Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

NÊN THÁNH LÀ LỜI MỜI GỌI CHO MỖI NGƯỜI

Lm. Giuser Đỗ Đức Trí

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Trong năm phụng vụ, mỗi ngày Giáo Hội đều kính nhớ một hoặc nhiều vị thánh như là gương mẫu tiêu biểu cho mọi tín hữu noi theo. Thực ra còn rất nhiều vị thánh có tên trong Sổ Các Thánh, nhưng không có ngày mừng kính riêng và còn có hàng ngàn hàng vạn vị thánh khác chưa một lần được nêu danh. Các thánh không phải là những con người xa lạ, mà là những người cha, người mẹ, là ông bà, là các bạn trẻ, là người láng giềng quanh ta; họ đã sống trọn vẹn ơn gọi làm người và làm con Chúa, hay nói đúng hơn, họ đã sống trọn vẹn ơn gọi nên thánh. Cách đây ít lâu, có một linh mục đã soạn ra một “kinh cầu cùng các thánh chưa được tôn phong” để nói về những con người này. Kinh này tuy không được đọc trong nhà thờ, nhưng cũng gợi lên cho ta nhiều suy nghĩ. Ví dụ kinh có những lời cầu cùng các thánh: Các thánh không hề khoe khoang khoác lác; Các thánh không giận hờn nói xấu; Các thánh không ghen tị nhỏ nhen; Các thánh sống hiền lành không chửi bới; Các thánh không hề điêu ngoa; Các thành trung tín thật thà; …vv.

Sách Khải Huyền chúng ta vừa nghe đã xác nhận những con người thánh thiện vô danh đó: “Họ là một đoàn người đông đảo không thể đếm được, thuộc mọi dân mọi nước, mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm cành thiên tuế”. Với hình ảnh đoàn người đông đảo mặc áo trắng như thế, Kinh Thánh cho thấy họ cũng là những con người như chúng ta và đã sống cùng chúng ta. Dù trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, các thánh vẫn giữ cho chiếc áo đức tin tinh trắng. Chiếc áo trắng này, chính là chiếc áo chúng ta lãnh nhận ngày lãnh Bí Tích Rửa Tội. Giáo hội trao cho chúng ta cùng với lời căn dặn: “Con hãy giữ nó tinh tuyền cho đến ngày ra trình diện Thiên Chúa”. Nói như thế, không có nghĩa là ai cũng có thể giữ chiếc áo không nhiễm bẩn từ ngày đầu cho đến ngày cuối, nhưng quan trọng hơn, là mỗi khi chiếc áo linh hồn bị nhiễm bẩn bởi tội, họ đã sẵn sàng giặt sạch nó nhờ Máu của Chúa Giêsu qua các bí tích của Hội Thánh. Sách Khải Huyền cũng cho thấy, chỉ những ai giữ được áo của mình trong trắng hoặc giặt tẩy áo mình nên trong trắng, thì mới được ra trình diện trước mặt Thiên Chúa.

Làm thế nào để sống ơn gọi nên thánh của mình? Có nhiều cách thức, nhiều con đường để nên thánh mà mỗi người có thể chọn cho hoàn cảnh của riêng mình. Ví dụ: Thánh Têrêsa Hài Đồng nên thánh bằng con đường thơ ấu; mẹ Têrêsa Calcutta nên thánh bằng việc phục vụ người nghèo; Thánh Phanxicô chọn con đường sống nghèo, Ông bà Luis Martin song thân của thánh Têrêsa nên thánh bằng việc chu toàn bổn phận giáo dục con cái…vv. Tất cả các con đường nên thánh đó, đều đặt trên nền của Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã công bố. Đó là những con đường dễ nhất để dẫn chúng ta nên thánh.

Trong Tông Huấn “Hãy Vui Mừng và Hân Hoan” được ban hành 19/3/2018, Đức Thánh cha Phanxicô đã giải thích con đường nên thánh qua các mối phúc này một cách rất gần gũi. Đức Thánh Cha cho biết: “Các đòi hỏi của các mối phúc nghe đơn giản, nhưng đòi chúng ta phải dám lội ngược dòng. Các mối phúc không hề dễ dãi hay hời hợt. Để thực hiện các mối phúc này chúng ta cần có sức mạnh của Thánh Thần giúp ta thoát khỏi sự yếu đuối, ích kỷ, tự mãn kiêu căng của mình”.

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Người giàu có thường cậy dựa vào của cải và để mình bị của cải chi phối. Người giàu có dễ bị rơi vào sự tự mãn đến nỗi không còn chỗ cho Lời của Thiên Chúa và cũng không còn chỗ cho tình yêu đối với anh chị em. Mối phúc đầu tiên mời gọi chúng ta dám sống tinh thần nghèo khó, tức là không để cho của cải làm chủ đời mình, là siêu thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất. Sự nghèo khó của Tin Mừng giúp ta đạt tới sự tự do và niềm vui thiêng liêng và sự bình an trong tâm hồn vì có Chúa làm mục đích của cuộc đời. Không chỉ có ý nghĩa tinh thần, mối phúc này còn mời gọi chúng ta dám sống nghèo khó, tức là dám sống một cuộc sống khổ hạnh, giản dị, không đua đòi khoe mẽ. Với cuộc sống như thế, chúng ta sẽ dễ dàng chia sẻ cuộc sống của mình với những người nghèo khổ theo gương Chúa Giêsu, Đấng tuy giàu có nhưng đã chấp nhận trở nên nghèo khó. Sống tinh thần nghèo khó của mối phúc thật còn là một đời sống khiêm nhường, hạ mình trước mắt Thiên chúa, hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, sẵn sàng để cho Thiên Chúa dẫn dắt cuộc đời mình theo gương Mẹ Maria. Sống tinh thần nghèo khó không phải là giả nghèo, nhưng là khiêm tốn trước mắt mọi người, không huyênh hoang khoác lác, không dùng tiền bạc để ức hiếp người khác nhưng dám sống quảng đại và chia sẻ với mọi người.

“Phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp”. Con người ngày nay bị thống trị bởi thói kiêu hãnh và hư danh, cho mình cái quyền đứng trên người khác. Trong khi đó, Tin Mừng mời gọi ta dám sống hiền lành, là con đường Đức Giêsu và các môn đệ đã sống. Sống hiền lành tức là không để mình rơi vào cao ngạo, nóng nảy trước người khác, nhưng biết nhìn nhận lỗi lầm và giới hạn của mình cũng như biết đối xử với người khác cách dịu dàng và hiền từ, kiên nhẫn và khoan dung. Tin Mừng mời gọi chúng ta sống hiền lành khoan dung với cả kẻ thù, với những người gây tổn thương xúc phạm đến ta như Chúa Giêsu đã sống. Có thể trước mắt người đời, sống hiền lành bị coi là nhu nhược, ngốc nghếc, khờ khạo, nhưng sống hiền lành là ta dám đặt trọn đời mình cho Chúa và trông cậy hoàn toàn nơi Chúa vì ai tin cậy nơi Chúa sẽ không bao giờ phải thất vọng.

Trong thế giới đầy dẫy những thú vui trần tục, các trò tiêu khiển của xã hội, chúng ta được mời gọi sống và suy gẫm mầu nhiệm đau khổ. Con người ngày nay tìm kiếm và khao khát của cải, lương thực, danh vọng, địa vị, quyền lực… Tin Mừng mời gọi chúng ta khao khát và tìm kiếm sự công chính, công lý theo đòi hỏi của Tin Mừng. Trong lúc con người ngày này dường như trở nên vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, Tin Mừng muốn chúng ta biết xót thương, chạnh thương trước những bất hạnh của anh chị em. Trong lúc con người và xã hội dường như đang cổ võ lối sống buông thả, chiều theo dục vọng bản năng, xác thịt, chúng ta được mời gọi sống trong sạch từ trong tư tưởng, lời nói và hành động…(65-87)

Như vậy để nên thánh, chúng ta có thể đi bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng chắc chắn để nên thánh sẽ không có con đường nào là dễ dãi không phải cố gắng. Chúng ta có thể nên thánh và sẽ phải nên thánh, vì nên thánh là ơn gọi và là mục tiêu cuối cùng của mỗi chúng ta. Không đạt được mục tiêu nên thánh, cuộc đời chúng ta sẽ thất bại. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Việc nên thánh là việc dành cho tôi và cho bạn. Để nên thánh không cần phải là giám mục hay linh mục, tu sĩ, mà tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh bằng việc sống yêu thương và chu toàn tốt đẹp bổn phận của mình, theo bậc sống của mình. Bạn sống đời thánh hiến ư? Hãy vui sống lời cam kết của bạn. Bạn đã kết hôn ư? Hãy sống yêu thương và chăm sóc cho chồng cho vợ như Đức Kitô yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Bạn đang làm việc kiếm sống ư? Hãy làm việc cách liêm chính và hết khả năng của mình để phục vụ anh chị em. Bạn đang là ông bà cha mẹ? Hãy kiên trì giáo dục con cháu cách thức bước theo Chúa Giêsu. Bạn đang có địa vị xã hội ư? Hãy hết mình phục vụ cho công ích, đừng tìm kiếm tư lợi”. (14)

Các bạn là người trẻ ư? Đừng sợ nên thánh. Sự thánh thiện không lấy đi năng lực, sức sống hay niềm vui của các bạn. Trái lại, bạn sẽ trở nên con người mà Chúa muốn khi tạo dựng nên bạn, Chúa sẽ giải thoát ta khỏi mọi hình thức nô lệ, giúp ta nhận ra phẩm giá cao quý của mình. Ngoài những phương thế là các Bí Tích và việc cầu nguyện, Đức Thánh cha chỉ ra một số những phẩm chất diễn tả sự thánh thiện của người trẻ trong thế giới hôm nay, đó là: “Kiên trì, nhẫn nại và hiền lành, đừng để mình bị rơi vào sự chán nản thất vọng, dễ bỏ cuộc, cũng đừng bị lôi kéo vào ngôn ngữ bạo lực trên internet; Sống vui tươi và có tinh thần hài hước không u sầu rụt rè; Bạo dạn và say mê vì tin rằng có Chúa luôn ở bên chúng ta trong mọi hoàn cảnh; Sống gắn bó với cộng đoàn là xứ đạo là gia đình, vì khi tách mình khỏi cộng đoàn chúng ta khó có thể chiến đấu chống lại các cám dỗ của ma quỷ. Sau cùng là hãy cầu nguyện liên lỉ, là mở lòng ra với Chúa, Chúa sẽ đổ đầy trong ta sự thánh thiện của Ngài và biến đổi chúng ta nên thánh”.

Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày sống là mỗi ngày cố gắng trên con đường nên thánh hơn. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*