa còn muốn cùng ăn bữa tối mỗi ngày với gia đình. Vì vậy, cha mẹ và con cái cố gắng sắp xếp cuộc sống gia đình ổn thỏa, giải tỏa những gì bận vướng cồng kềnh trong nhà, để cho Chúa hiện diện như là thượng khách trong nhà mình. Chúa là vị khách thường xuyên và còn là thành viên trong gia đình, Chúa sẽ làm cho gia đình mỗi ngày một êm ấm thuận hòa, Chúa sẽ giúp mỗi người biết cư xử với nhau cách tế nhị yêu thương hơn.

Xin Chúa giúp mỗi người, mỗi gia đình biết uốn nắn lại cách sống, chuẩn bị tâm hồn và gia đình mình thật tốt đẹp, ngay thẳng để đón Chúa đến thăm và Chúa sẽ đem niềm vui ơn cứu độ của Ngài cho mỗi người và cả gia đình. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*