Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

NGÀY ÔNG BÀ

TRẦM THIÊN THU (viết theo TimeAndDate.com và LegacyProject.org)

Ngày Ông Bà (Grandparents’ Day), cũng gọi là Ngày Liên Thế Hệ (Intergenerational Day), là ngày lễ được cử hành tại Hoa Kỳ từ năm 1978 và chính thức được công nhận tại nhiều quốc gia khác – ngày lễ thay đổi tùy năm (năm 2018 là ngày 9-9, năm 2019 là ngày 8-9, năm 2020 là ngày 13-9). Ngày Ông Bà cử hành vào Tháng Chín vì là Mùa Thu, với ý nghĩa “tuổi già là Mùa Thu của đời người”. Dĩ nhiên Ngày Ông Bà là ngày của cả ông bà Nội và ông bà Ngoại.

LỊCH SỬ

Nhiều người kính trọng ông bà bằng nhiều hoạt động như tặng quà, tặng thiệp,… Các cháu có thể mời ông bà tới trường học vào ngày đặc biệt nào đó. Nhiều trường có các hoạt động liên quan ông bà, chẳng hạn thi kể chuyện về ông bà.

Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 4 triệu tấm thiệp được tiêu thụ vào dịp cử hành Ngày Ông Bà. Đây là dịp tốt để giới trẻ bày tỏ lòng yêu thương đối với ông bà qua các hoạt động như gọi điện thăm hỏi hoặc mời ông bà đi ăn uống. Những người sống ở các nhà hưu dưỡng có thể được cháu chắt và người thân đến thăm.

Ngày Ông Bà có nguồn gốc khác nhau. Một số người cho rằng ngày đó do đề nghị của Michael Goldgar hồi thập niên 1970, sau khi ông thăm người dì ở nhà dưỡng lão Atlanta, ông dùng 11.000 USD để vận động cho Ngày Ông Bà được công nhận chính thức, ông tới Washington DC 17 lần trong vòng 7 năm để gặp các nhà lập hiến.

Một số người khác lại cho rằng Marian Lucille Herndon McQuade (1917-2008), một bà nội trợ ở miền Tây Virginia, là người khởi xướng Ngày Ông Bà. Thập niên 1970, McQuade cố gắng cho người ta biết về sự đóng góp quan trọng của người dân, sự đóng góp mà họ sẵn sàng làm nếu được yêu cầu. Bà cũng thúc giục người ta phụng dưỡng ông bà, không chỉ trong ngày này mà suốt cả đời.

Năm 1978, Tổng thống Jimmy Carter đã ký luật công nhận Ngày Ông Bà là ngày lễ quốc gia. Marian McQuade đã nhận được điện thoại từ Tòa Bạch Ốc đề cập sự kiện quan trọng này. Nhiều người tin rằng Ngày Ông Bà được gợi hứng từ nỗ lực của bà. Tổng thống tuyên bố ngày 6-9-1979 là ngày chính thức, và ấn định Ngày Ông Bà vào Chúa Nhật, 9-9-1979, Chúa Nhật đầu tiên của Tháng Chín sau Ngày Lao Động (Labor Day).

Ca khúc chính thức của Ngày Ông Bà là bài “A Song for Grandma And Grandpa” của Johnny Prill (*), và biểu tượng là hoa “forget-me-not” (hoa lưu ly). Tương tự các dịp lễ khác, mỗi dịp đều có những bài hát ngắn đặc trưng – chẳng hạn dịp Năm Mới có bài “Auld Lang Syne” hoặc dịp Giáng Sinh có bài “Grandma Got Run Over By a Reindeer”.

Tại Australia, bang Queensland cử hành Ngày Ông Bà vào Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Mười. Tại New South Wales, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào Chúa Nhật 30-10-2011, và được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật cuối cùng trong Tháng Mười. Còn tại Australian Capital Territory và Western Australia cử hành Ngày Ông Bà lần đầu tiên vào năm 2012.

Tại Canada, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên năm 1995, nhưng bị gián đoạn tới năm 2014 mới được cử hành lại. Theo ý kiến của nhiều người, Ngày Ông Bà nên được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Chín để giáo dục ý thức về gia đình trong việc phụng dưỡng ông bà, đồng thời cũng giáo dục về việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái.

Tại Estonia, Ngày Ông Bà (Vanavanemate Päev) được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Chín. Tại Pháp, Ngày Ông Bà (La Fête des Grands-Mères) được cử hành lần đầu tiên vào năm 1987 với nhãn hiệu cà phê Grand’Mère, và ấn định là Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Ba. Tại Anh, Ngày Ông Bà được cử hành vào năm 1990, và từ năm 2008 ấn định là Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Mười.

Tại Đức, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 2010, và ấn định là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Mười. Tại Tây Ban Nha, Ngày Ông Bà (Día del Abuelo) được cử hành vào ngày 26-7, lễ Thánh Gioakim và Thánh Anna – song thân của Đức Mẹ, ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Tại Ý, Ngày Ông Bà (Festa Nazionale dei Nonni) được cử hành lần đầu tiên vào năm 2005, và ấn định là ngày 2-10, lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh theo lịch Công giáo Rôma.

Tại Mexico, Ngày Ông Bà (tiếng Tây Ban Nha: Día del Abuelo) được cử hành vào ngày 28-8. Tại Ba Lan, Ngày của Bà (Dzień Babci) được tạp chí Kobieta i Życie giới thiệu vào năm 1964, và từ năm 1965, Ngày của Bà được cử hành vào ngày 21-1, và sau đó là Ngày của Ông (Dzień Dziadka) được cử hành vào ngày 22-1. Tại Nam Sudan, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 2013, và ấn định là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Mười Một.

Tại Singapore, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 1979, và được ấn định là Chúa Nhật thứ tư trong Tháng Mười Một. Tại Hong Kong, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 1990, và ấn định là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Mười. Tại Đài Loan, Ngày Ông Bà (祖父母節, Zǔfùmǔ Jié) được cử hành lần đầu tiên vào ngày 29-8-2010, và ấn định là Chúa Nhật cuối cùng trong Tháng Tám, ngay trước khi các cháu bắt đầu học kỳ mới.

MỤC ĐÍCH

Tại Hoa Kỳ, Ngày Ông Bà là Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Chín – sau Ngày Lao Động. Ngày này được thành lập không phải để bán thiệp và hoa, mà là để khơi dậy lòng kính trọng và yêu mến ông bà – cha mẹ của cha mẹ mình. Người đề xướng là bà Marian Lucille Herndon McQuade. Chồng bà là ông Joseph L. McQuade cũng ủng hộ bà. Họ có 15 người con, 43 người cháu, 10 người chắt, và 1 người chút. Bà McQuade qua đời ngày 26-9-2008, sau 60 năm hôn nhân.

Có ba mục đích đối với Ngày Ông Bà:

1. Thể hiện lòng kính trọng ông bà.

2. Tạo cơ hội để ông bà thể hiện yêu thương với cháu chắt.

3. Giúp cháu chắt nhận biết sức mạnh, thông tin và sự hướng dẫn quý báu từ những người lớn tuổi.

Bà McQuade muốn rằng Ngày Ông Bà là ngày của các gia đình. Bà nghĩ tới các gia đình tận hưởng những cuộc họp mặt, đoàn tụ, hoặc cùng nhau tham gia các sự kiện của cộng đồng.

Về phương diện xã hội, Ngày Ông Bà cho chúng ta cơ hội xác định sự đồng nhất và tầm quan trọng của ông bà, những người giữ vai trò chính trong gia đình. Đó cũng là ngày dấn thân, quên mình, chia sẻ niềm hy vọng, ước mơ, và các giá trị khác, đồng thời cũng nêu gương và tư vấn cho thế hệ tương lai.

Bà McQuade khiêm nhường nhận mình chỉ là người nội trợ, nhưng công việc của bà đáng trân trọng vì đã không ngừng nỗ lực làm cho Ngày Ông Bà được xã hội công nhận. Bà dành nhiều thời gian tư vấn cho những người lớn tuổi. Năm 1971, bà được bầu làm phó chủ tịch Ủy Ban Người Già của vùng Tây Virginia, và được ủy thác làm người đại diện tại Hội Nghị về Người Già của Tòa Bạch Ốc. Năm 1972, nỗ lực của bà McQuade được Tổng thống Richard Nixon tuyên bố là Ngày Ở Nhà Toàn Quốc (National Shut-in Day). Bà còn là chủ tịch Tổ chức Phục hồi Hướng nghiệp, phó chủ tịch Cơ quan Y tế Tây Virginia, thành viên lãnh đạo Nhà Dưỡng Lão, và liên quan nhiều hoạt động khác.

Lailah Rice, một người cháu của bà McQuade, nhắn nhủ trẻ em ngày nay: “Các cháu có thể học hỏi nhiều từ ông bà hơn mình tưởng – đó không chỉ là công việc trong gia đình”.

Ngày Ông Bà là “gạch nối” quan trọng trong gia đình, với mối quan hệ liên thế hệ. Ngày nay, nhiều trường học và các nhóm cộng đồng cử hành Ngày Ông Bà vào bất cứ thời gian nào trong năm, với minh định là liên kết gia đình và cộng đồng. Cháu chắt có cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà – những người đã sinh ra cha mẹ mình, đồng thời cũng là dịp để ông bà cảm thấy cuộc đời của mình không vô nghĩa và được quý mến.

Tuổi già bắt đầu từ tuổi trẻ. Hỡi các cháu chắt, hãy luôn chân thành yêu quý ông bà, đặc biệt là Ngày Ông Bà!

TUỔI GIÀ TRONG KINH THÁNH

Kinh Thánh không đề cập ông bà một cách rõ ràng, nhưng có nói tới tuổi già, người già, cao niên và trường thọ – đó là ngụ ý nói tới ông bà, tiền nhân của chúng ta. Ông bà là những người mà chúng ta gọi là “lớn tuổi”. Họ đã trải qua tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi trung niên, chắc chắn họ dày dạn kinh nghiệm và cũng tích lũy được nhiều điều khôn ngoan. Con cháu hãy lắng nghe họ, đừng làm cho họ tủi thân!

Là con người, ai cũng có cha mẹ, và tất nhiên là ai cũng có ông bà nội – ngoại (nội tổ phụ và nội tổ mẫu, ngoại tổ phụ và ngoại tổ mẫu). Đối với con cháu, chữ hiếu không chỉ dành cho cha mẹ mà cho cả ông bà nội – ngoại. Đừng “cân-đo-đong-đếm” mà coi trọng bên nào hơn bên nào, thử hỏi không có bên này thì làm sao có bên kia?

Kinh Thánh dạy hậu duệ phải kính trọng người già, dù họ không phải là ông bà của mình: “Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên, ngươi phải kính trọng người già cả: như vậy là ngươi kính sợ Thiên Chúa của ngươi” (Lv 19:32). Đó là cách cư xử của người có giáo dưỡng, dù người đó có niềm tin tôn giáo hay không. Kinh Thánh không nói xa hay nói gần, mà nói cụ thể về hành trình con người: “Đừng khinh dể người đã cao niên, vì đến lượt chúng ta rồi cũng già hết cả” (Hc 8:6).

Kinh nghiệm và khôn ngoan có liên quan lẫn nhau. Cuộc sống rất cần hai thứ đó để có thể “sống khôn”. Và như tiền nhân nói, có sống khôn mới có thể chết thiêng. Kinh nghiệm và khôn ngoan có thể do mình tích lũy, nhưng có lẽ phần lớn do “vốn liếng” của tiền nhân. Thế nên Kinh Thánh khuyên: “Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp” (Hc 8:9).

Đối với con cháu, đừng tưởng được học hành ba chữ rồi tự cho mình là giỏi giang mà coi thường người khác, cũng đừng tưởng mình văn minh tiến bộ hơn ông bà vì mình sử dụng các apps, nhanh nhẹn lướt internet,… Tất nhiên là tre già thì măng mọc, nhưng 70 chưa chắc đã khôn hơn 71. Cái túi khôn của ông bà luôn quý giá, chưa chắc giới trẻ đã học hết. Kinh Thánh xác định: “Người cao niên phán đoán, bậc lão thành chỉ bảo, thật đẹp đẽ biết bao! Sự khôn ngoan của các vị bô lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân thật đẹp đẽ chừng nào! Giàu kinh nghiệm là triều thiên cho hàng bô lão, lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện của các ngài” (Hc 25:4-6).

Tôn trọng tha nhân là tôn trọng Thiên Chúa. Với mọi người còn phải cư xử như vậy huống chi đối với ông bà, tiền nhân của mình. Và cái gì cũng có hệ lụy tất yếu của nó: “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ được trường thọ, còn tuổi đời đứa ác bị rút ngắn đi” (Cn 10:27). Và Kinh Thánh cho biết một hệ lụy khác: “Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và an khang trường thọ” (Hc 1:12).

Người già rất dễ tủi thân, mặc cảm mình là “người thừa”, thế nên con cháu cần tế nhị và khôn khéo trong cách cư xử. Ông bà là những người dày dạn kinh nghiệm làm cha mẹ, luôn sống cho con cái mà quên bản thân mình. Họ yêu thương con cái thế nào thì họ cũng yêu thương cháu chắt như vậy, sợi dây máu mủ ruột rà không thể chia lìa. Vả lại, “triều thiên của người già là đàn con cháu” (Cn 17:6a).

Tuổi già gắn liền với kinh nghiệm và sự khôn ngoan, mà khôn ngoan là một nhân đức. Thật vậy, Kinh Thánh xác định: “Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không bảo vật nào của con so sánh nổi. Bên hữu khôn ngoan là trường thọ, bên tả là danh giá giàu sang” (Kn 3:15-16).

Một lần nữa, chúng ta cùng tự nhủ và động viên nhau: “Hãy luôn chân thành yêu quý ông bà, đặc biệt là Ngày Ông Bà!”. Đó là niềm vui của chúng ta, đồng thời cũng là bổn phận và trách nhiệm. Hãy là hiếu tử chứ đừng bao giờ là nghịch tử đối với cha mẹ, cũng hãy là hiếu tôn chứ đừng bao giờ là nghịch tôn đối với ông bà!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống trọng chữ hiếu, và xin chúc lành cho ông bà của chúng con. Amen.


(*) A SONG FOR GRANDMA AND GRANDPA [ https://www.youtube.com/watch?v=KjAECeBqM3s ]

CHORUS: Oh Grandma, Grandpa, you know that I love you – I love all those little things that you say and do – A walk through the park, a trip to the zoo – Oh Grandma, Grandpa I love you.

VERSE 1: Going to a ball game, fishing on the lake – Eating Grandma’s cookies, boy they sure taste great – Going to the circus when it comes to town – Eating cotton candy and laughing at the clowns.

CHORUS: Oh Grandma, Grandpa, you know that I love you – I love all those little things that you say and do – A hug and a kiss, a ride home from school – Oh Grandma, Grandpa I love you.

VERSE 2: Spending time together, talking on the phone – Happy birthday presents, chocolate ice cream cones – Photographs and memories, picnics and parades – Saying that you love me in so many ways.

CHORUS: Oh Grandma, Grandpa, you know that I love you – I love all those little things that you say and do – The stories you tell, things I never knew – Oh Grandma, Grandpa I love you.

[Đăng báo ĐMHCG số 385, tháng 9-2018, DCCT xuất bản tại Hoa Kỳ]

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*